VATICAN. ĐTC Phanxicô mạnh mẽ lên án nạn bóc lột sức lao động trẻ em đang lan tràn tại nhiều nơi, nhất là tại các nước nghèo.
Lên tiếng vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 12-6-2013, tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC nói:
”Hôm nay trên toàn thế giới có cử hành ‘Ngày Thế Giới chống nạn lao động trẻ em’, đặc biệt nói về nạn bóc lột trẻ em trong công việc trong gia: đây là một hiện tượng đáng lên án đang liên tục gia tăng, nhất là tại các nước nghèo. Hàng triệu trẻ vị thành niên, nhất là các trẻ nữ, nạn nhân của nạn bóc lột âm thầm này, nhiều khó có cả những vụ lạm dụng tính dục, ngược đãi và kỳ thị. Đây thực là một sự nô lệ.
”Tôi nhiệt liệt cầu mong Cộng đồng quốc tế có thể đề ra những biện pháp hữu hiệu hơn nữa để đương đầu với tai ương đích thực này. Tất cả các trẻ em phải được chơi đùa, học hành, cầu nguyện và tăng trưởng, trong gia đình của các em, trong một khung cảnh hòa hợp, yêu thương và thanh thản. Những người ấy, thay vì để các em chơi đùa, thì lại biến các em thành nô lệ. Thực là một tai ương. Đây là một quyền của các em và cũng là một nghĩa vụ của chúng ta. Một tuổi thơ thanh thản giúp các em tin tưởng nhìn về cuộc sống và tương lai. Khốn cho kẻ nào bóp nghẹt nơi các em niềm hy vọng vui tươi!” (SD 12-6-2013)
Lời kêu gọi của Đức TGM Thissen
Mặt khác, Đức Cha Werner Thissen, TGM giáo phận Hamburg ở miền bắc Đức, kêu gọi phát động một cuộc chiến quyết liệt chống lại lao động trẻ em.
Tuyên bố hôm 12-6-2013 tại Hamburg, Đức TGM Thissen đặc biệt tố giác nạn bóc lột sức lao động trẻ em tại Ấn độ, nhất là trong kỹ nghệ sản xuất thảm. Tình trạng bóc lột này gây thiệt hại cho sức khỏe của các em.
Đức TGM Thissen cũng là Chủ tịch cơ quan bác ái Misereor của HĐGM Đức chuyên trợ giúp phát triển. Ngài cho biết ”Những người cộng tác với các dự án của tổ chức Misereor ở bang Uttar Pradesh báo động rằng tệ nạn bóc lột sức lao động trẻ em tại bang này lại gia tăng”.
Đức TGM Thissen kêu gọi hoàn toàn áp dụng Hiệp ước của LHQ về quyền của các trẻ em. Hiệp ước này bắt đầu có hiệu lực tại Đức từ năm 1992. Hiệp ước cấm bóc lột sức khỏe trẻ em trong lãnh vực kinh tế, để bảo vệ các em về mặt sức khỏe và tâm lý. Ngoài ra, Đức Cha yêu cầu du nhập quyền của các trẻ em vào trong Hiến Pháp nước Đức và nói rằng: ”Chúng tôi hy vọng nhờ biện pháp này có sự củng cố ý thức của mọi người về quyền của các trẻ em, tại Đức cũng như trên toàn thế giới”.
Theo tổ chức Misereor, có khoảng 190 triệu trẻ em nam nữ, từ 5 đến 14 tuổi phải làm việc trong những điều kiện như bị bóc lột và có hại cho sức khỏe” (KNA 12-6-2013)
G. Trần Đức Anh , OP
Nguồn: Vatican Radio