Suy niệm Lời Chúa Chúa nhật 28 Thường niên C
BIẾT ƠN
Sự chữa lành mười người cùi bắt đầu chu kỳ những biến cố cuối cùng của đánh dấu những chặng đường chót của Chúa Giê-su trong hành trình hướng về Giê-ru-sa-lem. Lu-ca ghi lại phép lạ này rất thích hợp, vì đặc điểm chính của câu chuyện là lòng biết ơn và phước lành của một người Sa-ma-ri, mà Lu-ca luôn luôn mô tả Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế chẳng phải riêng cho người Do-thái mà cho cả nhân loại.
Tuy nhiên trong phép lạ này còn có một đặc điểm khác, những người cùi này được truyền lệnh đi khai cho các thầy tư tế rằng họ đã khoẻ mạnh trước khi họ được chữa lành. “Đang khi họ đi thì được sạch”. Hành động theo đức tin sẽ được tưởng thưởng. Ngài truyền lệnh cho họ hành động như đã nhận được lời cầu xin ấy, rồi cùng với hành động đức tin, lời cầu nguyện được nhận. Mệnh lệnh của Chúa Giê-su bao hàm một lời hứa, và đối với mọi lời hứa của Ngài, chúng ta có thể luôn luôn tin cậy trong an toàn tuyệt đối.
Lúc ấy Chúa Giê-su đang đứng trên bờ cõi xứ Ga-li-lê và Sa-ma-ri, có một tốp người cùi ra đón Ngài. Chúng ta đã biết người Do-thái không giao thiệp với người Sa-ma-ri, nhưng trong số này có ít nhất là một người Sa-ma-ri. Đây là một dẫn chứng về một qui luật trong cuộc sống. Nỗi bất hạnh chung đã phá đổ những bức rào ngăn cách về chủng tộc, họ đã quên mình là Do-thái hay Sa-ma-ri, và chỉ còn nhớ rằng mình là những con người đang có nhu cầu. Người ta cho biết, khi có một trận lụt tràn ra trên một vùng đất nào, các thú vật phải tụ trên một mô đất cao, thì bạn sẽ thấy chúng đứng chung được với nhau, dầu vốn dĩ chúng từng thù địch nhau, và trong dịp khác, hẳn chúng đã dùng hết để cắn xé nhau đến chết. Chắc chắn một điều có thể kéo mọi người lại gần nhau, ấy là niềm khát khao chung của họ đối với Thiên Chúa. Tốp người cùi đứng đàng xa. Họ phải đứng cách xa bao nhiêu thì luật không nói rõ, nhưng có một thẩm quyền cho biết khi chiều gió thổi xuôi từ người cùi tới người lành thì người cùi phải đứng các xa bốn mươi lăm mét. Điều đó nói lên rõ ràng sự cô lập khủng khiếp mà người cùi phải chịu trong đời sống.
Trong các sách Phúc Âm, không có câu chuyện nào cho thấy rõ lòng vô ơn của con người một cách chua chát như câu chuyện này. Những người cùi này đã đến với Chúa Giê-su trong niềm hy vọng cao độ, Chúa Giê-su chữa lành cho tất cả, chín người trong số đó đã không trở lại cám ơn Ngài. Thường là thế, một khi người ta đã nhận được điều mình mong muốn, người ta không bao giờ trở lại.
1. Con người thường hay quên ơn cha mẹ.
Lúc còn bé nếu chúng ta bị bỏ quên trong một tuần lễ chắc là chúng ta đã chết. Trong các loài sinh vật, chỉ có con người cần thời gian lâu dài hơn cả mới có thể tự lo được các nhu cầu thiết yếu cho đời sống mình. “Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa.” Suốt bao năm trời đằng đẵng, chúng ta phải luỵ cha mẹ trong tất cả mọi sự. Nhưng rồi một ngày ta thấy cha mẹ phải trở nên một nỗi phiền hà quấy rầy chúng ta, và có ít người biết nghĩ đến đền đáp công ơn cha mẹ.
Có một bà mẹ nọ, vì muốn khuyến khích đứa con nhỏ của mình chăm lo việc nhà, nhất là những công việc nhỏ nhặt, vừa khả năng của nó, nên hầu như lúc nào bà cũng thưởng cho nó một món tiền nhiều ít tùy theo công việc nặng nhọc. Lần kia, suốt cả một tuần, bà mẹ đau nằm liệt giường. Thế là con nhỏ phải giúp, và cả thay thế mẹ trong nhiều công việc, nhưng không thấy mẹ tính thù lao. Cuối tuần, em nhỏ viết một cái hóa đơn ghi những công tác chưa nhận được tiền thưởng gồm : xách nước hai giờ, nấu cơm ba giờ, giặt quần áo năm giờ … tất cả các thứ tính chung trong một tuần là tám mươi giờ. Xong, em rón rén vào phòng, dúi tờ hóa đơn vào tay mẹ.
Ba phút sau, bà mẹ đưa cho em tám mươi giờ kèm theo một tờ hóa đơn khác, trong đó ghi : công sinh, công dưỡng nuôi, công dạy dỗ, công học hành, công thầy thuốc mỗi khi đau bệnh nhân mười năm : chưa có mục nào được thanh toán cả ! Cầm tờ hóa đơn trong tay, em nhỏ chợt hiểu, vội vàng chạy vào xin lỗi mẹ.
2. Chúng ta hay quên ơn đồng loại mình.
Không mấy ai trong chúng ta chưa từng mang ơn lớn đối với một người nào. Ngay lúc đó ít ai nghĩ rằng rồi đây mình sẽ quên ơn, và cũng ít người trong chúng ta đã trả xong nợ tri ân mình đang mắc. Thường là một người bạn một thầy dạy, một người khách qua đường, một bác sĩ làm cho chúng ta một ơn gì đó mà chúng ta không thể báo đáp. Thảm kịch của cuộc đời là người ta không muốn cố gắng để trả ơn nữa !
Vào dịp lễ tạ ơn, cô giáo bảo các em học sinh lớp một vẽ tranh về điều gì chúng mang ơn. Cô thầm nghĩ : chắc sẽ chẳng có gì đặc biệt : lại những con gà quay hay bàn tiệc đầy đồ ăn là cùng, và cô đã sững sờ trước bức tranh của Douglas, một bàn tay !
Nhưng bàn tay của ai đây ? Cả lớp bị lôi cuốn bởi hình ảnh đầy biểu tượng này. Một em nói :
– Em nghĩ đó là bàn tay Thiên Chúa đã ban của ăn cho chúng ta.
– Đó là bàn tay của bác nông dân vì đã nuôi những con gà, một em khác nói.
Cuối cùng, khi các em đang làm việc, cô giáo cúi xuống bên Douglas và hỏi xem bàn tay đó là của ai thì em khẽ nói : Thưa cô đó là bàn tay của cô !
Cô giáo nhớ lại vào giờ ra chơi, cô thường dùng bàn tay dắt Douglas, đứa trẻ tầm thường khốn khổ. Mặc dù cô vẫn làm điều đó với các đứa khác, nhưng với Douglas, nó lại mang một ý nghĩa rất đặc biệt.
3. Thường chúng ta hay quên ơn Thiên Chúa.
Trong giờ phút túng cực, chúng ta cầu nguyện thật hăng say thống thiết, túng cực qua rồi chúng ta quên ơn Chúa. Biết bao người trong chúng ta không hề biết cảm tạ Chúa trước bữa ăn nữa, Ngài đã ban cho chúng ta Con Một của Ngài, mà ta lại không bao giờ biết nói lên lời cảm tạ Chúa.
Thi sĩ Lamatine người Pháp có kể lại một giai thoại như sau : một hôm ông tình cờ đi qua một khu rừng, ông nghe có một âm thanh kỳ lạ : cứ sau một tiếng búa đập vào đá lại vang lên một tiếng cám ơn ! Đến gần nơi phát ra âm thanh, thi sĩ mới nhìn thấy một người thợ đá đang miệt mài làm việc. Cứ mỗi lần gõ búa vào phiến đá, ông lại thốt lên hai tiếng “cám ơn”.
Thi sĩ nấn ná đến hỏi chuyện, người thợ đá mới giải thích : “Tôi tạ ơn Chúa ! Ngạc nhiên về lòng tin của một người mà cuộc sống hẳn phải lam lũ, lầm than hơn nhiều người, thi sĩ bảo :
– Giả như bác được giàu có thì tôi hiểu tại sao bác không ngừng thốt lên hai tiếng “cám ơn”. Đàng này Thiên Chúa chỉ nghĩ đến bác có mỗi mật lần duy nhất, đó là lúc Ngài tạo nên bác. Sau đó Ngài ban cho bác có mỗi cái búa này để rồi không ngó ngàng gì tới bác nữa, thế thì tại sao bác lại mỏi miệng cám ơn Ngài ?
– Ông nghĩ rằng Chúa chỉ nghĩ đến tôi có một lần thôi sao ?
– Dĩ nhiên – Lamactin bèn thách thức – Chúa chỉ nghĩ đến bác có một lần thôi !
Người thợ đá nghèo, nhưng đầy lòng tin, náo nức thốt lên :
– Tôi nghĩ điều đó không có gì đáng ngạc nhiên cả. Ông hãy nghĩ rằng Thiên Chúa đã đoái thương nghĩ đến một người thợ đá thấp hèn như tôi, và chỉ một lần thôi, vậy không đủ cho tôi cám ơn Ngài sao ? Vậy, cám ơn Chúa, cám ơn Chúa !
Nói xong, người thợ đá đã bỏ mặc cho thi sĩ đứng đó và tiếp tục điệp khúc quen thuộc của ông : vừa đập đá vừa cám ơn Chúa !
Lời cảm tạ tốt nhất chúng ta có thể dâng lên Chúa là cố gắng sống xứng đáng với tình thương và lòng nhân từ của Ngài, mỗi ngày hơn lên :
“Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi
Chớ khá quên mọi ân huệ của Người.” (Tv 103,2).
2V 5,14-17
Mối bang giao giữa hai nước Israen và Aram gồm có những cuộc chiến xen kẽ với những thời gian hòa bình với nhau. Chuyện của Naaman xảy ra trong một thời kỳ giao hảo tốt đẹp. Chủ đề xuât hiện tại nhiều điểm trong chuyện này là Thiên Chúa của Israen là Thiên Chúa của cả thế giới, Ngài là Chúa Trời duy nhất, quyền năng và mối lưu tâm của Ngài không giới hạn trong một địa phương nhưng bao trùm cả vũ trụ. Tiếng đồn Êlisê là một thầy thuốc đã đến tai Naaman qua một nữ tỳ người Israen phục dịch cho vợ Naaman. Bất chấp việc Naaman trước đây đã đánh bại dân Israen và bắt cô làm nô lệ, cô thành thật tỏ lòng quan tâm đến sức khỏe của ông. Sự thể cô đơn sơ tin rằng Êlisê có thể chữa lành cho ông tương phản rõ rệt với phản ứng của vua Israen. Vua không thể thi thố quyền năng của Thiên Chúa trên sự sống và sự chết, nhưng vua cũng không hề có ý định giới thiệu Naaman đến người của Thiên Chúa là người cố thể làm chuyện ấy.Thoạt tiên Naaman nổi giận vì Êlisê chỉ dẫn ông tắm bảy lần trong sông Giođanh. Tuy nhiên, các đầy tớ ông có đức tin hơn y như người nữ tỳ Israen có đức tin hơn vua Israen. Họ khôn ngoan vạch cho ông thấy rằng ông sẵn sàng làm những việc khó, thì tại sao ông không chịu làm những việc dễ ?Khi ông vâng lời làm theo lời Êlisê chỉ dẫn, ông được lành bệnh. Trong khi chúng ta tưởng Chúa đòi nơi chúng ta những việc to tát, thì thường Ngài chỉ đòi đức tin và vâng phục trong những chuyện nhỏ. Naaman đáp ứng với lòng biết ơn. Trước đây, nếu ông có tin Chúa của Israen về bất cứ điểm nào thì giờ đây ông tuyên xưng Ngài là Chúa Trời duy nhất. Từ đây trở đi ông chỉ thờ phượng một mình Ngài.
2Tim 2,8-13
Ngay từ đầu của bức thư, Phaolô đã cố gắng khuyên giục và cảm thức Timôtê về công tác của ông. Phaolô đã nhắc ông về niềm tin của chính ông, về dòng họ cha mẹ tin kính của ông, về hình ảnh người chiến sĩ ,người lực sĩ và nông dân kitô. Giờ đây ông đi tời một lời kêu gọi quan trọng nhất, hãy nhớ đến Chúa Cứu thế Giêsu. Falconer gọi những chữ này là “trái tim của Phúc âm Phaolô”. Ngay cả khi những lời kêu gọi khác bị thất bại thì chắc chắn ký ức về Chúa Kitô vẫn đứng vững. Phaolô kêu gọi Timôtê nhớ đến ba điểm sau đây:
1. Hãy nhớ lại Chúa Giêsu đã sống lại tử cõi chết.. Thì của từ Hi lạp Phaolô dùng ở đây không phải đề cập đến một hành động nhất định trong một thời gian, nhưng là một tình trạng liên tục kéo dài mãi mãi. Phaolô không có ý nói với Timôtê rằng:”hãy nhớ lại sự phục sinh thực sự của Chúa Giêsu” nhưng ông muốn nói rằng:” hãy nhớ đến Chúa Phục sinh và luôn luôn hiện hữu của con”. Dây là sự mạc khải Kitô vĩ đại. Chúng ta không thể dựa trên một ký ức cho dù nó quan trọng thế nào. Chúng ta vui hưởng quyền năng của một sư hiện diện. Khi Kitô hữu được kêu gọi vào một công tác quan trọng, một công tác ngoài sức, ngoài khả năng của mình thì người phải bươc vào đó với niềm tin chắc chắn là người không đi, không làm một mình nhưng luôn luôn có sự hiện diện và quyền năng của Chúa Phục sinh ở với mính.Khi những sợ hãi đe dọa, nghi ngờ xông hãm, sự thiếu sót gây chán nản, hãy nhớ đến sự hiện diện của Chúa Phục sinh.
2. Hãy nhớ đến Chúa Giêsu sinh ra từ dòng dõi vua Đavít. Đây là mặt khác của vấn đề. Phaolô nói với Timôtê rằng:”hãy nhớ đến nhân tính của vị Thầy”. Chúng ta không nhớ đến một nguời chỉ là một thần linh và hiện diện cách thuộc linh, chúng ta nhớ đến Đấng đã bước đi trên con đường này, cuộc sống này, đối diện với sự phấn đấu này, vì vậy là người hiểu biết những gì chúng ta phải trải qua. Chúng ta không chỉ có sự hiện diện của Chúa Kitô đã được vinh hiển ở với chúng ta , nhưng cũng có sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đấng biết sự phấn đấu cam go của thân phận làm người, và là Đấng bước đến tận cùng căy đắng để thuận phục ý muốn Thiên Chúa.
3. Cuối cùng, Phaolô khuyên: hãy nhớ lại Phúc âm, hãy nhớ đến Tin mừng. Ngay cả lúc Phúc âm đòi hỏi nhiều, ngay cả lúc Phúc âm dẫn đến những nỗ lực quá khả năng và một tương lại đen tối đầy dẫy mọi thứ đe dọa, hãy nhớ rằng đó là tin mừng, và hãy nhờ rằng thế gian đang chờ đợi tin mừng đó. Dầu Phúc âm có trao cho một công tác nặng nề khó nhọc thế nào chăng nữa thì cũng chính Phúc âm đó là sứ điệp của sự giải phóng, khỏi tội lỗi và đắc thắng mọi hoàn cảnh cho chúng ta và toàn thể nhân loại… Vì vậy Phaolô nhen nhúm ý chí kiên quyết của Timôtê bằng cách kêu gọi ông nhớ đếnChúa Cứu thế,nhớ đến sự hiện diện liên tục của Chúa Phục sinh, nhớ đến sự cảm thông do nhân tính của vị Thầy, nhớ đến sự vinh hiển của Phúc âm cho chính mình và cho thế giới chưa có dịp nghe đến và hiện đang chờ đợi.
Khi viết những lời này, Phaolô còn đang bị xiềng trong ngục thất La mã . đây là một sự thật, vì trọn lúc bị giam giừ, cả ngày lẫn đêm, Phaolô bị xiềng chung vào tay của một người lính La mã bằng một sợi dây xích dài. La mã cẩn thận không để một sơ hở nào cho tù nhân có thể trốn thoát. Phaolô vào tù vì bị tố cáo phạm pháp. Chúng ta lấy làm lạ tại sao người ta có thể kết án một Kitô hữu như Phaolô là một phạm nhân cho dù đó là một chánh quyền thù địch đi nữa. Có thể có hai phương diện khiến chánh quyền La mã vin vào để kết án Phaolô là phạm nhân. Trước hết, La mã là một đế quốc rộng lớn, gần như bao trùm cả thế giới thời đó. Dĩ nhiên một đế quốc như thế luôn bị ở trong tình trạng căng thẳng. An ninh và trật tự cần phải giữ, tất cả những mầm mống bất mãn và nổi loạn cần phải loại trừ. Một đặc điểm của La mã lúc bấy giờ là sự thành lập các hiệp hội, đoàn thể. Trong thế giới ngày xưa có rất nhiều hịêp hội. Chẳng hạn như câu lạc bộ ăn uống, gồm những viên chức nhà nước tụ tập ăn uống với nhau trong những giờ giải lao. Cũng có những hiệp hội gọi là hiệp hội thân hữu được thành lập để lo cho thân nhân của những hội viên đã quá cố., có những hiệp hội mai táng có trách nhiệm lo cho hội viên mình được mai táng chu đáo. Nhưng điểm rất đặc biệt là thái độ của nhà cầm quyến La mã đối với các đoàn thể này, ngay cả những đoàn thể khiêm nhường và vô hại này cũng cần phải được phép của hoàng đế trước khi hội họp. Kitô hữu bị xem là một hiệp hội bất hợp pháp. Phaolô là một lãnh tụ của hiệp hội này nên đó là nguyên do khiến ông có thể bị xem là một tội phạm chính trị. Nguyên do thứ hai khiến Phaolô bị xem như là một phạm nhân có liên quan đến một tai họa vvĩ đại nhất xảy đến trên thành phố La mã, một tai họa đưa Hội thánh vào cuộc bắt bớ đầu tiên. Vào ngày 19 tháng 7 năm 64 SC, thành phố La mã bị một cơn đại hỏa hoạn, lửa cháy liên tục trong suốt sáu ngày, bảy đêm , thiêu hủy thành phố. Những nơi thở tự thiệng liêng nhất, những công trình xây cất danh tiếng nhất đã gửi trọn cho lửa .Tệ hại hơn là nhà cửa của thường dân bị tiêu hủy, phần lớn dân chúng ở La mã ở trong các khu nhà cho thuê làm bằng gỗ nên dễ dàng bị tiêu hủy. Dân chúng bị thiêu sống, bị thương và chết, họ mất những người thân yêu nhất, tiêu tán hết nhà cửa sản nghịệp. dân cư của thành phố La mã như có người đã nói “ chỉ còn là một liên hữu đông đảo những kể bần cùng và tuyệt vọng”. Người ta tin rằng không ai khác hơn là hoàng đế Neron là nguyên nhân của vụ hỏa hoạn này. Trong lúc hoả hoạn đang hoành hành thì hoàng đế đứng trên tháp Maecenas xem và nói là ông rất thích thú trước những “bông hoa và vẻ đẹp của lửa”. Người ta cũng nói rằng khi ngọn lửa dịu đi, thì có người đã dùng đuốc để châm lên lại và những người đó là tôi tớ cùng những người phục dịch cho Neron. Neron có đam mê xây dựng, bởi đó người ta cho rằng ông đã lập mưu đốt thành phố để dựng lại một La mã mới và trang nhã hơn. Câu chuyện thực hư thế nào không ai biết chắc, dầu rằng có nhiều nguyên do để tin nó là thật. Nhưng có một điều rất chắc chắn là không có gì dập tắt được những lời bàn tán, những tin đồn đó. Những người không nhà cửa, những công dân bần cùng của La mã đều cho rằng Neron là người có trách nhiệm. Bấy giờ chỉ có một điều mà triều đình La mã có thể làm là tìm một đối tượng nào đó để gán trách nhiệm và đổ lỗi. Họ đã tìm được vật tế thần đó. Chúng ta hãy để Tacitus, một sử gia La mã nói về cách thực hiện mưu đồ này như thế nào:”Nhưng với tất cả nỗ lực của con người, tất cả tặng vật của hoàng đế và những tế lễ chuộc tội dâng lên cho các thần vẫn không thể nào loại bỏ được niềm tin ác độc rằng vụ hỏa hoạn này là do Neron…Sau cùng để dập tan những lời đồn này, Neron đã ghép tội này và truyền hành hạ dã man một lớp người được dân chúng gọi là Kitô hữu, những người bị ghét vì đã ghê tởm việc làm của hoàng đế”(Annals 15,44). Dĩ nhiên là người ta tung ra nhiều luận điệu vu khống Kitô hữu. Không nghi ngờ gì trong vụ này có sự nhúng tay của những người Do thái có thế lực. như vậy những Kitô hữu phải gánh lấy vô số những lời vu khống và trách nhiệm trong vụ đại hỏa hoạn ở La mã. Từ biến cố và lời tố cáo này, cuộc bắt bớ đầu tiên đã bộc phát. Phaolô là một Kitô hữu, hơn thế nữa ông lại là một lãnh tụ vĩ đại của Kitô giáo. Có lẽ Phaolô bị ghép tội là một trong những kẻ gây ra vụ hỏa hoạn ở La mã và tạo nên sụ lầm than của dân chúng. Vì vậy Phaolô bị tống giam như một phạm nhân, một tù nhân chính trị, một hội viên, một nhà lãnh đạo của một hiệp hội bất hợp pháp và là một thành phần trong nhóm đốt nhà mà Neron đã qui lỗi trong việc hủy hoại thành phố La mã. Chúng ta thấy Phaolô không thể xoay xở gì đối với những lời kết án như thế. Mặc dầu Phaolô bị giam giữ vì bị tố cáo phạm những tội không thể tha thứ được, nhưng ông không chán nản lại càng không hết thất vọng. Ông có hai ý tưởng rất khích lệ.
1. Ông biết chắc rằng dầu ông bị cầm giữ trong tù, nhưng lời của Thiên Chúa không bao giờ bị cầm giũ. Andrew Merville là một trong những nhà tiên phong của cuộc cải chánh Tôcáchlan. Một ngày kia Nhiếp chính vương Morton sai mời ông đến và bài bác tác phẩm của ông. Morton nói:”phải cho treo cổ hay đày biệt xứ bọn các anh thì xứ này mới yên ổn được”.Merville trả lời:”thưa ngài, hãy dùng cách đó đe dọa quần thần của ông, đối với tôi, có bị mục nát trong lòng đất hay trên không trung cũng thế thôi. Trái dất này thuộc về Chúa, bất cứ nơi nào có những việc làm tốt đẹp đều là tổ quốc của tôi, từ lâu tôi đã dâng cuộc sống để làm vui lòng Thiên Chúa tôi. Tôi đã sống ngoài xứ cũng như trong xứ của ông mười năm rồi. Thiên Chúa sẽ được vinh hiển và ông chẳng có quyền hạn gì để treo cổ hay lưu đày chân lý của Ngài”. Bạn có thể lưu đầy một người, nhưng không thể lưu đày chân lý. Bạn có thể bỏ tù một nhà truyền đạo nhưng bạn không thể cầm tù lời ông ta giảng. Sứ diệp luôn luôn quan trọng hơn con người, chân lý luôn luôn mạnh hơn người mang nó. Phaolô biết rõ triều đình La mã có thể bỏ tù ông, nhưng không bao giờ có thể tìm được một ngục tù nào mà song sắt hoặc gông cùm của nó có thể giữ hoặc ngăn chặn Lời của Thiên Chúa. Một trong những sự kiện lịch sử là nếu năng lực của con người có thể loại bỏ được Kitô giáo, thì Kitô giáo chắc chắn đã bị loại trừ lâu rồi. Loài người không thể nào giết được cái gì bất tử.
2. Phaolô biết chắc chắn rằng những gì ông đang trải qua, cuối cùng sẽ trở nên điều ích lợi cho những người khác. Sự đau khổ cuả ông không phải là vô mục đích và không ích lợi. Máu của những nguời tử đạo là hạt giống của Hội thánh, lửa châm vào giàn lửa nơi Kitô hữu bị hỏa thiêu luôn luôn là mồi lửa để khêu lên ngọn lửa không bao giờ bị dập tắt. Khi bất cứ người nào chịu khô vì Kitô giáo, hãy nhớ rằng sự chịu khổ của người ấy sẽ làm cho đường đi dễ dàng hơn cho những ngừơi tiếp nối. Trong sự đau đớn chúng ta đang ghé vai gánh một phần sức nặng của thập giá Chúa Cưú thế, và đang góp phần thực hiện một phần nhỏ trong việc đem sự cứu rỗi của Chúa đến cho nhân loại.
Đây là một đoạn Kinh thánh đặc biệt quí báu vì trong đó có chứa đựng một trong những bài hát đầu tiên của Hội thánh.Trong thời kỳ bị bắt bớ, Hội thánh Chúa Kitô đã gửi đức tin mình vào các bài hát. Đây có thể chỉ là một phần trong bài hát dài hơn. Polycarp đã cho chúng ta biết thêm một ít nữa về bài hát này khi ông viết:”Nếu chúng ta làm vui lòng Chúa trong trần thế này thì sẽ được hưởng thế giới hầu đến, như Ngài đã hứa khiến chúng ta sống lại từ trong kẻ chết và đã nói:”Nếu chúng ta bước đi cách tốt đẹp với Ngài thì cũng sẽ đồng trị với Ngài”.
Có thể có hai lối giải thích cho hai dòng đầu;Ví bằng chúng ta cùng chết với Ngài thì cũng sẽ sống với Ngài”. Có những người muốn giải thích hai dòng này theo ý nghĩa của phép rửa. Trong Rôma chương 6, phép rửa được ví như sự chết và sống lại với Chúa Cứu thế “vạy chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi phép rửa trong sự chết của Ngài, hầu cho Chúa Cứu thế nhờ vinh hiển của Chúa Cha được từ kẻ chết sống lại thế nào, thì chúng ta cũng sống trong đời mới thể ấy”. “Vả, nếu chúng ta cùng chết với Chúa Cứu thế thì chúng ta tin rằng cũng sẽ cùng sống với Ngài”. Về phương diện ngôn từ thì hai phần Kinh thánh này rất giống nhau, nhưng nếu đem áp dụng phép rửa vào đây thì không hợp lý, đây chắc là Phaolô đang nghĩ đền sự tuẫn đạo. Có một câu quan trọng “ecclesia haeres crucis est”(Hội thánh là người kế tự của thập giá). Kitô hữu thừa hưởng thập giá của Chúa Cứu thế, nhưng cũng thừa hưởng sự sống lại của Ngài. Kitô hữu là người đồng dự phần trong cả sự nhuốc hổ lẫn sự vinh hiển của Chúa mình. Bài thánh ca nối tiếp bằng câu “nếu chúng ta chịu thử thách nổi thì sẽ cùng đồng trị”. Chính người chịu đựng nổi sự thử thách cho đến cuối cùng thì sẽ được cứu, không có thập giá thì không có mão triều thiên. Bây giờ chúng ta đến một mặt khác của vấn đề “nếu chúng ta chối Ngài thì Ngài cũng sẽ chối chúng ta”. Đây chính là điều Chúa Giêsu đã nói:”bởi đó, ai xưng ta ra trước mặt thiên hạ,thì ta cũng xưng họ trước mặt Cha ta ở trên trời, còn ai chối ta trước mặt thiên hạ, thì ta cũng chối họ trước mặt Cha ta ở trên trời”(Mt 10,32). Trong cõi vĩnh cửu, Chúa Cứu thế Giêsu không thể bảo đảm cho một người đã từ chối mọi liên hệ với Ngài trong đời tạm này, nhưng Ngài luôn luôn thành tín với người, dù có thất bại đến mấy cũng vẫn cố gắng chân thành đối với Ngài. Những điều này là chân thật vì chúng là một phần của bản tính Thiên Chúa. Con người có thể từ chối chính mình nhưng Thiên Chúa không thể từ chối chính Ngài.”Thiên Chúa chẳng phải là người để nói dối, cũng chẳng phải là con loài người để hối cải”(Ds 23,19). Thiên Chúa không bao giờ thất tín đối với ai luôn luôn trung thành với Ngài, nhưng ngay cả Thiên Chúa cũng không thể giúp đỡ gì được người cố tình từ chối mọi liên hệ đối với Ngài. Nhiều thế kỷ về trước, Tertullian đã nói:”một người sợ đau khổ không thể nào thuộc về Đấng chịu thống khổ”. Chúa Giêsu chết để hoàn thành ý muốn của Thiên Chúa, Kitô hữu cũng nên noi theo cùng một ý chí của Ngài cho dù cuộc đời có sáng lạn hay đen tối thế nào.