Hoạt động trong ngày 27/7 của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Rio
Tin tổng hợp ĐHGTTG 2013
WGPSG — Trong khuôn khổ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2013 tại Rio, sáng thứ Bảy 27-7-2013, Đức Thánh Cha đã đi xe từ Sumaré đến Nhà Thờ Chính Tòa Rio để chủ sự thánh lễ đồng tế với các Giám mục, linh mục, với sự tham dự của các tu sĩ nam nữ, chủng sinh và anh chị em giáo dân.
Mở đầu bài giảng Đức Thánh Cha nói:
“khi nhìn thấy Nhà Thờ Chính Tòa đầy các giám mục, linh mục, chủng sinh và nam nữ tu sĩ đến từ khắp nơi trên thế giới, tôi nghĩ tới Thánh vịnh trong thánh lễ: ”Ước chi mọi dân tộc chúc tụng Ngài, lậy Thiên Chúa” (Tv 66). Phải, chúng ta ở đây để chúc tụng Chúa, và chúng ta làm điều này bằng cách tái khẳng định ý muốn của chúng ta là các dụng cụ của Thiên Chúa, để tất cả mọi dân tộc cùng chúc tụng Chúa chứ không phải chỉ vài dân tộc mà thôi. Chúng ta hãy loan báo Tin Mừng cho người trẻ với sự tinh thần hăng say của hai thánh Phaolô và Barnaba, để họ gặp được Chúa Kitô soi sáng con đường đời họ, để họ trở thành những người xây dựng một thế giới huynh đệ hơn.”
Tiếp tục bài giảng Đức Thánh Cha khích lệ mọi người hiện diện phải trở về nguồn ơn gọi của mình, và làm sống dậy thực tại là những người được Chúa Giêsu tuyển chọn, mời gọi và sai đi rao giảng Tin Mừng:
”Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng Thầy đã chọn các con” (Ga 15,16). Chúng ta đã được mời gọi để ở lại với Chúa Giêsu (x. Mc 3,14), kết hiệp với Người một cách sâu xa đến độ có thể nói như thánh Phaolô: ”Tôi sống, nhưng không còn là tôi sống nữa, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Việc sống trong Chúa Kitô trong thực tế ghi dấu tất cả những gì chúng ta là và những gì chúng ta làm. ”Cuộc sống này trong Chúa Kitô” chính là điều bảo đảm cho sự hữu hiệu tông đồ và sự phong phú công việc phục vụ của chúng ta: ”Thầy đã cắt cử các con để các con ra đi mang lại nhiều hoa trái và hoa trái của các con tồn tại” (Ga 15,16).
Đức Thánh Cha khẳng định như sau:
“Không phải óc sáng tạo mục vụ, không phải các cuộc gặp gỡ hay các phương án bảo đảm cho hoa trái, mà là việc trung thành với Chúa Giêsu, Đấng đã nhấn mạnh với chúng ta rằng: ”Các con hãy ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong các con” (Ga 15,4). Và chúng ta biết rõ điều này có nghĩa là gì: chiêm ngắm Chúa, thờ lạy Chúa và ôm lấy Chúa, đặc biệt qua sự trung thành của chúng ta với lời cầu nguyện hằng ngày, trong cuộc gặp gỡ mỗi ngày với Thánh Thể Chúa, và trong những người cần được giúp đỡ. Việc ở lại với Chúa Kitô không phải là tự cô lập hóa, nhưng là ở lại để ra đi gặp gỡ các người khác. Tôi nhớ tới những lời của Chân phước Têrêxa Calcutta: ”Chúng ta phải rất hãnh diện về ơn gọi của chúng ta đã cho chúng ta cơ may phục vụ Chúa Kitô nơi người nghèo. Phải đi tìm và phục vụ Chúa Kitô chính trong các khu xóm ổ chuột, trong các khu xóm của sự bần cùng”. Chúng ta phải đi tới với họ như một linh mục bước lên bàn thờ, với niềm hân hoan” (Giáo huấn của Mẹ, I, 80). Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành là kho tàng đích thật của chúng ta, con tim chúng ta phải luôn tìm bám chặt vào Người” (x. Lc 12,34).
Về điểm thứ hai là được mời gọi để loan báo Tin Mừng, Đức Thánh Cha nói:
“Các Giám mục và linh mục rất thân mến, nhiều người trong anh em, nếu không phải là tất cả, đã đồng hành với các người trẻ tham dự Ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Các bạn trẻ cũng đã lắng nghe các lời sai đi của Chúa Giêsu: ”Các con hãy đi và làm cho mọi dân tộc trở thành môn đệ” (x. Mt 28,19). Dấn thân của chúng ta phải trợ giúp con tim họ bừng cháy lên ước muốn là các môn đệ thừa sai của Chúa Giêsu. Chắc chắn trước lời mời gọi này có người có thể cảm thấy hoảng sợ một chút, vì nghĩ rằng là thừa sai có nghĩa là cần phải bỏ quê hương, gia đình và bạn bè. Tôi còn nhớ giấc mộng của tôi hồi còn trẻ là làm thừa sai tại Nhật Bản xa xôi. Nhưng Thiên Chúa đã chỉ cho tôi thấy rằng vùng đất truyền giáo của tôi gần hơn nhiều: đó là chính quê hương tôi.”
Và Đức Thánh Cha khích lệ mọi người như sau:
“Chúng ta hãy giúp đỡ người trẻ ý thức rằng là môn đệ thừa sai là hiệu qủa của bí tích rửa tội, là phận sự chính yếu của một Kitô hữu, và nơi rao truyền Tin Mừng đầu tiên là chính nhà mình, môi trường học hành hay làm việc, gia đình và bạn bè của mình.
Chúng ta đừng tiết kiệm sức lực trong việc đào tạo người trẻ! Thánh Phaolô đã dùng một kiểu nói đã trở thành một thực tại trong cuộc đời ngài, khi nói với các tín hữu: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của tôi, mà tôi phải quặn đau sinh ra một lần nữa để cho Đức Kitô được thành hình nơi anh em” (Gl 4,19). Cả chúng ta nữa cũng hãy làm cho điều này trở thành thực tại trong sứ vụ của chúng ta! Chúng ta hãy giúp các bạn trẻ tái khám phá ra lòng can đảm và niềm vui của đức tin, niềm vui được yêu thương một cách riêng rẽ bởi Thiên Chúa, là Đấng đã trao ban Đức Giêsu Con của Người cho chúng ta được ơn cứu rỗi. Chúng ta hãy giáo dục họ cho sứ mệnh truyền giáo, hãy ra ngoài và ra đi. Chúa Giêsu cũng đã làm như thế với các môn đệ Người: Người đã không giữ họ dính chặt vào mình như một gà mái với đàn gà con, nhưng đã gửi các vị ra đi. Chúng ta không thể đóng kín trong giáo xứ, trong các cộng đoàn của mình, khi biết bao nhiêu người đang chờ đợi Tin Mừng! Đây không chỉ đơn sơ là mở cửa để tiếp đón, mà là ra khỏi cửa để tìm kiếm và gặp gỡ! Với lòng can đảm, chúng ta hãy nghĩ tới mục vụ khởi đầu từ các vùng ngoại ô, bắt đầu từ những người ở xa nhất, từ những người thường không lui tới giáo xứ, cả họ nữa, họ cũng được mời gọi vào bàn ăn của Chúa.
Điểm thứ ba là được mời gọi để thăng tiến nền văn hóa của sự gặp gỡ. Đức Thánh Cha đưa ra lời mời gọi như sau:
“Các Giám Mục, linh mục, tu sĩ và cả các chủng sinh thân mến, là những người đang chuẩn bị cho sứ vụ. Hãy can đảm đi ngược dòng đời. Chúng ta không được khước từ ơn này của Thiên Chúa: Việc gặp gỡ và tiếp đón tất cả mọi người, tình liến đới và huynh đệ là những yếu tố giúp cho nền văn minh của chúng ta thực sự nhân bản.
Là những người phục vụ sự hiệp thông và nền văn hóa gặp gỡ! Xin để cho tôi nói rằng chúng ta hầu như là bị ám ảnh trong nghĩa này. Chúng ta không muốn yêu sách bằng cách áp đặt ”các chân lý của chúng ta”. Điều hướng dẫn chúng ta là sự chắc chắn khiêm tốn và hạnh phúc của người đã được tìm thấy, đạt tới và được biến đổi bởi Chân Lý là Chúa Kitô. và không thể không loan báo Người (x. Lc 24,13-35).
Đức Thánh Cha kết luận bài giảng như sau:
“Anh chị em thân mến, chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để loan báo Tin Mừng và thăng tiến nền văn hóa gặp gỡ với lòng can đảm. Ước chi Đức Trinh Nữ Maria là gương mẫu của chúng ta. Trong cuộc đời mình, Mẹ đã nêu gương tình yêu mẫu tử, và tình yêu của Mẹ sẽ linh hứng cho tất cả những người cộng tác trong sứ mệnh tông đồ của Giáo Hội là tái sinh con người” (LG 65). Xin Mẹ là Ngôi Sao chắc chắn hướng dẫn các bước chân của chúng ta đi gặp Chúa. Amen.
Sau Thánh lễ, Đức Thánh Cha đã đi xe tới Nhà hát thành phố để gặp các nhà lãnh đạo chính trị, dân sự, ngoại giao, doanh thương, văn hóa và đại diện các tôn giáo tại Brasil.
Tại đây, Đức Thánh Cha đã được bà chủ tịch rạp hát và bà bộ trưởng văn hóa tiếp đón.
Dười đây là trích dẫn bài diễn văn của Đức Thánh Cha nói với các nhà lãnh đạo Brasil tại nhà hát Municipal:
– Để thúc đẩy chủ nghĩa nhân bản một cách toàn diện và một nền văn hóa của sự gặp gỡ và các mối quan hệ: thì cách mà các Kitô hữu cổ võ là những lợi ích chung, niềm vui của cuộc sống. Ở đây, đức tin và lý trí được hiệp nhất, trong chiều kích tôn giáo và những khía cạnh khác của văn minh nhân loại – nghệ thuật, khoa học, văn hóa… Kitô giáo đã kết hợp sự siêu nhiên và hiện thực của Chúa Giêsu; mang lại sức sống mới cho tâm tưởng và cuộc sống, trái ngược với sự bất mãn và vỡ mộng đã ăn sâu vào con tim và đang lan rộng mọi nơi.
– Việc lãnh đạo nghĩa là đưa ra quyết định sau khi đã xem xét tất cả các phương án theo quan điểm cá nhân có trách nhiệm và cân nhắc chọn điều tốt nhất. Đó là cách đi vào cái lõi xấu xa của xã hội để vượt qua chúng với sự dũng cảm mạnh mẽ và hành động tự do. Trong khi thực thi trách nhiệm của quý vị, với giới hạn cho phép, điều quan trọng là bám sát thực tế, quan sát, cân nhắc, đánh giá, để đưa ra quyết định trong hiện tại nhưng với tầm nhìn về tương lai, phản ảnh kết quả của những quyết định của quý vị
– Giữa sự vị kỷ thờ ơ và những cuộc biểu tình bạo lực thì vẫn luôn có có một phương án khả thi khác: đó là đối thoại. Đối thoại giữa các thế hệ, đối thoại giữa những con người, khả năng cho và nhận, trong khi vẫn giữ vững chân lý. Một đất nước phát triển khi xuất hiện những cuộc đối thoại xây dựng giữa nhiều thành phần văn hóa lớn: văn hóa đất nước, văn hóa đại học, văn hóa giới trẻ, văn hóa nghệ thuật và kỹ thuật, văn hóa kinh tế, văn hóa gia đình, văn hóa truyền thông
Diễn văn của Đức Thánh Cha đã bị ngắt quãng nhiều lần bởi các tràng pháo tay của cử tọa. Sau đó giàn nhạc và ca đoàn của rạp hát đã trình tấu một số bài thánh ca trong khi đó mấy chục bé gái tiến ra khán đài, ngồi quanh Đức Thánh Cha. Một em bé khoảng hai tuổi được chị dắtn đến tặng hoa cho Đức Thánh Cha.
Buổi gặp gỡ kết thúc, các em đã ríu rít vây quanh Đức Thánh Cha để được ngài chúc lành. Trong số những người đại diện các thành phần lên chào Đức Thánh Cha cũng có vài thổ dân trong sắc phục của họ. Một thổ dân đa tặng Đức Thánh Cha chiếc mũ lông của ông. Đức Thánh Cha đã đội chiếc mũ của thổ dân tặng lên đầu giữa tiếng vỗ tay của mọi người.
Sau khi từ giã cử tọa Đức Thánh Cha trở về Tòa Tổng Giám Mục Rio gặp các Hồng y và các Giám mục Brasil. Sau đó vào ban chiều cùng ngày, Đức Thánh Cha đến chủ sự buổi canh thức với giới trẻ tại bãi biểm Copacabana.