TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần III: ĐỜI SỐNG MỚI TRONG ĐỨC KITÔ
Bài 35. HÃY THỜ CHA KÍNH MẸ
+++
Với điều răn thứ tư, chúng ta bắt đầu bước vào phần hai của Mười Điều Răn (GLHTCG số 2197). Đây là điều răn đầu tiên về việc yêu thương người lân cận. Sau Thiên Chúa, chúng ta phải tôn kính cha mẹ. Các ngài nhắc cho chúng ta nhớ rằng chúng ta không tự làm nên chính mình, nhưng sự sống này là do chúng ta đón nhận, vì thế không có quyền sử dụng sự sống cách tự do ích kỷ. Do đó, tôn kính cha mẹ cũng có nghĩa là nhìn nhận vị trí thụ tạo của mình trước mặt Thiên Chúa và tha nhân.
Sở dĩ điều răn tôn kính cha mẹ được đặt ở hàng đầu trong phần hai, là vì một lý do khác nữa: ai tôn kính cha mẹ thì cũng có được thái độ đúng đắn trong những mối tương quan khác của đời sống. Người đó sẽ trân trọng sự sống (điều răn thứ năm), tôn trọng trật tự đúng đắn của tính dục (điều răn thứ sáu) cũng như của cải (điều răn thứ bảy); người đó sẽ nói năng cách có trách nhiệm (điều răn thứ tám). Như thế điều răn thứ tư là nền tảng cho việc thực hành tình yêu thương người lân cận. Đây là điều răn duy nhất có lời hứa kèm theo: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ để được sống lâu dài trên đất mà Chúa ban cho ngươi” (Eph 6,3; Xh 20,12). Phúc lợi của xã hội loài người, cũng như của mỗi cá nhân, tùy thuộc vào sự tốt đẹp của tương quan đầu tiên này, vì nó đặt nền móng cho mọi tương quan khác trong cuộc đời.
Điều răn thứ tư bảo vệ gia đình xét như là tế bào căn bản của xã hội (số 2207). Chính vì thế, việc bảo vệ gia đình như Hội Thánh hiểu, phải chiếm vị trí ưu tiên. Trước khi bàn chi tiết hơn về chủ đề gia đình, nên quan tâm đến hai ý kiến chống đối.
Tại sao điều răn thứ tư chỉ nói đến bổn phận con cái phải tôn kính cha mẹ? Ngày nay chúng ta quen nói đến quyền của con cái, và nếu nói đến bổn phận thì cũng nói đến bổn phận của cha mẹ trước. Tôi cho rằng Kinh Thánh nói đến bổn phận của con cái với cha mẹ trước, vì mọi người trước hết đều là một người con, con của Chúa và con của cha mẹ mình. Thế nên chúng ta là người con trước khi trở thành người cha hay người mẹ, và dù có là người cha, mẹ đi nữa, thì cũng đừng quên rằng mình là con của Chúa và con của cha mẹ đã sinh ra mình. Trật tự tự nhiên này càng sâu sắc hơn khi Đức Kitô dạy rằng chúng ta chỉ có thể vào Nước Trời – nghĩa là đạt đến mục đích của đời sống – nếu chúng ta “trở nên như trẻ nhỏ” (Mt 18,3).
Ý kiến chống đối thứ hai là: Phải chăng Chúa Giêsu đã không “tương đối hóa” điều răn thứ tư sao? “Ai yêu mến cha mẹ hơn Thầy thì không xứng đáng với Thầy” (Mt 10,37). Ở nơi khác, Chúa còn nói mạnh hơn: “Ai không ghét cha mẹ mình… thì không thể là môn đệ Thầy” (Lc 14,26). Ở đây, “ghét” không có nghĩa là khinh bỉ, nhưng đúng hơn, câu này muốn diễn tả rằng tiếng gọi của Chúa quan trọng hơn mọi liên hệ gia đình. Thiên Chúa không gạt bỏ bổn phận đối với cha mẹ (x. Mc 7,8-13), nhưng lời kêu gọi hãy bỏ mọi sự lại đằng sau cũng có nghĩa là hãy bước theo Đức Kitô, điều đó quan trọng hơn mọi thứ khác. Chính Chúa Giêsu hằng vâng lời cha mẹ Người (Lc 2,51), tuy nhiên Người cũng làm cho cha mẹ đau khổ khi Người phải vâng theo thánh ý của Cha trên trời (Lc 2,49).
ĐHY Christoph Schönborn
Nguồn; WHĐ