SUY NIỆM CHÚA NHẬT THỨ II PHỤC SINH
CHÚA PHỤC SINH BAN ƠN VÀ AN ỦI CÁC TÔNG ĐỒ
1. Chúa phục sinh hiện ra an ủi các tông đồ: Sau khi Chúa Giêsu chịu chết, lòng các tông đồ xao xuyến. Các ông sợ hãi người Do Thái đến độ không dám họp nhau công khai nhưng họp kín: cửa đóng then cài. Nỗi sợ hãi đã cột bước chân hoạt động của các tông đồ. Tám ngày đầu, Chúa Giêsu đã hiện đến với các tông đồ. Với quyền năng của Đấng phục sinh, Chúa Giêsu đã đến với các tông đồ ngay khi các cửa còn đóng kín. Ánh sáng phục sinh của Chúa Giêsu đã chiếu sáng bóng tối lo âu trong tâm hồn các tông đồ. “Bình an cho các con” (Ga 20,20), lời chào chúc của Chúa Giêsu khởi đầu cho hành động củng cố đức tin cho các tông đồ. Người đã cho các tông đồ xem tay chân của Người. Đức Giêsu Kitô trước kia bị người Do Thái giết chết, nay đã sống lại trước mắt các ông và các ông không những xem thấy bằng mắt mà còn sờ thấy bằng tay. Vì thế, không lẽ nào các tông đồ phải sợ người Do Thái đến độ đóng kín cửa! Tám ngày sau, Chúa Giêsu lại hiện đến với các tông đồ để trả lời vấn nạn của Tôma. Có thể Tôma là người không dễ tin lời loan báo Chúa phục sinh của người khác. Hay đúng hơn, Tôma đã dùng lý trí để giải thích những điều ông tin là hợp lý. Bởi lẽ, nếu Chúa Giêsu đã bị chết đóng đinh tay chân vào khổ giá và bị đâm vào cạnh sườn thì chắc chắn khi phục sinh các dấu tích này vẫn còn. Vấn nạn của Tôma đã được Chúa Giêsu phục sinh giải đáp. Người không những cho các tông đồ xem tay chân mà còn mời Tôma xỏ tay vào lỗ đinh và thọc tay vào cạnh sườn. Nhờ thế, các tông đồ xác tín hơn về sự phục sinh của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, có một điều mà Chúa Giêsu phục sinh nhắc nhở Tôma cũng như mỗi chúng ta. Đó là: phúc cho những ai không thấy mà tin (x. Ga 20,29). Bởi lẽ, đức tin là ơn khởi đi từ Thiên Chúa ban và lý trí con người giúp cho họ biết được những điều họ tin là hợp lý, chứ lý trí không giải thích được tất cả những tín điều phải tin. Mặt khác, không phải tất cả những gì chúng ta không giải thích được, không thể cân đong đo đếm theo nghĩa khoa học thực nghiệm đều không có. Vì thế, đức tin là ơn quan trọng để con người được bình an mà bước đi trên đường lữ hành theo Chúa. Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy (Dt 11,1)
2. Chúa phục sinh ban ơn trợ lực để các tông đồ truyền giáo. Một khi đức tin được củng cố, Chúa Giêsu phục sinh ban Chúa Thánh Thần cho các tông đồ và sai các ông mở tung cửa sợ hãi để mạnh dạn hoạt động truyền giáo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23). Sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần từ Chúa Giêsu phục sinh, các tông đồ đã mạnh dạn loan báo Tin Mừng. Nhờ ơn trợ lực của Chúa phục sinh ban cho, các Tông đồ còn làm được nhiều điềm thiêng dấu lạ để củng cố lời rao giảng. Nhờ thế, nhiều người đã tin theo Chúa: cả đàn ông lẫn đàn bà. (x. Cv 5,14) Thành công trong công cuộc rao giảng Tin mừng Chúa phục sinh là điều đáng quý. Tuy nhiên, đó chỉ là khởi đầu của tiến trình rao giảng Tin mừng. Các tông đồ cũng sẽ trải qua thời kỳ mà chính Chúa Giêsu đã đi qua. Môn đệ không hơn Thầy (x. Mt 10,24). Vì thế, sẽ đến lúc, các tông đồ phải sống điều họ rao giảng. Đó là chấp nhận bị bách hại để làm chứng cho Chúa phục sinh. Thị kiến đầu tiên trong sách Khải huyền cho thấy, Thánh Gioan Tông đồ đang sống trong cảnh gian truân vì bị bắt bớ: “Tôi cùng chia sẻ nỗi gian truân… cùng kiên trì chịu đựng với anh em trong Chúa Giêsu (Kh 1, 9-10). Tuy nhiên, sự đau khổ sẽ qua đi và Chúa phục sinh sẽ thưởng công cho những ai trung thành đến cùng. Thị kiến thứ hai nhằm an ủi và khích lệ kẻ đang bị bắt bớ: “Đừng sợ… Ta là Đấng hằng sống. Ta đã chết và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời; Ta giữ chìa khóa của Tử thần và Âm phủ” (Kh 1,17-19). Cầu chúc mỗi người chúng ta luôn vững tin rằng: Chúa Giêsu đã phục sinh. Đức tin đó không chỉ được chúng ta tuyên xưng bằng môi miệng nhưng còn qua hoạt động truyền giáo và nhất là qua đời sống kiên trì giữ vững đức tin để Chúa phục là Đấng hằng sống thưởng ơn phục sinh đời đời cho mỗi người chúng ta.
– Linh mục Vinhsơn Trần Minh Hòa –