CHÚA NHẬT 26 C THƯỜNG NIÊN – NĂM C
NGHÈO *
Lm. NGUYỄN HỮU AN ( Phan Thiết )
NGHÈO TÌNH THƯƠNG
Dụ ngôn Người Phú hộ và La-da-rô mô tả một bức tranh tương phản, 2 con người với 2 cuộc sống “một trời, một vực”. Người phú hộ dư ăn dư mặc, La-da-rô nghèo khổ, bệnh tật đói lả.Người phú hộ mặc toàn lụa là gấm vóc, La-da-rô rách nát tả tơi. Người phú hộ nhà cao cửa rộng, ngày ngày yến tiệc linh đình La-da-rô mụn nhọt đầy mình, lây lất đói khổ trước cổng nhà Phú hộ, thèm ăn những thứ rớt xuống từ bàn ăn nhưng chẳng có, chỉ có mấy con chó đến liếm ghẻ chóc.
Họ thật gần nhau trong không gian, chỉ cách có một cánh cổng vẫn thường khép kín như lòng người giàu có, nhưng lại thật xa nhau trong nhân cách, trong tình người. Người phú hộ giàu có nhưng lại nghèo nàn tình thương, La-da-rô đã nghèo khổ lại không được ai xót thương. Cả hai con người này đều thiếu nghèo tình thương. Dụ ngôn thật sống động diễn tả bức tranh hiện thực của thế giới mà trong đó hố ngăn cách giữa giàu nghèo ngày càng lớn, tình thương giữa người với người ngày càng hiếm hoi nhạt nhoà.
Ðức Cha Ni-cô-la Huỳnh Văn Nghi, Giáo Phận Phan Thiết, trong Thư Mục Vụ số 63 năm 2001, đã viết:
Tiếp tục suy niệm về sự nghèo khó của con người, hôm nay tôi muốn bàn với anh chị em về sự nghèo thiếu tình thương. Ðây là cảnh nghèo đáng thương hại nhất, vì nó chạm đến căn tính của con người, được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, mà “Thiên Chúa là Tình Thương” ( x. 1 Ga 4, 8 ).
Vậy thì, bản chất của con người là Tình Thương. Ðức Gio-an Phao-lô đã viết trong Thông Ðiệp Ðấng Cứu Chuộc Con Người lời nhận định như sau:
“Con người không thể sống nếu không có tình yêu. Không tình yêu con người không thể tìm hiểu được chính mình. Ðời sống con người sẽ trở nên vô nghĩa, nếu không đón nhận mạc khải của tình yêu, nếu không gặp gỡ tình yêu, nếu không cảm nghiệm và lấy tình yêu làm của mình và không dự phần mạnh mẽ vào đó” ( số 10 )
NGHÈO CĂN TÍNH
Vì Tình yêu là căn tính của con người, nên thiếu tình yêu là sự nghèo khó thảm hại và nguy hiểm nhất. Nó tác động đến bản chất, nó làm cho con người ra thoái hóa, bần tiện và vong thân. Nó hủy diệt con người từ tâm hồn đến dung mạo, nó hạ thấp con người. Thánh Phao-lô viết: “Giả như tôi được nói tiên tri, được thông hiểu mọi điều bí nhiệm và mọi lẽ cao siêu nhưng không có lòng mến, thì tôi chẳng là gì” ( 1 Cr 13, 2 ).
Ðó là tình cảnh của những người độc ác, những kẻ giết người, những tên tội phạm chiến tranh, những người nặng óc kỳ thị, thù oán, vu khống, ích kỷ, vụ lợi, tham ô, làm giàu trên xương máu của người khác. Sự nghèo thiếu căn tính này càng gia tăng, khi nó xuất phát từ những bè phái, những băng đảng, những tập đoàn chỉ biết nghĩ đến quyền lợi của phe nhóm mình mà chà đạp trên nhân phẩm, nhân quyền, sự sống và hạnh phúc của người khác hay của những dân tộc khác.
Ðối diện với những người hay những tập đoàn giàu có, đầy quyền lực và quyền bính nhưng thiếu tình yêu này, là hàng triệu, và có khi cả tỷ người cùng khốn, cô đơn, tàn tật, bệnh hoạn, bị bỏ rơi, bị xã hội khai trừ vì lý do này hay lý do khác, đang khao khát tình yêu, lòng thương xót, sự chia sẻ, sự cảm thông như người hành khất La-da-rô trong Phúc Âm, không được một ai chiếu cố, yêu thương và nâng đỡ.
Lời Chúa Giê-su trong Phúc Âm vẫn còn có tính thời sự: “Ta đói các ngươi đã không cho ăn; Ta khát các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù các ngươi đã chẳng thăm Ta” ( Mt 25, 42 – 43 ).
Cả hai hạng người thiếu tình yêu nói trên đều đáng thương. Những người nghèo thứ nhất, vì lòng họ đã chai cứng, không còn hấp thụ được tình yêu. Những người nghèo thứ hai, vì quá ít người còn biết yêu thương họ. Thế giới hôm nay, trong đó có quê hương chúng ta, là một thế giới giàu về vật chất, nhưng lại rất nghèo về tình thương. Có những nước không ngần ngại bỏ ra những số tiền khổng lồ để mua sắm khí giới.
Có những chính phủ đốt hằng tỷ đô-la để xây đài, xây mả, đắp tượng, xây cất dinh thự, trong khi người dân cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, việc học hành của con cái không lo nổi. Ðó là chưa nói đến sự chênh lệch giữa người giàu với người nghèo, giữa những người được ưu đãi nhờ thời thế và những người cô thân độc mã! Nền văn minh của Thế giới cần được xây dựng lại, không trên của cải vật cất, mà trên tình thương: Nền Văn Minh Tình Thương.
NỀN VĂN MINH TÌNH THƯƠNG
“Văn minh là hình thức cuộc sống của một xã hội trong các lĩnh vực chính trị, nghệ thuật, đạo đức và tôn giáo” ( Từ điển Tiếng Việt ). Hình thức cuộc sống này, đương nhiên, nếu muốn được coi là văn minh, phải phù hợp với căn tính và phẩm giá của con người. Do đó, một quốc gia không tôn trọng nhân phẩm và những quyền tự do căn bản của con người: như quyền tự do tham gia việc nước, việc phát triển kinh tế, quyền tự do văn hóa, nghệ thuật và ngôn luận, cũng như quyền sống đạo đức và tự do tôn giáo, quốc gia đó chưa đáng được gọi là văn minh. Lý do là vì căn tính con người là Tình Thương.
Vậy thì, trong mọi lãnh vực: chính trị, kinh tế, khoa học, nghệ thuật, văn hóa, đạo đức và tôn giáo, những gì dựa trên tình thương, xuất phát từ tình thương, nhằm mục đích đưa đến tình thương, những cái đó mới thực sự là văn minh. Một nhà khoa học, một kỹ nghệ gia, một nhà chính trị, thương gia, tướng lãnh, không biết thương thì vẫn còn là những người không văn minh. Thế giới của chúng ta vẫn còn rất nhiều người nghèo thiếu đó. Thành kiến, hận thù, ganh tỵ, tâm địa nhỏ nhen hẹp hòi đầy ắp trong đầu họ. Ðất nước dưới bất cứ chân trời nào, sẽ không bao giờ được thực sự văn minh, bao lâu còn có những hạng người tai hại đó.
Một vị thủ lãnh nọ đã nói: “Khi đến thăm một quốc gia, điều mà tôi muốn biết để đánh giá trình độ văn minh của nước đó, chính là bầu khí và cách đối xử lịch sự, bằng hữu và yêu thương giữa nhân dân họ với nhau.”
Vậy, chúng ta hãy động viên nhau từ bỏ óc bè phái, chia rẽ, thành kiến, nghi kỵ, hẹp hòi, kỳ thị, chèn ép, vụ lợi, khai trừ, quan liêu, lợi dụng và lạm dụng nhau. Hãy cùng nhau xây dựng một nền văn minh phù hợp với bản tính con người: yêu thương, đại độ, khoan dung, bình đẳng, liên đới, đầy tình người và tình đồng bào: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”.
CHÚA KI-TÔ, TÌNH YÊU THIÊN CHÚA
Nói về gương hy sinh của Chúa Ki-tô, Thánh Phao-lô đã viết: “Anh em biết Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” ( 2 Cr 8, 9 ).
Con đường tốt nhất để xóa đói giảm nghèo tình thương là đấu tranh để khai trừ tội ác, nhất là nơi những con người, do lòng tham lam tiền bạc, quyền bính, thế lực mà táng tận lương tâm, diệt trừ mọi nguyên nhân và cơ hội gây tội ác: vì chung quy mọi thứ tội đều xuất phát từ sự nghèo tình thương. Ðồng thời, hãy nỗ lực cổ vũ lòng đạo đức, tình yêu thương được cụ thể hóa bằng những công tác từ thiện, bác ái, phục vụ, tha thứ và cảm thông, hãy thương người như thể thương thân: “Thương anh em như Chúa yêu thương mình” ( x. Ga 14, 34 ).
Thế giới văn minh lại càng đào sâu hố ngăn cách giữa nước giàu và nước nghèo, giữa thiểu số người giàu và đa số người nghèo. Chính tôi cũng giàu về một mặt nào đó: giàu trí tuệ, giàu bạn bè, giàu thế lực, giàu chổ đứng trong xã hội, giàu đời sống thiêng liêng. Hố sâu chỉ được lấp đầy bằng cách mở tung cánh cửa yêu thương và chia sẽ, nhìn nhận tài nguyên thế giới là của mọi người, sống như một nhân vị, sống như con cái Thiên Chúa, sống như anh chị em tôi. Mỗi người chúng ta đều có một La-da-rô chờ ngoài cửa, nếu chúng ta mở cửa và mời người đó đồng bàn, thì chúng ta sẽ trở nên người giàu có thực sự, và trưởng thành viên mãn trong nhân cách. ( Trích Manna Năm C ).
Lạy Chúa, xin cho chúng con đừng sống dửng dưng, thờ ơ, khép kín trước người nghèo, nhưng biết động lòng xót thương như Chúa đã thương những người cùng khốn. Xin cho chúng con luôn sống quãng đại cho đi, vui vẻ chia sớt, không chỉ của cải vật chất mà có khi là một nụ cười thân thiện, một cái bắt tay khích lệ, một lời nói an ủi đở nâng, một lần viếng thăm, một cuộc gặp gỡ kiến tạo sự hiệp nhất bình an. Xin cho chúng con biết đến với Chúa nhận lãnh tình thương để quãng đại trao ban mỗi ngày.
(*) Tiêu đề của người đăng bài