Lễ Phục Sinh năm A:
SỐNG CHỨNG NHÂN NIỀM TIN CHÚA ĐÃ PHỤC SINH
Lm. Vinhsơn Trần Minh Hòa
1. Chúa Giêsu đã phục sinh, biến cố siêu việt.
Chúa Giêsu đã chịu chết khổ hình thập giá là một sự kiện lịch sử. Sự kiện này đã xảy ra hơn hai nghìn năm qua. Sở dĩ đây là sự kiện lịch sử vì Chúa Giêsu đã chịu chết trước mặt rất nhiều người trong thời điểm lịch sử là thời tổng trấn Philatô. Mặt khác, sách Thánh và đặc biệt Tin Mừng dưới hình thức bốn cuốn sách đã ghi lại sự kiện lịch sử này. Ngay cả sử gia nổi tiếng người Do Thái tên là Josephus, sống vào thế kỷ thứ nhất cũng đã xác nhận: Vào lúc này, Giê-xu, một người khôn ngoan, nếu gọi như thế là hợp pháp; vì người làm những điều kỳ diệu, dạy dỗ người ta biết cách tiếp nhận chân lý cách vui thỏa. Người thu hút cả người Do Thái lẫn dân ngoại bang. Người là Đấng Cơ Đốc. Khi Pilate, do yêu cầu của các trưởng lão của chúng ta, đã đóng đinh người trên thập tự giá, những kẻ yêu người từ ban đầu không chịu lìa bỏ người; vì đến ngày thứ ba người sống lại và hiện ra cùng họ; như các tiên tri thánh đã báo trước nhiều điều lạ lùng liên quan đến người. Và cộng đồng người Cơ Đốc, mang danh người, vẫn tồn tại cho đến ngày nay. (x. Josephus, Antiquities of the Jews – XVIII, 3:8-10).
Chúa Giêsu đã chịu khổ hình thập giá là một sự kiện lịch sử thì biến cố Chúa Giêsu phục sinh lại là biến cố siêu việt vượt trên sự kiện lịch sử. Thực vậy, không một ai chứng kiến tận mắt biến cố phục sinh và không một thánh sử nào mô tả nó. Không ai có thể nói phục sinh đã diễn biến như thế nào về mặt thể lý. Giác quan lại càng khó nhận ra được yếu tính sâu xa nhất của phục sinh là sự chuyển qua một cuộc sống khác. Tuy nhiên, biến cố này có thể được ghi nhận nhờ dấu chỉ mộ trống mà Tin Mừng hôm nay đã trình thuật. Ngôi mộ trống chưa nói lên được Đức Kitô đã phục sinh, tuy nhiên sự sắp xếp hết sức trật tự trong ngôi mộ trống phần nào minh chứng cho chân lý Chúa phục sinh. Những băng vải và khăn che đầu liệm xác Chúa Giêsu còn để lại. Khăn che đầu không bị xáo trộn, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi (x. Ga 20,7-8). Dù chưa hiểu Kinh Thánh về biến cố phục sinh của Đức Kitô nhưng sau khi nhìn thấy ngôi mộ trống và sự trật tự lạ lùng của tấm khăn liệm, người môn đệ Đức Giêsu yêu mến đã tin (x. Ga 20, 8-9).
Sau sự kiện ngôi mộ trống, mầu nhiệm phục sinh được củng cố ngang qua những lần hiện ra của Đức Giêsu. Đức Giêsu đã không hiện ra với tất cả mọi người nhưng chỉ hiện ra với một số người là các môn đệ và những kẻ từng theo Người từ Galilê lên Giêrusalem. Những người đầu tiên được gặp Đấng Phục Sinh (x.Mc 16,1; Lc 24,1; Mt 28,9-10; Ga 20,11-18) là bà Maria Mácđala và các phụ nữ đạo đức đến để hoàn tất việc ướp xác Đức Giêsu (x. Ga 19,31.42). Đức Kitô hiện ra với Phêrô, sau đó với nhóm Mười Hai (x.1Cr 15,5). Chính dựa trên chứng từ của Phêrô, mà cộng đoàn vang lên lời tuyên tín: “Chúa đã sống lại thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon” (Lc 24, 34.36).
Cuối cùng, mầu nhiệm phục sinh siêu việt đã được các chứng nhân xác quyết bằng cả đời sống chứng tá và công cuộc loan báo Tin Mừng Chúa phục sinh. Sự biến đổi sâu xa nơi những chứng nhân đã gặp được Đức Kitô phục sinh là một trong những chứng cứ mạnh mẽ về mầu nhiệm Chúa phục sinh. Phêrô, một tông đồ đã sợ hãi và chối Chúa trước ngày Chúa chịu khổ nạn (x. Ga 18,15-27) thì ngay sau khi gặp gỡ Đức Kitô phục sinh đã hùng hồn rao giảng về Đức Kitô phục sinh cho nhiều người (x. Cv 10,34 – 43). Trước biến cố Đamas, Phaolô đã mạnh mẽ bách hại các tín hữu (x. cv 9, 1-2), thì sau biến cố gặp gỡ Chúa trên đường Đamas (x. Cv 9,17) ngài đã trở thành một tông đồ nhiệt tâm loan báo Tin Mừng cho người Do Thái (x. Cv 9,20) và cho dân ngoại (x. Cv 26,20).
2. Sống chứng nhân niềm tin Chúa đã phục sinh
Tin Mừng hôm nay trình thuật sự kiện ngôi mộ trống. Chúa Giêsu đã chịu chết và được mai táng trong mồ nhưng đã phục sinh nên Người đã không còn trong mộ nữa. Dựa vào Kinh Thánh và lời rao giảng của Hội thánh tông truyền, chúng ta tin thật Chúa đã phục sinh. Tuy nhiên, niềm tin vào Đức Giêsu phục sinh không chỉ dừng lại ở thái độ lắng nghe và chấp nhận một tín điều nhưng còn mời gọi các tín hữu gặp gỡ có tính chất cá vị với Đấng phục sinh ngang qua dấu chỉ bí tích. Đức Kitô đã về trời, ngự bên hữu Chúa Cha và ban tràn đầy Thánh Thần trên thân thể của mình là Hội Thánh. Từ nay, Người hoạt động qua các bí tích do chính Người thiết lập để thông ban ân sủng. Vì thế, các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể là phương thế hữu hiệu để các tín hữu hôm nay gặp gỡ Đức Kitô phục sinh một cách cá vị.
Hội thánh hơn 2000 năm qua vẫn luôn trổ sinh những hoa trái thánh thiện. Các thánh trong Giáo hội đã cử hành các bí tích cách sốt sắng. Các ngài đã gặp gỡ Chúa phục sinh ngay trong đời sống cử hành phụng vụ và cầu nguyện. Nhờ đó, các ngài có sức mạnh để sẵn sằng sống chứng nhân cho Chúa phục sinh. Dù khó khăn trăm bề, dù bách hại nặng nề, các thánh đã trung thành sống cho Chúa phục sinh đến hơi thở cuối cùng.
Chân phước Têrêxa Calcutta và chân phước giáo hoàng Gioan Phaolô II là những chứng nhân cho Chúa phục sinh trong thời đại mới. Bí quyết để chân phước Têrêxa Calcutta có thể phục vụ tận tình những người cùng khổ là mẹ chuyên chăm cầu nguyện không chỉ lúc cử hành các bí tích mà còn trong những giờ ngồi bên Thánh Thể. Vì thế mẹ chia sẻ kinh nghiệm sống đức tin một cách xác tín: Nếu chúng ta cầu nguyện, thì chúng ta mới tin, nếu chúng ta tin, thì chúng ta mới yêu thương, nếu chúng ta yêu thương thì chúng ta mới phục vụ. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể đặt tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa trong hành động cụ thể, là phục vụ Chúa Kitô trong dung mạo cùng khổ của nguời nghèo. Chân phước giáo hoàng Gioan Phaolô II đã gặp gỡ Chúa phục sinh không chỉ khi cử hành các bí tích mà cả khi cầu nguyện với Chúa Giêsu Thánh Thể. Ngài đã say mến Chúa Giêsu Thánh Thể và vì thế ngài có khả năng dâng trọn vẹn sức lực, trí khôn, tài năng và mọi thứ ngài có để phục vụ Giáo hội trong cung cách của một đầy tớ khiêm hạ, trung tín và đầy khôn ngoan.
Hôm nay, cử hành thánh lễ mừng Chúa phục sinh, mỗi tín hữu cũng được mời gọi đổi mới đời sống và sống chứng nhân cho niềm tin Chúa đã phục sinh. Ước mong, mỗi lần mừng lễ Chúa phục sinh, mỗi tín hữu gia tăng lòng tin vào Chúa phục sinh, sẵn sàng sống chứng nhân cho Người và tìm kiếm những gì thuộc thượng giới. Có thế, chúng ta hy vọng chắc chắn rằng, khi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, chúng ta sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang. Amen.