Chúa Nhật Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ – Năm C
Chúa Kitô Vua vũ trụ
Lm. Giuse Trần Văn Hàm
Người ta nói nhiều về người trộm biết ăn năn, thậm chí ở nhiều nước đạo gốc có nơi còn thờ một vị thánh. Được gọi bằng những tên khác nhau như Dismas, Demas, Dumachus. Có một chuyện kể hắn là một thứ Robin Hood của Do-thái, ăn trộm của người giàu để phân phát cho người nghèo. Có chuyện rất đáng yêu kể rằng khi Chúa Giê-su còn nhỏ được gia đình đem sang Ai-cập, dọc đường bị một bọn cướp tấn công. Một thanh niên là con của thủ lãnh bọn cướp thấy con trẻ Giê-su dễ thương quá nên hắn không nỡ ra tay, hắn tha Ngài và nói : “Hỡi con trẻ rất có phước, nếu sau này có dịp nào để thương xót tôi, thì hãy nhớ đến tôi, đừng quên giây phút này nhé !” Tên cướp đó là kẻ đã cứu Chúa Giê-su khi còn nhỏ đã gặp Ngài trên thập giá tại đồi Gôn-gô-tha, lần này thì Chúa Giê-su đã cứu anh ta.
Câu chuyện thực hư thế nào không ai được rõ nhưng điều rõ rệt ấy là quang cảnh đóng đinh này đã thực hiện điều mà trước đây cả bảy trăm năm I-sai-a đã tuyên sấm : “Ngài đã hiến thân chịu chết và bị liệt vào hàng phạm nhân.” (53,12). Mà chẳng những trong hàng phạm nhân mà thôi, nhưng theo vị trí xếp đặt, Ngài được coi là phạm nhân hạng nặng, đứng đầu trong bọn đầu trộm đuôi cướp nữa, nếu hai tử tội đứng bên cạnh Ngài đúng là những tên trộm cướp. Không biết ai đã bày ra cái trò này, xếp đặt thập giá của Ngài ở giữa hai tên cướp. Nếu là Phi-la-tô thì quả ông quan xâm lược này muốn làm tăng vẻ khôi hài của bản án mà ông treo trên đầu “Vua Do-thái”, cũng có thể do bọn đầu mục Do-thái, theo dõi kẻ thù đến đỉnh núi Sọ, mua chuộc bọn lính sắp đặt để tăng sỉ nhục cho nạn nhân, hay có lẽ là chính bọn lính sắp đặt như vậy vì hiển nhiên Ngài là tử tội đáng chú ý hơn cả trong bọn. Sự thật ấy là có một cái gì hiểm độc trong hành động này về phía loài người. Thế nhưng, điều ti tiện trước mặt người đời, lại cao sang trước mặt Thiên Chúa. điều mà lòng độc ác của loài người bêu xấu Ngài, thì lại tôn vinh Ngài trước mặt Thiên Chúa. Vì thế, vị trí của Ngài giữa hai tên trộm cướp đúng là địa vị của Ngài. Từ lâu Ngài được gán cho danh hiệu “bạn của người thâu thuế và phường tội lỗi.” (Mt 11,19). Giờ đây, qua hành động đóng đinh Ngài giữa hai người trộm cướp, ý tưởng ấy được thực hiện cách rõ rệt nhất. Chúa Giê-su đã đến thế gian để tự hòa mình vào đám tội nhân, Ngài đã chịu chung số phận của họ, Ngài đã sống giữa họ, và thật là thích hợp Ngài đã chết giữa họ. Cho đến lúc này, Ngài đang ở giữa họ. Và thái độ kỳ lạ của những người đã bị treo hai bên Ngài, là một thực hiện và và là một báo hiệu. Thực hiện điều cụ Si-mê-on nói về Chúa Giê-su trong Đền Thờ : “Con trẻ này có mệnh làm cho nhiều người trong dân vấp ngã trong khi nhiều người được giải cứu.” (Lc 2,34), và báo hiệu điều sẽ xảy ra luôn luôn sau này, một số người tin nhận Ngài và được cứu, trong lúc một số khác không tin. Lịch sử loài người luôn luôn như thế, Tin Mừng sẽ đem lại sự sống cho nhiều người, và cũng đem lại án phạt cho nhiều người. Tình trạng ấy sẽ kéo dài cho đến ngày tận cùng, Ngài sẽ ở giữa họ, kẻ ăn năn đứng một bên phải, bên trái Ngài là những kẻ không ăn năn. Mát-thêu và Lu-ca đều ghi lại : Cả những kẻ bị đóng đinh với Ngài cũng xỉ nhục Ngài, Lu-ca ghi rõ hơn : Kẻ bên trái mắng nhiếc, kẻ bên phải ăn năn. Có thể lúc đầu hắn cũng hùa theo tên bạn rồi sau mới tỉnh ngộ. Nếu thế, thì đây không phải lần đầu tiên, hắn ta bị lôi cuốn vào vòng tội lỗi, có lẽ tên đồng bạn này từ lâu vốn là ác quỷ bên cạnh hắn, đã phá đổ cuộc đời hắn, và cuối cùng đưa hắn vào kết thúc nhục nhã này. Một con người, mà cuộc đời đã đến chỗ sắp tàn như thế, mà lại còn đi mắng nhiếc người đồng cảnh ngộ, thì hèn hạ không biết chừng nào ! Đau quá hóa điên, làm liều tất cả để tạm quên những đau đớn của mình, y như một con vật mắc bẫy cắn bất cứ cái gì nó gặp … Đó là tình trạng của tên cướp không chịu ăn năn ! Còn tên kia thì kinh hãi lùi xa bạn, chính tội ác ấy đến mức lằn tối đã khựng lại và quay ngược lại. Lần đầu tiên trong đời, hắn nhận thức được con người thực của hắn : hèn hạ xấu xa. Ý thức ấy hắn có được, là nhờ nét tương phản với vẻ mặt bình tĩnh của Đức Giê-su. Đã từ lâu, tên bạn tàn bạo kia vẫn là lý tưởng của hắn, thế nhưng, giờ đây đối chiếu với thái độ bình tĩnh chịu đựng của Đức Giê-su, sự hung bạo kia chỉ là thấp hèn. Để giải thích sự ăn năn đột ngột này, có người cho rằng tên cướp này đã gặp Đức Giê-su rồi, chắc chắn là hắn đã nghe Ngài cầu xin tha thứ cho kẻ thù, đã thấy thái độ của Ngài trên đường dẫn tới Núi Sọ, được nghe lời Ngài nói với nhóm phụ nữ thương hại Ngài. Rồi, chính những tiếng nhục mạ của kẻ thù đứng dưới chân thập giá ném vào Ngài những danh hiệu mà Ngài tự xưng hay bị ghép cho, giúp hắn nhận ra Chúa Giê-su là ai ! Có thể, hắn còn được chứng kiến, hay nghe được vụ xử của Ngài trước tòa Phi-la-tô … Còn lùi xa hơn nữa thì quả chúng ta không có bằng chứng chắc chắn. Hắn được nghe Ngài giảng chưa, đã được thấy phép lạ nào của Ngài chưa ? Hắn đã biết được gì về vương quốc mà hắn đã cầu xin với Ngài không ? Dầu sao đi nữa, thì lúc này, lòng hắn cũng tràn ngập đau đớn hối hận vì tội lỗi, và tràn đầy tin yêu, nên chỉ cần một tàn lửa phát xuất từ thánh giá Chúa Cứu Thế, cũng đủ làm cho đức tin bùng lên. Lòng ăn năn được biểu lộ qua câu nói với đồng bạn : “Mày không sợ Thiên Chúa sao ?” Chắc hẳn, trước đây hắn đã quên Chúa, dẹp Ngài qua một bên trong suốt thời gian tội lỗi, nhưng giờ đây Chúa đang ở gần, và trong ánh sáng của Ngài, hắn đang nhìn ra tình trạng tội lỗi của mình. Hắn công khai thú nhận, chẳng những trong lòng, mà còn bằng lời nói. Như vậy là vứt bỏ dĩ vãng, quá khứ tội lỗi, mà còn cắt đứt liên hệ với tên cướp không chịu ăn năn. Lại nữa, nhìn lại cuộc đời đã qua, hắn thấy đã bị nhơ nhuốc vì những hành động mà hắn biết rằng chỉ có cái chết là hình phạt xứng đáng. Kẻ thống hối sợ đến với Chúa là chuyện rất bình thường, vì nghĩ rằng tội họ quá lớn không thể tha thứ được. Thế nhưng, trường hợp của tên cướp ăn năn, là một bảo đảm rằng Chúa ban đầy đủ ơn tha thứ cho những người như thế. “Máu Chúa Giê-su Con Thiên Chúa, rửa sạch tất cả mọi tội lỗi chúng ta.” (1 Ga 11,7) “Lạy Chúa, khi nào về nước Chúa, xin nhớ đến con.” Câu nói thật đơn sơ và khiêm nhường, nhưng biểu lộ rõ ràng niềm tin nơi Chúa ; tất cả điều dám mơ ước là Chúa nhớ đến anh ta khi về nước Ngài. Chúa Cứu Thế được nhận biết giữa những tiếng kêu gào của đám quần chúng bị sách động, giữa những tiếng kêu than ai oán vì tội ác, giữa những tiếng cuồng loạn của đám người chống đối. Thiên Chúa chỉ nghe thấy có một tiếng vang lên để ca tụng Ngài, đó là tiếng kêu của một tên trộm bị đóng đinh. Giữa lúc, những kẻ trước đây cuồng nhiệt tung hô nay lại phản đối Ngài, giữa lúc đám môn đệ thề quyết trung tín bỏ trốn hết, thì một mình tên trộm lên tiếng bênh vực Ngài. Nếu thiếu niên con của góa phụ thành Na-im, được cải tử hoàn sinh, lên tiếng tin vào quyền năng của Đấng xem ra mất hết quyền đế vương, nếu Phê-rô đã từng chứng kiến Chúa biến hình trên núi, nếu anh mù thành Giê-ri-khô đứng lên công nhận thần tính nơi Ngài … chúng ta không ngạc nhiên. Phải, nếu một trong những người trước đây đã hưởng ân huệ của Chúa lên tiếng, có lẽ các môn đệ nhát sợ lấy lại can đảm, đám dân vô tâm sẽ tỉnh ngộ, bọn ký lục và biệt phái sẽ tin theo … Nhưng giữa lúc cái chết gần kề, giữa lúc Chúa Cứu Thế như hoàn toàn thất bại trước mặt người trần (ngoài ba người đứng dưới chân thập giá), chỉ có một người lên tiếng tin nhận Ngài, đó lại là tên trộm bị đóng đinh. Anh thấy cây thập giá nhưng tôn thờ như ngai vua cả, thấy người bị đóng đinh nhưng kêu cầu như Chúa Tể, thấy sự sống trong cõi chết, vinh quang trong nhục nhã … “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi.”
Có thể đây là lần đầu tiên tên trộm cầu nguyện và có lẽ cũng là lần cuối cùng, dầu vậy Đấng đã được tiên báo “Không bẻ đứt cây sậy dập gẫy, không tắt hẳn tim đèn còn khói” (Mt 12,20), lại không đáp ứng lại một niềm tin như vậy sao ? “Người nào đến với Ta, chẳng bao giờ bị Ta xua đuổi.” (Ga 6,37). Chúa Giê-su đã giữ lời và còn giữ hơn cả điều người ta trông đợi. Minh chứng của tên trộm là một chiến thắng vĩ đại của Chúa Giê-su, và Ngài đã dùng nghị lực mạnh mẽ hơn khi chế ngự thiên nhiên, Ngài mất sự sống nhưng cứu một linh hồn, tay Ngài bị đóng chặt vào thập giá vẫn có thể mở được cửa trời. Trong khi nhà cầm quyền Giê-ru-sa-lem không thể làm Ngài rời khỏi thập giá, trong lúc mọi tố cáo bất công không thắng được sự yên lặng của Ngài, trong lúc những lời gào thét “Nó đã cứu được người khác, mà không cứu nổi mình” không làm Ngài hé môi … Ngài nghiêng đầu về người yếu đuối cạnh Ngài, Ngài nói và cứu một tên trộm “Ngay hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta.” Trước đây không một ai được hứa như thế, dầu người đó là Áp-ra-ham, Mô-sê hay Gio-an, ngay cả Ma-da-lê-na hay chính Đức Ma-ri-a, Ngài hứa và nói về thế giới vô hình ấy như một nơi quê hương quen thuộc, nơi mà Ngài nắm quyền hành, Ngài ban cho ai tùy ý …
Trong lời Chúa hứa : “Ngay hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”, từ thiên đàng dịch từ Paradi, và theo nguyên ngữ từ tiếng Ba-tư có nghĩa là “một khu vườn rào kín”. Khi vị vua Ba-tư muốn đặc biệt tôn trọng một bày tôi nào của ngài, thì người ấy được cùng dạo mát với vua trong vườn thượng uyển. Chúa Giê-su đã hứa cho tên trộm ăn năn đó một sự gì quý báu hơn là sự bất tử, Ngài hứa cho hắn vinh dự được làm bạn của Ngài trong vườn cực lạc trên trời.
Để được vinh dự như người trộm lành, thánh Phê-rô đã khuyên bảo các tín hữu đầu tiên cũng như tất cả chúng ta : “Anh em hãy nỗ lực chứng tỏ mình đã thật được Thiên Chúa kêu gọi và tuyển chọn, anh em sẽ không còn vấp ngã nữa. Thiên Chúa sẽ mở rộng cửa tiếp đón anh em vào nước vĩnh cửu của Chúa Cứu Thế Giê-su, Đấng cứu rỗi anh em.” (2 Pr 1,10.11). Và trước đó thánh Phê-rô đã khai triển việc nỗ lực chứng tỏ ơn gọi chọn đó bằng : “Không phải chỉ có tin là đủ, mà còn phải sống cuộc đời đạo đức. Lại phải học hỏi để biết rõ Chúa hơn và tìm hiểu Chúa muốn mình làm gì. Lại phải biết tự chủ và kiên tâm sống cuộc đời tin kính. Nhờ đó, anh em biết đối xử với người đồng loại trong tình huynh đệ và nhất là yêu thương họ cách chân thành” (2 Pr 1,5s).