Chúa Nhật XXXI Thường niên – Năm C
“Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”
Lm. Jos. TVH
Giê-ri-khô là một thành rất giàu có và quan trọng, nằm trong vùng thung lũng sông Gio-đan, là giao điểm của đường lên Giê-ru-sa-lem và các lối qua sông Gio-đan để tỏa về các vùng đất phía đông sông Gio-đan. Giê-ri-khô có một rừng chà là rất lớn, những vườn cây thuốc thơm nổi tiếng quốc tế, cách xa mấy dặm vẫn ngửi thấy mùi thơm. Các vườn hoa hồng ở đó cũng rất nổi tiếng. Người ta gọi Giê-ri-khô là “thành cây chà là.” Sử gia Do-thái Josephus gọi là “Khu đất thần tiên, khu đất màu mỡ nhất của Pa-lét-tin.” Người La-mã chở trái chà là và dầu thơm từ đó đi bán khắp nơi trên thế giới. Tất cả những hoa lợi đó hợp lại khiến nó trở nên một trong những trung tâm quan thuế lớn nhất trong cả xứ Pa-lét-tin. Giê-ri-khô cũng là thành phố nổi tiếng về đức tin cũng như về không tin “Bởi đức tin tường thành Giê-ri-khô đổ xuống”, cũng bởi không tin đến mù quáng những tường thành đã được xây lại để hình phạt đã giáng xuống trên người ương ngạnh. Khi Chúa Giê-su đi ngang qua thành này, Ngài cũng phải chứng kiến cả đức tin lẫn không tin : sự không tin của dân chúng và đức tin của một người tên là Da-kêu. Trong nước Pa-lét-tin có nhiều loại thuế, và cách đánh thuế của họ là cơ hội thuận tiện cho những nhân viên thâu thuế làm giàu mau chóng. Tên Da-kêu có nghĩa là “thanh khiết” nhưng dùng nó để chỉ con người này thật không đáng chút nào. Những ai biết rõ ông sẽ gọi ông là tên ác ôn và có lẽ họ gọi đúng. Ông đứng đầu những người thâu thuế. Có thể có nhân viên thâu thuế lương thiện, nhưng như vậy ông ta sẽ phải nghèo. Các người thâu thuế thường làm giàu bằng tống tiền và tham ô. Da-kêu là một người đã tiến tới mức cao nhất trong nghề nghiệp nhưng cũng là người bị khinh ghét nhất trong vùng.
1. Da-kêu giàu có nhưng không vui thỏa.
Dĩ nhiên ông cô đơn trơ trọi vì đã chọn con đường làm cho mình thành một con người bị xã hội xa lánh. Ông đã nghe nói về Đức Giê-su hay tiếp nhận các người thâu thuế và những tội nhân và ông cũng muốn thử xem thái độ của Ngài đối với ông. Bị mọi người khinh chê ghét bỏ, ông tìm đến với tình yêu Chúa.
2. Da-kêu quyết định nhìn xem Chúa Giê-su và không muốn để bất cứ điều gì cản trở mình.
Đối với Da-kêu, trà trộn với đám dân chúng là một việc đòi hỏi nhiều can đảm, bởi nhiều người sẽ lợi dụng cơ hội đó để tặng anh chàng thâu thuế lùn tịt này một cái đá, một cái đấm, một cái xô đẩy … Đây là một dịp may mà họ không bỏ qua đâu ! Ngày đó Da-kêu có thể bị chen lấn, xây xát, ông sẽ không thể nhìn thấy Chúa Giê-su và đám dân chúng lấy làm khoái chí khi làm cho Da-kêu không thể thấy. Vì thế ông đã chạy trước trèo lên cây sung, đó là thứ cây thường mọc bên đường, có nhiều lá cho bóng mát rất dễ trèo vì thân ngắn và nhiều cành tỏa ra tứ phía. Mọi sự đều khó khăn cho Da-kêu, nhưng con người thấp hèn này có can đảm của con người tuyệt vọng.
Thiện chí của ông được đền đáp bất ngờ, vì khi Chúa Giê-su tớ chỗ ấy, Người nhìn lên và nói với ông : “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông.” Đây là lần duy nhất Chúa Giê-su tự mời Ngài làm khách, nhưng chúng ta biết chắc chắn rằng Ngài luôn sẵn sàng trú ngụ trong những tấm lòng mở rộng để tiếp đón Ngài. Có người bảo rằng Da-kêu đã “theo đạo” trước khi ông xuống tới đất. Chắc chắn đã có một sự thay đổi lớn lao trong lòng ông khi ông biết rằng Chúa Giê-su đã biết ông tường tận, và ông đoán được Chúa sẽ làm gì cho mình.
3. Da-kêu đã nhân cơ hội để tỏ cho xã hội của ông biết rằng ông đã được thay đổi.
Khi Chúa Giê-su nói với ông rằng hôm nay Ngài sẽ đến nhà ông, và khi ông đã khám phá ra rằng mình đã gặp được một người bạn mới rất tuyệt diệu, lập tức ông có một quyết định. Ông đã quyết định đem nửa phần gia tài mình phân phát cho người nghèo, và nửa phần còn lại ông cũng không định giữ riêng cho ông, song ông sẽ dùng để đền bù cho tất cả những gian lận mà ông tự thú đã phạm. Trong việc đền trả này ông lại còn đi xa hơn điều luật pháp đòi hỏi. Chỉ khi nào trộm là một hành động bạo lực và dụng tâm gây tàn hại, bấy giờ mới buộc phải đền gấp bốn (x. Xh 22,1). Nếu chỉ là việc trộm cắp thường và nguyên vật không thể hoàn trả, thì phải tính gấp đôi mà đền (x. Xh 22,4.7). Nếu bị can tự thú và tình nguyện hoàn trả thì chỉ phải trả theo giá nguyên vật, cộng thêm một phần năm nữa thôi (x. Lv 6,5. Ds 5,7). Da-kêu nhất định làm nhiều hơn điều luật pháp đòi hỏi. Bằng hành động, ông tỏ ra đã được biến cải. Giáo sĩ Boreham có kể một chuyện đáng sợ. Trong một buổi họp kia, khi vài bà đứng lên làm chứng ơn phước đã được ban, có một bà ngồi câm lặng buồn rầu. Người ta mời bà làm chứng thì bà từ chối. Khi hỏi lý do, bà trả lời : “Trong số những bà vừa đứng lên làm chứng đó có bốn bà nợ tiền tôi mà tôi và gia đình tôi đang đói lắm vì không có tiền mua thức ăn.” Lời chứng sẽ hoàn toàn vô giá trị nếu không được bảo đảm bằng hành động thực tế xác chứng cho sự thành thực của lời nói. Chúa Giê-su không đòi sự thay đổi trong lời nói, nhưng Ngài đòi hỏi sự thay đổi trong đời sống.
4. Câu chuyện chấm dứt bằng lời công bố long trọng : “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”
Chúng ta phải luôn cẩn thận để hiểu ý nghĩa của chữ “mất” này. Trong Tân ước, chữ mất không có nghĩa là bị đoán phạt hay kết án, mà chỉ có nghĩa “ở sai chỗ”. Một cái gì mất là khi nó ra khỏi chỗ riêng của no, ở vào chỗ không đúng của nó. Một người lạc mất là khi người đó lìa khỏi Thiên Chúa, và người đó được tìm thấy khi người đó bước vào chỗ thích hợp của mình như một người con vâng phục trong nhà và gia đình của cha mình. Bởi tin vào Chúa Giê-su, người thâu thuế thành Giê-ri-khô đã chứng tỏ mìnhlà con cháu của Áp-ra-ham “Cha của mọi kẻ tin”. Lòng tin cậy nơi Chúa Giê-su đem lại ơn cứu rỗi dành cho tất cả mọi người, cả cho những kẻ thấp hèn, tuyệt vọng và khinh miệt nhất.
Kng 11,23-12,2 Lý do của việc Chúa nhẹ tay trong việc sửa phạt là vì Chúa khoan dung , chờ đợi con người lầm lạc ăn năn hối cải. Lại nữa, bản chất của Ngài là yêu thương, là hiếu sinh, trì hoãn để con người từ bỏ tội ác mà tin theo Chúa.
2Tex 1,11-2,2 Qua những lời này, chúng ta thấy đuợc sự khôn ngoan của một nhà lãnh đạo được Thánh Linh hướng dẫn. Dường như người Texalonica đã gửi thư hoặc gửi sứ điệp đến cho Phaolô trong đó chứa đựng sự nghi ngờ và thiếu tự tin. Họ nhút nhát sợ sệt cho rằng họ không tốt đủ, và đức tin của họ không đủ vững để chịu đựng thử nghiệm. Họ lo lắng không đạt được tiêu chuẩn, Câu trả lời của Phaolô không đẩy thêm họ vào sự nghi ngờ thất vọng bằng cách đồng ý với họ cách tiêu cực, nhưng trái lại nêu những phẩm cách, những thành quả có trong các tín hữu đang ngã lòng, đang sợ sệt bằng một phương cách khéo léo khiến họ đứng thẳng lên và nói “Ồ, nếu Phaolô thấy trong chúng ta có những đặc điểm như thế, chúng t sẽ cố gắng phấn đấu”. Mark Rutherford nói rằng:” Phước cho những người chữa cho chúng ta khỏi căn bệnh tự ti”. Chính Phaolô đã thực hiện điều này cho Hội thánh Texalonica. Ông biết rằng những lời khen ngợi hợp lý thường có tác dụng hơn là những lời phê bình gay gắt, Ông biết rằng sự khen ngợi của những người thân yêu không làm cho chúng ta kiêu ngạo, nhưng làm cho khiêm nhường. Ông biết rằng lời khen ngợi khôn ngoan không bao giờ khiến con người yên nghỉ trên vinh quang của mình, nhưng trái lại gia tăng nơi họ ước muốn hoàn thiện để xứng đáng với lòng khen ngợi đó. Phaolô nêu lên ba dấu hiệu của một Hội thánh năng động đó:
- Đức tin mạnh mẽ. Dấu hiệu của sự tăng trưởng trong nếp sống Kitô hữu là họ cứ mỗi ngày mỗi biết chắc hơn về Chúa Kitô. Đức tin lúc đầu có thể mơ hồ nhưng cuối cùng trở nên vô cùng vững chắc. Khi kitô hữu tiến đến giai đoạn này, thì họ có thêm kinh nghiệm Kitô sống động, và khi càng có kinh nghiệm Kitô thì họ càng tư duy một cách kỷ luật hơn.
- Tình yêu gia tăng. Hội thánh tăng trưởng là Hội thánh lớn mạnh trong sự phục vụ. Và đấy là điều không thể thiếu. Một người có thể bắt đầu phục vụ con người vì bổn phận mà đức tin Kitô đã đặt trên người, nhưng đến cuối cùng người nhận thấy trong công việc một niềm vui vĩ đại nhất. Cuộc sống ích kỷ không bao giờ là cuộc sống vui vẻ, đời sống phục vụ mở ra một khám phá mới là sự vị tha luôn luôn đi đôi với hạnh phúc.
- Sự nhẫn nại chịu đựng. Chữ Phaolô dùng ở đây rất hay. Đó là chữ hupomone, thường được dịch là chịu đựng nhưng không có nghĩa là khả năng chịu đựng mọi khó khăn cách tiêu cực, nhưng diễn tả một thái độ chịu đựng cách anh hùng trước những thử thách. Chẳng những diễn tả một tinh thần chịu đựng cách kiên trì trước mọi hoàn cảnh xảy đến, nhưng còn khắc phục và xử dụng những hoàn cảnh ấy để tạo năng lực tinh thần cho chính mình. Đây là tinh thần chấp nhận những dằn vặt ê chề của cuộc đời để biến nó thành những nấc thang tiến đến những thành quả mới.
Sừ diệp khích lệ của Phaolô chấm dứt bằng một khải tượng vô cùng khích lệ.Nó chấm dứt bằng điều chúng ta gọi là sự vinh hiển hỗ tương. Khi Chúa Kitô hiện đến Ngài sẽ được vinh hiển trong các thánh đồ của Ngài và được chúc tụng trong những người tin Ngài. Tại đây chúng ta thấy một chân lý tuyệt diệu, ấy là sự vinh hiển của chúng ta là Chúa Kitô và sự vinh hiển của Chúa Kitô là chính chúng ta. Sự vinh hiển của Chúa Kitô tìm được trong những người đã học tập chịu đựng và chịu khổ qua Ngài để đi đến chiến thắng. Những ngừơi ấy sẽ chiếu sáng như ngọn đèn trong chỗ tối tăm.Sự vinh hiển của giáo sư ở nơi các học sinh, sinh viên do ông đào tạo. Sự vinh hiển của cha mẹ tùy thuộc nơi con cái mà họ nuôi dưỡng. Vinh hiển của một vị sư phụ là ở nơi các môn sinh. Còn về phần chúng ta đặc quyền và trách nhiệm vĩ đại của chúng ta bày tỏ sư vinh hiển của Chúa Kitô, chúng ta có thể làm nhục hay làm vinh cho Thầy chúng ta là Đấng chúng ta phục tùng và phục vụ. Thử hỏi có đặc quyền và trách nhiệm nào lớn lao hơn thế không! Còn một điều nữa Phaolô cần lưu ý tín hữu Texalonica. Ong khuyên họ nên chấm dứt việc chờ đợi việc tái lâm của Chúa trong bồn chồn lo âu như thế. Ông minh xác rằng ông chưa bao giờ nói Ngày của Chúa đã đến. Có lời giải nghĩa sai về những lời của Phaolô, những lời người ta gán cho ông. Ong nói với họ rằng trước lúc Ngày của Chúa đến, còn có nhiều điều phải xảy ra. Trước hết có một thời dại nổi loạn nghịch cùng Thiên Chúa. Trong thế giới đã có những quyền lực gian ác đang bí mật hành động để chuẩn bị cho thời kỳ nổi loạn này. Vẫn còn một kẻ hiện thân của tội ác, chưa xuất đầu lộ diện. Hắn là ác quỉ, là thần hủy diệt, là chúa hỗn loạn,vô luật pháp. Vào một lúc nào đó quyền lực ngăn cản nó được cất đi, khi đó nó sẽ đến. Nó sẽ thâu hiệp người của nó lại cũng giống như Chúa Kitô thu tập con của Ngài. Tất cả những người không tiếp nhận Chúa Kitô đều chờ đợi tiếp nhận con người này. Sau đó sẽ có một trận chiến cuối cùng trong đó Chúa Kitô sẽ hoàn toàn tiêu diệt kẻ vô luật pháp. Khi ấy tất cả dân của Chúa Kitô sẽ hội họp chung quanh Ngài, còn những kẻ gian ác đã đi theo kẻ vô pháp luật kia sẽ bị tiêu diệt.