15.5.2019 – Thứ tư tuần IV Phục sinh
Không tự mình nói
PHÚC ÂM: Ga 12, 44-50
“Ta là sự sáng đã đến thế gian”.
Khi ấy, Chúa Giêsu lớn tiếng nói rằng: “Ai tin vào Ta thì không phải là tin vào Ta, nhưng là tin vào Đấng đã sai Ta. Và ai thấy Ta là thấy Đấng đã sai Ta. Ta là sự sáng đã đến thế gian, để bất cứ ai tin Ta, người ấy sẽ không ở trong sự tối tăm. Nếu ai nghe lời Ta mà không tuân giữ, thì không phải chính Ta xét xử người ấy, vì Ta đã đến không phải để xét xử thế gian, nhưng là để cứu độ thế gian. Ai khinh dể Ta, và không chấp nhận lời Ta, thì đã có người xét xử: lời Ta đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết. Bởi vì Ta đã không tự mình nói ra, nhưng Cha là Đấng sai Ta, chính Người đã ra lệnh cho Ta phải nói gì và phải công bố gì. Và Ta biết rằng lệnh của Người là sự sống đời đời. Những điều Ta nói, thì Ta nói theo như Cha đã dạy”.
Suy niệm:
Tự do là điều con người trân trọng.
Bao người dám chết để đổi lấy một chút tự do.
Các bạn trẻ thèm được tự do, để được là mình.
Người ta vẫn hiểu người có tự do là người muốn làm gì thì làm,
muốn nói gì thì nói, không bị bất cứ ràng buộc nào.
Nếu thế thì Đức Giêsu có tự do không?
Đức Giêsu có tự do không khi trong bài Tin Mừng Ngài khẳng định:
“Không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi,
truyền lệnh cho tôi phải nói gì, phải tuyên bố gì” (c. 49) ?
“Những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi” (c.50).
Ngài có tự do không khi Ngài cũng chẳng tự mình làm bất cứ điều gì?
“Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi, Người không để tôi cô độc,
vì tôi luôn làm những điều đẹp ý Người” (Ga 8, 29).
Bao nhiêu lần trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu quả quyết
Ngài không tự mình nói gì, cũng không tự mình làm gì.
Ngài chỉ sống theo lệnh truyền của Cha (Ga 15, 10).
Lệnh truyền này không áp đặt Ngài từ bên ngoài,
nhưng chi phối sâu xa từ bên trong
toàn bộ hướng đi và những chọn lựa cụ thể của cuộc sống trần thế.
Đức Giêsu đã tự do đón lấy ý Cha, lệnh truyền của Cha.
Chính khi hoàn toàn để Cha chi phối, mà Ngài được tự do thật sự.
Chính khi đó Đức Giêsu trở thành sự hiện diện trong suốt của Cha.
“Ai thấy tôi là thấy Chúa Cha, Đấng đã sai tôi (Ga 12, 45; 14, 9).
Lời của Ngài là lời của Cha, việc Ngài làm là việc của Cha.
Chúng ta có thể gặp được Thiên Chúa một cách nguyên tuyền nơi Đức Giêsu,
Đấng đã dâng hiến tất cả tự do để sống hoàn toàn tùy thuộc.
Chính khi hoàn toàn tùy thuộc mà Ngài được hoàn toàn tự do.
Người được sai là một với người sai mình.
“Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10, 30).
Hãy đến với Giêsu Ánh Sáng và ra khỏi những bóng tối (c.46).
Hãy nghe, đón nhận và tuân giữ lời của Giêsu (cc. 47-48).
Chỉ khi ở lại trong lời của Giêsu chúng ta mới gặp được sự thật
và sự thật sẽ cho chúng ta được tự do (Ga 8, 31-32).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu,
và trọn cả ý muốn của con,
cùng hết thảy những gì con có,
và những gì thuộc về con.
Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con,
lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa.
Tất cả là của Chúa,
xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.
Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng.
Được như thế, con hoàn toàn mãn nguyện. Amen.
(Kinh dâng hiến của thánh I-Nhã)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Lời Chúa:
“Ai tin vào tôi thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi”. (Ga 12,44)
Câu chuyện minh họa:
Đời Đường bên Tàu, có gia tộc của quan Trương Công Nghệ, chín đời ông bà con cháu chút chít ở chung với nhau dưới một mái nhà, được danh truyền là “Cửu đại đồng đường”. Danh tiếng này vang đến cả vua Cao Tông, vua đã khen ngợi gia tộc này như một truyện lạ, một mẫu gương hiếm có. Nên chính vua, một hôm đã đích thân tới thăm, để tận mắt thấy được cảnh gia tộc xum họp ấy. Vua đã hỏi quan Trương Công Nghệ làm thế nào mà gia tộc chín đời có thể sống chung được như vậy. Quan Trương Công Nghệ đã bảo con cháu đem giấy bút ra, và ông đã viết 100 chữ NHẪN, tựa để là “BẤT NHẪN” để dâng lên vua Cao Tông. Từ đó truyền lại cho hậu thế gương gia tộc Trương Công Nghệ với danh xưng “BẤT NHẪN”.
Suy niệm:
Mối tương quan mật thiết giữa Chúa Cha và Chúa Giêsu đã được Chúa Giêsu khẳng định trong bài Tin mừng hôm nay, một mối quan hệ không thể tách rời: Ngài và Chúa Cha là một. Vì Chúa Giêsu đã thi hành thánh ý Cha cách trọn vẹn, từ lời nói đến hành động. Đó cũng là mục đích mà Ngài đến trong trần gian này. Vậy, là những môn đệ của Chúa, chúng ta cần phải tiếp nhận và thực hành điều Chúa dạy, thì chúng ta sẽ hạnh phúc và được nếm hưởng sự sống đời đời.
Lạy Chúa, xin đẩy lui những gì cản bước tiến chúng con, để chúng con sẵn sàng và mau mắn thực thi ý Chúa mỗi ngày đời con.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
Suy niệm
Để sống hạnh phúc, con người cần được yêu thương và cần biết mình được yêu thương. Thiên Chúa yêu thương con người và muốn tỏ ra cho con người biết tình yêu đó. Chúa Giêsu là mặc khải trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa.
Để đáp lại tình yêu Thiên Chúa và sự tỏ bày tình yêu qua mặc khải của Chúa Giêsu, thì hành vi ý nghĩa nhất và cân xứng nhất mà con người có thể làm đó là tin vào Thiên Chúa và những điều Ngài truyền dạy.
Cũng như lòng yêu mến Thiên Chúa, thì đức tin vào Thiên Chúa là điều tuyệt vời nhất của con người. Tin và mến là hai mặt của một tờ giấy. Chúng ta không thể yêu mến Chúa khi chúng ta không biết Ngài. Chúng ta cũng không thể sống theo Lời Ngài khi chúng ta không yêu mến Ngài. Tin và yêu luôn đồng hành với nhau.
Lạy Chúa, như thánh Âu Tinh, chúng con muốn nguyện xin rằng: Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con. Hai cái biết này giúp con thêm kính sợ và yêu mến Chúa, thêm khiêm nhường cậy trông vào Chúa hơn. Amen.
Nguồn: GKGĐ – Gp. Phú Cường