Mẹ Gerard Fernandez, nữ tu đồng hành với tử tù
***
Mẹ Gerard Fernandez, nữ tu đồng hành với tử tù, một trong 100 phụ nữ là nguồn cảm hứng trên thế giới
Trong số 100 phụ nữ được BBC đề cử là nguồn cảm hứng cho toàn thế giới trong năm 2019, có một nữ tu Công giáo. Bên cạnh các nhà hoạt động như Greta Thunberg, các chính trị gia như Alexandra Ocasio-Cortez, các vận động viên như Kimia Alizadeh người Iran, các khoa học gia, bác sĩ và các nhà văn, cũng như các nhân chứng của công lý chống mafia như nghị sĩ 5 sao Piera Aiello người Italia; xuất hiện nụ cười nhăn nheo của sơ Gerard Fernandez, người Singapore, 81 tuổi.
Sơ Gerard Fernandez có một cuộc sống âm thầm, với sứ vụ cũng âm thầm. Trong 35 năm, sơ Fernandez ở gần với tử tù, những người bị giam giữ nghiêm ngặt vì hình phạt loại trừ khỏi xã hội. Nhưng trong những năm qua, sơ đã trao sứ vụ này cho người khác để bắt đầu thực hiện sứ vụ cũng liên quan đến hoạt động này nhưng dưới một hình thức khác: Khơi dậy sự quan tâm của giới truyền thông và truyền cảm hứng cho thế giới trong một bộ phim ngắn về cuộc đời của sơ. Bộ phim có tựa đề “Nữ tu” do đạo diễn Chai Yee Wei thực hiện.
Phụ nữ lãnh đạo, sẽ có thêm nhiều điều tốt lành
Khi được BBC hỏi: “Thế giới sẽ như thế nào nếu các phụ nữ lãnh đạo”. Sơ trả lời: “Một tương lai, trong đó phụ nữ lãnh đạo, sẽ có thêm nhiều điều tốt lành và sự bình đẳng; một thế giới không có sự phân biệt đối xử hay thù hận, được lòng trắc ẩn dẫn dắt”.
Trong cuộc phỏng vấn, sơ Fernandez lặp đi lặp lại nhiều lần: “Đừng làm tôi xuất hiện như một vị thánh. Trong cuộc đời tôi, tôi cũng đã có những khoảnh khắc đen tối. Cái tôi trong tôi, đôi lúc lớn như một vệ tinh; nhưng tôi cố gắng dùng những khoảnh khắc đen tối để trở nên tốt hơn”.
Sơ Fernandez là ai?
Sơ Fernandez sinh tại Singapore vào năm 1938, là người con thứ tư trong số mười người con, được nuôi dưỡng trong đức tin Công giáo. Cha sơ là thư ký của thẩm phán tối cao Singapore, hai chị em sơ trở thành nữ tu dòng Phanxicô. Sau khi hoàn thành việc học trong tu viện của Chúa Giêsu Hài đồng, sơ đã dạy tại trường mẫu giáo của các nữ tu Dòng Mục tử Nhân lành trên đảo Java. Năm 18 tuổi, Fernandez chính thức bước vào đời dâng hiến.
Một nữ tu thuộc Hội dòng Mục tử Nhân lành, trong nhiều thập kỷ sơ đã làm việc với các nạn nhân bị lạm dụng và bị gạt ra bên lề. Sơ nói: “Ơn gọi của tôi là phục vụ những người đã bị tan vỡ”. Năm 1970, khi ma túy tràn lan ở Singapore, sơ theo các khóa học về việc phục hồi người nghiện ma túy. Không lâu sau đó, cùng với các linh mục Dòng Chúa Cứu thế sơ thành lập Sứ vụ Nhà tù Công giáo để thăm các tù nhân phạm tội liên quan đến ma túy.
Sứ vụ lo cho tử tù
Sơ cho biết sứ vụ lo cho tử tù của sơ bắt đầu với câu chuyện của một tội phạm gây chấn động Singapore: Năm 1981, hai người bị bắt giữ liên quan đến một nghi lễ dã man giết chết hai đứa trẻ. Sơ biết một trong những nạn nhân có chị là đầu bếp của tu viện và gia đình của kẻ giết người. Sơ cảm thấy thôi thúc đi gặp vợ của kẻ giết người. Sau sáu tháng, câu trả lời đã đến: người phụ nữ đồng ý gặp sơ. Sơ Fernandez cho biết, khi sơ bước vào nhà, bà đưa ánh mắt buồn bã nói: “Sơ không lên án tôi. Xin hãy giúp chúng tôi thay đổi”. Trong bảy năm, cho đến khi người chồng bị treo cổ vào năm 1988, mỗi tuần sơ đến thăm người phụ nữ, cầu nguyện và đồng hành đức tin với bà. Hàng xóm và đồng phạm của phạm nhân cũng yêu cầu được gặp sơ”.
Kể từ đó, trong hơn ba mươi năm, sơ Fernandez đã đến thăm các tù nhân bị lãnh án tử. Sơ đã dành nhiều thời gian với họ trong cầu nguyện.
Cho tới nay, ở Singapore, hình phạt tử hình vẫn còn áp dụng và các vụ hành quyết vẫn không giảm. Tất nhiên, sơ Fernandez phản đối hình phạt tử hình, nhưng như sơ chia sẻ: “Tôi sẽ không từ bỏ cơ hội ở với những người này. Đây là cơ hội để nhìn thấy họ thay đổi, để thấy họ thừa nhận họ đã sai. Và khi điều đó xảy ra, một sự thay đổi đến và nó thật đẹp. Có rất nhiều bình yên, rất nhiều niềm vui”. Sơ nói trong buổi giới thiệu bộ phim “Nữ tu”: “Khi tôi bước vào, tôi thấy một tia hy vọng trong mắt họ. Nó không đến từ tôi, nó đến từ Thiên Chúa”.
Ngọc Yến – Vatican