10.8.2019 – Thánh Laurensô, phó tế tử đạo
Mang nhiều hoa trái
PHÚC ÂM: Ga 12, 24-26
“Ai phụng sự Ta thì Cha Ta sẽ tôn vinh nó”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thật, Ta nói thật với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó”.
Suy niệm:
Khi nghĩ đến cái chết sắp đến của mình,
Đức Giêsu lại nghĩ đến thân phận hạt lúa mì.
Ngài nói một điều mà ai cũng biết như một định luật tự nhiên,
một điều chẳng làm ai ngỡ ngàng kinh ngạc.
“Nếu một hạt lúa rơi xuống đất và không chết đi, nó trơ trọi một mình;
nhưng nếu nó chết đi, nó mới mang nhiều hoa trái” (c. 24).
Đức Giêsu ví mình như hạt lúa đem gieo.
Điều kiện để đời Ngài đơm bông kết trái, đó là cái chết.
Không chấp nhận chết đi, hạt lúa vẫn chỉ là hạt lúa trơ trọi.
Đức Giêsu không muốn mình là thứ hạt lúa ấy,
được bao bọc vững chắc bởi lớp vỏ,
cố giữ cho mình được nguyên vẹn,
vì thế cũng chẳng chịu vươn ra khỏi mình,
chẳng dám đánh mất chính mình để nảy mầm sinh hạt.
Đức Giêsu đã đón lấy cái chết như con đường để sự sống sinh sôi.
Cái chết của Ngài trên thập giá
có khả năng kéo được mọi người lên (Ga 12, 32),
và thu hút cả vũ trụ về với Thiên Chúa.
Có một hạt lúa mang tên Giêsu.
Hạt lúa ấy đã chấp nhận chịu mục nát,
để cả thế giới trở thành đồng lúa thơm trĩu hạt.
Mỗi Kitô hữu cũng là một hạt lúa,
được mời gọi để sống như hạt lúa Giêsu.
“Ai yêu mạng sống của mình, thì sẽ mất nó;
còn ai ghét mạng sống của mình ở trần gian này,
thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời” (c. 25).
Vấn đề là yêu hay ghét cuộc sống ở đời này.
Kitô hữu không phải là những kẻ chán đời hay khinh rẻ cuộc đời tại thế.
Ghét mạng sống ở đây chỉ có nghĩa là không đặt nó lên chỗ cao nhất,
không để nó chiếm chỗ của Thiên Chúa.
Chính khi nhận ra giá trị tương đối của cuộc đời trần thế này,
chúng ta mới có hy vọng giữ được nó mãi mãi.
Ngược lại, thái độ bám chặt vào đời này, gắn bó với nó một cách lệch lạc,
lại dẫn đến việc đánh mất hạnh phúc, cả đời này lẫn đời sau.
Thánh Laurensô đã bị thiêu sống ở Rôma trên một chiếc giường sắt,
sau khi ngài đã phân phát tài sản của cộng đoàn cho người nghèo.
Thầy phó tế Laurensô đã sống như người phục vụ cho Đức Kitô (c. 26)
bằng cuộc sống và cái chết tử đạo năm 258.
Được ở bên Thầy Giêsu mãi mãi và được Cha Thầy quý trọng,
đó là điều Laurensô được hưởng và cũng là hy vọng của chúng ta.
Cầu nguyện:
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế Người là tất cả của tôi.
Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,
đến với Người trong mọi sự,
và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.
Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,
nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người
và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi.
(R. Tagore)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Lời Chúa:
“Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không thối đi thì nó vẫn trơ trọi một mình…”(Ga 12,24)
Câu chuyện minh họa:
Mùa Xuân năm ấy, có hai hạt giống nằm cạnh nhau trong thửa đất màu mỡ. Hạt giống thứ nhất hăng hái nói: “Tôi muốn mọc lên! Tôi muốn cắm rễ sâu xuống lòng đất, và đâm chồi xuyên qua lớp đất cứng bên trên. Tôi muốn vươn lên những búp non mơn mởn như những lá cờ loan báo mùa xuân đã đến… Tôi muốn cảm nhận hơi ấm của mặt trời mơn man trên mặt và hơi nước mát lạnh của sương mai trên những cánh hoa”. Và nó đã mọc lên xanh tốt.
Hạt giống thứ hai tự nhủ: “Mình sợ lắm! Nếu cắm rễ xuống đất, mình chẳng biết sẽ gặp gì trong lòng đất tối tăm. Nếu mình tìm đường xuyên qua lớp đất cứng bên trên, biết đâu những chồi non yếu ớt của mình sẽ bị thương tổn… Làm sao mình có thể cho búp non xòe lá khi một chú sâu đang chờ sẵn để xơi tái đọt lá xanh non? Và nếu mình nở hoa, một em bé có thể nhổ đứt mình lên! Không, tốt hơn mình nên đợi cho đến lúc an toàn hơn”. Và nó tiếp tục đợi chờ… Một sáng đầu xuân, cô gà mái bới đất kiếm ăn đã thấy hạt giống đang nằm chờ đợi. Cô chẳng đợi gì mà không mổ lấy, nuốt ngay.
Suy niệm:
Hạt giống mà không được gieo vào đất thì sẽ chẳng sinh được hoa trái. Nhưng hạt giống phải được cắm sâu vào lòng đất, chịu mục nát, trở thành cây và sinh nhiều hoa trái. Mỗi người trong chúng ta muốn lớn lên, muốn thành đạt thì cũng phải từ bỏ rất nhiều mới mong đạt được những kết quả tốt đẹp. Đời sống thiêng liêng của chúng ta đối với Chúa cũng vậy, muốn kết hiệp mật thiết với Chúa, chúng ta cần từ bỏ ý riêng, để chỉ mong làm theo thánh ý Chúa mà thôi. Và khi chúng ta chấp nhận mất đi những gì riêng tư, nhỏ bé, chúng ta sẽ được những gì cao cả, là hạnh phúc vĩnh cửu, là chính Chúa.
Lạy Chúa, xin cho con ra khỏi chính mình, ra khỏi những vỏ bọc an toàn, chịu chết đi cho bản thân, chết đi những chọn lựa hằng ngày, để con rộng mở với Thiên Chúa và tha nhân.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
Suy niệm
Đoạn Tin Mừng này thường được chọn đọc tronglễ mừng các thánh tử vì đạo, cụ thể trong thánh lễ hôm nay mừng kính thánh Lôrensô. Theo logic thánh thiêng, ý nghĩa của Tin Mừng hôm nay diễn tả giá trị của hy sinh và hoa trái của nó mang lại. Một hạt lúa gieo xuống lòng đất, thối nát đi để sinh nhiều bông hạt khác; một người dám hy sinh thân mình vì đức tin, thì máu của họ cũng sinh ra nhiều Kitô hữu khác. Tư tưởng này của giáo phụ Tertulianô, nó được ứng nghiệm trong chiều dài lịch sử Giáo Hội. Nhiều người nằm xuống vì đức tin để khai sinh những vụ mùa bội thu cho Hội Thánh Chúa Kitô.
Chúng ta nhìn thấy điều này trong lịch sử Hội Thánh. Thời sơ khai, biết bao nhiêu Kitô hữu đã phải trả giá bằng mạng sống của mình. Trải qua gần 300 năm bị bắt bớ, những trang sử về các Kitô hữu sống dưới các hang toại đạo, câu chuyện về Thánh Lorenxô tử đạo, hay thánh Agnes, Lucia, và nhiều vị thánh tử đạo trong giai đoạn này cũng dệt thêm nhiều trang bi thương nhưng hào hùng của các Kitô hữu thời đầu. Không có họ, liệu đức tin Kitô giáo có được lưu truyền và lan rộng?
Giáo Hội Việt Nam cũng không ngoại lệ, máu các anh hùng tử đạo đã dám đổ ra để làm chứng cho đức tin. Ngày hôm nay, có nhiều cơ hội và nhiều dịp để chúng ta tái hiện lại những giai đoạn lịch sử đó. Chúng ta không hiểu tại sao những Kitô hữu đơn sơ đó lại can đảm đến như thế. Thật là một mầu nhiệm, vì Chúa Giêsu là hạt lúa mì đầu tiên đã dám chịu mục nát, dám chết đi cho nhân loại. Chúa Giêsu đã chết trong tay con người, với quyền lực của thế gian, và tưởng chừng cái chết ấy là chiến thắng cho những kẻ không tin vào Người. Nhưng rồi Người đã sống lại. Niềm tin này đã là niềm hy vọng để con người dám đánh đổi cả mạng sống mình để đạt đến một sự sống viên mãn hơn.
Những Lời Chúa nói, chúng ta phải ghi khắc: “ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Ai phục vụ Thầy, hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó”. Còn gì chắc chắn hơn cho chúng ta như thế.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con trung kiên theo Chúa, cho dù chúng con có phải chịu nhiều hy sinh, phải đi qua cửa hẹp. Xin đừng để chúng con chùn bước trước khó khăn và những cám dỗ của thế gian. Amen.
GKGĐ – Gp. Phú Cường