ngày 26.11:
Thánh Tôma Đinh Viết Dụ
Linh mục (1783-1839)
***
Thánh Tôma Đinh Viết Dụ sinh năm 1783 tại làng Phú Nhai, tỉnh Nam Định, nay thuộc giáo phận Bùi Chu. Ngay từ bé, cậu Dụ đã yêu mến lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ và cậu ước mong được dâng hiến cuộc đời để phụng sự Chúa trong bậc tu trì.
Để đạt được ước nguyện, cậu đã ra công gắng sức học hành tốt, có điểm cao; nhờ vậy mà cậu Tôma Đinh Viết Dụ được bề trên nhận vào chủng viện học la tinh rồi triết học và thần học. Khi đã hoàn tất chương trình học vấn của nhà trường, thầy Tôma Đinh Viết Dụ được thụ phong linh mục. Vì ngay từ nhỏ, cha Tôma Dụ đã có lòng yêu mến kinh Mân Côi và lòng sùng kính Mẹ Maria cách đặc biệt nên cha đã xin vào dòng Đa Minh.
Được nhận vào dòng Đa Minh, cha qua Nhà Tập rồi ngày 21 tháng 12 năm 1814, cha tuyên khấn ba lời khấn của dòng Đa Minh và cha chính thức trở thành linh mục dòng Đa Minh, lúc ấy cha mới 31 tuổi. Với tuổi 31, cha Tôma Đinh Viết Dụ còn đầy nhiệt huyết, cha xông xáo vào những nơi hang cùng ngõ hẻm để đem Tin Mừng của Chúa đến cho mọi thành phần trong xã hội.
Cha thu phục được nhiều linh hồn về với Chúa và tận tình giúp đỡ mọi người trong việc tông đồ Tuy tận tụy với công việc mục vụ như thế, nhưng cha không hề sao lãng bổn phận thiêng liêng đối với Chúa và đời sống tu trì đối với anh em trong Dòng.
Những người biết Cha, đều công nhận Cha là một tu sĩ gương mẫu về đời sống chiêm niệm, ngày đêm đều chìm đắm trong suy niệm và luôn kết hợp với Chúa ngay trong những giờ phút hoạt động bên ngoài. Bạn hữu đều tặng Cha danh hiệu “Thánh Brunô Việt Nam”. Thánh Brunô nổi tiếng là vị thánh làm việc cũng hăng mà cầu nguyện thì không biết mệt mỏi.
Cha Tôma Đinh Viết Dụ đã được Đức Giám mục bổ nhiệm coi sóc giáo xứ Đông Xuyên, rồi giáo xứ Quất Lâm. Năm 1838, Đức Cha lại bổ nhiệm Cha tới xứ Liễu Đề thay thay thế Cha Phêrô Tuần đã bị bắt.
Ngày 20 tháng 5 năm 1839 tổng đốc Trịnh Quang Khanh theo lệnh vua Minh Mạng cấm đạo, đưa 800 binh lính tới bao vây làng Liễu Đề, truy lùng bắt Đức Cha Hermosilla Liêm, vì có người tố cáo Đức Cha Hermosilla Liêm đang trú ẩn tại làng này.
Binh lính đã ra công ra sức lục soát khắp nơi trong làng nhưng không bắt được Đức Cha vì Ngài đã trốn thoát rồi. Khi ấy chỉ còn cha Tôma Dụ vừa làm lễ xong tại nhà bà Anê Thu, đươc cấp báo binh lính đã vây kín chung quanh làng. Nhưng cha không kịp trở về nơi trú ẩn, cha liền cải trang thành người làm vườn qua nhà bên cạnh cặm cụi ngồi nhổ cỏ. Quan quân đi qua không để ý tới ông già làm cỏ trontg vườn. Cuối cùng người đi tố cáo nhận diện được Cha, anh đã hô lớn:
“Ông này là đạo trưởng”.
Thế là quân lính xông tới bắt trói cha, dẫn cha ra đình làng nộp cho quan tổng đốc, lúc ấy quan đang ngồi đợi ở đình làng. 23 Quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh vui mừng hỏi cha:
– Ông có phải là đạo trưởng không?
Cha bình tĩnh và thẳng thắn trả lời:
– Thưa phải, tôi là đạo trưởng có nhiệm vụ coi sóc các tin hữu ở đây.
Quan lại hỏi cha về Đức Cha Thừa Sai Hermosilla Liêm và các linh mục khác hiện nay ở đâu. Cha làm thinh, không trả lời. Quan nổi sùng cho lính lục soát khắp người của cha, xem có tiền bạc giấy tờ gì không. Nhưng quan càng thất vọng vì trên người của cha chỉ có duy một cỗ tràng hạt Mân Côi. Quan cho lệnh tịch thu cỗ tràng hạt và đánh cha 21 roi Cha can đảm chịu đau đớn, không một lời kêu la oán trách.
Bà Anê Thu vì không kịp cất giấu đồ lễ nên cũng bị bắt trói và giam tại đình làng 24 tiếng đồng hồ, sau đó quan ra lệnh tha cho bà Thu về. Còn cha thì phải đeo gông, tay chân mang xiềng xích như một tội phạm rồi dẫn giải về tống giam trong nhà tù tỉnh Nam Định.
Tại nhà giam tỉnh Nam Định, cha Tôma Đinh Viết Dụ nhiều lần bị tra khảo, bị khuyên dụ bỏ đạo, đạp lên Thánh Giá và bị đòn vọt đau đớn nhưng cha cương quyết không thể bỏ đạo và nhất định không khai báo điều gì liên hệ hại đến các tín hữu. Chính vì thế mà cha bị đánh đập tàn nhẫn nhiều lần. Lần tứ nhất 90 roi, lần thứ hai 30 roi, các lần kế tiếp là 20 roi.
Mỗi lần bị đánh xong thì những người lính còn chế nhạo, mắng nhiếc ngài cách nhục nhã. Nhưng vị tông đồ của Chúa lúc nào cũng luôn tỏ ra nhẫn nhục và vui vẻ, coi đó là dịp tốt để được nên giống Chúa Kitô khổ nạn. Ông Giuse Hiền là nhân chứng kể lại rằng chính mẹ của ông ấy giả làm ngưòi hành khất vào tận ngục thăm nuôi cha. Khi gặp cha, bà thấy cha tùy tụy, quần áo rách nát vì bị tra tấn, máu me thấm đỏ cả quần lẫn áo thì bà nức nở khóc. Thấy bà khóc thương cha. Cha an ủi bà:
– Sức lực cha bị suy giảm. Nhưng cha còn có thể chịu được hơn nữa. Chúa Giêsu là Chúa mà đã chịu bao cực hình cay đắng đến cực độ để cứu chuộc chúng ta. Do đó, cha cũng sẵn lòng chịu mọi hình khổ để được nên giống Chúa. Con hãy cầu nguyện cho cha vững lòng tin yêu và chịu mọi khổ nhục vì Chúa. Được chết vì Chúa là hạnh phúc nhất đời, con ạ!Lần sau, bà cũng giả làm người hành khất để vào thăm cha. Bà kể lại rằng. Khi gặp cha, cha vui vẻ và rất bình tĩnh. Cha nói:
– Những cực hình sau này cha phải chịu hình như Chúa đã giảm bớt sự đau đớn cho Cha. Cha không biết ngày nào sẽ được hiến dâng mạng sống vì Chúa. Có thể từ đây anh chị em không còn gặp Cha nữa. Bà hãy cầu nguyện nhiều, xin Chúa ban cho cha ơn nhẫn nại chịu đựng tất cả những điều người ta gây nên cho cha để danh Chúa được cả sáng.Sau nhiều lần tra tấn, khuyên dụ không thành công, quan tổng đốc tỉnh Nam Định làm bản án với những lời lẽ như sau:
“Đạo trưởng Tôma Đinh Viết Dụ bị kết án trảm quyết vì tội truyền bá Gia Tô tả đạo. Các quan đã hết sức khuyên dụ, dọa nạt và tra tấn để bắt y qúa khóa theo luật nước. Nhưng y không chịu. Y đã trở nên chai đá không gột rửa được những điều dị đoan đã quá ăn sâu… Do đó, mọi người thấy rõ y là kẻ điên khùng cố chấp bất trị, đáng khinh dể. Vậy phải nghiêm trị, không còn phàn nàn gì nữa”.
Ngày 7 tháng 11 vua Minh Mạng ký bản án. Sau 5 ngày, bản án gửi về tới Nam Định. Khi ấy trong nhà tù còn có cha Đa Minh Nguyễn Văn Xuyên cũng đã bị bắt ngày 18 tháng 8 đã được đưa về giam tại đây chung với cha Tôma Du. Cũng bị án tử hình với Cha Đinh Viết Dụ. Hai cha được giam chung với nhau nên có dịp an ủi, khích lệ nhau, giải tội cho nhau, khuyến khích nhau kiên trì cho tới giờ phút cuối cùng.
Ngày 26 tháng 11 năm 1839, hai chiến sĩ kiên cường của Chúa bị giải ra nơi xử án. Hai đấng cùng anh dũng tiến ra pháp trường Bãy Mẫu đi giữa một đoàn quân oai vệ. Các quan cỡi voi chỉ huy đi tiên phong, hai bên là cờ quạt, chiếng trống. Đoàn quân rất hùng hậu áp giải hai vị Tông Đồ của Chúa. Theo sau là dân chúng đông đảo ồn ào bước đi cách vội vã. Đoàn người nhìn hai Đấng vai mang gông, tay mang xiềng xích, vừa đi vừa cầu nguyện, nét mặt tươi sáng, hân hoan khiến nhiều người sửng sốt ngỡ ngàng về thái độ vui vẻ của các Ngài.
Tới pháp trường Bảy Mẫu, quan chánh án hỏi lại lần cuối, nếu hai Đấng thay đổi ý mà bước qua Thập Giá thì sẽ được tha. Nhưng cả hai chiến sĩ Đức Tin đều lớn tiếng trả lời “Không” rồi quì xuống tiếp tục cầu nguyện để sẵn sàng lãnh nhận án tử hình. Bà Maria Ơn cũng chen chúc trong đám đông dân chúng để chứng kiến cuộc trảm quyết hai Đấng đã kể lại rằng:
“Chúng tôi vô cùng xúc động khi thấy hai Cha rất bình tĩnh, quì gối, chắp tay, ngửa mặt lên trời như để nói chuyện với các Thiên Thần đang bay lượn trên đầu các Ngài. Bọn lính cưa gẫy gông, cắt đứt xiềng xích sắt, rồi trói chặt tay hai Cha vào cột đoạn chém cổ hai Cha”.
Sau khi thi hành án trảm, lý hình tung đầu hai Cha lên cao ba lần và nói lớn: “Đầu đạo trưởng đã bị chém đây”.Cha Tôma Đunh Viết Dụ hưởng thọ 56 tuổi, đã lãnh nhận phúc tử đạo đúng năm cha mừng lễ Ngân Khánh Linh mục của Cha. Một mùa Ngân Khánh được ghi vào lịch sử Giáo Hội Việt nam. Thi thể của hai cha được an táng ngay tại pháp trường Bảy Mẫu. Tháng Giêng năm 1841 giáo dân cải táng và rước về đặt tại nhà thờ Lục Thủy thuộc giáo phận Bùi Chu.
Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã suy tôn Ngài lên bậc Chân Phước ngày 27 tháng 3 năm 1900. Sau khi được tôn phong lên bậc Chân Phước, giáo quyền lại đặt thi hài của cha thánh Tôma Đinh Viết Dụ trong một chiếc hòm gỗ sơn son thiếp vàng và trưng bày tại Đền thánh Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Phú Nhai. Đời đời mãi mãi ghi nhớ hình ảnh vị thánh nhân chứng Đức Tin, Người con ngoan ngoãn của Đức Mẹ Mân Côi. Ngày 19 tháng 6 năm 1988 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên bậc Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam.
————————————————
Ðaminh Nguyễn Văn Xuyên (1786 – 1839)
***
Ai ơi giữ lấy túi khôn,
Dẫy tràn tin cậy đầy lòng mến yêu.
Gươm đao đe đọa dẫu nhiều,
Quỷ ma cám dỗ sớm chiều đe loi.
Ai mà thắng được trên đời,
Mai sau hưởng phúc cõi trời cao sang.
Đó là những vần thơ lục bát do thánh Đaminh Xuyên sáng tác trong ngục tù, vừa diễn tả tâm tình của mình vừa khuyên nhủ các tín hữu đến thăm. Những vần thơ ngắn gọn nhưng cô đọng trọn vẹn triết lý sống của các vị tử đạo, lòng tràn đầy niềm tin yêu vượt qua mọi gian khổ để chiếm đoạt vinh quang nước trời.
Tấm lòng người tu sĩ áo trắng
Đaminh Nguyễn Văn Xuyên còn có tên là Doãn, sinh năm 1786 tại làng Hưng Hiệp, tỉnh Thái Bình. Thấy con có trí thông minh, cha mẹ cho cậu đi học chữ Nho, rồi gửi gấm cậu cho Đức cha Delgado Y dạy bảo. Được Đức cha nhắc nhở, cậu Xuyên chăm chỉ học hành, nhất là học giỏi giáo lý. Lớn lên, ngài cho anh vào chủng viện, và trao ban chức linh mục năm 1819. Ngày 20.4 năm sau, cha Xuyên tuyên khấn trong dòng thánh Đaminh. Từ đó, cha rất nhiệt thành phục vụ các giáo hữu, không ngừng đi nhiều nơi giảng tĩnh tâm, dạy giáo lý và sốt sắng cử hành phụng vụ bí tích.
Trước tiên, cha Xuyên coi xứ Phạm Pháo, tỉnh Nam Định, rồi về xứ Kẻ Mèn, Thái Bình trong ba năm. Tại đây, ngài lập họ đạo mới, họ Thanh Minh, chọn thánh Vinh sơn làm bổn mạng. Sau cha phụ trách xứ Đông Xuyên 13 năm. Thời gian này dân chúng bị hạn hán mất mùa nhiều năm, và bị giặc Phan Bá Vành quấy phá nên đói nghèo khổ sở. Có lần cha phải dốc cạn túi để giúp đỡ họ, có lần cha nhường phần cơm của mình… Bao giờ cha cũng để một ngân khoản riêng làm việc bác ái, từ thiện.
Cuối năm 1836, cha được bổ nhiệm làm phụ tá cha Fernandez Hiền tại chủng viện Ninh Cường giữa lúc cuộc bách hại của vua Minh Mạng gay gắt. Năm sau cha về làm quản lý giáo phận Đông Đàng Ngài, giúp Đức cha Delgado Y. khi Đức cha phải lưu lạc về Kiên Lao rồi bị bắt thì cha Xuyên vừa tìm chỗ ẩn trốn, vừa giúp xứ Hạ Linh. Tuy phải lang thang nay nhà này mai nhà khác, cha cũng phục vụ các tín hữu ở đây được khoảng một năm. Ngày 18.8, cha đến cử hành lễ mừng thánh Gioakim, bổn mạng họ Phú Đường (họ lẻ xứ Hạ Linh) thì bị bắt. Một giáo viên trước có dạy ở Bùi Chu biết mặt cha đã đi báo quan kiếm tiền thưởng.
Bền trí trung kiên…
Cha Xuyên dâng lễ gần xong, nghe tiếng loa gọi của quân lính, cha vội rước hết Mình Thánh rồi cởi áo lễ đi trốn. Nhưng không kịp nữa, quân lính đã tóm bắt cha và dẫn đến quan phủ. Quan phủ cười hỏi: “Đưa đây một số bạc, ta tha cho về”. Cha trả lời: “Tôi chẳng có đồng nào trong người, nếu quan tha tôi cám ơn, nếu quan bắt tôi xin chịu”. Về sau giáo hữu Hạ Linh góp tiền đem đến chuộc, nhưng quan phủ không dám thả nữa vì trên tỉnh đã biệt.
Khi nghe thuật lại chuyện, cha Xuyên an ủi họ : “Anh em hãy để tiền lo cho giáo xứ thì hơn, đừng tốn tiền chuộc tôi làm chi vô ích. Ý Chúa đã muốn, chẳng ai làm khác được. Anh em cứ bình an về nhà, nhớ cầu nguyện cho tôi chịu sự khó cho nên”. Thế rồi cha mang gông nặng theo lính về Nam Định.
Biết cha là quản lý tòa Giám mục, Tổng đốc Trịnh Quang Khanh không những bắt cha bỏ đạo mà còn muốn khai thác các tài sản giáo phận. Lần đầu tiên khi ra lệnh đánh đòn, Tổng đốc đứng ngay bên thúc giục: “Đánh nữa, mạnh lên cho đến khi nó chịu khai và xuất giáo”. Người chiến sĩ đức tin chỉ biết kêu tên cực trọng “Giêsu, Maria, xin cứu con !”, cho đến khi bất tỉnh phải khiêng về ngục.
Những lần sau ngài cố gắng cắn răng chịu đựng không kêu một tiếng, cũng chẳng tiết lộ điều gì về giáo phận. Quan tổng đốc cho dùng những cực hình đã man hơn : lấy sắt nung đỏ dí vào cháy từng miếng thịt, cầm kìm nguội, kẹp hay cắt nhiều chỗ trên thân thể … Nhưng cha can đảm gắng sức nói thẳng với quan: “Dù sống dù chết, tôi cũng không bỏ đạo. Tôi chọn cái chết để sống đời đời, hơn là nghe quan sống thêm ít lâu mà muôn đời bị tiêu diệt”.
Nhiều lần quá đau đớn ngất xỉu giữa cuộc tra tấn. Sợ vị quản lý giáo phận chết sớm, Tổng đốc sai lính đưa cha về ngục, cho mời lang y chữa trị để mong biết được những tài sản mà ông tưởng là vô số. Đến khi cha Xuyên bình phục, quan lại đưa ra khảo nữa, nhưng ông phải thất vọng vì thực sự giáo phận chẳng có gì để khai, mặt khác, chẳng bao giờ cha chịu khuất phục bỏ đạo.
Phần thưởng nước trời
Ngày 25.10, quan Tổng đốc lập bản án trảm quyết gởi về kinh đô. Tháng sau bản án của cha Xuyên và cha Dụ trở lại Nam Định. Những ngày cuối, hai cha được giam chung một phòng, tay bắt mặt mừng, xưng tội với nhau, an ủi khích lệ nhau vững chí đến cùng.
Ngày 26.11.1839, hai cha bị dẫn đi xử. Giữa đám quân lính đông đảo võ trang voi ngựa, hai vị chứng nhân Đức Kitô đi bộ mang gông, nhưng bình tĩnh vui vẻ, vừa đi vừa cầu nguyện cho tới pháp trường Bảy Mẫu. Dân chúng đi xem đều bỡ ngỡ thán phục. Quan hỏi lại lần chót có muốn xuất giáo để được tha không. Hai vị trả lời: “Không”, rồi đưa tay cho lính trói vào cọc đã chôn sẵn.
Hai nhát gươm cùng vung lên, hai tôi tớ Chúa được lãnh triều thiên tử đạo tiến thẳng về Trời. Cha Xuyên với 53 tuổi đời, phục vụ Chúa trong chức vụ linh mục được 20 năm. Thi thể ngài được an táng ngay tại đó. Tháng giêng năm 1841, tín hữu cải táng hài cốt ngài về Lục Thủy.
Đức Lêo XIII suy tôn cha Đaminh Nuyễn Văn Xuyên, linh mục dòng Thuyết giáo lên bậc Chân Phước ngày 27.5.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh.