16.5.2019 – Thứ năm tuần IV Phục sinh
Thật phúc cho anh em
PHÚC ÂM: Ga 13, 16-20
“Ai đón nhận kẻ Thầy sai, là đón nhận Thầy”.
Sau khi đã rửa chân các môn đệ, Chúa Giêsu phán với các ông: “Thật, Thầy bảo thật các con: Tôi tớ không trọng hơn chủ, kẻ được sai không trọng hơn đấng đã sai mình. Nếu các con biết điều đó mà thực hành thì có phúc. Thầy không nói về tất cả các con, vì Thầy biết những kẻ Thầy đã chọn, nhưng lời Thánh Kinh sau đây phải được ứng nghiệm: Chính kẻ ăn bánh của Ta sẽ giơ gót lên đạp Ta. Thầy nói điều đó với các con ngay từ bây giờ, trước khi sự việc xảy đến, để một khi xảy đến, các con tin rằng: Thầy là ai. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai đón nhận kẻ Thầy sai, là đón nhận Thầy, và ai đón nhận Thầy là đón nhận Đấng đã sai Thầy”.
Suy niệm
Khi giảng cho các Giám mục Anh Giáo,
ông Jean Vanier có kể câu chuyện như sau xảy ra tại cộng đoàn của ông,
một cộng đoàn được lập tại nước Pháp để giúp những người cơ nhỡ.
Nhà ông có nhận nuôi anh Eric, 16 tuổi, vừa mù lại vừa điếc.
Anh không đi được, không muốn ăn, chỉ quậy phá và muốn chết.
Anh thật là mối kinh hoàng cho những ai phải chăm lo cho anh.
Làm sao để anh yêu cuộc sống này ?
Làm sao để anh thấy mình được yêu và đáng quý,
bất chấp những khiếm khuyết của mình ?
Tìm đâu thứ ngôn ngữ để một người vừa mù vừa điếc hiểu được điều ấy ?
Ông Jean Vanier có nhiệm vụ tắm cho anh mỗi sáng.
Và ông đã tìm ra được thứ ngôn ngữ mà anh hiểu được, cảm được,
thứ ngôn ngữ của bàn tay, ngôn ngữ của thịt.
“Lời đã thành thịt, để thịt của chúng ta thành lời,” ông đã nói như thế.
Khi Thầy Giêsu chạm tay của mình vào chân các môn đệ để rửa
với sự trân trọng và yêu thương,
chắc họ đã cảm được thứ ngôn ngữ không lời đó.
Kinh nghiệm được Thầy rửa chân là kinh nghiệm chẳng thể nào quên.
Thầy muốn các môn đệ tiếp tục làm điều Thầy đã làm:
“Thầy đã nêu gương cho anh em,
để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13, 15).
Thầy Giêsu nhắc các môn đệ về vị thế của họ,
vị thế của người tôi tớ, người được sai.
Vị thế này hẳn thấp hơn vị thế của Thầy là chủ, là người sai họ đi (c. 16).
Bởi đó việc rửa chân cho nhau giữa các tôi tớ là một đòi buộc (c. 14).
“Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành,
thì thật phúc cho anh em !” (c. 17).
Đức Giêsu đã biến hành vi rửa chân thành mối phúc.
Con người thường tìm hạnh phúc nơi việc được phục vụ, được tôn vinh.
Thầy Giêsu dạy ta tìm hạnh phúc nơi việc cúi xuống khiêm hạ.
Nhiều kitô hữu đã nếm được thứ hạnh phúc này,
trong đó có ông Jean Vanier, Mẹ Têrêsa, cha Đamiêng, Đức Cha Cassaigne…
Họ đã tình nguyện dâng đời mình cho những người cùng khổ.
Hôm nay, Đức Giêsu vẫn ở nơi những người cần được rửa vết thương,
vết thương thể chất và tinh thần.
Hôm nay, Ngài vẫn ở nơi những người đang cúi xuống,
âm thầm, nhẹ nhàng băng bó các vết thương của thế giới.
Cầu nguyện
Lạy Thầy Giêsu,
khi Thầy rửa chân cho các môn đệ
chúng con hiểu rằng Thầy đã làm một cuộc cách mạng lớn.
Thày dạy chúng con một bài học rất ấn tượng
khi Thầy bưng chậu nước, bất ngờ đến với các môn đệ trong bữa ăn,
khi Thầy cúi xuống, dùng bàn tay của mình để rửa chân rồi lau chân cho họ.
Chắc Thầy đã nhìn thật sâu vào mắt của từng môn đệ và gọi tên từng người.
Giây phút được rửa chân là giây phút ngỡ ngàng và linh thánh.
Lạy Thầy Giêsu,
thế giới chúng con đang sống rất thấm bài học của Thầy.
Chúng con vẫn xâu xé nhau chỉ vì chức tước và những đặc quyền, đặc lợi.
Ai cũng sợ phải xóa mình, quên mình.
Ai cũng muốn vun vén cho cái tôi bất chấp lương tri và lẽ phải.
Khi nhìn Thầy rửa chân, chúng con hiểu mình phải thay đổi cách cư xử.
Không phải là ban bố như một ân nhân, nhưng khiêm hạ như một tôi tớ.
Từ khi Thầy cúi xuống rửa chân cho anh Giuđa, kẻ sắp nộp Thầy,
chúng con thấy chẳng ai là không xứng đáng cho chúng con phục vụ.
Lạy Thầy Giêsu,
Thầy để lại cho chúng con một di chúc bằng hành động.
Thầy đã nêu gương cho chúng con noi theo,
để rửa chân chẳng còn là chuyện nhục nhã, nhưng là mối phúc.
Xin cho chúng con thấy Thầy vẫn cúi xuống trên đời từng người chúng con,
để nhờ đó chúng con có thể cúi xuống trên đời những ai khổ đau bất hạnh.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Lời Chúa:
“Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn.” (Ga 13,18b)
Câu chuyện minh họa:
Một đan sĩ ẩn mình trong sa mạc tu luyện. Ông bị hành hạ bởi đủ thứ cám dỗ nên quyết định rời khỏi căn chòi của mình để tìm một nơi khác.
Trong khi thầy loay hoay dọn hành lý chuẩn bị lên đường, chợt trong thấy một đan sĩ ở gần đó cũng lúi húi dọn hành lý. Thầy liền hỏi:
– Ông là ai vậy?
Người kia trả lời:
– Là “cái tôi” của anh. Nếu chỉ vì tôi mà anh ra đi thì anh nên biết rằng: dù anh đi đến đâu, tôi cũng theo anh đến đó.
Suy niệm:
Không ai biết mình hơn chính mình đâu. Và nơi mỗi người đều mang một “cái tôi” bên mình. Tùy cách sống của mỗi người mà “cái tôi” nơi mỗi người nặng hay nhẹ. Vì thế, chúng ta phải vượt lên “cái tôi” tiêu cực của mình bằng cách đối mặt và chấp nhận nó, để chúng ta suy nghĩ và sống tích cực hơn. Chúa Giêsu biết chúng ta hơn chúng ta biết chính mình. Nhưng Ngài vẫn chấp nhận chúng ta dù chúng ta có thế nào đi nữa như Madalêna, Phêrô, tên trộm lành… Ánh mắt của Thiên Chúa luôn dõi bước theo từng chặng đường trong cuộc đời chúng ta, không phải để theo dõi và xét xử nhưng với sự yêu thương và săn sóc.
Xin tình yêu Chúa biến đổi cuộc đời, cách sống và suy nghĩ của chúng con để chúng con luôn vui sống với ân ban của Chúa.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
Suy niệm
Khi Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, Chúa đã truyền dạy hai điều: các con hãy rửa chân cho nhau tức là hãy phục vụ cho nhau; và các con hãy tiếp đón sứ giả đem Lời Chúa và Mình Thánh Chúa đến cho mình.
Trước hết, hãy rửa chân cho nhau hay là hãy phục vụ cho nhau. Chúa Giêsu đã luôn làm như thế, Người dạy các Tông đồ như thế và mỗi Kitô hữu chúng ta cũng phải noi theo gương mẫu đó. Phục vụ cho nhau, nó không phải là một nghi thức nhưng là điều phải thực hành mỗi ngày trong đời sống chúng ta. Trong gia đình mỗi người, trong môi trường mà mình hiện diện, không thiếu những cơ hội để chúng ta sống điều Chúa dạy, hãy khiêm nhường phục vụ người khác.
Thứ hai, đón tiếp sứ giả của Chúa. Khi đón tiếp như vậy là chúng ta đón tiếp chính Chúa. Chúa Giêsu muốn chúng ta sống cởi mở, hiệp thông với nhau, với Giáo Hội và với Chúa. Việc chúng ta đi theo Chúa luôn, trước tiên, là Chúa đưa chúng ta đi theo. Không hiệp thông với Chúa sao chúng ta đủ sức đi cùng. Đi theo Chúa luôn,cũng đồng thời, là cùng đi với những người đi theo Chúa. Hiệp thông với Giáo Hội thì giống như để mình được nối kết trong một sợi dây của những người leo núi. Không hiệp thông với Giáo Hội thì chúng ta sẽ bị rớt lại vì biết bao khó khăn của hành trình leo núi.
Lạy Chúa, xin cho gia đình chúng con luôn sống trong yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Tình yêu thương trong gia đình là biểu hiện rõ nét nhất cho khả năng chúng con có thể sống yêu thương trong xã hội. Amen.
Nguồn: GKGĐ – Gp. Phú Cường