Suy niệm Lời Chúa Chúa nhật IV mùa Chay năm A
THEO CHÚA SẼ TỚI ĐƯỢC ÁNH SÁNG
Lm. Carolo Hồ Bạc Xái
Sợi chỉ đỏ :
– Bài đọc Cựu Ước : Thiên Chúa soi sáng cho Ông Samuel chọn xức dầu phong vương cho Đavít.
– Bài Tin Mừng : Đức Giêsu chữa một người mù bẩm sinh.
– Bài đọc Tân Ước : “Xưa anh em đã từng là bóng tối, nhưng bây giờ, nhờ kết hợp với Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng”.
I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Mỗi sáng thức dậy, chúng ta mở mắt ra, chúng ta nhìn cuộc đời, nhìn những việc sẽ phải làm trong ngày, nhìn những người chung quanh… Nhưng có khi nào chúng ta nhìn tất cả những điều ấy bằng ánh sáng của Chúa không ? Nếu nhìn bằng ánh sáng của Chúa, chúng ta sẽ thấy mọi sự một cách rất tuyệt vời như anh mù được Đức Giêsu chữa sáng mắt trong bài Tin Mừng hôm nay.
Ước gì sau Thánh lễ này, mắt chúng ta cũng được mở ra để thấy mọi sự theo một cái nhìn mới.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
– Nếu trong đời sống chúng ta có những điều gì còn mờ ám, hãy nhận diện chúng và nhìn chúng bằng cặp mắt của Chúa.
– Nếu ánh sáng lương tâm của chúng ta đã quá lu mờ, thì hãy xin Chúa chữa lành.
– Nếu chúng ta cố tình che đậy ánh sáng chân lý, thì hãy sám hối và xin Chúa thứ tha.
III. LỜI CHÚA
1. Bài đọc Cựu Ước : 1 Sm 16,1b.6-7.10-13
– Saul là vua đầu tiên của Israel. Nhưng vì Saul nhìn và giải quyết các vụï việc theo quan điểm chính trị và ý riêng hơn là ý Chúa nên Chúa bỏ ông. Chúa bảo Samuel đến nhà ông Giêsê để xức dầu phong một người khác làm vua.
– Giêsê có tất cả 8 con trai. Thoạt đầu Samuel đã muốn xức dầu cho Êliab một người cao lớn khoẻ mạnh. Nhưng Chúa bảo “Không phải người phàm nhìn sao, Thiên Chúa cũng nhìn thế, bởi người phàm chỉ trông thấy điều lộ trước mắt, còn Yavê trông thấy điều ẩn đáy lòng” (c 7). Cuối cùng, theo sự soi sáng của Chúa, Samuel đã chọn xức dầu cho Đavít, đứa nhỏ nhất, đứa mà Giêsê coi thường nên ban đầu không đưa ra.
– Câu chuyện cho thấy ý nghĩa chính : cái nhìn của Thiên Chúa không giống cái nhìn của loài người, vì loài người quen nhìn vẻ bề ngoài, còn Thiên Chúa nhìn tận đáy lòng.
2. Đáp ca : Tv 22
Thánh vịnh này minh họa ý tưởng “Chúa là Ánh sáng” bằng hình ảnh “Chúa là mục tử” : Ngài dẫn dắt chúng ta như mục tử dẫn dắt đoàn chiên. Cho dù có khi Ngài dẫn ta qua những chỗ u tối, khô cằn, gập ghềnh… nhưng nơi đến cuối cùng là suối nước, bóng mát và đồng cỏ.
3. Bài đọc Tân Ước : Ga 9,1-41
Câu chuyện Đức Giêsu chữa một anh mù bẩm sinh. Một số chi tiết đáng lưu ý :
– Đức Giêsu đã làm tới 2 phép lạ : chữa cặp mắt thể xác cho anh này có cái nhìn loài người, và chữa cặp mắt đức tin cho anh này có cái nhìn Thiên Chúa. Cái nhìn thứ hai quan trọng hơn, chính do cái nhìn này mà anh đã quỳ xuống trước mặt Đức Giêsu (cử chỉ tôn thờ : “Người chỉ được tôn thờ một mình Thiên Chúa mà thôi”) và tuyên xưng “Lạy Chúa, con tin” ; và Gioan viết bài từng thuật này cũng vì muốn trình bày cái nhìn đức tin ấy.
* Bài học : nhìn bằng cặp mắt thể xác là một điều quý, nhưng biết nhìn bằng cặp mắt đức tin mới quan trọng hơn.
– Cái nhìn đức tin của anh thanh niên này sáng từ từ : a/ Bước thứ nhất anh chỉ thấy Đức Giêsu là “một người” tên là Giêsu (c 11) ; bước thứ hai, anh thấy Ngài là “một vị ngôn sứ” (c 17b) ; bước cuối cùng, anh nhìn nhận và tuyên xưng “Lạy Chúa, con tin” (c 37).
4. Bài Thánh Thư : Ep 5,8-14
Thánh Phaolô giải thích thế nào là nhìn mọi sự theo ánh sáng đức tin :
– “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ trong Chúa, anh em là ánh sáng” (c 8)
– “Mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật” (c 9)
– “Anh em hãy nhìn xem điều gì đẹp lòng Chúa” (c 10).
IV. GỢI Ý GIẢNG
1. Con đường đi tới ánh sáng
Con đường đi tới ánh sáng của người mù gồm nhiều bước. Nhưng đáng chú ý là đó không chỉ là những bước đi của con người mà còn là những bước đi của Đức Giêsu : Ngài đi những bước trước, người mù bước theo, và bước sau cùng cũng là của Ngài :
– Bước 1 “Đức Giêsu nhìn thấy” (câu 1) : Cuộc hành trình bắt đầu bằng cái nhìn này, cái nhìn của Chúa đi trước cái nhìn của con người.
– Bước 2 “Đức Giêsu thoa vào mắt người mù” (câu 7) : sự tiếp xúc giữa Ngài với bệnh nhân chính là thần dược.
– Bước 3 “Ngài bảo : Hãy đi rửa ở hồ Silôê” (câu 7a) : Đức Giêsu sai ta đi đến một nơi đã có sẵn từ lâu trước khi ta cần đến nó, và nơi này thực ra chỉ có năng lực cứu chữa nhờ Ngài mà thôi.
– Bước 4 “Người mù đi đến đó” ( (câu 7b) : Bước đầu tiên của con người là sự vâng phục và phó thác. Đây là bước rất cần thiết.
– Bước 5 “Tôi đã nhìn thấy” (câu 11), “Ngài là một ngôn sứ” (câu 17) : Liền theo sau hồng ân nhận được là việc làm chứng cho Đấng mà ta tin, cho dù việc này dẫn đến cái giá phải trả là bị đuổi ra ngoài (câu 34).
– Bước 6 “Đức Giêsu đến gặp anh” (câu 35) : Đến đây Đức Giêsu ban cho anh một thị giác còn quý hơn thị giác của cặp mắt anh, đó là thị giác của đức tin : anh tuyên xưng “Lạy Chúa, con tin”.
Đó cũng là những bước mà chúng ta phải cùng đi với Đức Giêsu trên cuộc hành trình của chúng ta.
2. Những cái làm cho ta mù
Để thấy rõ, chỉ một đôi mắt sáng chưa đủ, bởi vì không chỉ có mỗi một thứ bệnh mù là mù đôi mắt, mà còn nhiều thứ bệnh mù khác do nhiều nguyên nhân khác :
Tính ích kỷ làm ta mù không thấy nhu cầu của tha nhân
Tính vô cảm làm ta mù không thấy những việc ta đã làm đau lòng tha nhân.
Tính tự phụ làm ta mù không thấy tha nhân cũng có nhân phẩm như mình.
Tính kiêu căng làm ta mù không thấy khuyết điểm của mình.
Những thành kiến làm ta mù không thấy sự thật.
Sự hối hả làm ta mù không thấy vẻ đẹp của vũ trụ chung quanh.
Khuynh hướng duy vật làm ta mù không thấy những giá trị thiêng liêng.
Sự hời hợt làm ta mù không thấy giá trị thật của con người và khiến ta hay lên án.
3. Những thứ thị giác
“Người phàm chỉ nhìn thấy ngoài mặt, còn Chúa thì thấy tận cõi lòng” (Bài đọc 1) : Đối diện với người mù, các môn đệ chỉ thấy đây là một kẻ có tội nên bị phạt ; các người pharisêu tìm đủ mọi ngõ ngách để trốn thoát khỏi phải nhìn nhận sự thật về người mù ; dân chúng thì không thể tin nổi sự việc mà họ vừa nhìn thấy. Còn Đức Giêsu, Ngài nhìn thấu cõi lòng của từng hạng người kể trên. Ta hãy tìm hiểu kỹ hơn cái nhìn của Đức Giêsu.
– Một cái nhìn ưu ái : Ngài không nhìn người mù bằng ánh mắt bàng quan, mà nhìn với lòng thương.
– Một cái nhìn không bị che mờ bởi những thành kiến (như các môn đệ), những hoài nghi (như dân chúng), những đố kị (như pharisêu), những định chế xã hội xếp loại giai cấp con người.
– Một cái nhìn phát sinh hiệu quả : Ngài nhìn người mù và làm cho anh được thấy.
Chúng ta cần có cái nhìn của Chúa, như lời Thánh Phaolô trong bài đọc thứ 2 : “Anh em hãy xem xét điều gì làm đẹp lòng Thiên Chúa. Đừng cộng tác vào những việc vô ích của con cái bóng tối, nhưng hãy vạch trần những việc ấy ra mới phải”.
4. Mảnh suy tư
Cách nay nhiều năm, vào một đêm kia có hiện tượng nguyệt thực toàn phần.
Ai nấy đều bàn tán về nó.
Rất nhiều người đứng ngoài sân chờ nhiều tiếng đồng hồ để cuối cùng được nhìn ngắm nó trong một số phút ngắn ngủi.
Tôi tự hỏi : sao người ta lại quá chú ý đến sự biến mất của mặt trăng mà không chú ý đến sự xuất hiện của nó ?
Và tôi nhớ đến một lời của Emerson :
“Người ngu ngạc nhiên trước sự bất thường
Còn người khôn ngạc nhiên trước sự bình thường” (Flor MacCarthy)
5. Chuyện minh họa
a/ Đãng trí
Một học giả kia rất thông thái nhưng cũng rất đãng trí. Một hôm ông cỡi lừa đi thăm một người bạn. Dù đang cỡi lừa, ông vẫn cứ dán mắt vào quyển sách, tay buông lỏng dây cương. Do đó con lừa sau khi đi một đoạn đường đã quay trở lại chính ngôi nhà của ông. Ông tưởng đó là ngôi nhà của người bạn. Ông nhìn ngôi nhà từ trên xuống dưới, từ trước tới sau, và kết luận : “Ông bạn của ta cẩu thả quá, nhà hư gần sập tới nơi mà không sửa sang gì cả.” Vợ ông bước ra tiếp lời : “Ông nhận xét đúng đấy. Nhưng đây là ngôi nhà của chính ông”. Nhiều người rất sáng về chuyện người khác, nhưng rất mù về những khuyết điểm của chính mình. (Ernst Wilhelm Nusselein).
b/ Làm sao phân biệt này với đêm
Một đạo sư hỏi các môn đệ họ có thể xác định như thế nào cái giây phút mà đêm chấm dứt và ngày bắt đầu.
Một người nói :
– Khi người ta thấy một con vật ở đàng xa, và người ta có thể nói đó là con bò hay con ngựa.
Đạo sư bảo :
– Không phải vậy.
– Khi nhìn một cây ở đàng xa và người ta có thể nói đó là cây mận hay cây xoài.
Đạo sư vẫn bảo :
– Vẫn không phải.
Rồi ông nghiêm nghị nói :
– Khi các ngươi nhìn thẳng vào mặt một người đàn ông và các ngươi có thể nhận ra nơi ông ta một người anh em của mình ; khi các ngươi nhìn thẳng vào mặt một người phụ nữ và các ngươi có thể nhận ra nơi bà ta một người chị em của mình. Nếu các ngươi không làm được như vậy thì dù mặt trời có mọc tới đâu cũng vẫn còn là đêm. (Anthony de Mello, “Lời kinh của con ếch”)
V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
CT : Anh chị em thân mến
Đức Kitô là ánh sáng thế gian. Nhờ mầu nhiệm nhập thể, Người dẫn đưa nhân loại đang lần bước trong u tối đến nguồn ánh sáng đức tin. Với tâm tình cảm tạ tri ân, chúng ta cùng dâng lên Chúa những lời nguyện xin tha thiết của chúng ta.
1- Hội Thánh là dấu chỉ ơn cứu độ muôn dân / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa thanh tẩy / và đổi mới Hội Thánh trong những ngày hồng phúc này / để Hội Thánh ngày càng nhiệt thành làm chứng cho Chúa.
2- Y học ngày nay tiến bộ vượt bực / đã diệt trừ hẳn một số bệnh hiểm nghèo / mang lại niềm vui sống cho nhân loại / Thế nhưng tại các nước chậm phát triển / vẫn còn một số người bị mù lòa vì bệnh tật / vì nghèo đói / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho có nhiều người quảng đại / tận tình săn sóc và giúp đỡ những anh chị em kém may mắn ấy.
3- Bệnh đui mù tinh thần còn đáng sợ hơn nữa / vì nó khiến con người trở nên mù quáng / không còn phân biệt phải trái / cũng không còn khả năng nhận ra Chúa hiện diện trong tha nhân nữa / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa / chữa các kitô hữu khỏi chứng bệnh hiểm nghèo này.
4- “Thưa Ngài tôi tin” / anh mù mạnh dạn tuyên xứng niềm tin của mình / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / cũng biết luôn hiên ngang sống trọn vẹn niềm tin đã lãnh nhận / bằng những việc làm cụ thể trong đời sống thường ngày.
CT : Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con sống như con cái sự sáng, mà theo Thánh Gioan tông đồ, sống như con cái sự sáng là sống bác ái yêu thương. Vậy xin Chúa ban ơn trợ giúp để chúng con có thể sống trọn tình với Chúa và vẹn nghĩa với anh em. Chúa hằng sống và hiển rị muôn đời.