BÀI 02: GIA ĐÌNH – CỘNG ĐOÀN ĐÓN NHẬN, SỐNG VÀ LOAN BÁO TIN MỪNG.
Dẫn nhập
Trong công trình tạo dựng, Thiên Chúa muốn con người được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa, Ngài còn muốn con người cộng tác vào công trình sáng tạo khi tạo dựng họ có nam, có nữ và muốn họ sinh sản ra đầy mặt đất (x.St 1, 26-28). Như thế, cuộc hôn nhân nguyên thuỷ của nhân loại đã làm nên gia đình đầu tiên, và gia đình này đón nhận Tin Mừng tình yêu, Tin Mừng sự sống của Thiên Chúa. Trong Tân ước, Chúa Kitô đã nâng hôn ước lên hàng bí tích, trong đó các đôi vợ chồng Kitô hữu được trao ban ơn thánh để đảm nhận các bổn phận và sống đúng phẩm giá bậc sống của họ[1]; gia đình là nơi tiếp nhận, sống và loan báo Tin Mừng cho mọi người chung quanh. Tông Huấn Familiaris Consortio viết: “Hội Thánh xác tín sâu xa rằng, chỉ khi nào biết tiếp nhận Tin Mừng, người ta mới có thể chắc chắn thực hiện được trọn vẹn tất cả những gì mà con người đang hy vọng cách chính đáng nơi hôn nhân và gia đình”[2].
1. Gia đình đón nhận Tin Mừng
Gia đình là nơi đón nhận Tin Mừng, Tin Mừng về Đấng Cứu Độ, Tin Mừng mà các mục đồng đã nghe sứ thần loan báo trong đêm Con Thiên Chúa Giáng trần: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một Tin Mừng trọng đại, cũng là Tin Mừng cho toàn dân: Hôm nay một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa”.
Như vậy, nhóm mục đồng ngày xưa là hình ảnh tiên trưng của Giáo Hội đón nhận Tin Mừng Đấng Cứu Độ. Như những người tỉnh thức canh giữ đoàn súc vật, những người mong chờ hừng đông đến, như những đầy tớ biết thức tỉnh chờ đợi chủ đi ăn cưới về (x.Lc 12, 35-38), như những cô trinh nữ cầm đèn cháy sáng trong tay chờ đợi chàng rễ đến (x.Mt 25, 1-13), Giáo Hội cũng tỉnh thức đón nhận Tin Mừng của Đức Lang Quân đến. Đó chính là Tin Mừng tình yêu của Thiên Chúa, Tin Mừng giải thoát con người khỏi tội lỗi, Tin Mừng dẫn đưa nhân loại vào sự sống vĩnh cửu.
Và khi đã đón nhận Tin Mừng, Giáo Hội không giữ lại cho riêng mình nhưng sẽ tìm cách loan báo Tin Mừng Cứu Độ cho toàn thể nhân loại. “Tin Mừng cho anh em cũng là Tin Mừng cho toàn dân”. Trong nghi thức tiếp nhận gia nhập Giáo Hội, người dự tòng nói lên lời “xin ơn đức tin”. Xin ơn đức tin cũng có nghĩa là xin ơn cứu độ, Tin Mừng ơn cứu rỗi, là sự sống đời đời.
Trong ơn gọi hôn nhân, khi hai người nam nữ kết hợp với nhau trong hôn ước đã được Chúa nâng lên hàng Bí Tích, họ đón nhận tình yêu của chính Thiên Chúa. Khi liên kết họ trong tình nghĩa “phu – thê”, tình yêu này là hoạ ảnh của tình yêu giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Đôi vợ chồng tham gia vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa và tạo thành một “Giáo Hội thu nhỏ”, một “Giáo Hội tại gia”[3].
Tin Mừng mà gia đình đón nhận chính Tin Mừng Tình Yêu, Tin Mừng sự sống. Tài liệu chuẩn bị Đại Hội Ngoại Thường lần thứ ba của Thượng Hội Đồng Giám Mục tại Rôma 2013 từ ngày 5-19/10/2014 nói: “Nét đẹp của sứ điệp Kinh Thánh về gia đình bắt nguồn từ công trình sáng tạo người nam và người nữ, vốn được tạo dựng theo hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa (x. St 1,24-31; 2, 4b-25). Được kết hợp bởi một dây liên kết bất khả phân ly, đôi vợ chồng sống vẻ đẹp của tình yêu, của tình phụ tử, tình mẫu tử và phẩm giá cao vời được tham dự vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa”.
2. Gia đình sống Tin Mừng
Ngày nay, việc đón nhận và sống Tin Mừng quả là khó khăn. Thật vậy, giữa một thế giới phát triển và hiện đại, nhiều người phải chạy theo công việc, tất bật với công việc. Để có thể hưởng thụ, cần phải làm việc, và để hưởng thụ tối đa, lại phải làm việc cật lực, cứ thế, cuộc sống con người bị rơi vào trong cơn lốc xoáy của công việc. Ngay cả tại Việt Nam hôm nay cũng bắt đầu bị ảnh hưởng bởi cơn lốc xoáy này. Nơi các giáo xứ, người trẻ không còn là lực lượng nòng cốt của những sinh hoạt nữa, mà thay vào đó là những người già, ca đoàn giáo xứ toàn những bà mẹ, giáo lý viên là những người lớn tuổi, ca đoàn giới “trẻ” là những người đã có gia đình. Các lớp giáo lý và giờ lễ của thiếu nhi khó tổ chức vì các em bận đi học, học trên lớp xong lại đi học thêm. Đời sống gia đình vì thế cũng bị ảnh hưởng: Cha mẹ ít gặp gỡ con cái, giờ kinh tối chung của gia đình hầu như không còn hay chỉ rất ít gia đình thực hiện được. Thêm vào đó những phương tiện truyền thông hiện đại góp phần làm cho cuộc sống gia đình thêm tẻ nhạt. Con cái chúi mũi vào trong Ipad, Iphone, điện thoại di động, games và internet. Tình cảm gia đình giữa vợ với chồng, giữa con cái với cha mẹ dần phai nhạt người ta ít nói chuyện với nhau, ít tiếp xúc với nhau, ít chia sẻ với nhau. Mối dây hôn nhân vì vậy cũng dễ bị cắt đứt, chia lìa, tan vỡ. Nhiều gia đình cãi cọ, bất đồng ý kiến với nhau, gây gỗ có khi mang thương tích. Con cái cũng vì thế mà bỏ gia đình ra đi, không được giáo dục trở thành những phần tử bất hảo của xã hội.
Để sống Tin Mừng đã đón nhận, cần khơi lại ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu liên kết mọi thành viên trong gia đình. Cha mẹ cần gặp gỡ Chúa Giêsu, mời Chúa đến nhà qua việc lắng nghe Lời Chúa và siêng năng tham dự Bí tích Thánh Thể. Chính Lời Chúa và Mình Chúa sẽ giúp các bậc cha mẹ hâm nóng lại tình yêu gia đình, ý thức sống trung tín, yêu thương nhau, tha thứ cho nhau. Thánh Phaolô trong thư Côlôsê đã nhắc nhở: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3, 12-14).
Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thông điệp Lumen Fidei đã khẳng định: “Mối liên kết giữa người ta với nhau mạnh mẽ như thế nào khi có Thiên Chúa hiện diện giữa họ” (LF 50). Và trong huấn từ tại Đại hội về Gia đình 2013, Ngài nhấn mạnh: “Tin Mừng” về gia đình là một phần quan trọng của công cuộc Phúc âm hóa mà các Kitô hữu có thể thông truyền cho mọi người qua việc làm chứng bằng đời sống. Rõ ràng các Kitô hữu đang thực thi điều đó trong một thế giới đã bị thế tục hoá: người ta nhận ra các gia đình Kitô hữu đích thực qua sự trung tín, nhẫn nại, biết quảng đại đón nhận sự sống, kính trọng người già… Bí quyết của mọi điều vừa nói là có Chúa Giêsu hiện diện trong gia đình. Vậy với thái độ tôn trọng và lòng can đảm, chúng ta hãy đề nghị với mọi người vẻ đẹp của hôn nhân và vẻ đẹp của gia đình rạng ngời ánh sáng Tin Mừng! Vì vậy, chúng ta hãy lấy sự quan tâm và lòng thương mến đến với những gia đình đang gặp khó khăn, đến với những ai đang phải lìa xa quê hương, tâm hồn tan nát, không nhà cửa, không việc làm, hoặc những ai đang chịu đau khổ vì nhiều lẽ; đến với những đôi vợ chồng đang gặp khủng hoảng và những người hiện đã chia tay nhau. Chúng ta muốn đến bên tất cả những anh chị em đó”[4].
3. Gia đình Loan báo Tin Mừng
Nếu Giáo Hội có sứ mạng Truyền Giáo thì gia đình cũng phải đảm nhhận sứ vụ Loan Báo Tin Mừng. Thư Chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam 2013 đã nêu rõ cách thức gia đình loan báo Tin Mừng: “Gia đình là cộng đoàn tham gia vào sứ vụ Phúc-âm-hóa, bằng lời cầu nguyện cũng như bằng hành động cụ thể. Chính đời sống yêu thương hiệp nhất trong gia đình công giáo, ngay giữa những khó khăn và thử thách của cuộc đời, tự nó đã là lời chứng âm thầm nhưng có sức thuyết phục của Tin Mừng. Ngoài ra, theo truyền thống tốt đẹp, gia đình công giáo còn là nơi vun trồng ơn gọi linh mục và tu sĩ. Đồng thời, khi có thể, xin anh chị em hãy mạnh dạn chia sẻ và giới thiệu Đức Kitô cho người khác”[5].
Như thế, gia đình Loan Báo Tin Mừng trước hết bằng đời sống đức tin. Đức tin chính là ân sủng Chúa thương ban cho những con người biết mở lòng ra đón nhận và sẵn sàng đáp trả những đòi hỏi của Thiên Chúa để sống thánh thiện và hạnh phúc dưới ánh sáng của Chúa. Trong đời sống gia đình, đức tin giúp mỗi người nhận ra tiếng gọi của tình yêu mà Thiên Chúa đã trao ban, giúp họ bén rễ sâu trong tình yêu Chúa. Thông điệp Lumen Fidei viết: “Đức tin không phải là nơi ẩn náu cho những con người không nhuệ khí, nhưng làm triển nở đời sống. Đức tin giúp ta nhận biết tiếng gọi kỳ diệu, là ơn gọi tình yêu, và nó bảo đảm cho ta tình yêu ấy là đáng cậy tin và đáng cho ta dấn thân đảm nhận lấy, bởi lẽ nó dựa trên sự trung thành của Thiên Chúa, vốn mạnh mẽ hơn những nỗi yếu hèn của ta”[6]. Một gia đình sống đức tin mạnh mẽ sẽ có được khả năng đứng vững trước sóng gió của cuộc đời.
Gia đình cũng loan báo Tin Mừng bằng đời sống chung thủy với nhau. Trong một xã hội mà gia đình đang gặp nhiều nguy cơ tan vỡ, chia ly, đời sống gia đình Kitô giáo trung thành với hôn ước là chứng từ về lòng chung thủy cho thế giới.
Gia đình còn có thể Loan Báo Tin Mừng bằng nổ lực nuôi dưỡng và giáo dục con cái nên người và nên con Chúa; bằng việc tôn trọng và bảo vệ sự sống mà Thiên Chúa đã thương ban; bằng tình liên đới với anh chị em xung quanh để loan báo Đức Kitô cho người khác.
Kết
Các gia đình Công giáo phải là “Tin Mừng cho ngàn năm thứ ba” như Đức Chân Phước Gioan Phaolô II đã mời gọi: “Hỡi các đôi phối ngẫu Kitô hữu, anh chị em hãy là “Tin mừng cho ngàn năm thứ ba” bằng việc minh chứng một cách sống động và kiên trì cho chân lý về gia đình. Gia đình được thiết lập trên nền tảng của hôn nhân là một gia sản của nhận loại, một sản vật cao cả vô giá cần cho sự sống, cho việc phát triển và tương lai của các dân tộc, theo ý định tạo dựng đựơc thiết định ngay từ ban đầu (x. Mt 19,4;8) thì gia đình là một môi trường nhờ đó con người được dựng nên theo hình ảnh và tương tự như Thiên Chúa (x. St 1, 26) được hoài thai và sinh hạ, lớn lên và trưởng thành. Gia đình với vai trò như một học đường nòng cốt nhờ đó con người được hình thành[7], là những gì bất khả thiếu với một môi sinh nhân bản đích thực” (Centesimus Annus, 39)[8].
Gợi ý suy tư
- Bạn có hiểu biết giá trị tuyệt vời của Tin Mừng tình yêu, Tin Mừng sự sống mà gia đình bạn đón nhận qua bí tích Hôn nhân không? Xin giải thích.
- Gia đình của bạn đã sống Tin Mừng đó như thế nào? Có những khủng hoảng nào gia đình bạn đã gặp phải?
- Ngày hôm nay bạn và gia đình bạn có thể làm gì cụ thể để Loan Báo Tin Mừng cho anh chị em?
[1] x. GS 48
[2] FC 3
[3] x. GLHTCG 1655; x. HĐGMVN, TC 2013, số 5
[4] ĐGH PHANXICÔ, Huấn từ tại Đại hội về Gia đình 24-25/10/2013, số 3.
[5] HĐGMVN, TC 2013, số 6
[6] LF 53
[7] FC 19, 27.
[8] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Huấn từ thứ bảy 25/01/2003 cho cuộc họp thế giới các gia đình lần thứ tư.