Suy niệm Lời Chúa Chúa nhật III mùa Chay năm A
THIÊN CHÚA LÀ THẦN KHÍ
Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt
“Người phải băng qua Samari”. Lộ trình ngắn nhất và dễ nhận từ Giuđê đến Galilê chạy ngang qua miền Samari. Edei, “Người phải”, diễn tả một sự bắt buộc hay một sự tiện lợi về địa dư? ‘Động từ dei, trong Tin Mừng Gioan (3, 7.14.30; 4, 20. 24; 9, 4; 10, 16; 12, 34…) cũng như trong các Tin Mừng Nhất Lãm (Mc 8, 31; 9,11) thường có nghĩa một sự bắt buộc phát xuất từ ý định cứu rỗi của Thiên Chúa. Có thể bảo ‘edei’ vừa xác định thêm chi tiết địa dư, vừa đặc biệt ám chỉ rằng Thiên Chúa muốn có câu chuyện này xảy ra ở Samari để mặc khải tính cách phổ quát của ơn cứu độ do Con Ngài mang đến.
“Lúc ấy chừng giờ thứ sáu”. Những lối xác định thời gian loại đó ta còn gặp thấy trong 1, 39; 4, 52 và 19, 14. Trong 19, 14, cũng một thành ngữ như ở đây tái hiện trong bối cảnh vụ xử án Chúa Giêsu: có thể Gioan đã muốn dùng cùng một cách nói như vậy để ngụ ý là tính cách phổ quát của ơn cứu rỗi, được tỏ lộ trong câu chuyện hôm nay, tùy thuộc vào cái chết cứu chuộc của Chúa Kitô.
“Cho tôi uống với”: Như trong mọi trình thuật của Gioan, chính Chúa Giêsu là người khởi xướng. Lời xin của Người có vẻ tự nhiên, vì lúc đó là buổi trưa, sau khi đi đường xa mệt mỏi. Nhưng đối với độc giả của Gioan, thì một lời xin như thế có vẻ lạ thường, vì người xin uống nước là chính người phải ban cho nước sống dư tràn.
“Trong Thần khí và sự thật”. Một lối chú giải rất được phổ biến cho đây là lời ám chỉ việc phụng tự thiêng liêng, nội tâm, loại bỏ mọi hy tế và mọi nơi thờ phượng. Việc phụng tự hoàn toàn nội tâm này được khơi nguồn do sự hiểu biết đích thực về Thiên Chúa và do lòng sùng kính thành thật đối với chân lý. Song một lối giải thích như vậy vẫn còn thiếu sót, vì không lưu ý tới tính cách mới mẻ của việc phụng tự do Chúa Kitô thiết lập. Thật vậy, các ngôn sứ đã đòi hỏi việc phụng tự nội tâm nhiều lần rồi (Am 5, 20-26; Is 1, 11-20; 29, 13; Tv 50, 7-23; 51, 18tt). Vào thời Chúa Giêsu, người Do thái cũng như dân ngoại đều biết rằng phụng tự nội tâm trồi vượt phụng tự bên ngoài. Việc phụng tự mới được Chúa Kitô trình bày ở đây không thể chỉ là lặp lại lý tưởng các ngôn sứ rao giảng; nó phải được đặt vào trong bối cảnh chung của khởi điểm mới trong Chúa Kitô. Việc phụng tự Chúa Cha đích thực phải đáp ứng với địa vị mới của người tín hữu là được trở thành con Thiên Chúa: “Những kẻ thờ phượng đích thật” là những kẻ “sinh bởi Thiên Chúa” (1,13) bằng nước và Thần khí (3,5) và được hiến thánh nhờ sự thật (17, 17.19). Thành ra việc phụng tự mới là việc phụng tự khơi nguồn bởi nguyên lý sự sống của các Kitô hữu. Đây là phụng tự trong sự thật”, vì được thành hình do mặc khải vẹn toàn của Chúa Giêsu.
“Thiên Chúa là Thần khí”. Xác quyết này là một trong ba xác quyết quan trọng của Gioan về Thiên Chúa (“Thiên Chúa là ánh sáng” 1Ga 1,5; “Thiên Chúa là Tình yêu” 1Ga 4, 8-16). Nó có vẻ như là một định nghĩa về Ngài. Nó gần giống như phản ứng của các người Do thái hy hóa và các triết gia ngoại giáo chống lại những lối trình bày nhân hình về Thiên Chúa. Với lại ta không thấy một giáo huấn nào tương tự trong Cựu ước cả. Vì vậy có kẻ nghĩ rằng lời xác quyết của Gioan ở đây mang nguồn gốc Hy lạp. Tuy nhiên, không nên giả thiết một sự vay mượn như thề vì giáo thuyết của Gioan về Thần khí nối dài giáo thuyết của Cựu ước, theo đó thì Thần khí không phải là cách hiện hữu đối nghịch với vật chất, nhưng là hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa nhằm phát sinh sự sống. Đó cũng là ý nghĩa cơ bản mà ta thường gặp nơi Gioan (3, 5-8; 6, 63; 7,38; 14, 17-19). Thành ra phải kết luận rằng ớ đây Gioan không có ý chống lại những cái nhìn vật chất, như nhìn về Thiên Chúa, song chỉ muốn xác nhận quyền năng đáng tạo sự sống của Ngài.
KẾT LUẬN
Qua việc dùng các tước hiệu khác nhau, những tước hiệu mời gọi niềm tin dần dần, trang sách này của thánh Gioan đã mặc khải một khía cạnh cơ bản trong mầu nhiệm Chúa Giêsu. Lúc đầu, Người chỉ là một lữ khách vô danh. Sau đó, thiếu phụ Samari khám phá ra Người là một người Do thái (c. 9). Khi nghe lời hứa kỳ lạ về một thứ nước sống, bà hỏi Người: “Dễ chừng Ngài lại lớn hơn Giacóp cha chúng tôi sao?” (c. 12). Lúc nhìn thấy là Người đã thấu rõ bí mật đời tư của mình, bà mới nhận ra Người là một ngôn sứ (c. 19). Sau cùng, khi Chúa Giêsu đã mặc khải cách hoàn toàn rồi, bà phỏng đoán Người có lẽ là Đấng Kitô (c.29). Nhưng chính dân thành Samari, hoa quả đầu mùa của các dân tộc, mới tuyên xưng đức tin của họ vào Chúa Giêsu “Đấng Cứu Thế” (c.42). Từ đầu đến cuối, việc mặc khải vẫn nằm trong viễn ảnh lịch sử cứu độ. Các chương Tin Mừng khác mặc khải Chúa Giêsu là Đấng Thiên Chúa sai đến và là Con Chúa Cha. “Kitô” và “Con Thiên Chúa” là hai tước hiệu căn bản của bản tuyên tín theo thánh Gioan (20,31). Còn “Đấng Cứu Thế” là tước hiệu tổng hợp: Kẻ đã đến như ánh sáng trần gian (8,12; 12,46), như Người mặc khải, như Đấng Kitô, là chính Con Một được Thiên Chúa sai đến để cứu rỗi thế gian và cho mọi người có sự sống vĩnh cửu trong mình (3, 16-18).
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1) Chúa Giêsu khai mào câu chuyện với thiếu phụ Samari bằng cách khêu gợi tính tò mò của bà. Người tự đặt mình vào thực tế tầm thường của đời sống thường nhật, vào hoàn cảnh của kẻ phải mệt mỏi kín nước đều đều, để rồi làm cho bà cảm thấy không phải chỉ cần có thứ nước ấy mới sống được, không phải chỉ có những thực tại vật chất là đáng kể trong đời sống. Hôm nay đây, Chúa còn hiện diện trong cuộc sống thường ngày của ta. Ta có biết nhận ra Người chăng? Có chấp nhận đối thoại với Người? Có đồng ý là không phải chỉ những thực tại vật chất mới đáng kể trong đời sống của ta Có cố gắng để đừng bị vật chất chi phối chăng? Vì không chỉ có thứ nước tự nhiên mà thôi, song còn thứ nước siêu nhiên vọt đến sự sống vĩnh cửu. Cuộc đời của ta còn phải được nuôi dưỡng bằng việc cầu nguyện và tôn thờ Thiên Chúa.
2) “Ai uống nước giiếng này, sẽ còn khát lại” (c.13). Nước này không giải khát thật sự, nó vừa tạm thời xoa dịu cơn khát, vừa duy trì và kích thích cơn khát. Ai lại không biết cái chu kỳ quỷ quái của dục vọng, luôn luôn tái phát, chẳng bao giờ nó thỏa; ai mà không cảm thấy các nhu cầu được thỏa mãn cứ trào lên vô tận, thúc đẩy mình hưởng thụ cách nào đó: càng khát, lại càng uống, càng uống lại càng khát! Và luôn luôn theo lối lý luận ích kỷ ấy mà người thiếu phụ Samari đón nghe những lại của Chúa Giêsu về nước sống và tìm cách lợi dụng cơ hội: xin Ngài ban cho tôi thứ nước ấy để tôi hết khát và khỏi đến cây múc nước” (c.15). Một ngộ nhận như thế cũng gặp thấy nơi người Do thái trong diễn từ Bánh sự sống: thưa Ngài, hãy luôn luôn cho chúng tôi bánh ấy” (6,34). Theo bản năng tự nhiên, ta có khuynh hướng muốn chụp lấy ơn Thiên Chúa như một thứ bảo hiểm sinh mạng khả dĩ miễn cho mình lăn lộn với đời, như một số vốn mang lại nhiều lợi giúp mình mãi mãi an cư, muốn thứ bánh, thứ nước Ngài ban cho ấy trở thành kho vô tận, dùng mãi không bao giờ cạn. Nhưng ơn Thiên Chúa đâu có muốn giản lược ta vào trong sự thỏa mãn cái tính cách dinh dưỡng đó: “Ai uống nước Ta sẽ ban, thì đời đời sẽ không khát nữa” Chúa Giêsu bảo vậy (c.14). người không giữ nước ấy trong một bình đóng kín, bưng bít một cách ích kỷ. Trái lại, nước Ta sẽ ban cho nó sẽ trở nên trong nó một suối nước vọt đến sự sống đời đời” (c.14). Nước sống ấy có sức giải khát vì, vượt ra ngoài-bản năng bảo tồn, nó làm phát sinh trong ta chính nguồn sống, và dạy chúng ta rằng sống chính là trao ban, là chia sẻ không tính toán, là phun trào ra mà không giữ lại.
3) Cuộc đối thoại chuyển qua hướng mới với mệnh lệnh của Chúa Giêsu: “Hãy đi gọi chồng bà…”. Để cho thiếu phụ Samari hiểu và đón nhận ơn Thiên Chúa, Chúa Giêsu đột ngột đề cập đến bí mật đời tư của bà. Trong lãnh vực này, cơn khát của người đàn bà, cơn khát tình yêu, cũng chẳng được thỏa mãn; thiếu phụ đã có năm đời chồng và người đang sống với bà hiện giờ không phải là chồng đích thực (c.18). Giống như nước mà bà phải đến múc uống luôn song chẳng đã khát, những nỗ lực tình yêu liên tiếp của bà đã làm bà thất vọng và đẩy bà vào nỗi cô đơn. Mục đích của Chúa Giêsu không phải là đem người thiếu phụ trở về thái độ sám hối song là cho bà thấy, như đã cho Nathanael thấy (1, 47-50). Người thông suốt lạ lùng, là khiến bà cúi đầu trước uy nhan của vị Ngôn sứ và từ đó chuẩn bị cho bà lãnh hội mặc khải của Thần khí. Thực vậy, không một tiếng quở trách, không một lời khuyến khích nào trên môi miệng Chúa Giêsu; không một tâm trạng tội lỗi, không một giọng thống hối nơi người đàn bà; nhưng chỉ có một lời khen ngợi đầy vẻ ngạc nhiên: thưa Ngài, tôi thấy Ngài là một ngôn sứ (c.19), và sau đó, trong câu nói với dân làng: một người đã bảo cho tôi biết mọi sự tôi đã làm (c.9). Nếu có chuyện tội chăng nữa, thì vấn đề không phải chỗ đó, hoặc hình như bị gác ngay qua một bên. Với ánh mắt nhân từ và sáng suốt, Chúa Giêsu cũng mời gọi ta hãy nhìn thăng mình không chút tự mãn song cũng chẳng chút xấu hổ, cay đắng và thất vọng. Đặc biệt Người muốn dẫn đưa ta đến chỗ nhìn nhận Người là vị “Ngôn sứ Thiên Chúa sai đến, là Đấng mặc khải về bản tính nhân loại đích thực của ta, là Đấng giúp ta khám phá ý nghĩa và không chiều kích của cơn đói khát trong ta, là Đấng tố cáo những mưu kế mà ta dùng để đánh lừa hoặc thỏa mãn cơn khát ấy một cách rẻ tiền. là Đấng dạy cho ta biết sống và trào dâng nước sống của ơn Chúa.