Muối Và Ánh Sáng
Ngày kia, giòng nước biển chảy vào một ruộng muối. Nhìn thấy đống muối lớn trên bờ, những giọt nước biển nói với những hạt muối rằng :
– Sao các bạn nằm im một chỗ như thế ! Tội nghiệp các bạn quá ! Hãy bắt chước chúng tôi đây, vui đùa, bơi lội thỏa thích.
Những hạt muối trả lời :
– Chúng tôi và các bạn đều là anh em một nhà. Chúng tôi đến từ biển cả như các bạn, cũng có một thời vui chơi như các bạn. Nhưng giờ đây, chúng tôi đang mang một sứ mạng: trở thành gia vị cho cuộc sống và ướp mặn cuộc đời. Chính các bạn cũng đang bắt đầu sứ mạng ấy.
Quả thật, sau đó người ta đắp bờ ruộng lại, những giọt nước biển không trở về với biển cả nữa. Dưới ánh nắng mặt trời thiêu đốt, những giọt nước biển than khóc trong sự nóng bỏng và đau xót. Rồi chúng bốc hơi để thành những hạt muối. Người ta cào chúng lại thành từng đống. Những hạt muối kết tinh từ những giọt nước mắt của biển cả, đi vào cuộc sống con người và làm cho cuộc sống ấy trở nên mặn nồng và đậm đà hơn.
Câu chuyện thật đơn sơ diễn tả tiến trình hình thành một hạt muối từ nước biển và nói lên chức năng của muối là ướp mặn và là gia vị cho cuộc đời.
Hôm nay, trong bài Tin Mừng theo thánh Matthêu, Chúa Giêsu dùng hình ảnh thân quen của muối và ánh sáng để giáo huấn các môn đệ ; “Các con là muối cho đời … là ánh sáng cho trần gian”.
Muối cho đời.
Trong thế giới cổ đại, muối là nhu cầu quan trọng của con người. Muối rất có giá trị đến nỗi vào thời cổ xưa, có những nơi người ta dùng muối như đơn vị tiền tệ để đổi chác những hàng hóa khác. Ngày nay, ở Ucraina, người ta dùng muối và bánh mì để tiếp đón khách quí. Muối và bánh mì tượng trưng cho sự sống của con người. Người Hy Lạp coi muối như thần linh. Còn người La Mã nói : “Không có gì hữu ích hơn mặt trời và muối” (Nil utilius sole et sale).
Ngày nay, muối luôn quan trọng và cần thiết trong cuộc sống đời thường. Muối được dùng để bảo quản lương thực và là gia vị làm cho thức ăn thêm đậm đà. Đối với người Việt Nam, muối không chỉ dừng lại ở đời sống vật chất mà còn ngấm sâu vào đời sống tinh thần và có tác dụng giáo dục :
Cá không ăn muối cá ươn
Con cãi cha mẹ trăm đường con hư.
Dựa vào sự gần gũi và quan trọng của muối, Chúa Giêsu đã đưa hình ảnh muối vào lời giáo huấn của Ngài : “Các con là muối đất, nếu muối lạt, biết lấy gì mà ướp cho mặn lại ?”.
Chúa muốn các môn đệ trở thành “muối thế gian”, nghĩa là các môn đệ phải giữ gìn và làm cho thế gian thêm mặn nồng trong giao ước với Thiên Chúa.
Vì thế, nếu muối được dùng để bảo quản và là gia vị, thì người tín hữu cũng có nhiệm vụ ướp mặn cuộc đời và làm cho cuộc sống được tăng thêm hương vị.
Muối phải mặn mới làm tròn chức năng của mình. Người tín hữu phải thánh thiện mới “ướp mặn” trần gian và làm cho cuộc sống thêm “mặn mà” hơn.
Muốn trở nên “muối” tinh ròng, nguyên chất, đủ mặn để ướp đời, chúng ta hãy trở nên gần gũi, thân thiết, và gắn bó với Chúa. Vì Ngài chính là nguồn thánh thiện tuyệt đối. Ở gần Chúa, chúng ta cũng được biến đổi để trở nên hoàn thiện hơn.
Sự thánh thiện của người tín hữu là “chất mặn” để giữ gìn và biến đổi môi trường họ đang sống nên tinh tuyền hơn.
Ánh sáng cho trần gian.
Chúa Giêsu còn dùng một biểu tượng khác để dạy các môn đệ: “Các con là sự sáng thế gian”. Chúa Giêsu muốn các môn đệ trở thành “cây đèn cháy sáng” và chiếu tỏa trước mặt mọi người bằng những việc làm tốt lành.
Cây đèn luôn phải cháy sáng. Nếu là đèn thường, phải có “dầu” để cháy sáng. Chất dầu ấy chính là “nhiên liệu” lấy từ Thiên Chúa. Nếu là đèn điện, phải được cắm vào “nguồn điện” là chính Thiên Chúa.
Nếu người tín hữu tách rời khỏi Thiên Chúa, sẽ không thể cháy sáng, nhưng sẽ lu mờ và lịm tắt.
Cây đèn phải chiếu ánh sáng ra bên ngoài, không phải chiếu sáng chính mình. Vì thế, nếu cây đèn được thắp lên, rồi để dưới đáy thùng, cây đèn chỉ chiếu tỏa ánh sáng cho mình. Nhưng nếu đặt lên giá đèn, cây đèn sẽ soi sáng cho mọi người.
Cũng thế, người tín hữu phải “phát sáng” bằng những việc tốt lành, để mọi người nhìn thấy những việc làm đó mà nhận ra nguồn sáng đích thực là Thiên Chúa.
Đó chính là lời nhắc nhở của tiên tri Isaia đối với dân Do Thái trong bài đọc I : phải sống thế nào để “sự sáng được tỏ rạng như hừng đông ?”. Đó là hãy chia bánh cho kẻ đói, tiếp nhận người không nhà ở, cho người trần truồng áo mặc và đừng khinh bỉ những kẻ bất hạnh.
Trong bài đọc II (trích thư I Côrintô), thánh Phaolô giới thiệu cho tín hữu nguồn sáng phát ra từ thập giá Đức Kitô. Nguồn sáng ấy thu hút ngài cách mạnh mẽ, đến nỗi ngài luôn rao giảng một Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh, hơn là rao giảng sự khôn ngoan loài người.
Cuộc sống của chúng ta hôm nay đôi khi chìm ngập trong bóng tối khổ đau. Hãy thắp lên một ngọn lửa thay vì ngồi nguyền rủa bóng tối. Hãy đốt lên cây đèn đời mình, góp phần làm cho ánh sáng bừng lên, xua tan đêm dài lạnh lẽo. Hãy góp phần làm cho cuộc đời này sáng lên, dù chỉ bằng một ánh lửa nhỏ.
Ánh lửa đó là những việc làm yêu thương, những gương sáng trong gia đình. Ánh lửa đó còn là những hy sinh quên mình để phục vụ tha nhân.
Cuộc sống này sẽ tươi đẹp biết bao nếu có một chút ánh sáng của nụ cười, một chút ánh sáng của lời thứ tha, một tia sáng nhỏ của niềm tin trao gởi cho nhau.
Chỉ một chút ánh sáng thôi, cũng đủ để nâng đỡ một ai đó đang buồn khổ, hoặc soi đường cho người đang lạc bước. Một chút ánh sáng thôi, cũng đủ làm cho cuộc đời này ý nghĩa hơn.
Ngày xưa, có một ngôi làng ở ven biển. Ngôi làng tuy nhỏ bé, nhưng dân làng rất đoàn kết và yêu thương nhau. Ngày nọ, có một ông già đến sinh sống tại ngôi làng ấy. Người ta không biết ông từ đâu tới, chỉ biết ông là một ngư phủ dày dạn kinh nghiệm. Ông già cất một ngôi nhà toàn bằng gỗ quí trên sườn đồi phía sau làng. Đó là một ngôi nhà tuyệt đẹp, mà ông rất yêu quí.
Một đêm kia, dân làng nhìn thấy ánh sáng phát ra từ một ngọn lửa lớn đang bừng lên từ sườn đồi. Đó chính là ngọn lửa phát xuất từ ngôi nhà của ông già. Ngôi nhà đang bốc cháy dữ dội.
Ngay lập tức, dân làng từ người già đến trẻ em bảo nhau mang nước lên đồi để chữa cháy. Cũng ngay lúc đó, biển động mạnh, một cơn sóng thần ập tới quét sạch ngôi làng. Vì bận chữa cháy trên đồi nên trong làng có rất ít người bị sóng thần cuốn đi.
Người ta tưởng dân làng cứu giúp ông già, nhưng thật ra chính ông già đã cứu sống dân làng. Vì là một ngư phủ từng trải, ông đã nhìn thấy trước cơn sóng thần đang tràn tới. Giữa đêm khuya, ông không biết làm cách nào báo tin cho dân làng. Ông đành hy sinh đốt cháy ngôi nhà yêu quí, để dân làng thấy đám cháy mà chạy lên đồi giúp ông, cũng là giúp chính họ.
Ánh sáng đẹp nhất là ánh sáng yêu thương phát ra từ cuộc sống hy sinh và phục vụ. Chúng ta hãy sống lời Chúa dạy hôm nay : “Ánh sáng của các con phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời”.