Mồng 2 Tết
CHỮ HIẾU
Logos năm A
Người ta đã kể lại câu chuyện về một con chim như sau :
Có một vụ cháy rừng khủng khiếp đã xảy ra. Sau khi những ngọn lửa đã được dập tắt, những người kiểm lâm đi vào rừng để kiểm tra mức độ thiệt hại của vụ cháy rừng. Một người kiểm lâm bất chợt nhìn thấy một con chim khá lớn đã chết vẫn đứng im lìm như bức tượng gỗ trên cành cây cao cháy dở dang. Anh ta lấy một cành cây nhỏ đụng vào xác con chim. Bất thình lình, anh phát hoảng khi thấy một con chim non từ dưới cánh con chim chết cháy bay vọt ra …
Mọi người đều sửng sốt. Thì ra trong lúc ngọn lửa thiêu đốt cánh rừng, chim mẹ nhận ra mối nguy hiểm đang đe dọa đứa con bé bỏng của mình, nó đã dang rộng đôi cánh che chở cho con mình. Lúc đám cháy chưa lan tới, chim mẹ đã có thể bay đi thật xa tìm sự an toàn cho riêng mình. Nhưng vì tình thương, nó đã ở lại chấp nhận cái chết cho con mình được sống.
Tình yêu của chim mẹ dành cho con thật lạ lùng biết bao ! Nếu tình mẫu tử ở loài vật còn đẹp đẽ như thế, thì tình mẫu tử ở con người còn kỳ diệu biết chừng nào ! Nếu sự hy sinh của chim mẹ dành cho chim con lớn lao như vậy, thì sự hy sinh của người mẹ dành cho con mình còn mãnh liệt đến đâu!
Từ câu chuyện cảm động trên, chúng ta nhận ra rằng : tình yêu và sự hy sinh của cha mẹ dành cho con cái thật cao vời biết mấy ! Vì thế, Giáo Hội đã chọn ngày Mùng Hai Tết để mời gọi chúng ta thắp một nén hương kính nhớ và cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà và cha mẹ, những người đã dày công sinh thành dưỡng dục chúng ta nên người.
Thảo kính cha mẹ, một đạo hiếu.
Ai trong chúng ta sinh ra đời cũng có cha có mẹ, có ông có bà, có gia đình, có thân tộc. Chính tinh thần gia tộc ấy đã hun đúc chúng ta nên người như ngày hôm nay. Còn gì cao đẹp hơn khi chúng ta được sống trong một mái ấm gia đình đầy tình yêu thương, trong vòng tay êm ấm của ông bà, cha mẹ.
Chúng ta không thể kể hết được tình yêu thương của cha mẹ dành cho chúng ta : cao như núi, rộng như biển. Tình thương ấy được thể hiện rõ ràng trong công ơn sinh thành dưỡng dục. Cha mẹ phải vất vả cực nhọc biết bao để chăm sóc chúng ta lúc mới chào đời. Khi lớn lên, cha mẹ lại tiếp tục dưỡng nuôi chúng ta thành người.
Vì vậy, chữ hiếu luôn được đề cao trong tinh thần dân tộc người Việt Nam. Thảo hiếu cha mẹ không chỉ là một nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ, mà đó là một đạo hiếu, nghĩa là một thứ “đạo” thiêng liêng dành cho con cái. Đó cũng là “con đường” mà mọi người phải đi qua để làm tròn chữ hiếu :
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Thảo kính cha mẹ, một lề luật.
Thiên Chúa không cứu rỗi con người từ trời cao, nhưng Ngài đã xuống thế làm người để cứu chuộc con người. Để yêu thương nhân loại một cách trọn vẹn, Chúa đã trở thành một con người. Chúa có cha, có mẹ, có một gia đình. Tại Nazareth, Chúa đã lớn lên trong ân sủng Thiên Chúa và trong gia đình của nhân loại. Chúa đã vâng phục thánh Giuse và Mẹ Maria. Chúa đã học đọc, học viết và hát từng câu Thánh Vịnh với Mẹ Maria. Chúa cũng học cách xử dụng từng dụng cụ trong xưởng mộc của thánh Giuse. Nói chung, Chúa Giêsu là một Thiên Chúa, nhưng Ngài đã đi trọn con đường thảo hiếu đối với cha mẹ, để làm gương cho chúng ta.
Vì thế, đối với chúng ta, thảo hiếu cha mẹ không những là một đạo hiếu, mà còn là một lề luật của Thiên Chúa.
Trong “Mười Điều Răn”, Chúa dạy chúng ta phải thảo kính cha mẹ. Trong bài Tin Mừng theo thánh Matthêu hôm nay, Chúa dạy : “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ”. Sách Đức Huấn Ca cũng dạy : “Hãy biết trân trọng, tôn kính những bậc tiền nhân”. Thánh Phaolô còn nói rõ hơn : “Hãy thảo kính cha mẹ ngươi … Còn những bậc làm cha mẹ, hãy giáo dục con cái theo lời dạy của Chúa” (Ep 6, 1).
Thảo kính cha mẹ, bổn phận của chúng ta hôm nay.
Mỗi khi xuân về, chúng ta thường nghe bài hát Mừng Tuổi Mẹ : “Mỗi mùa xuân sang, mẹ tôi già thêm một tuổi …”.
Bài hát làm cho lòng chúng ta nao nao nhớ đến người mẹ của chúng ta, nhớ đến tình thương và công lao của cha mẹ. Bài hát còn nhắc đến ý nghĩa cao đẹp của việc “mừng tuổi” trong mỗi dịp tết.
Người Trung Quốc còn truyền tụng trong dân gian sự tích tiền mừng tuổi như sau :
Ngày xưa, có một loài yêu quái thường xuất hiện vào đêm giao thừa để làm hại trẻ con đang ngủ, khiến chúng hoảng sợ và bị ngớ ngẩn. Vì thế, những gia đình có con nhỏ thường phải thức đêm canh chừng con mình.
Có một gia đình hiếm con sinh được cậu con trai kháu khỉnh. Đêm giao thừa năm ấy có 8 vị tiên đi qua, biết cậu bé sắp gặp nạn, liền hóa thành 8 đồng tiền bảo vệ bên cạnh cậu bé. Trước khi đi ngủ, hai vợ chồng lấy giấy đỏ gói những đồng tiền ấy lại và đặt dưới gối của con.
Nửa đêm, yêu quái xuất hiện, đến gần đứa bé. Những đồng tiền đã lóe sáng lên, khiến yêu quái hoảng hốt bỏ chạy. Sáng hôm sau, hai vợ chồng kể chuyện cho hàng xóm nghe. Từ đó, cứ tết đến, người ta lại bỏ tiền vào những phong bì màu đỏ cho trẻ con. Tiền đó gọi là tiền mừng tuổi, hay “tiền lì xì”. Tục lệ này tồn tại cho đến ngày nay.
Sự tích trên cho thấy ý nghĩa cao đẹp của “tiền mừng tuổi”. Đó là sự quan tâm chăm sóc, bảo vệ của cha mẹ dành cho con cái. “Mừng tuổi” nhau còn là ước mong cho nhau được sống an lành.
Vì thế, vào dịp đầu năm, bổn phận trước hết là phải “mừng tuổi cha mẹ”. Qua lời cầu nguyện, qua cách đối xử, qua việc yêu thương tôn kính, chúng ta cầu mong cho cha mẹ luôn được sống an bình hạnh phúc. Đó là cách chúng ta “mừng tuổi” cha mẹ tốt đẹp nhất.
Ngoài ra, trong đời sống hằng ngày, chúng ta hãy tỏ lòng thảo hiếu với ông bà cha mẹ qua việc chúng ta luôn phụng dưỡng ông bà cha mẹ, giúp đỡ và chia sẻ gánh nặng với các ngài.
Cuối cùng, luôn thảo kính cha mẹ là chúng ta làm gương cho con cái chúng ta bắt chước, để con cái chúng ta cũng đối xử với chúng ta bằng tinh thần thảo hiếu của một người con.
Có hai vợ chồng kia rất giàu có, nhưng lại hà tiện keo kiệt. Họ sống với người cha chồng già nua ngót 80 tuổi. Vì tuổi già sức yếu, tay chân run rẩy, nên lúc ăn cơm ông cụ thường làm rớt chén cơm, chén bể, cơm vung vãi. Người vợ thấy vậy rất bực mình vì tiếc của. Chị ta xúi chồng rầy la và mắng nhiếc ông cụ thậm tệ. Vì thế, nhiều lúc ông cụ ngồi ăn mà nước mắt rơi đầy chén cơm.
Hai vợ chồng thấy ông cụ làm vỡ chén hoài như vậy, liền bàn nhau đẽo cho cha già cái chén bằng gỗ thật dày. Nếu có rơi, cũng không bể chén. Họ rất hài lòng về sáng kiến ấy.
Một ngày kia, hai vợ chồng đi xa về, khi bước qua sân, họ nhìn thấy đứa con trai 8 tuổi, đang mải miết làm một cái gì đó. Nhìn kỹ, họ thấy nó đang đẽo gọt 2 cái chén gỗ. Người vợ hỏi : – “Con làm gì vậy ?”. Nó ngây thơ trả lời : – “Thưa cha mẹ, con làm 2 cái chén gỗ, để khi cha mẹ già như ông nội, con sẽ bới cơm cho cha mẹ ăn”.
Lời con trẻ như lưỡi dao xuyên qua lòng hai vợ chồng. Họ cảm thấy hối hận và từ đó luôn đối xử tốt với cha già.
Đó cũng là bài học cho chúng ta hôm nay. Nếu chúng ta yêu thương thảo kính với cha mẹ, con cái chúng ta cũng sẽ yêu thương thảo hiếu với chúng ta.