VATICAN. Hơn 150 ngàn thành viên các Huynh đoàn từ Italia và một số nước Âu Châu đã tham dự thánh lễ với ĐTC Phanxicô sáng chúa nhật 5-5-2013 tại Quảng trường Thánh Phêrô.
Trong chương trình cử hành Năm Đức Tin, chúa nhật 5-5-2013 được gọi là Ngày của các Huynh đoàn, và lòng đạo đức bình dân. ĐTC Phanxicô đã cử hành thánh lễ lúc 10 giờ sáng tại quảng trường thánh Phêrô, trước sự tham dự của hơn 150 ngàn tín hữu dưới bầu trời lúc mưa lúc tạnh. Họ đứng tràn qua tới quá nửa Đại Lộ Hòa Giải.
Từ 10 thế kỷ qua trong Giáo Hội, có các Huynh đoàn là những hội đoàn được thành lập để cổ võ lòng đạo đức bình dân của các tín hữu. Các Huynh đoàn thường nhận Đức Mẹ hoặc một vị thánh bổn mạng, có nhà thờ làm trụ sở gốc và có tôn chỉ được giáo quyền công nhận. Họ cũng thực hiện nhiều công tác bác ái và tương trợ.
Trong số các Huynh đoàn về Roma hành hương nhân dịp Năm Đức Tin, đa số từ Italia, nhưng cũng có một số từ các nước Pháp, Tây Ban Nha, Ai Len, và một vài nước Âu Châu khác. Họ mặc đồng phục và mang cờ hiệu của Huynh đoàn.
Đồng tế với ĐTC có Đức TGM Salvatore Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, và vị Tổng thư ký của Hội đồng là Đức José Octavio Ruiz Arenas, người Tây Ban Nha, cùng với một số GM và khoảng 380 Linh mục.
Phần thánh ca trong thánh lễ, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, còn có 4 ca đoàn khác đảm trách, đông nhất là ca đoàn ”Mẹ Giáo Hội” với 140 ca viên.
Bài giảng của ĐTC
Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đặc biệt nhấn mạnh đến 3 đặc tính mà các Huynh đoàn phải có, đó là sống theo tinh thần Tin Mừng, thuộc về và gắn bó với Giáo Hội, sau cùng là có tinh thần truyền giáo. Ngài nói:
Anh chị em thân mến,
Anh chị em thật can đảm đến đây dưới trời mưa thế này… Xin Chúa chúc lành thật nhiều cho anh chị em!
Trong hành trình Năm Đức Tin, tôi vui mừng cử hành thánh lễ này đặc biệt dành cho các Huynh Đoàn: đây là một thực tại truyền thống trong Giáo Hội, thực tại này trong thời gian gần đây đã được canh tân và tái khám phá. Tôi thân ái chào thăm tất cả anh chị em, đặc biệt là các Huynh đoàn đến từ nhiều nơi trên thế giới! Xin cám ơn sự hiện diện và chứng tá của anh chị em!
Trong Tin Mừng, chúng ta đã nghe một đoạn diễn văn từ giã của Chúa Giêsu, được thánh sử Gioan thuật lại trong khung cảnh bữa Tiệc Ly. Chúa Giêsu tâm sự với các tông đồ những tư tưởng cuối cùng của Ngài, như một di chúc tinh thần, trước khi giã từ họ. Đoạn sách hôm nay nhấn mạnh sự kiện đức tin Kitô hoàn toàn qui trọng tâm vào tương quan với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ai yêu mến Chúa Giêsu thì cũng đón nhận nơi mình chính Ngài và Chúa Cha, và nhờ Chúa Thánh Linh, họ đón nhận Tin Mừng trong tâm hồn và cuộc sống họ. Ở đây chúng ta được chỉ cho thấy trung tâm từ đó mọi sự phải xuất phát và tất cả phải đồng qui về, đó là yêu mến Thiên Chúa, làm môn đệ Chúa Giêsu bằng cách sống Tin Mừng. Đức Biển Đức 16 khi ngỏ lời với anh chị em, đã dùng từ này là “evangelicità”, đặc tính Tin Mừng. Hỡi các huynh đoàn thân mến, lòng đạo đức bình dân mà anh chị em là một biểu hiện quan trọng, chính là một kho tàng của Giáo Hội và các GM Mỹ châu la tinh đã định nghĩa, một cách rất ý nghĩa, như là một linh đạo, một thần bí, là ”một không gian gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô”. Anh chị em hãy luôn kín múc nơi Chúa Giêsu là nguồn mạch vô tận, hãy củng cố đời sống đức tin của anh chị em, chăm lo học hỏi về tu đức, cầu nguyện riêng và chung với cộng đoàn, tham dự phụng vụ. Qua các thế kỷ, các huynh đoàn đã là lò hun đúc đời sống thánh thiện cho bao nhiêu người, họ đã sống một cách đơn sơ tương quan nồng nhiệt với Chúa. Anh chị em hãy quyết liệt nên thánh; đừng hài lòng với một cuộc sống Kitô tầm thường, nhưng hãy làm sao để việc tham gia huynh đoàn là một kích thích, trước tiên cho anh chị em, để ngày càng yêu mến Chúa Giêsu Kitô hơn nữa.
Đặc tính Giáo Hội
Cả đoạn sách Tông Đồ Công Vụ chúng ta đã nghe đọc, cũng nói với chúng ta về điều thiết yếu. Trong Giáo Hội sơ khai, người ta cảm thấy ngay nhu cầu phải phân định xem đâu là điều thiết yếu để trở thành Kitô hữu, để theo Chúa Kitô, và đâu là điều không thiết yếu. Các tông đồ và trưởng lão đã có một cuộc họp quan trọng tại Jerusalem, một ”công đồng” đầu tiên về đề tài này, về những vấn đề nảy sinh sau khi Tin Mừng được loan báo cho dân ngoại, cho những người không phải là Do thái. Đó là cơ hội Chúa Quan Phòng xếp đặt để giúp hiểu rõ hơn điều gì là thiết yếu, nghĩa là tin nơi Chúa Giêsu Kitô đã chịu chết và sống lại vì tội lỗi chúng ta, và yêu thương nhau như Chúa đã thương yêu chúng ta. Nhưng anh chị em hãy ghi nhận điều này là các khó khăn được khắc phục không phải ở bên ngoài, nhưng là bên trong Giáo Hội. Và đây là yếu tố thứ hai mà tôi muốn nhắc nhở anh chị em, như Đức Biển Đức 16 đã làm, nghĩa là ”Giáo Hội tính”.
”Lòng đạo đức bình dân là một con đường dẫn tới điều thiết yếu nếu được sống trong Giáo Hội qua sự hiệp nhất sâu xa với các vị Chủ chăn của anh chị em. Anh chị em thân mến, Giáo Hội rất yêu thương anh chị em! Anh chị em hãy hiện diện tích cực trong cộng đoàn như những tế bào sinh động, những viên đá sống động. Các GM Mỹ châu la tinh đã viết rằng lòng đạo đức bình dân mà anh em là một biểu hiện, chính là ”một thể thức hợp pháp để sống đức tin, một cách thức để cảm thấy mình là thành phần của Giáo Hội” (Văn kiện Aparecida 264). Đây là điều thật đẹp! Một cách thức hợp pháp để sống đức tin, một phương thức để cảm thấy mình là thành phần của Giáo Hội. Anh chị em hãy yêu mến Giáo Hội! Hãy để cho Giáo Hội hướng dẫn! Trong các giáo xứ, các giáo phận, anh chị em thực là một buồng phổi đích thực của đức tin và đời sống Kitô, một luồng gió mát! Tại quảng trường này, tôi thấy có rất nhiều loại dù khác nhau, nhiều mầu và dấu hiệu khác nhau. Giáo Hội cũng thế: Giáo Hội rất phong phú và có những cách thức diễn tả khác nhau, trong đó tất cả đều dẫn tới sự hiệp nhất, và hiệp nhất là gặp gỡ với Chúa Kitô.
Đặc tính truyền giáo
”Tôi muốn thêm một lời thứ ba nói lên đặc tính của anh chị em, đó là đặc tính truyền giáo. Anh chị em có một sứ mạng đặc thù và quan trọng, đó là giữ cho quan hệ giữa đức tin và các nền văn hóa các dân tộc của anh chị em được luôn sinh động, và anh chị em thực hiện điều đó qua lòng đạo đức bình dân. Chẳng hạn, khi anh chị em đi rước Thánh Giá với tất cả lòng tôn kính và yêu mến đối với Chúa, anh chị em không chỉ thi hành một cử chỉ bề ngoài: anh chị em tỏ cho thấy vị thế trung tâm của Mầu Nhiệm Phục Sinh của Chúa, cuộc khổ nạn, cái chết và sự sống lại của Ngài, Đấng đã cứu chuộc chúng ta; anh chị em hãy chỉ cho bản thân mình trước tiên và cho cộng đoàn thấy rằng cần phải theo Chúa Kitô trong con đường cụ thể của cuộc sống để được biến đổi. Cũng vậy khi anh chị em biểu lộ lòng sùng kính sâu xa đối với Đức Trinh Nữ Maria, anh chị em chỉ cho thấy mức độ thành tựu cao nhất của đời sống Kitô, Mẹ là Đấng nhờ tin và tuân phục thánh ý Thiên Chúa, cũng như nhờ suy niệm về Lời dạy và các hành động của Chúa Giêsu, Mẹ trở thành môn đệ tuyệt hảo của Chúa (Xc LG 53). Niềm tin này nảy sinh từ sự lắng nghe Lời Chúa, anh chị em biểu lộ qua những hình thức có sự can dự của các giác quan, tình cảm, những biểu tượng của các nền văn hóa khác nhau.. Và khi làm như thế, anh chị em giúp truyền đạt niềm tin cho tha nhân, và đặc biệt là những người đơn sơ, những người mà trong Tin Mừng Chúa Giêsu gọi là những người ”bé mọn”. Thực vậy khi cùng nhau tiến về các Đền thánh và tham dự các biểu hiện khác nhau của lòng đạo đức bình dân, người ta thường dẫn theo con cái và đưa những người khác can dự vào, việc làm ấy tự nó là một hành động rao giảng Tin Mừng” (Văn kiện Aparecida 264). Khi anh chị em đến các đền thánh, khi anh chị em mang gia đình, con cái đi theo, tức là anh chị em thi hành việc truyền giáo. Cần tiếp tục như vậy! Anh chị em cũng trở thành những người rao giảng Tin Mừng đích thực.! Ước gì các sáng kiến của anh chị em là những nhịp cầu, những con đường để dẫn đến Chúa Kitô, để đồng hành với Ngài. Và trong tinh thần ấy, anh chị em hãy luôn luôn chú ý đến đức bác ái. Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn là thừa sai theo mức độ họ mang và sống Tin Mừng, làm chứng về tình thương của Thiên Chúa đối với tất cả mọi người, nhất là những người ở trong tình trạng khó khăn. Anh chị em hãy trở thành các nhà truyền giảng tình thương và sự dịu hiền của Thiên Chúa! Hãy trở thành những thừa sai của lòng từ bi Chúa, Đấng luôn luôn tha thứ cho chúng ta, luôn chờ đợi chúng ta và rất yêu thương chúng ta!
Và ĐTC kết luận rằng: ”Tin Mừng tính, Giáo Hội tính và Thừa sai tính. 3 từ này xin anh chị em đừng quên! Chúng ta hãy cầu xin Chúa luôn hướng dẫn tâm trí chúng ta hướng về Ngài, như những viên đá sống động của Giáo Hội, để mỗi hoạt động của chúng ta, toàn thể đời sống Kitô của chúng ta là một chứng tá rạng ngời về lòng từ bi và tình thương của Chúa. Như thế chúng ta sẽ tiến về mục tiêu cuộc lữ hành trần thế của chúng ta về Đần thánh rất đẹp là thành Jerusalem thiên quốc. Nơi đó chẳng còn đền thờ nào: chính Thiên Chúa và Chiên Con là Đền thờ của Ngài; và ánh sáng mặt trời mặt nhường chỗ cho vinh quang của Đấng Tối Cao. Amen
Lời nguyện chung
Trong phần lời nguyện giáo dân, cộng đoàn đã lần lượt cầu nguyện cho Giáo hội được Chúa Thánh Linh hướng dẫn, can đảm loan báo chân lý cho mọi người mà không sợ bách hại hoặc không được thông cảm; cầu cho ĐTC Phanxicô và tất cả các GM, để các vị được đồng hình dạng với Chúa Kitô, hằng ngày dâng hiến đời sống để cứu độ anh chị em trong sự kết hiệp với hy tế các vị dâng trên bàn thờ; cầu cho các nhà lập pháp và chính quyền, để các vị được sự khôn ngoan từ trên cao soi sáng, tận tụy tìm kiếm thiện ích đích thực và thăng tiến phẩm giá của mỗi người; cầu cho những ngừơi đau khổ, lo âu và nản chí để họ được an ủi nhờ sự thăm viếng của Thánh Linh trong nội tâm, tìm lại được niềm hy vọng, nghị lực và làm chứng cho mọi người về quyền năng sự phục sinh của Chúa. Sau cùng, là cầu cho gia đình của Chúa đang tụ họp trước bàn thờ, để họ được lòng sùng mộ chân thức và sự tôn thờ mầu nhiệm Chúa Kitô, được nuôi dưỡng nhờ Phúc Âm và Thánh Thể, họ trở thành những người thực thi bác ái, công lý và hòa bình.
Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng
Cuối thánh lễ, ĐTC chủ sự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng. Trong bài huấn dụ ngắn, ngài nhắc đến sự hiện diện tinh thần của Mẹ Maria một sự hiện diện từ mẫu, quen thuộc như trong một gia đình, nhất là đối với các thành viên của các huynh đoàn. Lòng kính mến Đức Mẹ là một trong những đặc tính của lòng đạo đức bình dân, cần được nêu cao giá trị và hướng dẫn đúng đắn. Vì thế, ĐTC mời gọi các tín hữu suy niệm về chương cuối cùng trong Hiến chế Ánh Sáng muôn dân của Công đồng chung Vatican 2 về Giáo Hội, nói về Đức Mẹ Maria trong mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội.
Ngài cũng chúc mừng các Giáo Hội Đông Phương mừng lễ Phục Sinh chúa nhật 5-5-2013 theo lịch Giuliano, và ngài mời gọi các tín hữu cùng với Mẹ Maria cầu xin Chúa ban ơn Thánh Linh, Đấng An ủi, xin Chúa an ủi và củng cố tất cả các tín hữu Kitô, nhất là những người cử hành lễ Phục Sinh giữa thử thách và đau thương, xin Chúa hướng dẫn họ trên con đường hòa giải và hòa bình.
ĐTC không quên nhắc đến lễ phong chân phước cho nữ giáo dân Francisca de Paula de Jesus, quen gọi là ”Nhà Chica” ở Brazil chiều thứ bẩy vừa qua (4-5). Ngài nói: ”Cuộc sống đơn sơ của vị chân phước hoàn toàn qui hướng về Thiên Chúa và đức bác ái, đến độ người ta gọi Người là ”Mẹ người nghèo”. Tôi chia vui với Giáo Hội tại Brazil vì người môn đệ sáng ngời này của Chúa.
Sau cùng, ĐTC đặc biệt chào Hội Meter ở Italia, nhân ngày các trẻ em nạn nhân của bạo hành. Ngài nói: ”Biến cố này là cơ hội để tôi nghĩ đến bao nhiêu trẻ em đã và đang chịu đau khổ vì bị lạm dụng. Tôi muốn quả quyết với các em rằng các em hiện diện trong kinh nguyện của tôi và tôi cũng muốn mạnh mẽ khẳng định rằng tất cả chúng ta phải dấn thân rõ ràng và can đảm để mỗi ngừơi, đặc biệt là các trẻ em thuộc những thành phần yếu thế nhất, luôn được bảo vệ và bênh đỡ.
Thánh lễ và buổi đọc kinh chỉ kéo dài 1 giờ 20 phút. ĐTC dành 50 phút để đi xe tiến qua các lối đi ở quảng trường để chào thăm các tín hữu. Ngài dùng xe có mái kính che mưa. Nhưng ở giai đoạn chót, ĐTC xuống khỏi xe để chào thăm nhiều anh chị em tàn tật ngồi trên ghế lăn. Ngài ôm hôn và chúc lành cho các em.
G. Trần Đức Anh OP
Nguồn: vatican Radio