CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN – NĂM B
BÀI HỌC TIẾT KIỆM
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
++
Phép lạ “Hóa bánh ra nhiều” có nội dung phong phú về Thần học và Giáo lý Bí Tích Thánh Thể, đồng thời cũng chứa đựng rất nhiều bài học về Nước Trời, về Dân Thiên Chúa, tình liên đới, sự cộng tác…
Hôm nay xin được chia sẽ về bài học Tiết Kiệm.
- Chúa dạy bài học tiết kiệm
Phép lạ hoá bánh ra nhiều, được bốn thánh sử ghi lại cả trong bốn Phúc âm (Mt 14,13-21; Mc 6,31-34; Lc 9,10-17; Ga 6,1-13). Matthêu và Maccô còn kể thêm lần thứ hai Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều (Mt 15,32-38; Mc 8,1-10).
Lần thứ nhất, Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều; cả ba thánh sử Mátthêu, Máccô, và Luca đều ghi nhận: sau khi dân chúng được ăn bánh no nê, người ta đã không bỏ phí những mẫu bánh còn dư thừa nhưng “đã thu lại tất cả được mười hai thúng đầy” (Mt 14, 20; Mc 6,43; Lc 9, 17). Riêng thánh Gioan nhấn mạnh, chính Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các môn đệ: “Anh em (hãy đi) thu lại những miếng thừa kẻo phí đi” (Ga 6,1-12). “Họ liền đi thu những miếng thừa…và được mười hai thúng đầy”.
Lần thứ hai, Chúa Giêsu làm phép lạ cho bánh hóa nhiều, người ta cũng thu lượm lại tất cả những mẫu bánh thừa, tất cả “được bảy thúng đầy” (Mt 15,37; Mc 8,8).
Năm ngàn người đàn ông, không kể đàn bà con nít. Số người phải là đông lắm. Hơn cả chục ngàn người. Có ngàn ngàn chiếc bánh được phát ra. Bánh nhiều như vậy, tại sao Chúa Giêsu lại tiếc những miếng bánh vụn còn dư? Tại sao Chúa lại bảo thu lại những mãnh vụn: “Anh em hãy thu lấy những miếng thừa kẻo phí đi”?.
Chắc chắn nguyên nhân của phép lạ hoá bánh ra nhiều là: “Ta thương đoàn dân này”, vì “Ta không muốn để họ đói”, vì “Ta sợ rằng họ lả dọc đường” (Mt 15,32).
Chúa Giêsu quý những mẫu bánh vụn vì nó là phép lạ Chúa đã làm. Những phép lạ là tình thương, là ơn sủng, là ơn cứu độ của Chúa trao ban.Tình yêu và ân sủng như ngọn pháo bông, khi tung vỡ trên bầu trời tạo thành trăm ngàn vụn nhỏ càng rực rỡ huy hoàng. Khi tấm bánh được bẻ ra trên bàn thờ, bánh thánh nhỏ bé mỏng manh nhưng vẫn đầy tràn quyền năng và ơn thánh. Khi hiến lễ đền tội cho nhân loại của Đức Kitô trên đồi Calvê tan ra, vóc dáng Chúa Cứu Thế sụp xuống, đó cũng chính là lúc ơn cứu độ như nắng vỡ, lan ra, chảy tràn kín vũ trụ.
Chúa Giêsu quý những mảnh bánh vụn. Chúa bảo thu lại để dạy các môn đệ và chúng ta bài học tiết kiệm.
Những người vừa trải qua cơn đói, nay được một bữa no nê. Họ vất bỏ những mẫu bánh dư thừa. Khi dư giả, người ta dễ phung phí. Chúa Giêsu sai các môn đệ đi thu lượm những mẫu bánh thừa. Tiết kiệm là trân trọng những của cải Chúa ban. Tiết kiệm là ý thức của cải là của mọi người. Tiết kiệm thể hiện sự quý trọng kết quả lao động của bản thân và của người khác.
Chúa Giêsu quý những mảnh bánh vụn. Chúa bảo các môn đệ thu lại để dạy chúng ta đừng lãng phí ân huệ Chúa ban. Sự sống, sức khoẻ, thời gian, tài năng, trí tuệ, tài nguyên đều là ân huệ được ban tặng, cần trân trọng nâng niu gìn giữ. Trong ơn sủng của Chúa, không có gì là những mẫu vụn bé nhỏ tầm thường. Đức Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận đã từng khuyên rằng: “Muốn nên Thánh,con hãy làm những việc thường, có khi xem ra vô ý nghĩa nhất. Nhưng con đặt vào đó tất cả niềm mến yêu của con” (ĐHV 814); “Nhìn cây cổ thụ sum sê, con đừng quên rằng, từng trăm năm trước, nó đã khởi sự từ một hạt giống tí ti” (ĐHV 816); “Tự nhiên có ai lên đỉnh núi Hy Mã Lạp Sơn được? Tự nhiên có ai lên cung trăng được? Thử thách, hiểm nguy, ôn luyện, chuyên cần mỗi ngày, nhiều ngày, mới đạt được đích họ hy vọng” (ĐHV 817).
- Tiết kiệm và lãng phí
Tác giả Gã Siêu viết:
Muốn phát triển, phải cần kiệm. Đó là qui luật của muôn đời. Các nước văn minh đã sống qui luật này một cách nghiêm ngặt và chặt chẽ.
Ở bên Mỹ, trong các trường tiểu học, người ta đã dạy cho con nít biết: Muốn có một đồng thì phải bắt đầu từ một xu; Muốn có một triệu thì phải bắt đầu từ một đồng. Ở bên Nhật cũng vậy. Trong các gia đình, người ta luôn nhắc nhở con cái sống theo phương châm: Mua gì ăn nấy; Ăn đâu hết nấy; Không để thừa mứa, lãng phí. Ở bên Israel cũng thế. Vào các nhà hàng, khách sạn, người ta không thấy đồ ăn thức uống để dư. Ngay tại các bến xe, bến tàu đều có những khẩu hiệu:Hãy tiết kiệm điện; Hãy tiết kiệm nước… Tại các công sở và xí nghiệp, để trừ khử thói lề mề, người ta trừ ngay vào lương những ai đến làm việc chậm trễ.
Thấy người mà nhớ tới ta.
Trên báo “Tuổi trẻ Chủ nhật”, tác giả Phạm đình Nghiệp đã đưa ra một vài trường hợp lãng phí điển hình.
Trước hết, đó là việc lãng phí sức người, được thể hiện dưới nhiều dạng vẻ khác nhau: thất nghiệp, lao động trái ngành, chéo nghề được đào tạo, sử dụng nhân lực bất hợp lý, nhân tài không được trọng dụng, chảy máu chất xám… Tiếp đến là việc lãng phí tài sản, tiền bạc của dân và của nước. Người ta sẵn sàng tiêu phí hàng chục triệu đồng “của chùa” cho một đêm liên hoan gặp gỡ hay chia tay nào đó.
Việt Nam chúng ta là một đất nước có thu nhập quốc dân tính theo đầu người vào loại thấp nhất, nhưng đã “hội tụ” được đủ mặt các loại bia ngon nhất.Trong nhiều cuộc “bù khú” nhậu nhẹt, người ta thi nhau không phải uống bia, mà là “gội bia”, “tắm bia” với hàng chục, thậm chí hàng trăm lít.
Hằng ngày, chúng ta đã chứng kiến biết bao nhiêu cảnh lãng phí tiền bạc, làm nghèo cho dân cho nước. Cơ quan nào, xí nghiệp nào cũng cố xây cho mình những cơ sở bề thế và lộng lẫy.
Hễ có chức một tí là vội sắm cho mình những chiếc xe đời mới đắt tiền, trang bị cho mình điện thoại di động đúng với “mô đen” thời thượng mà nghênh ngang với đời.
Mới đây, trên báo “Tuổi trẻ cười”, có một bài mang tựa đề “hình như là lãng phí”, tác giả đưa ra một sự kiện… rất bình thường, nhưng lại rất xót xa. Đó là bộ giáo dục năm nào cũng đổi mới, năm nào cũng cải cách, nên năm nào, số sách giáo khoa mới in ra cũng được tha hồ đem bán ký.
Tác giả viết :“Ai ngờ đâu, tôi bỗng trở thành người thu gom giấy phế liệu để kiếm sống và đến nay tôi đã cân cả tấn sách giáo khoa còn thơm mùi giấy mới. Ở đủ mọi lớp, thuộc đủ loại môn học. “Vốn dòng họ “tiếc”, mỗi khi gặp loại sách mới này (mà gặp hoài), tôi đều lấy mẫu về cho con tôi, nhưng chúng lại bảo: Không phải loại sách của trường con (dù đúng cấp, đúng lớp của chúng). Nhìn lại bìa thì thấy là của bộ Giáo dục và năm xuất bản, mới cách đó một hai năm mà thôi!!!
“Tôi nhớ ngày xưa, khi anh tôi vào lớp 12, tôi vẫn xài sách lớp 7 của ảnh để lại. Và khi tôi lên lớp 12, tôi vẫn xài sách ảnh đã xài mà không có trở ngại gì và vẫn “anh dũng” thi đậu, cha mẹ vui mừng khỏe re…Ôi sao mà dễ dàng tiện lợi và đỡ tốn kém quá cho cho mẹ và lớp học sinh thập niên 60, 70.
“Tôi đã qua cái cảnh ba ngày ròng đi tìm một cuốn sách học cho đứa cháu mới lớp 4. Nhiều lần nhịn ăn nhịn uống để dành tiền mua sách học cho con và bây giờ đứng trước hằng trăm ký sách giáo khoa chưa có tay người lật mà đành cân ký làm giấy gói đồ, hỏi sao không xót cho học sinh, phụ huynh đất nước?
“Tôi cũng rất ngạc nhiên phát hiện ra chỉ một môn học ở lớp 3, lớp 4, mà có đến ba, bốn thứ sách. Nào là quyển bài giải, bài mẫu … rồi quyển cho giáo viên … tất cả còn mới nguyên mà đem cân ký, không biết vì lý do gì và có lãng phí không?
“Năm nào, đọc báo cũng thấy bộ giáo dục than thiếu tiền, thiếu giấy in, thiếu sách cho học sinh đến độ có những cuộc phỏng vấn tùm lum về vấn đề này. Ấy thế mà năm nào, tôi cũng có dịp cân hết trăm ký lô này đến trăm ký lô khác sách giáo khoa … lòng tôi không khỏi cảm thấy bùi ngùi”.
Trên đây là những chuyện lãng phí của quí vị có chức, tai to mặt lớn. Còn trong phạm vi cá nhân, gã cũng nghiệm ra còn có nhiều loại lãng phí khác nữa, mà chính bản thân gã cũng đã từng mắc phải. Gã chỉ xin đưa ra một thí dụ điển hình mà thôi, đó là lãng phí thời gian.
Người Tây thì bảo: Le temps, c’est l’argent. Thời giờ là bạc. Còn người Tàu thì nói: Nhất thốn quang âm nhất thốn kim. Một tấc thời gian là một tấc vàng.
Thế nhưng, lắm lúc người ta đã không ý thức được sự quí giá của thời gian nên đã lãng phí nó một cách lãng xẹt.
Nơi gã đang cắm dùi là một thị trấn chỉ nhỏ bằng chiếc móng tay, thế mà có đến mấy chục quán cà phê. Đường nào cũng có, góc phố nào cũng có. Bất kể sáng, trưa, chiều và tối, hễ đặt chân ra đường hay xuống phố, đều thấy quí vị thanh niên ngồi thiền ở trong những quán ấy. Đáng lẽ ra: Đâu cần, thanh niên có ; đâu khó, có thanh niên. Thế nhưng, quí vị này lại chẳng biết làm gì cả, ngoài việc giết thời giờ trong quán, nhấm nháp vị đắng cà phê và đốt những điếu thuốc, lim dim thả hồn theo khói, ra dáng siêu nhân hay người cõi trên chi đó.
Tiếp đến là quán nhậu. Mỗi bữa nhậu kéo dài hai ba tiếng đồng hồ, quả là lãng phí. Hồi xưa, thấy một kẻ say xỉn ngoài đường phố, quả là chuyện họa hiếm, còn hôm nay lại là chuyện thường ngày ở huyện.(Nguồn: dunglac.org).
La Fontaine kể câu chuyện ngụ ngôn. Con ve sầu suốt mùa hè, chỉ biết ca hát, khi mùa đông trở về, gió bấc thổi tới, nó bị chết đói. Trong khi đó, dòng họ nhà kiến, suốt ngày thu tích lương thực, dè sẻn từng hạt gạo, dù có mưa bão hay lạnh giá, đời sống vẫn được bảo đảm an toàn.
- Cần phải tiết kiệm
Linh mục Nguyễn Hồng Giáo viết :
Ý thức về tiết kiệm (một hình thức của sống nghèo) nói chung, còn kém nơi tu sĩ, chủng sinh và linh mục ngày nay. Có vẻ như nhiều người không coi đó là chuyện quan trọng, được nhắc nhở thì để ý, xong rồi lại đâu vào đó, rất khó “đưa vào bộ nhớ”. Trời không lấy gì làm nóng, nhưng hễ vào phòng là mở quạt máy. Nhiều khi tập vở viết chưa hết, cái áo, cái quần, đôi dép cũ còn dùng tốt được, nhưng đã bị phung phí vất đi. Cả một chồng sách báo cũ có thể để cho người thu mua đồ vụn hay ít nhất đưa cho nhà bếp làm mồi lửa, vẫn đem đốt một cách “vô tư”. Từ xưa, tục ngữ Việt Nam có câu: xài của chùa. Nghĩa là xài mà không phải trả tiền, nên cứ việc thoải mái, khỏi cần chừng mực, tiết kiệm. Và cha chung, không ai khóc, của chung, không ai quan tâm. Tâm lý đó không chỉ phổ biến nơi cán bộ công chức (như được phản ánh trên Tuổi Trẻ) mà cả nơi quần chúng nhân dân và … trong các tập thể Giáo Hội ta nữa. Trong nội bộ chúng ta, cũng có những lãng phí rất quen thuộc. Như khi làm thiệp báo tin một lễ mừng nào đó, người ta thích in thật hoành tráng (giấy sang, in hai ba màu…) dù biết rằng người nhận coi xong là bỏ.
Thật tế nhị, nhưng tôi xin nói tới tiệc tùng trong giới Công giáo ta. Tiệc quá to, rất tốn kém và thường là thừa thãi. Nước ta xưa kia rất nghèo, người dân ăn không no, mặc không ấm, nên rất chú trọng chuyện ăn uống. Tuy thế, hay chính vì thế mà lại có tâm lý coi miếng ăn là miếng nhục (muốn ăn lắm, nhưng phải làm ra vẻ không cần để tránh làm cho người khác đánh giá mình vì chuyện ăn uống…). Tây phương thì khác. Họ giàu, nên các tiệc tùng của họ thường rất đơn giản, chỉ dọn vừa đủ ăn. Ăn uống, chỉ là một phần của cuộc họp mặt. Ở nước ta, dù đã bắt đầu có thay đổi, nhưng tâm lý chung của người Việt vẫn còn thích phô trương, thích giữ thể diện bằng vẻ hào nhoáng bên ngoài, đặc biệt trong tổ chức tiệc tùng, phải mâm cao, cỗ đầy, càng nhiều món, càng sang, cho dù biết trước là sẽ thừa mứa. Và tục lệ xã hội vẫn còn gây áp lực nặng nề. Có những lễ tạ ơn tân linh mục, dọn bảy, tám chục mâm, thậm chí cả trăm và hơn nữa.
Thời nay, việc truyền chức linh mục trở thành chuyện bình thường, có nên bình thường hoá việc ăn mừng không? Thay đổi một tục lệ xã hội là rất khó. Có khi chính người trong cuộc cũng rất ngại, rất lo khi phải tổ chức linh đình tốn kém, nhưng họ khó có thể làm “cách mạng” …! Tôi nghĩ nếu có một chủ trương chung nào đó từ trên xuống, – dòng tu, giáo xứ, địa phận – thì người giáo dân chắc sẽ chấp nhận. Đây mới chỉ nói tới tạ ơn tân linh mục, nhưng khấn dòng, lễ vàng, lễ bạc, các lễ kỷ niệm này nọ, và lễ cưới cũng thuộc diện này. Giáo Hội Việt Nam có nên đi trước xã hội trong vấn đề này không? Nhờ cơ cấu tổ chức rất chặt chẽ và uy tín rất lớn của hàng giáo sĩ đối với giáo dân, thiết nghĩ nếu Giáo Hội quyết tâm và quyết liệt, cơ may thành công sẽ rất lớn. Đây cũng là nhiệm vụ giáo dục con người của Giáo Hội có thể làm ngay, không cần đợi đến khi được phép chính thức mở trường mở lớp. (Nguồn: nguoitinhuu.com).
Tiết kiệm khác với hà tiện, keo kiệt, bủn xỉn.
Tiết kiệm là biết sử dụng một cách hợp lý, đúng mức của cải vật chất, thời gian, sức lực của mình và của người khác. Tiết kiệm thời gian, tiết kiệm công sức, tiết kiệm tiền của.
Người Ý nói: Sự sung túc có được do hai bàn tay. Bàn tay này là tài năng, bàn tay kia là tiết kiệm. Người Thổ Nhĩ Kỳ bảo: Người ta trở nên giàu có, đó là do cần cù lao động và biết tiết kiệm trong chi tiêu. Tại nơi mở trương mục tiết kiệm ở các ngân hàng, người ta thường vẽ hình con gà mái ấp quả trứng vàng, có ý muốn nói những đồng tiền tiết kiệm bỏ vào đó, sẽ sinh nhiều lợi lộc, sẽ đem lại cho chủ nhân những trái trứng bằng vàng.
Tiết kiệm đi chung với giản dị.
Sống giản dị là sống phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của bản thân, gia đình và xã hội. Người giản dị thì không xa hoa, không lãng phí, không chạy theo những nhu cầu vật chất và hình thức bề ngoài. Sống giản dị, sẽ tiết kiệm được thời gian, tiền của, công sức để làm những việc có ích cho bản thân, cho gia đình và xã hội. Người tiết kiệm sẽ biết sống giản dị phù hợp với hoàn cảnh bản thân, gia đình, xã hội.
Việc nhỏ mà mỗi người chúng ta có thể thực hiện dễ dàng trong cuộc sống thường nhật, đó là sử dụng điện, nước, của cải vật chất một cách hợp lý, biết dùng thời gian vào những việc có ích và biết gìn giữ của công.
Cầu Nguyện
Lạy Chúa, đây là ước mơ của con về thế giới:
Con mơ ước tài nguyên của cả trái đất này là thuộc về mọi người, mọi dân tộc.
Con mơ ước không còn những Ladarô đói ngồi ngoài cổng, bên trong là người giàu yến tiệc linh đình.
Con mơ ước mọi người đều có việc làm tốt đẹp, không còn những cô gái đứng đường hay những người ăn xin.
Con mơ ước những người thợ được hưởng lương xứng đáng, các ông chủ coi công nhân như anh em.
Con mơ ước tiếng cười trẻ thơ đầy ắp các gia đình, các công viên và bãi biển đầy người đi nghỉ.
Lạy Chúa của con, con ước mơ một thế giới đầy màu xanh, xanh của rừng, xanh của trời, xanh của biển, và xanh của bao niềm hy vọng nơi lòng những ai ham sống và ham dựng xây.
Nếu Chúa đã gieo vào lòng con những ước mơ, thì xin giúp con thực hiện những ước mơ đó. Amen (Mana).