Một Kitô hữu Lào bị bắt và đánh đập vì là Kitô hữu
***
Theo cảnh sát thì người thanh niên bị bắt vì chặt gỗ trong một khu rừng được bảo vệ. Nhưng theo người dân huyện Phin đó chỉ là cái cớ. Tại đây các quan chức hiếm khi áp dụng luật chống khai thác gỗ bất hợp pháp. Trong tù, cảnh sát đã tìm cách bắt buộc Agoon từ bỏ đức tin và đánh đập anh.
Chính quyền thì cho rằng Agoon bị bắt vì đã chặt gỗ trong một khu rừng được bảo vệ, nhưng các nguồn tin địa phương khẳng định rằng thanh niên này bị bắt vì niềm tin tôn giáo. Một nguồn tin giấu tên nói với cảnh sát rằng anh ta và những người khác đã chặt cây trong rừng theo yêu cầu của trưởng làng thuộc huyện Phin. Người dân địa phương cho rằng các quan chức hiếm khi áp dụng luật chống khai thác gỗ bất hợp pháp.
Những người khác cũng trong nhóm chặt cây với Agoon không phải là Kitô hữu thì không bị bắt giữ; trong lúc đó anh lại bị bắt giữ và đánh đập. Trong tù cảnh sát đã cố buộc Agoon từ bỏ đức tin nhưng anh từ chối. Cảnh sát đã phản ứng lại thái độ cương quyết của anh bằng cách đánh anh nhiều hơn.
Một nguồn tin thứ ba cũng cho rằng cáo buộc phá rừng chỉ là cái cớ, bởi vì một vụ bắt bớ vì lý do đức tin sẽ gia tăng sự bất bình của các tổ chức quốc tế thúc đẩy tự do tôn giáo ở Lào. Một vụ vi phạm trước vụ này đã được đưa ra ánh sáng một tuần sau khi ba công dân Mỹ bị bắt giữ 10 ngày với cáo buộc phổ biến Kinh thánh và tài liệu Kitô giáo không có sự chấp thuận của chính quyền. Sau đó những người này bị trục xuất qua Thái Lan.
Mặc dù Hiến pháp của Lào tuyên bố bảo vệ tự do tôn giáo, nhưng chính quyền của đất nước Phật giáo coi Kitô giáo là “tôn giáo nước ngoài”.
Ở Lào, người Công giáo chiếm khoảng 1,5% trong số 7,1 triệu dân. Có ba Giáo hội được công nhận: Hội thánh Tin lành, Hội thánh Cơ đốc phục lâm và Giáo hội Công giáo.
Có khoảng 400 cộng đoànTin lành đang hoạt động trên khắp đất nước, phục vụ tổng cộng khoảng 100.000 tín hữu. Cộng đồng Công giáo là một thiểu số nhỏ. Tình hình Giáo hội tại Lào vẫn còn tế nhị, vì chính phủ kiểm soát chặt chẽ các tôn giáo và chính phủ không có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh. Mối quan hệ khó khăn giữa Giáo hội và nhà nước tập trung nơi chính quyền địa phương và công dân.
(Ngọc Yến – Vatican)