Đợi chờ
***
Ai sống trong đời cũng đã hơn một lần chờ đợi. Chờ đợi một người thân hay chờ đợi một sự kiện. Bất cứ sự chờ đợi nào, dù vui hay buồn, cũng làm lòng ta xốn xang khó tả. Chờ đợi càng lâu thì niềm vui càng lớn. Nhân vật được chờ đợi càng quan trọng thì sự chờ đợi càng phải chuẩn bị chu đáo hơn. Cuộc sống không có gì để mà đợi chờ sẽ trở nên đơn điệu, vô nghĩa. Chờ đợi, vừa làm cho cuộc đời thêm thi vị, vừa đem lại cho chúng ta niềm phấn khởi hân hoan. Sự chờ đợi đôi khi giúp chúng ta vượt lên những khó khăn nghịch cảnh của kiếp người.
Lịch sử dân tộc Do Thái là một cuộc chờ đợi kéo dài nhiều ngàn năm. Sau khi con người phạm tội, Thiên Chúa đã quở phạt họ, nhưng Ngài cũng đã hứa khi tuyên phạt con rắn: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15). Lời hứa này đã nuôi dưỡng niềm hy vọng của Dân tộc, kể cả trong những giai đoạn bi ai nhất của lịch sử, như trong thời Dân Chúa phải đi lưu đày, không còn Đền thờ, không còn nghi lễ tế tự. “Trời cao hỡi, nào hãy gieo sương, mây hãy đổ mưa, mưa đức công chính; đất mở ra đi cho nẩy mầm ơn cứu độ” (Is 45,8), lời cầu nguyện này diễn tả niềm khao khát của Dân tộc đang sống trong cảnh tha hương.
Đối với người Kitô hữu, sống là chờ đợi Chúa, là đến gần Ngài. Đây không phải là sự chờ đợi hoang tưởng, giống như một thứ “thuốc phiện mê dân” hay một thứ bánh vẽ giả tạo. Bởi lẽ, mỗi ngày sống trên đời, chúng ta lại khám phá ra những phẩm tính tốt lành của Chúa. Sự khám phá ấy lại gợi hứng cho chúng ta suy tư và tìm kiếm Chúa cách hăng say hơn. Cứ như thế, người tin Chúa xác tín Ngài đang hiện diện giữa đời. Dẫu vậy, ở đời này, chúng ta chỉ được chiêm ngưỡng Chúa như trong gương, còn nhiều giới hạn. Khi kết thúc cuộc đời, chúng ta sẽ được gặp Chúa mặt giáp mặt, để hưởng hạnh phúc bất diệt Ngài dành cho những ai trung thành. Sự chờ đợi này giúp nuôi dưỡng Đức tin, dù còn đang sống giữa biết bao thử thách cam go của cuộc đời. Ông Gióp, một nhân vật của Cựu ước, là người chịu nhiều thử thách đau khổ, đã thốt lên: “Tôi biết Đấng Cứu chuộc tôi hằng sống, và cuối cùng, tôi sẽ trỗi dậy từ bụi đất. Sau khi lớp da của tôi bị tan nát, từ xác này, tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa của tôi” (G 19, 25-26). Ông tin và chờ đợi Chúa, kể cả ở thời điểm bi đát nhất của đời. Ông đã không thất vọng, vì cuối cùng, Chúa đã ghé mắt đến ông và ban cho ông nhiều tài lộc hơn cả trước khi bị thử thách.
Thiên Chúa luôn hiện diện trong cuộc đời, dù con mắt thể lý của chúng ta không nhìn thấy Ngài. Chứng minh sự hiện hữu của Ngài là một điều khó khăn, nhưng chứng minh Ngài không hiện hữu lại là một khó khăn hơn nữa. Bởi lẽ, trong cuộc sống xung quanh chúng ta, có biết bao điều chúng ta không thể lý giải được. Những người vô thần nói rằng đến một thời điểm nào đó trong lịch sử, khi khoa học kỹ thuật phát triển đến mức có thể trả lời hết những vấn nạn, thì lúc đó Đức tin và tôn giáo sẽ không còn. Những người này không biết rằng, trong quá khứ cũng như hiện tại, có nhiều nhà khoa học là những tín hữu đạo đức. Có thể kể một vài trường hợp điển hình như Blaise Pascal (khoa học gia, triết gia, thế kỷ 17); nhà vật lý học người Anh Isaac Newton (thế kỷ 17); Lise Meitner (1878-1968), nhà vật lý học người Áo, gốc Do Thái đã trở lại Kitô giáo. Có những vị vừa là linh mục công giáo vừa là nhà khoa học như Andrew Pinsent, người Anh, sinh năm 1966 và hiện là giám đốc nghiên cứu của viện Ian Ramsey thuộc Đại học Oxford; Stanley Jaki (1924-2009), người Hungary, linh mục công giáo, đan sĩ dòng Biển Đức và chuyên viên nghiên cứu vật lý. Đối với những người này, sự khám phá không bao giờ gây nguy hiểm cho Đức tin, trái lại, nó giúp Đức tin của họ ngày càng lớn mạnh. Với kiến thức và kinh nghiệm của mình, họ đã lắng nghe, suy tư và nhận ra thông điệp của Thượng đế ghi khắc trong vũ trụ. Ngài đã đặt để biết bao nguyên tắc trong thế giới tự nhiên, các nhà khoa học là những người khám phá ra những nguyên tắc đó, giống như một chuyên viên âm nhạc tài ba biết phân tích từng nốt nhạc trong bản giao hưởng vĩ đại.
Nói đến chờ đợi là nói đến tâm trạng sẵn sàng, vì người chúng ta chờ đợi có thể đến bất ngờ. Đối với người công giáo, chờ đợi cũng là luôn luôn tỉnh thức. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nói đến những người đầy tớ tỉnh thức chuyên cần, họ lo lắng chu toàn việc nhà và khi chủ về họ xứng đáng được thưởng công. Người cũng nói đến những đầy tớ lười biếng và chủ quan, không sẵn sàng, lại còn phá phách trong khi chờ đợi chủ, vì thế, khi chủ về có thể bất ngờ, và những đầy tớ này sẽ bị trừng phạt (x. Mt 24,42-51). Ý thức Chúa hiện diện trong cuộc đời và tin rằng Ngài hằng dõi theo những việc làm cũng như những tư tưởng của họ, người Kitô hữu chân chính là người sống tốt ở trong nhà thờ cũng như ngoài xã hội, trong gia đình cũng như ngoài đường phố, trước mặt Chúa cũng như trước mặt tha nhân. Cuộc sống của họ phản ánh sự tốt lành và từ bi bao dung của Chúa. Lời nói và cử chỉ thân thiện của họ sẽ là lời nói và cử chỉ của Chúa. Đây là sự “tỉnh thức thiêng liêng” của những ai đang kiên tâm chờ đợi Chúa đến.
Để chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh, Giáo Hội dành một thời gian dài 4 tuần gọi là Mùa Vọng hay Mùa Đợi. Trong thời gian này, các tín hữu được mời gọi suy tư về mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa. Người đã đến trần gian cách nay hơn hai ngàn năm, với mục đích loan báo Tin Mừng cứu độ. Nội dung của Tin Mừng là giới thiệu dung mạo nhân từ bao dung của Chúa Cha, đồng thời kêu gọi con người hãy sống với nhau trong tình huynh đệ thân thương, vì họ đều thuộc về gia đình của Thiên Chúa và là anh chị em với nhau. Mùa Vọng cũng nhắc nhở các tín hữu, họ đang là những khách lữ hành trên cuộc đời dương thế. Nếu trong cuộc sống, họ biết đợi chờ Chúa, thì Chúa cũng đang đợi họ ở điểm đến của đường đời. Mùa Vọng còn giúp các Kitô hữu hoán cải, nhìn lại bản thân còn nhiều yếu đuối và cố gắng vươn lên, đạt tới mức trưởng thành trong tình mến Chúa yêu người. Chúa Giêsu đã đến lần thứ nhất trong lịch sử nhân loại. Người sẽ đến lần thứ hai để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Những ai thành tâm yêu mến và chờ đợi Người sẽ được trọn niềm hân hoan khi Người ngự đến.
Ở Việt Nam, Lễ Giáng Sinh ngày càng có nguy cơ mang màu sắc của lễ hội văn hoá hơn là ngày lễ của Đức tin. Đây là cơ hội để nhiều người kinh doanh thương mại với vô số những quảng cáo chào mời. Tại nhiều giáo xứ, phong cách trang hoàng ngày càng lộng lẫy tốn kém. Tuy vậy, nếu chỉ dừng lại ở những trang trí bề ngoài mà quên đi sự chuẩn bị nội tâm cũng như ý nghĩa của việc Chúa đến, thì đó sẽ là những ngày lễ Giáng Sinh không có Chúa. Bởi lẽ, Chúa Giêsu biết ngự đâu, khi mà các tín hữu còn bận rộn với biết bao điều “hoành tráng” bên ngoài mà quên dọn tâm hồn để đón tiếp Người? Ở Belem thời Chúa sinh ra, chắc đã có nhiều phố xá buôn bán sầm uất, nhưng việc Chúa bị các chủ nhà trọ khước từ và việc Người được sinh ra trong một hang đá dành cho bò lừa, phải chăng không ngoài ý của Chúa và hàm chứa một sứ điệp: những người giàu sang và đô thị ồn ào sẽ không xứng đáng đón rước Chúa, trong khi những mục đồng đơn sơ khó nghèo và thành tâm thiện chí lại là những người đầu tiên đến chiêm bái Người.
Chúa Giêsu đang đến với chúng ta qua nhiều ngả đường khác nhau: Chúa đến khi chúng ta thành tâm suy tư cầu nguyện; khi chúng ta mở rộng tâm hồn lắng nghe Lời Người và siêng năng lãnh nhận các bí tích. Chúa cũng đến qua những anh chị em bệnh tật, nghèo đói, thất học và cô đơn không nơi nương tựa. Hãy sống tinh thần đợi chờ có chiều sâu và hãy cử hành một lễ Giáng Sinh đầy ý nghĩa, để góp phần làm “Vinh danh Thiên Chúa trên trời”, và cùng nhau cầu xin “An bình dưới thế cho người thiện tâm”.
Gm Giuse Vũ Văn Thiên