Laudato Si phải truyền cảm hứng để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, tham luận viên tại Vatican nói
WHĐ (18-06-2020) – Một tài liệu dài 220 trang đã được phát hành, một hướng dẫn cho Thông điệp “Laudato Si”.
Khói từ các đám cháy ở miền đông Tijuana, bang Baja California, Mexico vào ngày 9 tháng 6 năm 2020. Phòng cứu hỏa của Tijuana báo cáo hơn 49 vụ cháy do tình trạng gió Santana ở Nam California. (Ảnh: Guillermo Arias / AFP)
“Đại dịch coronavirus và các cuộc khủng hoảng toàn cầu đang diễn ra rõ ràng cho thấy rằng Thông điệp của Đức Giáo hoàng về việc chăm sóc sáng tạo cần phải được thực hiện trên toàn thế giới”, một nhóm tham dự viên là các nhà lãnh đạo giáo hội nói.
“Sau COVID-19, sẽ không có gì như trước nữa”, Aloysius John, tổng thư ký của Caritas Quốc tế, cho biết ngày 18 tháng 6 tại một cuộc họp báo của Vatican tiết lộ một tài liệu mới.
“Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói, đã đến lúc xây dựng một tương lai mới và tương lai mới này phải được xây dựng dưới ánh sáng của Laudato Si. Đã đến lúc mọi người, chính phủ và xã hội dân sự, phải nỗ lực thực hiện những thay đổi mà Đức Thánh Cha cổ võ chúng ta trong Thông điệp tiên tri này,” ông nói.
Aloysius John là một trong nhiều diễn giả tại cuộc họp báo trình bày tài liệu “Hành trình chăm sóc hướng tới ngôi nhà chung của chúng ta. Năm năm sau Laudato Si”.
Đức Tổng Giám mục Paul R. Gallagher, Bộ trưởng Ngoại giao Vatican, cho biết đại dịch “đã làm nổi bật nhiều, rất nhiều điều, nhiều, rất nhiều lĩnh vực mà chúng ta có rất nhiều việc phải làm”.
“Câu hỏi là liệu chúng ta có tiếp thu những câu hỏi này và làm thế nào để giải quyết chúng”, Đức Tổng Giám Mục nói tại cuộc họp báo.
Giáo hội Công giáo sẽ tiếp tục thúc giục các chính phủ, chính giáo hội và tất cả mọi người làm điều gì đó để làm cho thế giới tốt đẹp hơn “và không nghĩ rằng tất cả rồi sẽ biến mất,” ngài nói.
Khi được hỏi về quyết định của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump rút khỏi Thỏa thuận Paris về giảm thiểu biến đổi khí hậu năm 2017, Đức Tổng Giám Mục nói rằng sự tham gia của Hoa Kỳ là “quan trọng sống còn” đối với môi trường thế giới và các vấn đề khác.
Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục nói, mọi người không nên đánh giá thấp vai trò của các quốc gia khác, các nhà lãnh đạo và các tổ chức tiếp tục cuộc chơi cũng như nhiều tiểu bang riêng lẻ của Hoa Kỳ “đã cam kết tiếp tục theo đuổi tinh thần của Thỏa thuận Paris”.
Tính đến tháng 7 năm ngoái, 24 tiểu bang và Puerto Rico đã gia nhập một liên minh để tiếp tục thúc đẩy các mục tiêu của thỏa thuận. Một số thống đốc, thị trưởng và doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng đưa ra các cam kết tương tự để giảm lượng khí thải.
“Tôi nghĩ rằng đây là một phong trào thế giới không thể cưỡng lại, một phong trào xã hội, một phong trào của đức tin, của cam kết của con người và tôi nghĩ rằng nhân loại sẽ không bị thổi bay chệch hướng bởi bất kỳ quyết định nào của bất kỳ ai”, nhà ngoại giao nói thêm “đương nhiên chúng tôi hoan nghênh bất cứ ai quay trở lại bàn làm việc”.
Tài liệu và họp báo là một phần của các hoạt động và sáng kiến được đưa ra để đánh dấu kỷ niệm lần thứ năm việc ban hành Thông điệp. “Năm kỷ niệm đặc biệt Laudato Si” bắt đầu từ ngày 24 tháng 5 và sẽ kéo dài đến ngày 24 tháng 5 năm 2021.
Văn bản này là một hướng dẫn hành động thực hiện Laudato Si và được các đại diện từ nhiều văn phòng của Vatican soạn thảo với rất nhiều người tham gia từ hội đồng giám mục các quốc gia, các giáo phận và các tổ chức Công giáo, bao gồm Caritas Quốc tế và Phong trào Khí hậu Công giáo Toàn cầu.
Đồng sáng lập và giám đốc điều hành của phong trào khí hậu, ông Tomas Insua, nói tại cuộc họp báo rằng Thông điệp năm 2015 của Đức Giáo hoàng là một lời kêu gọi hành động, “không phải chỉ là một sự suy tư đẹp đẽ để đặt trên giá sách.”
Văn bản kết quả của “tài liệu hướng dẫn hoạt động” chứa một loạt các suy tư “đáng chú ý”, liên hệ đến các nguồn lực, khuyến nghị, thực tiễn tốt nhất và các điểm hành động sẽ tạo ra nhiều sáng kiến và cam kết hơn, ngài nói.
Hướng dẫn, được phát hành vào ngày 18 tháng 6 tại Ý, tổng hợp nhiều cung cách sáng tạo, đổi mới và tích cực mà giáo hội đã đáp ứng với Thông điệp ở cấp độ toàn cầu, quốc gia và giáo xứ, ngài nói.
Bản dịch của tài liệu sang các ngôn ngữ khác sẽ được xuất bản trực tuyến khi chúng được hoàn thành, Vatican cho biết.
Tài liệu 220 trang là một hướng dẫn đồng hành, chứ không phải là một thay thế cho Thông điệp. Nó làm vỡ ra nhiều vấn đề và chủ đề trong Thông điệp, và đề xuất một số “con đường” cho hành động và các dẫn chứng “truyền cảm hứng”, đặc biệt nhấn mạnh vào việc đảm bảo các sáng kiến tìm cách lôi kéo tất cả mọi người – những người ngoài lề, những thế hệ khác biệt, những người có thiện chí, có các niềm tin khác nhau, người dân trong chính phủ, trường học và cộng đồng.
Tài liệu liệt kê nhiều cách mà gia đình, cá nhân, thanh niên, trường học và các dòng tu có thể giúp đỡ, ví dụ, trong việc đào tạo lương tâm để hiểu tội lỗi chống lại cuộc sống của con người và làm thế nào để cho “văn hóa chăm sóc” và bảo vệ công trình sáng tạo và người nghèo quan tâm đến “các thai nhi, trẻ em, những người bệnh, những người sống một mình và người già.”
Tài liệu khuyến khích các trường học cung cấp kinh nghiệm thực hành, đặc biệt là phục vụ những người yếu thế và khuyến khích kết nối trực tuyến với sinh viên trên toàn thế giới. Tài liệu cũng kêu gọi phát triển thêm các khóa học liên ngành, trao quyền cho một thế hệ lãnh đạo mới trong “sinh thái toàn vẹn” và các ngành nghề mang lại những thay đổi cần thiết trong giới tài chính, giới nông nghiệp, giới giáo dục, giới hoạch định chính sách và hơn thế nữa.
Trong số nhiều kế hoạch kiến nghị được các hội đồng giám mục, các giáo phận và các dòng tu tạo ra, tài liệu liệt kê ra: tài nguyên của hội đồng giám mục Hoa Kỳ dành cho các giáo xứ; “Kế hoạch hành động Laudato Si” của Tổng giáo phận Atlanta; “Mục Vụ chăm sóc Trái đất” và trung tâm ở Philadelphia của các nữ tu dòng Nữ Tử Thánh Giuse; và “trại khởi động” của Hiệp hội Y khoa Công giáo dành cho sinh viên y khoa và cư dân giúp họ xem xét các thách thức trong y học “thông qua lăng kính của hệ sinh thái toàn vẹn.”
Một chương dành riêng nói về tầm quan trọng của truyền thông như là phương tiện xây dựng và hàn gắn các mối quan hệ, chia sẻ các giá trị, nêu bật những thách thức hoặc lạm dụng và nhắc nhở mọi người rằng họ không chỉ là người tiêu dùng, mà còn có nghĩa vụ là công dân và thành viên của một gia đình nhân loại duy nhất.
Tài liệu nói, “Truyền thông, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tư duy” và tuyên truyền “tin giả”, cũng có thể chia sẻ “đạo đức sinh thái” và phổ biến thông tin chính xác, chia sẻ các thực hành tốt nhất và thúc đẩy các tranh luận hữu ích.
Carol Glatz
Phê-rô Phạm Văn Trung chuyển ngữ từ ucanews