Bài 4: Hôn nhân khác tôn giáo
Nếu anh em nào có vợ ngoại mà người đó thuận ở với mình,
thì chớ rẫy vợ.
Và người vợ nào có chồng ngoại mà người đó thuận ở với mình,
thì đừng bỏ chồng.
Vì chồng ngoại được thánh hóa nhờ vợ,
và vợ ngoại được thánh hóa nhờ người chồng có đạo.
(1 Cr 7, 12-14)
Thế giới ngày nay được đánh dấu bằng những mối giao lưu nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nhất là trong lãnh vực truyền thông đại chúng. Con số những cuộc hôn nhân giữa những người khác đạo càng ngày càng gia tăng. Đây là một trong những ưu tư đặc biệt của Hội Thánh Công giáo đối với đời sống hôn nhân và gia đình của con cái mình, vì những cuộc hôn nhân này thường gặp nhiều khó khăn do những khác biệt về niềm tin.
1. Thế nào là hôn nhân khác tôn giáo?
Hôn nhân khác tôn giáo là hôn nhân giữa một bên là Công giáo và một bên không phải là Công giáo.
– Nếu bên không Công giáo, nhưng đã được rửa tội trong Hội Thánh Tin Lành hay Chính Thống, thì hôn nhân này được gọi là hôn nhân dị tín hay hôn nhân hỗn hợp.
– Nếu bên không Công giáo chưa được rửa tội, thì hôn nhân này được gọi là hôn nhân dị giáo hay hôn nhân khác đạo. Ví dụ hôn nhân giữa một người Công giáo và một người Phật giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Do Thái giáo v.v…. kể cả trường hợp một người không theo tôn giáo nào.
2. Hậu quả của những cuộc hôn nhân khác tôn giáo
Sau đây là 2 trường hợp có thể xảy ra:
2.1. Hôn nhân sẽ hạnh phúc, nếu hai bên biết tôn trọng nhau, “đạo ai người ấy giữ”. Phía không Công giáo thực sự để cho bạn mình được tự do thờ phượng và chăm sóc đức tin cho con cái như đã thoả thuận lúc ban đầu. Phía Công giáo sống thật tốt và giúp phía không Công giáo nhận được ơn Chúa.
2.2. Hôn nhân có thể gặp nguy hiểm và tan vỡ, nếu hai bên không chịu nhân nhượng nhau trước những mối bất đồng do sự khác biệt về niềm tin tạo ra. Phía Công giáo có thể trở nên nguội lạnh và đi đến chỗ bỏ đạo.
3. Giáo luật về Hôn nhân khác đạo
Tại Việt Nam, ngày nay vẫn có nhiều vị hữu trách và cha mẹ tỏ thái độ quá dè dặt, khắt khe đối với con cái trong hôn nhân khác tôn giáo: “Bắt buộc trở lại đạo Công giáo mới cho phép làm đám cưới!” Một số khác lại quá dễ dãi: “Đạo ai nấy giữ, chẳng cần chuẩn chiếc gì hết!” Cả hai thái độ trên đều không phù hợp với ý muốn của Hội Thánh Công giáo. Hội Thánh có phép chuẩn cho những hôn nhân khác tôn giáo. Theo luật hiện nay của Hội Thánh:
– Hôn nhân hỗn hợp chỉ hợp pháp khi có phép rõ ràng của giáo quyền[1].
– Hôn nhân khác đạo chỉ thành sự khi có phép chuẩn rõ ràng của giáo quyền[2].
Bởi vậy, nếu ở trong trường hợp Hôn nhân hỗn hợp hoặc hôn nhân khác đạo, đôi bạn cần trình bày với cha xứ để được hướng dẫn về thủ tục xin phép chuẩn nơi Đức Giám Mục Giáo phận.
Muốn được phép chuẩn:
– Hai đương sự phải hiểu biết, chấp nhận mục đích và đặc tính chính yếu của hôn nhân theo giáo lý Công giáo
– Bên Công giáo cam kết giữ đức tin của mình, bảo đảm cho con cái được rửa tội và giáo dục trong Hội Thánh Công giáo.
– Cũng cần phải cho bên không Công giáo biết rõ những điều ấy[3].
4. Tại sao Hội Thánh bận tâm và tỏ ra dè dặt?
Nhìn vào những quy định trên, ta thấy thái độ của Hội Thánh là một sự nhượng bộ vì không thể tránh được, chứ không hề khuyến khích. Tuy nhiên, người ta có cảm tưởng Hội Thánh Công giáo không “công bằng” khi đòi hỏi đức tin Công giáo phải được ưu tiên!
Hội Thánh lấy quyền gì để đòi hỏi hai bên phải thoả thuận như thế? Có thể nói đó là như quyền của bậc cha mẹ trước hạnh phúc của con cái, chẳng khác nào việc trao đổi giữa hai gia đình trước ngày đính hôn, mỗi bên nêu rõ nguyện vọng của mình vì hạnh phúc lâu bền của con cái.
Thế nhưng, tại sao Hội Thánh lại phải bận tâm đến như vậy? Thưa vì những lý do sau:
– Hội Thánh biết rằng, bên cạnh tình yêu, niềm tin tôn giáo là một trong những yếu tố quan trọng đối với đời sống hôn nhân và gia đình, bởi vì tôn giáo không chỉ ảnh hưởng đến lối suy nghĩ, cách hành xử, mà còn ảnh hưởng đến những chọn lựa trước những vấn đề của cuộc sống, nhất là trong việc giáo dục con cái. Do khác biệt quan điểm một cách sâu xa như thế, những cuộc hôn nhân khác tôn giáo thường gặp nhiều trở ngại, khó đạt được hạnh phúc và nếu tan vỡ thì phía người Công giáo sẽ bị thiệt thòi nhiều hơn, vì họ không thể lập gia đình lại, bao lâu người kia còn sống.
Thực vậy, tục ngữ Việt Nam có câu: “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Để gia đình được hạnh phúc, cả hai vợ chồng cần phải nỗ lực và góp sức. Đây không phải là chuyện dễ, vì trong thực tế có khá nhiều khác biệt giữa họ: khác biệt về giới tính, về tính tình, về giáo dục, về gia đình, về lối sống v.v…. Nếu cùng chung một niềm tin tôn giáo, họ sẽ có được một nền tảng vững chắc, giúp vượt qua những khó khăn và thử thách, biết dùng những khác biệt để bổ túc cho nhau và làm cho cuộc sống gia đình thêm phong phú. Lúc ấy, người bạn đời cũng là người bạn đạo, cả hai cùng mang một chí hướng, đó là xây dựng tổ ấm gia đình hạnh phúc trong yêu thương và hiệp nhất.
– Trong hôn nhân hỗn hợp giữa một người Công giáo và một Kitô hữu thuộc hệ phái khác (Tin Lành, Chính Thống…) những khó khăn cũng không nhỏ. Những khó khăn này xuất phát từ sự chia rẽ giữa các Kitô hữu đến nay vẫn chưa giải quyết được. Đôi vợ chồng có thể cảm nghiệm được thảm kịch ấy ngay trong gia đình của mình. Tuy nhiên, những khó khăn này có thể vượt qua, nếu đôi bạn biết cố gắng kết hợp những gì tốt đẹp đã lãnh nhận nơi cộng đoàn mình và cùng nhau học hỏi, chia sẻ để giúp nhau sống trung thành với Đức Kitô.
– Trong hôn nhân khác đạo giữa một người Công giáo và một người không tin vào Đức Kitô, sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Những bất đồng quan điểm về niềm tin và hôn nhân, có thể dẫn đến những căng thẳng trong gia đình, nhất là việc giáo dục con cái[4]. Hội Thánh xác tín rằng: đức tin Kitô giáo mà con cái mình đã nhận được là một quà tặng vô giá Thiên Chúa ban. Hội Thánh không muốn đức tin ấy bị mai một, nhưng luôn có những điều kiện thuận lợi để được tồn tại và phát triển. Vì thế, Hội Thánh luôn đòi hỏi phải thoả thuậïn với nhau trước khi bước vào hôn nhân có phép chuẩn.
5. Những thái độ sống
5.1. Đối với nhau
Hôn nhân khác tôn giáo là một thách đố lớn với nhiều khó khăn cần vượt qua. Tuy nhiên, nếu đôi bạn đã suy nghĩ, cân nhắc kỹ lưỡng, cuối cùng vẫn không thể lìa xa nhau. Tình yêu quả là một mầu nhiệm! Đôi bạn hãy mở rộng cõi lòng đón nhận cuộc sống và tích cực cư xử tốt với nhau.
– Phía Công giáo hãy can đảm đón nhận điều Hội Thánh chờ đợi họ: Làm chứng cho Tin Mừng. Vào thời buổi khó khăn hiện nay, cuộc sống tốt lành đầy tin yêu của người bạn đời sẽ là lời chứng sống động và hùng hồn, át hẳn những gương xấu trong Hội Thánh. Ước gì tình huống của hai người trở thành dịp may cho phía không Công giáo đặt vấn đề về Thiên Chúa của người Công giáo. Ước gì chính thái độ nghiêm túc của Hội Thánh đối với những cuộc hôn nhân khác đạo khiến người trong cuộc đặt câu hỏi về tầm quan trọng của đức tin Công giáo.
– Phía Công giáo đừng quên rằng mình phải chịu trách nhiệm về đức tin của bạn mình. Họ phải biết trân trọng trao vào tay bạn mình một quyển Tin Mừng hay một quyển Kinh Nguyện Gia đình và tha thiết cầu nguyện cho bạn mình mỗi ngày. Hơn nữa, còn phải học hỏi giáo lý và sống đạo cách sâu xa và triệt để hơn. Đừng quên rằng mỗi người phải cố gắng tìm hiểu những ưu điểm lòng tin của bạn mình, để thêm tôn trọng và quý mến nhau. Chỉ khi nào ta biết chân thành đón nhận ưu điểm của bạn, ta mới có thể giúp bạn mở lòng đón nhận ưu điểm của ta. Với Ơn Chúa, thái độ ấy sẽ giúp đôi bên làm phong phú cho nhau.
5.2. Với gia đình hai bên
Sự khác biệt tôn giáo không chỉ tạo khoảng cách giữa hai người mà còn tạo khoảng cách với gia đình của bạn mình, một khoảng cách vô hình nhưng đôi khi hết sức to lớn. Đây là chỗ để phía Công giáo gia tăng lòng trông cậy vào ơn Chúa.
Đã chọn lựa một cuộc hôn nhân đầy khó khăn, phía Công giáo phải luôn tin tưởng vào ơn Chúa. “Ai thực sự cậy trông Chúa sẽ không bao giờ phải thất vọng”. Với lòng khiêm nhường, hãy cầu nguyện, hãy sống chân thành và khi có dịp, đừng ngại chia sẻ niềm tin cho những người mình yêu mến.Cách riêng trong việc thờ cúng tổ tiên, cả hai cần học hiểu kỹ quan điểm của Hội Thánh Công giáo và chu toàn phận vụ mình trong gia tộc cách tận tuỵ.
Tóm lại, mỗi bên cần phải làm hết sức để giúp gia đình mình hiểu và quý trọng thái độ tôn giáo của bạn mình.
5.3. Với cộng đoàn giáo xứ
Khi lập gia đình với người khác đạo, phía Công giáo có thể bỗng dưng thấy mình trở nên xa cách với mọi người trong giáo xứ. Cần vượt thắng tâm trạng ấy, bởi lẽ đây chính là lúc họ cần gắn bó hơn với giáo xứ để được nâng đỡ và cầu nguyện. Hãy thắt chặt tình thân với một nhóm gia đình trong giáo xứ, luôn gần gũi nhau như những người bạn nghĩa thiết. Hãy tận dụng những cơ hội sẵn có trong tình bạn để quan hệ giữa gia đình nhỏ của mình với cộng đoàn được tự nhiên. Sự gắn bó ấy sẽ là yếu tố quan trọng nâng đỡ và đồng hành với đôi bạn trong cuộc sống hạnh phúc.
6. Kỳ vọng của Mẹ Hội Thánh
Những cuộc hôn nhân khác đạo bao giờ cũng có nhiều khó khăn, dù vậy Hội Thánh luôn tin tưởng vào ơn Chúa và cầu nguyện cho họ. Hội Thánh tin tưởng ở thiện chí của họ và ước mong rằng “chồng ngoại được thánh hóa nhờ vợ, và vợ ngoại được thánh hóa nhờ người chồng có đạo” (1Cr 7,14). “Thật là một niềm vui lớn cho bên Công giáo và cho Hội Thánh nếu “việc thánh hoá này” đưa người không Công giáo tự nguyện đón nhận đức tin Công giáo.[5] Chính tình yêu hôn nhân chân thành, việc khiêm tốn và kiên nhẫn thực thi những nhân đức gia đình và siêng năng cầu nguyện có thể chuẩn bị cho người không có đạo được ơn làm con Chúa[6].”
7. GHI NHỚ :
1. H. Tôn giáo có vai trò nào trong đời sống hôn nhân và gia đình?
T. Tôn giáo có một vai trò rất quan trọng trong đời sống hôn nhân và gia đình, vì ảnh hưởng đến lối suy nghĩ, cách xử sự và việc giáo dục con cái.
2. H. Hội Thánh có cho phép chuẩn để kết hôn với người ngoài Công giáo không?
T. Có, với những điều kiện sau đây:
– Một là hai người phải hiểu biết và chấp nhận những mục đích và đặc tính của hôn nhân.
– Hai là bên Công giáo phải cam kết giữ đức tin của mình, bảo đảm cho con cái được rửa tội và giáo dục trong Hội Thánh Công giáo.
– Ba là phải cho bên không Công giáo biết rõ những điều ấy.
3. H. Khi kết hôn với người khác đạo, người tín hữu có thể gặp những nguy hiểm nào?
T. Người tín hữu có thể gặp những nguy hiểm này:
– Một là dễ trở nên nguội lạnh và bỏ đạo.
– Hai là gia đình thường xuyên bất đồng và dễ tan vỡ.
4. H. Nếu lập gia đình với người khác đạo, bên Công giáo cần phải sống thế nào?
T. Nếu lập gia đình với người khác đạo, bên Công giáo cần phải sống tốt đạo và trở nên chứng nhân Tin mừng cho con cái và người bạn đời.
8. GỢI Ý SUY NGHĨ :
1. Vì sao Hội Thánh quan tâm đặc biệt đến những cuộc hôn nhân khác đạo?
2. Theo anh chị hôn nhân hỗn hợp đem đến những thuận lợi và bất lợi nào?
3. Anh chị có những người bạn nào lập gia đình với người khác đạo không? Kinh nghiệm của họ thế nào?
9. CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, chúng con tin thật rằng mọi người đều được tạo dựng nên giống hình ảnh Chúa. Chúa đã mời gọi chúng con bước vào cuộc sống hôn nhân và gia đình, xin giúp chúng con khao khát xây dựng gia đình chúng con theo thánh ý Chúa. Xin nâng đỡ và củng cố tình yêu đầy những giới hạn của chúng con. Chúng con cầu nguyện cách riêng cho những anh chị lập gia đình với người không cùng một đức tin với mình. Xin gửi Thánh Thần Tình yêu đến liên kết họ, giúp họ vượt qua những khác biệt để họ có thể trở thành không những là người bạn đời, mà còn là người bạn đạo của nhau. Amen
Ủy ban Giáo lý Đức tin / HĐGMVN
[1] x. GL 1124
[2] x. GL 1086
[3] GL 1125; x. GLHT 1635
[4] GLHT 1634
[5] x. 1Cr 7,16
[6] GLHT 1637