GIÁO HỘI – NGƯỜI BẠN CỦA GIỚI TRẺ
WHĐ (29-05-2020) – Giáo hội đang mở ra một thời đại mới, tiến một bước quan trọng hướng đến với từng bạn trẻ. Trong cuộc họp tiền Synod của giới trẻ với Đức Giáo Hoàng vào tháng 3 ở Roma, đại diện các bạn trẻ từ khắp nơi trên thế giới đã cùng nhau chia sẻ, đưa ra quan điểm qua con mắt đức tin của họ trong thế giới hôm nay. Và gần đây, trong cuộc họp BILA IV vừa qua tại Thái Lan, 5 bạn trẻ đã tham dự tiền Synod đến từ Đài Loan, Thái Lan, Indonesia, và Philippines đã có cơ hội chia sẻ lại cảm nhận và những điểm chính yếu làm nên tiếng nói chung của người trẻ khắp thế giới thuộc mọi thành phần, đa sắc tộc và thuộc các tôn giáo khác nhau. “Để tóm tắt toàn bộ kinh nghiệm của tôi, tôi sẽ so sánh nó với một cuộc đua. Nó đòi hỏi nhiều chuẩn bị trước khi chúng tôi đạt đến đích.” Bạn Trish – Philippine đã mở đầu phần chia sẻ của mình. Đến với cuộc họp Tiền Synod, bạn ý thức được tầm quan trọng, vai trò đại diện của mình và đã chuẩn bị rất kỹ để có thể truyền tải trọn vẹn và chân thực nhất tiếng nói của người trẻ nơi vùng và lãnh thổ mình đại diện. Điều đó cho thấy thái độ nghiêm túc làm việc và khát khao đóng góp của giới trẻ khi được là dự phần vào công việc chung của Giáo hội.
Một vài điểm nổi bật được tóm trong bốn chữ qua chia sẻ của Trish: “Thức tỉnh lại, Chân thực, Thách thức, Phong phú”. Qua kinh nghiệm bản thân, bạn nói cách sống động cảm nhận mạnh mẽ, cảm giác tràn đầy hy vọng khi được chứng kiến niềm khát khao cháy bỏng của những người trẻ muốn đóng góp cho cộng đồng và xã hội. Trish đã không thể quên được giây phút Đức Giáo hoàng Phanxicô bày tỏ sự chân thành của Giáo hội mong muốn tiếp cận và lắng nghe người trẻ. Mỗi nhóm đều có các Cha, Sơ đồng hành nhưng họ luôn khuyến khích các bạn trẻ nói những gì sâu thẳm trong trái tim mình cách chân thực nhất. Việc các bạn đến từ khắp nơi trên thế giới mang theo sự đa dạng về văn hóa, phong cách, tư tưởng, kinh nghiệm và ngôn ngữ rất riêng từ vùng miền của mình đã tạo nên một thách thức không nhỏ khi được yêu cầu tạo nên một tài liệu thống nhất đúc kết cho buổi họp. Nhưng cũng chính thử thách này giúp các bạn trẻ học cách lắng nghe Thần Khí, mở ra để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong quá trình làm việc với nhau. Một kinh nghiệm thật sự rất đẹp như các Tông đồ xưa bắt đầu sứ vụ sau Lễ Ngũ Tuần.
Và cũng chính sự đa dạng sắc tộc, thậm chí đa tôn giáo làm cho cái nhìn của người trẻ trở nên phong phú hơn rất nhiều khi có cơ hội tìm hiểu bối cảnh đức tin thuộc các tôn giáo khác. Và bạn kết rằng: “Mọi điều không kết thúc ở đây, tôi muốn thêm một chữ S vì như chúng ta, những người trẻ Giáo hội đồng hành, chúng ta cũng phải bước đến để chia sẻ tình yêu của Đấng Tạo Hóa của chúng ta với người khác.”
Cùng tâm trạng như Trish, Gerard xúc động khi nói về cảm giác đầu tiên của bạn khi bạn gặp Đức Giáo Hoàng và các bạn trẻ từ những nơi khác. Đó là cảm giác choáng ngợp áp đảo khi nhìn thấy Đức Giáo Hoàng trong ngày đầu tiên và ngày cuối cùng của cuộc họp. Vào ngày đầu tiên Đức Thánh Cha đã chào đón họ, Ngài đã ở bên họ và nói rằng “đã đến lúc lắng nghe người trẻ, giới trẻ có những câu chuyện khác nhau để kể và chúng tôi nên loại bỏ ý tưởng rằng “đây là những gì chúng tôi thường làm”. “Ngài khuyến khích người trẻ chia sẻ những câu chuyện thật chân thành đúng với những gì họ muốn nói”. Thật ngây ngất khi nghe người đứng đầu Giáo hội khuyến khích như vậy. Gerard cũng thấy thật tuyệt vời khi từ mọi nơi trên thế giới, có rất nhiều người đặt hy vọng vào người trẻ. Ý tưởng của người trẻ đang được Giáo hội quan tâm, lắng nghe trong cuộc họp làm các bạn trẻ có mặt thật sự được truyền cảm hứng mạnh mẽ. Bên cạnh đó, sự đa dạng của các nền văn hóa đã tạo nên một bức tranh muôn màu. Thật ngạc nhiên là bất chấp sự khác biệt họ có một mong muốn chung và đó là tiếng nói của người trẻ. Người trẻ từ khắp bốn phương trở thành bạn của nhau nhờ sự nối kết của Giáo hội. Và Giáo hội cũng trở thành người bạn đồng hành của họ khi cùng nhau lắng nghe và chia sẻ.
Họ cũng có những khó khăn khi chia sẻ nhóm. Đôi khi, có những điểm họ không đồng ý với tư cách là một nhóm. Gerard chia sẻ rằng: “Thật khó khăn vì chúng tôi không biết cách trình bày nó cho đến khi chúng tôi quyết định sử dụng “một số thanh thiếu niên”.” Họ sử dụng thuật ngữ “một số thanh thiếu niên” để giải quyết bối cảnh của thiểu số. Vì tình hình có thể không áp dụng được cho tất cả các bạn trẻ, và nhóm của Gerard muốn rằng một số thanh thiếu niên cũng sẽ được lắng nghe. Vì vậy họ sử dụng thuật ngữ “một số thanh thiếu niên”. Bằng cách này, ngay cả các nhóm thiểu số cũng sẽ được lắng nghe trong tài liệu. Họ học cách mang đến cho Giáo hội tiếng nói của cả những nhóm thiểu số. Bằng ngôn ngữ riêng của mình, họ ao ước cho một Giáo hội đích thực. Họ khao khát một Giáo hội bao gồm cho tất cả, chào đón mọi người, minh bạch, và trung thực.
Người trẻ hôm nay mong muốn tham gia chủ động vào Giáo hội với tư cách những người mục vụ giới trẻ hoặc các nhà lãnh đạo trẻ trong việc nối kết giới trẻ với Giáo hội. Điều quan trọng là quá trình này thực hiện được thông qua đối thoại chân thành giữa hàng giáo phẩm và người trẻ, và mọi thứ còn lại sẽ theo sau. Giao tiếp là điều cần thiết, chia sẻ ý tưởng cho nhau là quan trọng. Người mục vụ giới trẻ cũng nên nhận thức được rằng họ là cộng tác viên của các linh mục, họ chia sẻ vai trò trong việc chăm lo cho các bạn trẻ. Họ cần chủ động đi bước trước trong việc đáp ứng nhu cầu của người trẻ. Một người bạn mà giới trẻ đủ tin tưởng để cho phép họ bước vào thế giới của họ và đồng hành giúp họ thăng tiến về các khía cạnh cuộc sống.
Bên cạnh đó, chính Tiền Synod đã thay đổi suy nghĩ của Gerard cũng như nhiều bạn trẻ khác. Nó đã trở thành một kỷ nguyên, Giáo hội đang lắng nghe người trẻ, lắng nghe những câu chuyện của họ, cuộc đấu tranh với những nghi ngờ, niềm vui và nỗi buồn. Rất hiếm hoi mà Giáo hội làm điều này. Và điều này thực sự đã đánh động các bạn tham dự viên với vai trò là những người làm công việc mục vụ giới trẻ. Họ đã ở đó để đại diện cho giới trẻ, và khi tài liệu Tiền Synod được phát hành, họ cảm thấy được củng cố và nâng đỡ để trở thành tiếng nói của một Giáo hội cho người trẻ.
Chúng ta đã nói rất nhiều đến việc huấn luyện cho những người đồng hành với người trẻ, hướng dẫn họ đến cộng tác với Giáo hội. Tuy nhiên, người trẻ cũng cần người đồng hành như những người bạn. Chị Marie trong nhóm Coya đã hỏi rằng: “Sau cuộc họp BILA IV này, bạn rút ra được điều gì?” – “Giáo hội qua những vị đồng hành hãy trở thành những người bạn của giới trẻ.”
Đặc biệt, trong bối cảnh Á châu đa sắc tộc, đa văn hóa và đa tôn giáo, người trẻ sau khi được huấn luyện cần những người đồng hành ngay trong chính bối cảnh và xã hội mà họ đang sống. Người đồng hành không chỉ đứng trước giảng dạy và huấn luyện mà còn hiểu và chia sẻ cùng người trẻ kinh nghiệm ngay trong chính môi trường của họ và cùng đi như một người bạn. Chính nhờ đó, Giáo hội mới có thể duy trì những người trẻ là người không Công giáo, Công giáo hay Kitô hữu từ đó giúp họ phân định đức tin, vai trò và ơn gọi của họ trong phục vụ Giáo hội.
Alex Ngo
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 108 (tháng 9 & 10 năm 2018)