CON NGƯỜI NÓI KHÔNG,
THIÊN CHÚA TRẢ LỜI CÓ
Sau vụ khủng bố kinh hoàng tại New York ngày 11- 9 – 2001, tất cả các phi trường trên toàn nước Mỹ đều được kiểm soát một cách gắt gao. Mọi hành khách và hành lý bị kiểm tra kỹ lưỡng. Mọi người đều phải trả lời “có” hay “không” (Yes hay No) trước một số câu hỏi về an ninh do nhân viên ở phi trường đặt ra. Về sau, vì quá mệt mỏi trước sự kiểm soát và thẩm vấn, người ta chỉ gật đầu thay vì nói “có” và lắc đầu thay vì nói “không”.
Càng về sau, việc thẩm vấn này càng trở nên nhàm chán và máy móc, đến nỗi, người ta chỉ làm “qua lần chiếu lệ” : có khi thay vì phải gật đầu thì người ta lắc đầu và thay vì phải lắc đầu thì người ta lại gật đầu !
Nói “có” hay “không”, gật đầu hay lắc đầu, đó là cách biểu lộ sự ưng thuận hay không ưng thuận của con người. Hai chữ “có” và “không” là hai chữ quen thuộc, trên môi miệng mọi người. Hai từ “yes” và “no” cũng xuất hiện thường xuyên trên các chương trình máy tính, giúp cho người ta chọn lựa những tiến trình được cài đặt sẵn.
Hai chữ “có” và “không” là hai chữ được dùng nhiều nhất trong cuộc sống con người. Nhưng giá trị của chúng không tùy vào lúc chúng được nói ra, mà tùy theo sau đó, người ta có thực hiện hay không. Nói “có” mà không làm thì không thể giá trị bằng nói “không” mà lại làm.
Hôm nay, trong bài Tin Mừng theo Thánh Matthêu, Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn hai người con được cha gọi đi làm vườn nho. Người con thứ nhất trả lời “không”, nhưng sau đó, hối hận rồi đi làm. Người con thứ hai đáp “vâng”, nhưng sau đó không đi làm. Vậy, người con nào làm theo ý cha mình ? Dụ ngôn này giới thiệu hình ảnh hai người con đại diện cho hai hạng người Do thái thời Chúa Giêsu.
Lời nói “không” ngọt ngào
Trước lời kêu gọi đi làm vườn nho của cha, người con thứ nhất nói “không” rồi hối hận và đi làm. Đó là hình ảnh ám chỉ những người thu thuế và tội lỗi. Họ là những người bị khinh rẻ trong xã hội Do Thái, là những kẻ bị loại trừ ra khỏi cuộc sống, những người bị xếp hạng chót trong cuộc đời. Tuy nhiên, Thiên Chúa là Đấng đầy lòng thương xót và khoan dung, đã quảng đại mời gọi họ đi làm vườn nho cho Người. Chính tội lỗi của họ đã nói “không” trước lòng thương của Thiên Chúa. Nhưng sau đó, đời sống tội lỗi của họ được phủ lấp bởi ân sủng và tình thương của Thiên Chúa. Họ hối hận làm lại cuộc đời và quay trở về với Chúa.
Chàng thanh niên Saolôâ đã nói “không” với Chúa khi đi bắt bớ đạo Chúa. Nhưng sau đó đã thưa lời “xin vâng” trên đường Damas : “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì ?” (Tđcv 22, 10). Saolô đã được biến đổi để trở thành Phaolô Tông Đồ Dân Ngoại.
Chàng thanh niên Augustinô cũng đã nói “không” với Thiên Chúa qua đời sống sa đoạ tội lỗi. Sau đó, Augustinô đã ăn năn sám hối, quay trở về với Thiên Chúa và thưa lời “xin vâng” trong suốt cuộc đời theo Chúa. Ngài luôn cảm thấy hối tiếc vì theo Chúa quá muộn : “Lạy Chúa, con biết Chúa quá muộn màng”.
Phải chăng đó chính là những lời nói “không” rất ngọt ngào? Những lời nói “không” đã khởi đầu cho những cuộc hoán cải lớn lao và đã tạo nên những vị thánh trổi vượt trong Giáo hội ?
Lời thưa “vâng” cay đắng.
Trước lời kêu gọi đi làm vườn nho của cha, người con thứ hai đã thưa “vâng”, nhưng sau đó không đi làm. Người con thứ hai đại diện cho các Thượng tế, kinh sư và Pharisiêu, là hàng giáo phẩm cao cấp của đạo Do Thái, là những người tự coi mình là thành phần đạo đức thánh thiện. Chúa Giêsu đã chỉ trích họ là những người “Nói mà không làm”, chỉ biết “đặt gánh nặng lên vai người khác và không muốn đưa ngón tay lay thử” (Mt 23, 3-4).
Hôm nay, Chúa Giêsu đã thẳng thắn nói với các thượng tế và kỳ lão Do Thái : “Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông”. Quả thật, người ta vẫn nói : “con đường dài nhất là con đường từ cái đầu đến đôi tay”. Để tư tưởng và lời nói trở thành hiện thực, luôn luôn phải mất một quá trình thật dài. Cũng thế, lời Chúa đến với đôi tai người tín hữu, rồi đi vào tim óc, sau đó, phải trải qua một con đường thật dài mới đến được đôi tay. Quả thật, từ lời nói đến việc làm luôn có một khoảng cách xa vời vợi. Vì thế, đã đến lúc chúng ta không thể chỉ nói suông, nhưng hãy thực hành những gì chúng ta đã nói, đã hứa và cam kết. Kitô giáo là tôn giáo của lòng tin, nhưng lòng tin bên trong của chúng ta phải được thể hiện qua việc làm bên ngoài : “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2, 17).
Trong cuộc đời người Kitô hữu, nhiều lúc chúng ta đã thưa “vâng” với Chúa. Nhưng có thể đó chỉ là lời “xin vâng” đầy cay đắng : Lời xin vâng dẫn đến những bất trung và phản bội, lời xin vâng chỉ ở “ngoài môi miệng” mà thôi. Chúng ta hãy bắt chước Chúa Giêsu, Đấng đã nêu gương mẫu cho chúng ta qua lời thưa “vâng” với Chúa Cha : “Này con xin đến để thi hành ý Cha” (Dt 10, 9).
Hoán cải, con đường ngắn nhất dẫn đến hạnh phúc.
Trong bài đọc 1, tiên tri Êgiêkiel đã phác hoạ một con đường sống, con đường dành cho những ai biết từ bỏ tội lỗi và sự gian ác để trở về với Thiên Chúa. Con đường đó chính là con đường hoán cải.
Người con thứ nhất đã đi theo con đường hoán cải để trở thành người con hiếu thảo, biết thực thi ý cha. Khi được cha kêu gọi đi làm vườn nho, người con ấy đã khước từ, nhưng sau đó, vì hối hận đã đi làm. Như thế, sự sám hối chính là động lực giúp cho con người trở về với Chúa.
Với Thiên Chúa, điều quan trọng không phải là những lần ta vấp ngã, nhưng là những lần ta đứng dậy và trở về với Ngài. Thiên Chúa luôn chờ đợi để lời nói “không” được đổi thành lời thưa “vâng” ở nơi chúng ta.
Ông Khấu Chuẩn, thuộc đời nhà Tống bên Trung Hoa, ở đất Hạ Bì, lúc nhỏ, là một cậu bé lêu lổng và ham chơi. Bà mẹ vốn là người nghiêm khắc, thường hay la mắng quở phạt ông.
Một hôm, ông trốn học đi chơi, bà mẹ giận quá cầm quả cân ném vào chân ông, máu chảy đầm đìa. Từ đó, ông bỏ hẳn thói lêu lỏng chơi bời, chỉ lo chuyên cần học tập. Về sau, ông đỗ đạt và làm đến chức tể tướng trong triều đình.
Mỗi khi sờ đến vết sẹo trên bàn chân, ông thường khóc nức nở và nói : “Chính vết thương này đã làm ta nên người”.
Vấp ngã là điều thường tình trong cuộc sống con người. nhưng điều quan trọng là ta phải biết hối cải để canh tân cuộc sống, biến cả cuộc đời ta thành bài ca “xin vâng” trước lời mời gọi của Chúa. Dù con người nói “không”, Thiên Chúa luôn trả lời “có”. Người có đủ lòng kiên nhẫn để chờ đợi chúng ta trở về, có đủ tình bao dung để thứ tha, có đủ lòng xót thương để đón nhận các tội nhân vào lòng. Ở nơi Người luôn luôn là “có” hơn là “không”.
Chúng ta đừng nhìn những vết sẹo do tội lỗi để lại trong tâm hồn như những vết tích đáng thất vọng, nhưng hãy nhìn chúng như dấu chỉ của tình thương bao la của Thiên Chúa. Phải, tình yêu Thiên Chúa mạnh hơn tội lỗi và sự chết, như lời thánh Phaolô : “Nơi nào tội lỗi càng nhiều, nơi đó ân sủng Thiên Chúa càng dồi dào”.