KHIÊM NHƯỜNG PHỤC VỤ THA NHÂN CÁCH VÔ VỊ LỢI
1. Khiêm nhường, đức tính cần thiết.
Nhân đức khiêm nhường không phải là bốn nhân đức nhân bản trụ như: nhân đức khôn ngoan, công bằng, dũng cảm tiết độ. Tuy nhiên, nhân đức khiêm nhường lại là nhân đức cần thiết để giúp mỗi người thăng tiến bản thân và xây dựng tốt mối hiệp thông huynh đệ, tình yêu thương tha nhân trong cuộc sống của mỗi người. Chính Chúa Giêsu đã sống trọn vẹn nhân đức này trong tư cách là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm người. Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa ấy thế mà Người đã khiêm nhường không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế (x. Pl 2,6-7). Sau khi đã sống mẫu gương khiêm nhường, Chúa Giêsu đã mời gọi mọi người: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” (Mt 11,29).
Trong thực tế cuộc sống, khi quan sát một dòng sông, chúng ta nhận thấy, nước xuôi về nguồn. Nơi đất thấp của nguồn cội, thường được tiếp nhận phù sa, đón nhận tinh hoa đất trời. Lúc đầu tưởng chừng như là vùng đất của lụt lội, ẩm thấp nhưng sau là cánh đồng lúa phì nhiêu và muôn hoa màu ruộng đất. Cuộc sống mỗi người cũng vậy, một người sống khiêm nhường dễ tiếp nhận nhiều nét đẹp và sự khôn ngoan nơi người khác. Bởi lẽ, người khiêm nhường biết làm rỗng ly nước của tâm hồn mình để đón nhận đầy tràn nguồn nước mới của sự khôn ngoan và tốt đẹp nơi người khác. Chính khi ta khiêm nhường biết mình, ta mới thấy cái hay cái đẹp nơi tha nhân và cố gắng học hỏi điều tốt.
Cùng một ý tưởng trên, lời Chúa trong sách Huấn ca với giọng răn dạy như một người cha nói với con, như với Thiên Chúa nói với đoàn con cái của Ngài là mỗi người rằng: “Càng làm lớn, con càng phải tự hạ” (Hc 3, 18). Lý do căn bản của đức tính khiêm nhường không chỉ giúp mỗi người thành công trong cuộc sống nhưng là Thiên Chúa muốn mỗi người sống đức tính này. Ai sống tự hạ là đang sống đẹp lòng Thiên Chúa (x. Hc 3,18). Chính Thiên Chúa được tôn vinh nơi những người sống khiêm nhường (x. Hc 3,20). Ngược lại, kẻ sống kiêu ngạo thì không đẹp lòng Thiên Chúa mà nguy hại hơn nữa là khi họ đã quen sống tự kiêu, lúc gặp khốn cùng thì vô phương cứu chữa. Sự vô phương ở đây là tính kiêu căng đã ăn rễ sâu trong lòng họ (x. Hc 3, 27), khiến họ không hối lỗi ăn ngay cả giờ lâm tử.
Như thế, đức tính khiêm nhường giúp mỗi người sống đẹp lòng Chúa và có nhiều lợi thế để phục vụ tha nhân tốt hơn.
2. Khiêm nhường phục vụ tha nhân cách vô vị lợi
Người tự kiêu rất khó có thể phục vụ người khác cách vô vị lợi. Cung cách phục vụ của họ thường theo kiểu hòn đất ném đi hòn chì ném lại. Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay cũng cho thấy thực tế đó. Người Pharisiêu mời Chúa đến dùng bữa không theo phương cách phục vụ nhưng kiêu ngạo. Ông ta mời Chúa không phải để phục vụ Chúa Giêsu nhưng để dò xét Người (x. Lc 14,1). Các khách dự tiệc được mời có lẽ rất nhiều những khách sang trọng. Ông mời khách sang trọng để có thể làm nổi danh tên tuổi của chính ông. Bởi xem thế giá của thực khách, người ta sẽ biết được uy thế của chủ nhà. Các khách sang trọng được mời cũng không mấy khiêm nhường, họ tưởng mình cao trọng hơn nên cứ chọn chỗ nhất mà ngồi (x. Lc 14,7). Vì thế, có lẽ đã xảy ra những bất hòa, hay ít ra là những hiềm khích và nghi kỵ nhau nơi bữa tiệc. Đáng lẽ, bữa tiệc mang đến niềm vui và sự hiệp thông huynh đệ, thì giờ đây trở nên bãi chiến trường của phân biệt giai cấp, của bất hòa chia rẽ.
May thay, Chúa Giêsu là khách được mời để bị dò xét thì giờ đây trở thành trọng tài lập lại trật tự. Người đã kể một dụ ngôn để mời mọi người sống khiêm nhường. Người mời mọi người khiêm nhường để được vinh dự trước mặt mọi người và nhất là được Thiên Chúa tôn lên. Hay hơn nhau cũng chẳng là gì nhưng người được Thiên Chúa yêu mến và tôn lên mới đáng trân trọng biết mấy.
Mặt khác, có khiêm nhường thật sự, người ta mới có khả năng phục vụ cách vô vị lợi. Phục vụ với lòng khiêm nhường là phục vụ theo đúng ý Chúa. Bản chất của phục vụ là cho đi là không cần đền đáp. Chúa Giêsu đã nhắc nhở người chủ nhà cũng như mỗi người về tinh thần phục vụ này. Mời khách không phải mong được mời lại nhưng mời khách để được phục vụ cách vô vị lợi. Có thế, mỗi chúng mới thật là có phúc và đáng được Chúa thưởng công trong ngày các kẻ lành sống lại.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con hiểu rằng, mọi sự con có là bởi Chúa cho con. Xin đừng để con huênh hoang tự đắc sau những việc thành công, nhưng xin cho con khiêm nhường cảm tạ tình thương của Chúa. Xin cho con hiểu rằng, con chỉ là đầy tớ vô dụng mà Chúa muốn dùng sự bất tài của con để phục vụ người khác cách vô vị lợi, hầu Chúa có cớ trả công bội hậu cho con sau này. Amen.
Linh mục Vinhsơn Trần Minh Hòa.