Chúa nhật Phục Sinh – Năm C
ĐÓNG CỬA TỬ MỞ CỬA SINH
(Cv 5,34a.37-43; Cl 3,1-4 ; Ga 20,1-9)
Lm. Giuse Ngô Ngọc Khanh OFM
***
Sau khi Đức Giêsu được chôn cất với một tảng đá to lấp cửa mộ, với nhiều người, dường như câu chuyện về Đức Giêsu đã kết thúc. Tuy nhiên, chính lúc ngôi mộ bị đóng kín trong bóng đen của sự chết lại mở ra ánh sáng của niềm hy vọng cho những ai tin. Ngôi mộ bị người ta lấp lại bằng một tảng đá to tưởng chừng là “cửa tử” nhưng được các thiên thần mở ra lại là “cửa sinh” để Đấng được mai táng trong mộ chỗi dậy, dẫn người tin vào cõi sống muôn đời.
Đối với Kitô hữu chúng ta, sự chỗi dậy từ cõi chết hay Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô là biến cố quan trọng nhất, như Thánh Phaolô nói: “nếu Ðức Kitô đã không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng…” (x. 1Cr 15,14). Thế nhưng biến cố quan trọng ấy lại khởi đi từ: “Ngôi mộ trống”. Ngôi mộ tưởng chừng như trống vắng ấy, lại là dấu chỉ chứa đầy một thực tại đầy tràn niềm hy vọng và niềm vui. Niềm vui Phục Sinh tiến triển qua những chặng đường khác nhau nơi người môn đệ: từ hốt hoảng, sợ hãi, nghi ngờ, đến tin và làm chứng. Chúng ta cũng chia sẻ các cảm nghiệm đó.
- Vượt qua sự hốt hoảng/ sợ hãi của bà Maria Mađalêna
Niềm vui Phục Sinh lại khởi đi bằng thái độ hốt hoảng sợ hãi, vì ngoài sức tưởng tượng của con người. Tảng đá che cửa mộ của Đức Giêsu đã bị ai đó lăn ra, xác Đức Giêsu đã biến mất, ngôi mộ hoàn toàn trống trải. Thật là điều không tưởng tượng được với bà Maria Mađalêna. Trước đây, bà đã được tha tội nhiều nên bà đã đáp lại bằng cách yêu nhiều (x. Lc 7,47). Tình yêu đó đã thúc đẩy bà bước theo Đức Giêsu, đã giúp bà can đảm đứng dưới chân thập giá (Ga 19,25) và tham dự cuộc mai táng Đức Giêsu Giêsu (Mt 27,61). Bây giờ tình yêu ấy lại thúc đẩy bà ra viếng mộ trước tiên, vào lúc trời còn tối. Tối ở đây không chỉ là tối của không gian thiên nhiên, mà còn tối vì trí lòng mê muội, chưa hiểu được ý nghĩa của biến cố khổ nạn và chết của Đức Giêsu là để hướng tới Phục Sinh. Chính vì thế, mộ trống đối với bà đồng nghĩa với “người ta đã cắp xác Thầy ra khỏi mộ, và không biết họ để xác Người ở đâu” (Ga 20,2). Thế là bà Mađalêna hốt hoảng chạy về báo tin cho ông Phêrô và Gioan, rồi kéo các ông chạy đến mộ, chỉ mong làm sao kiếm lại xác của Thầy, đối với Bà vẫn là xác chết của người Thầy yêu quý.
Dù vậy, bài học từ bà Mađalêna là dù có hốt hoảng trong đời sống đức tin, chúng ta cần bày tỏ sự hốt hoảng lo sợ đó cho người khác, cho những người anh chị em trong đức tin của để cùng nhau tìm ra câu giải đáp thực sự. Biến cố Phục Sinh không bao giờ chỉ được trải nghiệm đơn độc một mình. Người tín hữu cần chạy đi và đối thoại với người khác để giúp nhau vượt qua sự hốt hoảng và sợ hãi, hầu được đón nhận Tin Mừng Phục Sinh.
- Ra khỏi sự khép kín để tìm gặp Đấng Phục Sinh như các tông đồ
Mặc dù đã được tiên báo là ngày thứ ba Đức Giêsu sẽ sống lại, nhưng tại sao đã đến ngày thứ ba rồi mà các ông vẫn trốn trong phòng kín? Có nhiều lý do như sợ hãi người Dothái, hay buồn rầu thất vọng về thập giá, nhưng lý do căn bản nhất là vì chậm tin. Vì thế khi họ nghe những người phụ nữ từ mộ Đức Giêsu trở về loan báo rằng xác Người không còn trong mộ nữa, họ không khỏi ngạc nhiên, bán tín, bán nghi. Phêrô, với vai trò thủ lãnh các Tông Đồ, đã chạy ra mộ, nhưng khi thấy sự việc xảy ra, ông cũng chẳng thốt lên một lời nào. Chúng ta biết rằng khi nhìn thấy ngôi mộ trống, ông Phêrô chưa nghĩ đến việc Đức Giêsu chỗi dậy từ cõi chết, vì Kinh Thánh ghi lại: “Trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải chỗi dậy từ cõi chết” (Ga 20,9).
Đức Giêsu đã sống lại nhưng tại sao các tông đồ lúc này vẫn chưa gặp được Đấng Phục Sinh? Bởi vì họ vẫn chưa ra khỏi căn phòng khép kín, chưa vượt ra khỏi bản thân. ĐGH Phanxicô nhắn nhủ các người tin “đi vào một cuộc gặp gỡ mới mẻ với Đức Giêsu Kitô, hay ít là mở lòng ra để cho Chúa Giêsu gặp gỡ mình”; rồi ngài nhấn mạnh tiếp: “Chúa không làm thất vọng những ai chấp nhận sự liều lĩnh này” và “Mỗi khi chúng ta bước một bước đến gần Đức Giêsu, chúng ta hiểu ra rằng Ngài đang ở đó, đang mở rộng vòng tay chờ đón chúng ta” (Niềm Vui Tin Mừng, số 3).
Bài học cho chúng ta là dù có, sợ hãi, nghi ngờ hay chậm tin, chúng ta cần phải có một chút “liều lĩnh” chỗi dậy ra khỏi chính mình. Đức tin đòi hỏi chúng ta ra khỏi nơi sợ hãi nghi ngờ để cất bước ra khỏi sự khép kín để tìm gặp sự hiện diện của một con người, đó là Đức Giêsu, không phải là Đức Giêsu đang còn chết, nhưng là Đức Giêsu đã sống lại.
- Nhìn dấu chỉ để tin của người môn đệ được Đức Giêsu yếu mến
Nếu tất cả các tông đồ đều nghi ngờ, chậm tin thì bằng cách nào để giúp Hội Thánh nhận ra Tin Mừng Phục Sinh? May thay, còn có sự khác biệt nơi “người môn đệ được Chúa thương mến” mà truyền thống xác định là tông đồ Gioan. Dù trước đó, ông vẫn nghi ngờ, nhưng lúc bước vào trong mộ, ông đã tin Thầy Giêsu đã sống lại. Điều gì khiến cho người môn đệ ấy tin? Đối với ông, ngôi mộ trống lại trở nên dấu chỉ của niềm tin Phục Sinh. Trống vì không còn xác chết, đó là dấu chỉ tràn đầy của việc Thầy đã sống lại và ra khỏi mộ. Thầy đã sống lại, chứ không phải bị ai đó đánh cắp xác, vì không ai cắp xác mà lại lột khăn liệm ra một bên và xếp khăn đầu lại ngay ngắn như thế. Sự ngay ngắn này nói lên rằng việc Đức Giêsu sống lại nằm trong trật tự, trong chương trình của Thiên Chúa Cha. Ông Gioan “đã thấy và ông đã tin”. Không phải thấy trực tiếp Thầy đã Phục Sinh, nhưng thấy những dấu chỉ, và qua dấu chỉ đó, ông tin.
Tiếp sau Gioan tin, đến lượt các tông đồ, các môn đệ khác và những người khác cũng tin Đức Giêsu đã sống lại. Trong Bài đọc I được trích sách Cv, ông Phêrô đã tuyên xưng niềm tin này. Bài Tin Mừng cũng thuật lại rằng Bà Maria Mađalêna lúc đầu hoảng sợ nhưng sau đó đã gặp được Đức Giêsu Phục Sinh và bà đã tin.
Bài học cho chúng ta là đức tin bắt đầu từ những dấu chỉ chung quanh chúng ta, nhưng để đọc được dấu chỉ đó, cần có con mắt nhạy cảm xuất phát từ lòng yêu mến như Gioan.
- Ra đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh
Biến cố Phục Sinh là trung tâm của niềm tin Kitô giáo nên niềm vui Phục Sinh không phải giữ riêng cho mình mà cần được loan báo. Chính nhờ cảm nghiệm về con người Đức Giêsu, tin vào Người, có tương quan mật thiết với Người mà bà Maria Mađalêna và các tông đồ đã nhận ra Đức Giêsu đã Phục Sinh. Chính nhờ cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu Phục Sinh, Đấng là sự sống, mà cuộc đời của bà Maria Mađalêna và các tông đồ đã được biến đổi. Từ đó, cuộc đời và sự vụ của họ đã vượt qua những giới hạn khép kín nơi bản thân để hướng tới chân trời mới. Họ phải “ra đi”.
Nhìn vào lịch sử dân Thiên Chúa, một ai đó khi đã gặp gỡ Thiên Chúa thì được thúc đẩy “ra đi”. Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng cũng nhấn mạnh đến các mẫu gương này, chẳng hạn như: Ápraham, cha của những kẻ tin đã “ra đi”. Dân Israel cũng ra đi khỏi Aicập cùng với Môsê để thực hiện cuộc xuất hành. Chính Đức Giêsu cũng “ra đi”, khởi đầu bằng việc ra khỏi Chúa Cha để nhập thể. Trong sứ vụ loan báo Tin mừng, Người ra đi để đem Tin Mừng cho người khác. Các môn đệ cũng được truyền lệnh “ra đi”, và Hội Thánh tự bản chất là “ra đi”, nên tất cả chúng ta đều được kêu gọi tham gia vào cuộc “ra đi” truyền giáo mới này (Niềm Vui Tin Mừng, số 20).
Muốn có sự tươi mới và động lực để “ra đi”, xin nghe lời ĐGH Phanxicô nhắn nhủ: “Mỗi khi chúng ta cố gắng trở về nguồn (là Đức Giêsu) và khôi phục lại sự tươi trẻ của Tin Mừng, những đại lộ mới sẽ xuất hiện, những con đường sáng tạo mới sẽ mở ra…” (Niềm Vui Tin Mừng, số 11). Nhờ đó, chúng ta mới có can đảm để ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi người ở vùng “ngoại ô” đang cần ánh sáng Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô Phục Sinh (Niềm Vui Tin Mừng, số 20).
Như thế, sống niềm vui Phục Sinh chính là “ra đi” loan báo tin vui đó cho người khác. Quả thật, sứ vụ cứu độ của Đức Giêsu đã kết thúc ở Giêrusalem, nhưng sứ vụ đó được lan tỏa đến tận cùng trái đất là nhờ lời loan báo của các tông đồ, của các môn đệ, tức là mỗi người kitô hữu chúng ta. Sau môi thánh lễ, chúng ta được mời gọi “lễ xong chúc anh chị em đi bình an”. Đó là “ra đi” để nối dài thánh lễ trong nhà thờ với hy lễ ngoài cuộc sống. Đó là đưa những bước chân nối dài bước chân rao giảng của Chúa. Đó là dang những cánh tay nối dài cánh tay của Đức Giêsu để đem ơn cứu độ cho người khác.
Chuyện: Đôi tay của Chúa.
Vào cuối thế chiến thứ hai, để thu phục thiện cảm và tin tưởng của người dân trong làng vừa mới đuợc giải phóng, quân lính thuộc lực lượng đồng minh cố gắng lượm lại từng mảnh vỡ của bức tượng Chúa Giêsu đã được dựng lên ở quảng trường trước ngôi nhà thờ nhỏ nằm ở trung tâm của một làng quê Miền Nam nước Ý.
Sau nhiều ngày cố gắng, quân lính đã gắn lại gần như toàn bức tượng của Chúa, nhưng họ không thể tìm được đôi tay, vì đã tan vụn hết rồi.
Tưởng chừng ngừng công việc vì bế tắc, thì một người lính có sáng kiến tìm lấy hai tấm bảng gắn vào nơi hai cánh tay đã mất của bức tượng, rồi viết vào đó một hàng chữ. Hàng chữ này không những đánh động những người dân trong làng, mà còn thu hút được nhiều khách du lịch đến vùng đó để tận mắt đọc hàng chữ đầy ý nghĩa này. Quý ông bà anh chị em có thể đoán được hàng chữ này không? Đó là: “BẠN CHÍNH LÀ ĐÔI TAY CỦA CHÚA”.
Vâng mỗi người chúng ta chính là đôi bàn tay của Đức Giêsu. Quả thật, Loan Báo Tin Mừng là một sứ vụ nối dài niềm vui cứu độ của Đức Giêsu Kitô Phục Sinh, là loan truyền ơn cứu rỗi. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cố gắng sống niềm vui của những người đã được chia sẻ sự Phục Sinh của Đức Giêsu, thể hiện qua sự yêu thương, tha thứ, bình an vui tươi, hy sinh phục vụ, sống văn minh, loại trừ tệ nạn, chăm lo cho người nghèo, không sống vô cảm…
Nếu làm được như thế, chúng ta đã làm vơi đi những hoảng sợ, tan biến những nỗi buồn do chết chóc gây ra, khơi dậy niềm hy vọng, và gia tăng niềm vui của những người tìm kiếm sự sống đời đời. Chúc anh chị em can đảm lên đường để làm vơi nỗi buồn và đem niềm vui đến cho tha nhân, vì như người ta nói “Niềm vui chia sẻ niềm vui lớn, nỗi buồn chia sẻ nỗi buồn vơi”.