Về Tự sắc “Tra le Sollecitudini”
TRA LE SOLLECITUDINI 1
(Quy luật về thánh nhạc)
Judith M. Kubicki
(nữ tu dòng thánh Felix, giáo sư trợ giảng thần học
trường Đại học Fordham, New York)
Năm 2007, nhà xuất bản OCP (Hoa Kỳ) ấn hành một tập sách mỏng nhan đề The Song of the Assembly(Cộng đoàn ca hát) gồm 23 bài viết ngắn diễn giải các văn kiện của Giáo hội liên quan đến thánh nhạc, đặc biệt chú trọng đến những vấn đề thực tiễn trong việc tham dự tích cực của cộng đoàn vào phụng vụ. Ủy ban Thánh nhạc/HĐGMVN xin giới thiệu bài viết đầu tiên của tập tiểu luận này 2.
Ngày 22-11-1903, Đức Giáo hoàng Pio X (1903-1914) ban hành tự sắc Tra le Sollecitudini (TLS) về thánh nhạc. Được viết ra do sáng kiến của Đức Giáo hoàng và nhắm đến toàn thể Giáo hội nên các tự sắc luôn có phong cách trang trọng và mang tính pháp lý. Tự sắc TLS bàn đến những lạm dụng trong thánh ca và thánh nhạc. Mục đích chính của văn kiện này là duy trì và cổ võ tính cách xứng hợp của phụng vụ vì, theo lời Đức Pio X, đây là điều kiện cần thiết để cộng đoàn tham dự cách tích cực vào phụng vụ. Để sự xứng hợp này ngày càng được nâng cao, Đức Thánh cha đưa ra những nguyên tắc kiểm soát âm nhạc trong phượng tự và những qui định nhằm chống lại sự lạm dụng. Về sự lạm dụng, Đức Thánh cha muốn nói đến việc sử dụng âm nhạc theo kiểu thế tục và sân khấu, tức phong cách trình diễn kịch trường.
Đức Thánh cha viết rằng âm nhạc là điều thiết yếu trong phụng vụ vì cùng nhắm đến hai mục đích của phụng vụ là “tôn vinh Thiên Chúa”, “thánh hoá và xây dựng các tín hữu” (số 1). Vẫn theo lời Đức Thánh cha, thánh nhạc hoàn thành hai mục đích này khi nó làm tăng thêm “sự xứng hợp và vẻ huy hoàng của các nghi lễ Giáo hội” đồng thời dệt được giai điệu thích hợp cho “bản văn phụng vụ vốn nhằm cho tín hữu hiểu được.” Nhờ vậy, những người tham dự có thể “được dễ dàng khơi động lòng đạo đức hơn và thêm xứng đáng đón nhận các hoa trái ân sủng nơi các cuộc cử hành phụng vụ”.
Đức Thánh cha Pio X minh định nhạc bình ca là kiểu mẫu cho thánh nhạc. Ngài kêu gọi những nỗ lực mới nhằm phục hồi việc sử dụng bình ca ngõ hầu cộng đoàn có thể tham dự tích cực hơn vào phụng vụ. Ngoài ra, Đức Thánh cha coi nhạc đa âm cổ điển có vị trí thứ hai và sánh gần với bình ca về khả năng hoàn thành mục đích này. Tuy nhiên, âm nhạc mới cũng được chấp nhận, miễn là phải gạt bỏ tất cả những gì là thế tục. La ngữ là ngôn ngữ qui định và các ca đoàn giáo sĩ là lý tưởng. Nam giáo dân có thể thay thế các giáo sĩ ca viên nhưng phụ nữ không bao giờ được phép. Giọng hát con người là âm thanh qui định cho thánh nhạc nhưng cũng được phép dùng phong cầm (organ). Đức Thánh cha còn kêu gọi phục hồi các trường thánh nhạc(schola cantorum) xưa, thành lập Uỷ ban thánh nhạc tại các giáo phận và đưa bình ca vào chương trình học của các chủng viện.
Tự sắc TLS được viết ra cho tình hình Giáo hội đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, nhiều nguyên tắc của văn bản này vẫn vang lên và được triển khai một cách mới mẻ trong Hiến chế về Phụng vụ Thánh của Công đồng Vatican II sáu mươi năm sau.
Các nguyên tắc ủng hộ việc cộng đoàn ca hát
Tự sắc TLS không bàn trực tiếp đến việc ca hát của cộng đoàn. Phần V của tự sắc, nói về người hát, nêu rõ rằng ca đoàn và chủ tế là những người chịu trách nhiệm thể hiện thánh ca phụng vụ. Phần III, số 3, tuy khuyến khích những nỗ lực phục hồi việc ca hát của dân chúng, nhưng lại nhấn mạnh đến bình ca, thứ đến là nhạc đa âm và không cổ võ một cách rõ rệt việc ca hát của cộng đoàn. Tuy Đức Thánh cha Pio X bày tỏ niềm hy vọng rằng thánh nhạc sẽ khích lệ việc tham dự của cộng đoàn, nhưng ngài diễn tả việc tham dự này không phải ở việc ca nguyện cho bằng lấy tâm hồn cầu nguyện mà chú ý và hiểu các mầu nhiệm thánh đang được cử hành. Tuy nhiên, một vài nguyên tắc then chốt của tự sắc TLS là nền tảng để Giáo hội tiến đến việc phục hồi lời ca tiếng hát của cộng đoàn ở thế kỷ 20. Các nguyên tắc này là: vai trò thiết yếu của âm nhạc trong phượng tự, vai trò của âm nhạc trong các nghi lễ, giá trị của bình ca, và tầm quan trọng của ca đoàn. Hai nguyên tắc đầu sẽ được bàn đến ở các bài sau. Ở đây, ta hãy xem xét nguyên tắc thứ ba và thứ tư.
Thư thân bút của Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II nhân kỷ niệm bách chu niên tự sắc TLS (ngày 22-11-2003) cắt nghĩa một cách tích cực việc Đức Pio X nhấn mạnh nhạc bình ca là kiểu mẫu cho mọi thể loại thánh nhạc. Ở số 12, Đức Thánh cha Gio-an Phao-lô viết: “Tất nhiên, vấn đề không phải là sao chép lại bình ca, nhưng đúng hơn là làm thế nào để các sáng tác mới thấm nhuần cùng một tinh thần đã khơi gợi và dần dần định hình cho loại nhạc này”. Tinh thần này không những bao gồm bản chất của bình ca là nhạc phụng vụ mà còn có cả nguyên lý âm nhạc dẫn đến việc sáng tác và thể hiện bình ca. Tuy về sau giọng nói nơi này có khác nơi kia, nhưng tinh tuý của bình ca vẫn đem lại kiểu mẫu để có được những sáng tác tốt về giai điệu. Nơi nào ca khúc hiện đại đạt được mục đích này ở mức cao nhất, đồng thời vẫn thích hợp cho các nghi lễ, thì âm nhạc phụng vụ chính danh phát triển nở rộ. Đây là loại âm nhạc có hiệu quả mạnh mẽ nhất giúp cộng đoàn tham dự vào việc ca hát và tham dự vào hành vi phụng vụ.
Đức Thánh cha Pio X nhấn mạnh đến tầm quan trọng của ca đoàn. Sự nhấn mạnh này cũng là cơ sở để cộng đoàn tham dự vào việc ca hát. Sau Công đồng Vatican II đã có những nỗ lực sai lầm nhằm giải tán các ca đoàn. Trái lại, cổ võ các ca đoàn được đào tạo chuyên môn là chiến lược quyết định để cộng đoàn ca hát phụng vụ cách nhiệt thành và tin tưởng. Ca đoàn khi thì làm nền cho cộng đoàn ca hát, lúc khác lại thể hiện chi tiết tiếng hát của cộng đoàn. Ca đoàn nào hiểu được vai trò thừa tác của mình sẽ khuyến khích được cộng đoàn ca hát khi phụng vụ đòi hỏi có tiếng nhạc chung hoà của cộng đoàn.
Những vấn đề thách đố việc ca hát của cộng đoàn ngày nay
Các thách đố ngăn trở việc cộng đoàn ca hát phát xuất từ nền văn hoá, ngành kinh doanh xuất bản và ít nhiều những nỗ lực sai lầm – tuy đầy thiện ý – ngay trong nội bộ giới mục vụ thánh nhạc. Văn hoá Bắc Mỹ hiện đại không thuận lợi cho việc cộng đoàn ca hát. Công nghiệp giải trí khiến con người cảm thấy muốn chọn việc thoải mái ngồi nghe giọng đơn ca được khuếch đại bằng điện tử. Cộng đoàn sẽ lên tiếng hát khi họ được kéo ra khỏi chính con người họ và đưa vào một hoạt động được cử hành với sức lôi cuốn mạnh mẽ chứ không phải ở những nghi thức mà họ bị đặt làm cử toạ (một tư thế mà nhiều người ưa chuộng).
Các cộng đoàn ngày nay là những thực thể không cố định. Việc đi lại dễ dàng và thường xuyên, do đó luôn có những cộng đoàn được tái lập hoặc/và được thành hình tức thời. Vốn dĩ con người dễ tham dự vào điều gì đã quen thuộc. Khi nhận ra bài hát của mình, cộng đoàn cảm thấy muốn hát hơn. Vì thế, để giúp cộng đoàn ca hát, rất nên có danh mục các bài thánh ca cố định gồm cả những bài ngày xưa và những bài ngày nay. Thêm vào đó, cần ưu tiên cho các thánh vịnh và các câu tung hô. Các vị lãnh đạo thánh nhạc phải luôn tận tâm nâng cao khả năng sắp xếp cân đối giữa các bài hát quen và các bài hát mới. Sau cùng, cần khuyến khích các nhà xuất bản hợp tác tích cực hơn hầu có thể phát hành tuyển tập thánh ca chung cho nhiều giáo xứ hoặc nhiều giáo phận.
Chừng nào chúng ta đã chuẩn bị được phụng vụ thánh nhạc cho thấy có sự am hiểu về vai trò của âm nhạc cũng như vai trò của cộng đoàn ca hát xét như thành phần thiết yếu của hành vi thánh đang được cử hành, và chừng nào chúng ta có được những tuyển tập chung gồm các bài thánh ca phụng vụ có giá trị thuộc nhiều thể loại và phong cách khác nhau, thì khi ấy cộng đoàn sẽ lên tiếng hát.
——————————
1 Tra le Sollecitudini = Một trong những mối quan tâm
2 Bài này đã đăng trên Hương Trầm số 7 (tháng 4/2008)
Người dịch: Phanxicô
Nguồn: WHĐ