TÌNH YÊU ĐẾN CÙNG NƠI ĐỨC GIÊSU
1. Biểu hiện tình yêu đến cùng.
Cố thi sĩ Hàn Mạc Tử trong một khổ thơ của bài thơ Đà Lạt Trăng Mờ đã thổn thức: Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều, để nghe dưới đáy nước hồ reo, để nghe tơ liễu run trong gió, và để xem trời giải nghĩa yêu. Hai chữ tình yêu trừu tượng quá, khó hiểu quá đến độ người ta chỉ biết lắng đọng tâm hồn để nghe trật tự lạ lùng của vũ trụ và cảnh vật tuyệt đẹp của thiên nhiên lên tiếng và nhất là để lắng nghe chính Thiên Chúa tỏ bày mầu nhiệm tình yêu.
Thái độ chấp nhận lắng nghe Thiên Chúa là thái độ khôn ngoan, bởi lẽ Thiên Chúa là tình yêu (1. Ga 4,8). Và chỉ có Ngài là tình yêu mới có thể giải thích cặn kẽ và đầy đủ về tình yêu. Thiên Chúa đã giải thích tình yêu cách trọn vẹn qua chính Con một của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu là con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật đã làm người và ở cùng chúng ta (x. Ga 1,14). Người không những đã giải thích phạm trù tình yêu bằng lời giảng dạy mà còn giải thích bằng chính đời sống hiến thân của Người.
Giới luật mà Chúa Giêsu đã truyền lại cho các tông đồ cũng như mỗi người là giới luật yêu thương: “Điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Chính Chúa Giêsu là mẫu gương yêu thương để mỗi người noi theo. Tình yêu mà Chúa Giêsu đã biểu lộ là tình yêu đi bước trước và vô vị lợi: Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta (x. 1 Ga 3,16). Tình yêu mà Chúa biểu lộ cho nhân loại cũng là tình yêu đến cùng. Dấu hiệu để biết được tình thương đến cùng, đó là một tình yêu đến quên mình để cho tha nhân được hạnh phúc đích thật. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Ga 15,13).
2. Tình yêu đối với Chúa Cha đến cùng nơi Đức Giêsu
Chúa Giêsu đã biểu lộ tình yêu với Chúa Cha một cách đến cùng. Tình yêu đó được biểu lộ qua thái độ vâng phục Chúa Cha cách tuyệt đối. Thư thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Philiphê đã cho thấy điều ấy. Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự (x. Pl 2,6-7).
Chúa Giêsu đã yêu Chúa Cha đến quên mình, dám hủy mình ra không nơi biến cố nhập thể. Dầu là Con Thiên Chúa, nhưng vì vâng phục Chúa Cha, Chúa Giêsu chấp nhận chút bỏ vinh quang và đã làm người. Người con mặc lấy thân nô lệ. Khi mang thân phận con người, Chúa Giêsu đã dâng trọn thân mình cho Chúa Cha để thực hiện ý Chúa Cha.
Mang thân phận con người, phần đông ai cũng sợ chết, nhất là biết trước cái chết đau thương và khổ nhục. Chúa Giêsu đã trải qua tâm trạng đó, nhưng vì yêu Chúa Cha đến tột cùng, Người sẵn sàng bước vào cuộc khổ hình và thưa lên với Chúa Cha những tâm tình thánh thiện qua lời cầu nguyện: “Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn.”(Mc 14,36). Chén đắng Chúa Giêsu đã uống chính là cuộc hiến tế trên thập giá để làm trọn vẹn ý của Chúa Cha. Giọt máu cuối cùng Chúa Giêsu đã đổ ra trên thánh giá là giọt máu tình yêu Người đã dành trọn cho Chúa Cha để biểu lộ tình yêu đến cùng.
3. Tình yêu đối với nhân loại đến cùng nơi Đức Giêsu
Tình yêu Chúa Cha đến cùng nơi Chúa Giêsu cũng mở ra mối tương quan mới, mối tương quan với nhân loại. Chúa Giêsu cũng yêu nhân loại đến cùng. Hình phạt mà con người muốn đày đọa nhau nơi khổ hình thập giá thì Chúa Giêsu gánh lấy. Vác trên mình cây thánh giá, Chúa Giêsu vác lấy mọi tội lỗi nhân loại trên vai. Đau khổ và án phạt khổ hình thập giá mà con người phải gánh chịu do tội nguyên tổ giờ đây Chúa Giêsu mang lấy. Như tình thương của cha mẹ dành cho con cái qua hy sinh cả đời xây dựng hạnh phúc cho con cái, Chúa Giêsu đã mang mọi đau khổ của con người để qua khổ hình thập giá và phục sinh vinh quang, Chúa Giêsu ban ơn cứu độ cho con người. Nhờ đó, con người được sống và sống dồi dào.
Mỗi lần cử hành lễ lá, chúng ta không chỉ cử hành biến cố Chúa vào thành thánh để chịu tử nạn, mà còn gợi nhớ lại tình yêu đến cùng của Chúa Giêsu đối với nhân loại. Kế đến, mầu nhiệm Chúa vào thành thánh cũng là lời mời gọi mỗi tín hữu cũng hiến thân cho tha nhân theo mẫu gương của Chúa Giêsu. Cây tươi còn còn bị thế ấy thì cây khô sẽ ra sao (x. Lc 23, 31). Đức Kitô đã bước theo đường thánh giá để biểu lộ tình yêu đến cùng đối với Chúa Cha và nhân loại thì các tín hữu làm sao có thể đi đường khác. Đường lữ hành đức tin không có thập giá thì chắc chắn đường đó không thể dẫn tới gặp gỡ Chúa Giêsu. Bởi chính Chúa Giêsu đã nói, ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo (Mc 8,34). Vì thế, trong cuộc sống đức tin này, mỗi lần chúng ta gặp đau khổ và thử thách vì là môn đệ Chúa Kitô thì chúng ta tin chắc một điều rằng, chúng ta đang đúng đường và sẽ đến đích là gặp gỡ Chúa Giêsu dưới chân thánh giá và gặp gỡ Đức Giêsu phục sinh trên quê trời vĩnh phúc.
Lạy Chúa Giêsu, mỗi lần con cử hành mầu nhiệm Chúa chịu khổ hình, xin cho con tin tưởng và cảm nhận tình thương tuyệt đối đã dành cho con và xin cho con biết đáp lại tình thương của Chúa qua đời sống hiến thân của con cho tha nhân. Amen.
Linh mục Vinhsơn Trần Minh Hòa