08.9.2019 – Thứ hai tuần XXIII Thường niên
Giơ bàn tay anh ra
PHÚC ÂM: Lc 6, 6-11
“Các ông quan sát xem Người có chữa lành bệnh trong ngày Sabbat không”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu vào hội đường và giảng dạy. Khi ấy ở đó có một người tay hữu bị khô bại. Những luật sĩ và biệt phái quan sát xem Người có chữa lành người ấy trong ngày Sabbat không, để có cớ tố cáo Người. Nhưng Người biết tư tưởng các ông, liền bảo người có tay khô bại rằng: “Ngươi hãy chỗi dậy mà đứng ra giữa đây”. Người đó đứng thẳng dậy. Đoạn Chúa Giêsu bảo các ông ấy rằng: “Tôi hỏi các ông, ngày Sabbat được phép làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay là giết chết?” Rồi đưa mắt nhìn mọi người, Chúa bảo người đó rằng: “Ngươi hãy giơ tay ra”. Người ấy giơ ra, và tay người ấy được lành.
Bấy giờ các ông đầy lòng tức giận, và bàn định với nhau xem có thể làm gì được Chúa Giêsu.
Suy niệm:
Chúng ta không biết nhiều chi tiết về người đàn ông này.
Ông bao nhiêu tuổi, có gia đình chưa, sống bằng nghề gì?
Chỉ biết là bàn tay phải của ông bị teo, không duỗi được (c. 6).
Chắc là nó bị co quắp vì các cơ không hoạt động bình thường.
Như thế sẽ rất khó chịu và bất lợi để sinh hoạt hàng ngày.
Hơn nữa đây lại là bàn tay phải, bàn tay chính để làm việc.
Người đàn ông có bàn tay thương tật đã đến hội đường vào ngày sabát.
Ông đến để nghe giảng dạy và cầu nguyện như mọi người.
Có vẻ ông chẳng mong gì, chẳng xin được Đức Giêsu chữa lành,
dù tiếng tăm của Ngài lúc đó đã lan rộng nhiều nơi (Lc 5, 15).
Thật bất ngờ khi Ngài bảo ông: “Hãy trỗi dậy và ra đứng giữa đây.”
Ông chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra cho mình, nhưng đã vâng lời.
Ông đứng ở ngay giữa cho mọi người thấy.
Sau đó Ngài bảo ông: “Hãy duỗi bàn tay của anh ra!” (c. 10).
Một lần nữa ông lại vâng lời.
Ông làm điều mà có lẽ từ lâu ông không làm được.
Duỗi bàn tay khô héo, co quắp này, để có thể cầm cái ly, cái chén.
Ước mơ đơn giản ấy nào ngờ hôm nay được thực hiện.
Ông đã duỗi bàn tay theo lời Đức Giêsu, và nó đã trở lại bình thường.
Bàn tay như được sống lại, được phục hồi, mềm mại, dễ bảo.
Cuộc đời ông từ nay sẽ tươi hơn, có ích hơn, ít phải nhờ vả hơn.
Đức Giêsu đã làm phép lạ này không phải vì được yêu cầu,
nhưng như một câu trả lời cho các kinh sư và những người Pharisêu.
Họ rình xem Ngài có chữa bệnh trong ngày sabát không, để tố cáo Ngài.
bởi lẽ theo họ, ngày sabát chỉ được chữa những bệnh nguy tử.
Đức Giêsu đã vạch trần âm mưu này và công khai tỏ thái độ.
Câu hỏi quen thuộc: có được phép làm điều này vào ngày sabát không?
được thay bằng câu hỏi mới: ngày sabát được phép làm điều lành hay dữ;
cứu mạng sống hay hủy hoại mạng sống? (c. 9).
Phép lạ sau đó của Đức Giêsu chính là câu trả lời (c. 10).
Nhiều khi không làm một điều tốt, cũng bằng với việc làm một điều xấu,
Không cứu một người vào giây phút ấy, cũng bằng gián tiếp giết chết họ.
Đức Giêsu đã không coi ngày sabát như ngày chỉ biết ngồi khoanh tay,
nhưng như ngày để làm điều tốt, để cứu sự sống con người.
Dù sao Đức Giêsu đã không hề đụng đến ông có bàn tay bị tật.
Khó lòng bắt lỗi Ngài đã vi phạm ngày sabát
Ngài chữa cho ông ấy chỉ bằng một lời mà thôi.
Các Kitô hữu không còn phải giữ ngày sabát nữa, nhưng giữ Chúa Nhật.
Đây là ngày để chúng ta làm điều tốt, để chăm lo cho sự sống.
Chữa cho một bàn tay bị teo tóp được lành, việc này không nhỏ.
Làm cho một con người có thể sống bằng đôi tay của mình, là chuyện lớn.
Đức Giêsu đã phải trả giá cho việc chữa bệnh của mình.
Chúng ta cũng phải trả giá khi dám bảo vệ một sự sống nhỏ nhoi.
Chỉ mong bàn tay tôi không co lại, nhưng mở ra cho mọi người.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
ai trong chúng con cũng thích tự do,
nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.
Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.
Xin giúp chúng con được tự do thực sự :
tự do trước những đòi hỏi của thân xác,
tự do trước đam mê của trái tim,
tự do trước những thành kiến của trí tuệ.
Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,
để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,
để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con được tự do như Chúa.
Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,
khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi
và chữa bệnh ngày Sabát.
Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,
khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.
Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,
vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.
Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,
để chúng con được tự do bay cao.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Lời Chúa:
“Ngày sabat được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt?”. (Lc 6,9)
Câu chuyện minh họa:
Người ta thường kể lại với câu chuyện vui sau đây: Một hôm Chúa Giêsu hiện ra cho một đan sĩ có bổn phận phải coi nhà khách và thỉnh thoảng đan sĩ bố thí cho người đến xin giúp đỡ. Trớ trêu thay đúng vào lúc Chúa Giêsu hiện ra thì chuông nhà khách reo lên báo hiệu có người nghèo đến gõ cửa xin giúp đỡ. Thoạt đầu người đan sĩ có vẻ do dự không biết phải ở lại bên Chúa Giêsu đang hiện ra cho mình hay phải đến phòng khác làm bổn phận mang thức ăn cho người đói ăn xin. Nhưng rồi vị đan sĩ quyết định đến nhà khách để chu toàn bổn phận, xong việc rồi đan sĩ trở lại với Chúa Giêsu và bất ngờ thấy Chúa còn chờ nơi đó. Chúa Giêsu tươi cười bảo vị đan sĩ: “nếu con đã không ra đi chu toàn bổn phận giúp cho người nghèo kia thì Ta đây đã không ở lại để chờ con”.
Suy niệm:
Chu toàn việc bác ái có thể nói là việc được đặt lên trên lề luật, việc này đồng nghĩa với việc thực hành bác ái bao hàm trong đó lòng yêu thương tha nhân, chứ không mang tính vụ lợi. Luật giữ ngày sabat là trung tâm của toàn bộ lề luật. Thế nhưng, con người đã dùng nó để xét đoán, và lên án nhau, thậm chí là giết chết thay vì mang lại sự sống. Chúa Giêsu đã giúp họ nhận ra ý nghĩa đích thực của ngày sabat, là mang lại ơn giải thoát khi chữa khỏi người bại tay. Ngài rất khéo trong cách chữa bệnh: không hành động nhưng dùng lời để chữa lành, nhằm tránh những lời tố cáo của bọn biệt phái.
Chúa Giêsu luôn trung thành với sứ mạng và nâng cao phẩm giá con người. Nếu chúng ta để ý sẽ thấy trong hội trường Nadareth Chúa long trọng tuyên bố: “Người sai tôi đi rao giảng Tin mừng cho người nghèo khó, giải thoát người tù tội, cho người mù được thấy, cho người áp bức được tự do…”
Lạy Chúa, xin cho con biết khôn ngoan trong cách xử thế, để những việc con làm không là nguyên nhân để người khác tố cáo, ghen ghét hay đố kỵ.
Têrêsa Mai An – Gp. Mỹ Tho
Suy niệm
Có một dạo trên truyền hình quốc gia, người ta làm chương trình “60 phút mở”, trong đó họ đặt vấn đề làm từ thiện để làm gì. Trên mạng internet còn lưu lại chương trình đó. Sau khi phát sóng chương trình, cư dân mạng ném đá MC chương trình là tiến sĩ Tạ Bích Loan và những khách mời của chương trình ấy tơi tả. Cách đặt vấn đề và cách lèo lái người xem vào câu chuyện làm từ thiện có dụng ý làm cho những người có lòng thiện thật sự cảm thấy bị “shock”. Sau câu chuyện đó cũng lắng xuống, và chương trình ấy cũng dẹp tiệm vì bị công luận phản ứng mạnh mẽ.
Câu chuyện xã hội ấy khơi gợi lên cho chúng ta về tính hiện thực của câu chuyện Phúc Âm hôm nay. Khi Chúa Giê-su cũng bị người Pharisiêu chất vấn về việc cứu chữa người bệnh trong ngày Sa-bát. Tính hiện thực hôm nay của Tin Mừng là gì? Làm từ thiện phải xin phép, phải trình báo, phải báo cáo, phải nói rõ nguồn gốc quà cáp ấy từ đâu, v.v. Không có giấy tờ thì e cũng khó mà làm từ thiện. Chuyện dở khóc dở cười là có những người mang quà từ thiện cho vùng xa vùng sâu còn bị câu lưu, bị hạch sách và làm khó khăn đủ điều.
Chúa Giê-su làm phép lạ chữa người khô bại tay. Người thể hiện uy quyền trong tình thương vô hạn với con người. Mà tình thương thì không giới hạn không gian, thời gian, làm ở đâu và bất cứ lúc nào. Giống như việc cứu người như cứu hoả, gấp rút, không thể trì hoãn. Phải chăng não trạng Pharisiêu cũng in hằng trong nếp nghĩ của nhiều người, nhất là giới cầm quyền nhiều nơi cho đến ngày nay: làm việc lành phải xin phép, giúp đỡ người khác phải có chứng nhận, làm từ thiện phải trình báo, cấp cứu người khác phải được cấp giấy, v.v.
Xã hội ngày nay người ta có thể lợi dụng việc làm tốt để đạt mục đích cá nhân. Nhiều người xây chùa chiền, cúng kiếng từ tiền tham nhũng, từ các thu nhập bất chính hay tội phạm; nhiều người làm từ thiện để quay phim chụp hình hay đánh bóng tên tuổi, v.v. Cái gì cũng có thể xảy ra. Nhưng khi làm việc lành, với sự chân thành, chúng ta không cần đến những điều đó. Chúa biết mọi sự, Chúa biết ta làm vì điều gì.
Lạy Chúa Giê-su, xin dạy chúng con luôn biết yêu thương, biết làm việc lành, biết sống đạo đức, không phải vì hư danh nhưng vì chúng con nhìn thấy Chúa trong anh chị em. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường