Lời Chúa Chúa nhật 33 Thường niên C
Thời kỳ sau rốt
Chú giải của Noel Quesson
Khi năm phụng vụ sắp kết thúc (… nhưng một năm phụng vụ mới sẽ đến ngày sau đó bằng một “mùa vọng” mới), Giáo Hội đề nghị chúng ta suy niệm về thời gian. . .bằng cách suy nghĩ về thời kỳ sau rốt. Thật vậy, người ta ngạc nhiên mà nhận thấy rằng khi sắp chấm dứt cuộc sống trần gian, Đức Giêsu đã chấm dứt việc giảng dạy của Người bằng một diễn từ dài về thời cánh chung. Theo Máccô và Mát-thêu, việc loan báo đền thờ bị phá hủy được trình bày chung với việc loan báo ngày thế mạt. Còn Luca, Ngài phân biệt rõ ràng hai viễn cảnh đó.
Nhân có mấy người nói về Đền Thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng.
Vào thời của Đức Giêsu, Đền thờ Giê-ru-sa-lem là đền thờ độc nhất của thế giới còn mới nguyên. Hê-rô-đê đã bắt đầu việc xây dựng Đền thờ vào năm 19 trước công nguyên. Những đá cẩm thạch, đồ vàng, màn trướng, đồ gỗ ốp tường được chạm trổ làm khách hành hương phải thán phục. Người ta nói : “Người nào không nhìn thấy Giê-ru-sa-lem trong vẻ huy hoàng của nó, người ấy không bao giờ thấy được niềm vui. Người nào chưa bao giờ nhìn thấy Đền Thánh, Người ấy chưa bao giờ nhìn thấy một thành phố thật sự đẹp”. Và các môn đệ của Đức Giềsu cũng ngạc nhiên thán phục như mọi người.
Đức Giêsu bảo : “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào”.
Những Người hành hương đến Rô-ma sẽ phản ứng ra sao nếu một đám đông dân chúng tụ tập trước .Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô, Đức Giáo Hoàng tuyên bố : Mái vòm Micae An-giê-lô kia, hàng cột Bernin kia, toàn bộ kiến trúc này của Vatican . . . . không còn tảng đá nào trên tảng đá nào, . . tất cả sẽ bị phá hủy . . . ”
Chúng ta đoán được lời tiên tri ấy của Đức Giêsu đã gây ra sự sửng sốt và cớ gây vấp ngã như thế nào : đó sẽ là nguyên nhân cái chết của Người trước Thượng Hội Đồng (Mt 26,61).
Như thế, không hòa theo khúc nhạc thán phục của các môn đệ, không buông mình cho sự “an toàn giả tạo” của toàn thể nhân loại lúc nào cũng tưởng rằng mọi sự sẽ trường tồn như nó đang hiện có… Đức Giêsu loan báo sự mỏng dòn và tạm bợ của những công trình đẹp nhất của nhân loại : mọi sự sẽ bị tàn phá. Vâng một ngày kia, chính “thời gian” cũng sẽ chấm dứt. Tôi dành thời gian để suy niệm về sự mỏng dòn của tôi về đặc tính ngắn ngủi của cuộc đời, của vẻ đẹp, của tất cả Tất cả những gì chấm dứt đều ngắn ngủi. Phải biết nhìn trực diện với… thực tại của sự chấm dứt… của sự già cỗi đi không ngừng của mọi vật. . . của bước đi chậm chạp và khắc nghiệt đưa mọi sinh vật về cái chết.
Họ hỏi Người : “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, có điềm gì báo trước ?”
Thật vậy đây là một câu hỏi mà chúng ta luôn luôn đặt ra cho mình : khi nào ? Chúng ta muốn biết rõ ngày tháng. Chúng ta tưởng rằng biết được chắc sẽ có lợi ?
Đức Giêsu đáp : “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng : “Chính ta đây; “Thời kỳ đã đến gần” , anh em chớ có theo họ…”
Tất cả các học thuyết của những “giáo phái “khác nhau nói trước ngày trở lại của Đức Kitô đều bị câu nói này của Đức Kitô đánh đổ.
Chúng ta phải sống, ngày qua ngày, không cần biết giờ nào…
Đức Giêsu tuyệt đối không bận tâm đến ngày giờ. Trái lại điều duy nhất Người lo lắng là các môn đệ của Người nên đứng ngoài cơn sốt tận thế và những nổi kinh hoàng thường ám ảnh trí tưởng tượng của con người… và đẩy họ vào vòng ảnh hưởng của bất kỳ “kẻ cứu độ” giả hiệu nào. “Chính ta đây !”…
“Các ông sẽ thấy, tôi có giải pháp cho mọi vấn đề của các ông !”… “Các ông hãy bỏ phiếu cho tôi, tôi là con người do Trời sai đến”… Những đấng Mê-si-a giả hiệu, những ngôn sứ giả hiệu nổi lên khắp nơi bên tả, bên hữu, phía đông, phía tây, phía nam, phía bắc. Họ tin chắc về chính họ. Họ sẽ thay đổi xã hội con người và sau cùng làm cho nó trở nên hạnh phúc. Thời gian không còn trôi qua nữa, sự vật không còn bị hư nát -nữa. Người ta trẻ mãi. Cảnh thiên đàng trên mặt đất không còn chết chóc, không còn áp bức nữa. Ngày mai, hớt tóc khỏi mất tiền. Mười hai tháng nghỉ phép được trả lương. .
Những lời hứa về chính trị. Những giấc mơ cũ kỹ không thể có được.
“Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt”. Đức Giêsu lặp lại với chúng ta.
“Anh em chớ có theo những tên bịp bợm !” Vào thời của thánh Luca, những kẻ bịp bợm không nên theo đó sử dụng ngôn ngữ tôn giáo, cả những từ ngữ mà Đức Giêsu dùng khi mới bắt đầu sứ vụ của Người : “Chính ta đây !” (Mc 6,50 ; Ga 8,24.28.58) “Triều Đại của Thiên Chúa đã gần đến !” (Lc 10, 11 ; Mt 3,2 – 4,17 – 10,7)
“Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu. Rồi Người nói tiếp : “Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có những trận động đất lớn và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém ; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điều lạ lớn lao từ trời xuất hiện” .
Mối lo lắng thứ hai của Đức Giêsu, sau khi đã cảnh báo chống lại các ngôn sứ giả hiệu chính là tố giác sự sợ hãi : dù có chiến tranh, nổi dậy, xung đột, động đất, dịch bệnh, các hiện tượng kinh hoàng thì đó không phải là những dấu chỉ của “tận thế” và không phải là lý do để sợ hãi.
Tính hiện thực sâu sắc của Đức Giêsu : “Những việc đó phải xảy ra” . Và chúng xảy ra không ngừng. Chúng ta hãy cố gắng giữ bình tĩnh.
Những tai họa trong lịch sử và trong vũ trụ mà Đức Giêsu gợi ra ở đây là bộ phận của một ngôn ngữ được mã hóa, ngôn ngữ “khải huyền”. Thể loại văn chương khuôn sáo này phát sinh một cách chính xác vào thời những lời hứa cao cả của các ngôn sứ Ít-ra-en dáng như làm cho Người ta thất vọng. Niềm hạnh phúc được hứa ban đã không đến. Dân tộc bạn của Thiên Chúa bị ngoại bang đè bẹp. Thật là một cớ gây vấp ngã và là thử thách đối với đức tin. Có nên tiếp tục tin vào Thiên Chúa đó không ? Chính lúc đó để tiếp sức cho các ngôn sư người viết văn khải huyền tái khẳng định trung tâm điểm của đức tin : Thiên Chúa là chủ tể của lịch sử. Nhưng phải biết chờ đợi. Sứ điệp của các khải huyền nói về tương lai. Tương lai này là của Thiên Chúa. Tương lai duy nhất của con người nằm trong tay Thiên Chúa. Một ngày kia, trong Ngày của Thiên Chúa, tất cả lịch sử nhân loại sẽ hoàn tất và tương lai đó hoàn toàn chắc chắn cho phép chúng ta kiên trì trong hiện tại dù ở giữa những đảo lộn và tai ương. Còn bạn, tai ương của bạn là gì ? Trước tai ương đó, Đức Giêsu nói với bạn : “Con đừng sợ !”.
Cũng thế, bạn được hứa ban một tương lai tuyệt vời ở đó bạn sẽ hạnh phúc. Chớ gì sự chờ đợi và hy vọng ấy soi sáng ngày hôm nay của bạn ! Còn bạn, thế giới hôm nay, đâu là tai ương tập thể của bạn ! Trước tai ương này, Đức Giêsu nói : “Các con đừng sợ !”
Những sách khải huyền là dấu chỉ của niềm hy vọng : Thiên Chúa nói : “Các con hãy tin vào Ta”. Dù cho các ngôi sao rơi rụng, dù cho các ngôn sứ suy sụp, dù cho mọi sự của nhân loại sụp đổ, vẫn còn có thể có lột tương lai. Dù khi cái chết hiện ra vẫn còn Hy vọng triệt để, tuyệt đối… không dựa trên con người nhưng trên Thiên Chúa !
Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp cho các hội đường nhà tù, và điệu đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy ?”
Chúng ta đoán thêm rằng đối với Đức Giêsu, sự sợ hãi duy nhất của các môn đệ là phải sợ đánh mất đức tin. Đức Giêsu loan báo rằng, trước khi Giê-ru-sa-lem bị tàn phá, thì rất sớm, các môn đệ sẽ bị bách hại. Khi Luca viết thì sự việc đã xảy ra. “Phêrô và Gioan giảng dạy cho dân thì có viên lãnh binh trong đền thờ và nhóm người theo phe Xa-đốc kéo đến. Họ bắt hai ông và tống ngục cho đến ngày hôm sau, thánh Luca đã kể lại trong Công vụ Tông đồ (4,l.3 – 5,18 – 8,3 – 12,4). Những cuộc bách hại đã xảy ra và cắm mốc toàn bộ lịch sử Giáo Hội…còn NGÀY HÔM NAY.
Đức Giêsu nói mạnh bạo ! Bách hại, thử thách Đức tin đối với Đức Giêsu không còn là điều đáng sợ mà là một thứ cơ may : một cơ hội để “làm chứng” trước mặt những kẻ bách hại (theo nghĩa thứ nhất ? cho kẻ bách hại hiểu biết đức tin). . . hoặc còn là một – cơ hội để lập được công nghiệp “làm chứng cho mình” trước mặt Thiên Chúa (theo nghĩa thứ hai : người môn đệ chung tỏ lòng tin của mình khi chịu bách hại)…
Tôi có được tinh thần lạc quan, sâu xa, triệt để, tuyệt đối đó không ? Phải chăng trong đức tin, tôi thật sự tin rằng tôi có thể cùng với Thiên Chúa, rút ra một lợi ích dù có những thử thách đau đớn nhất và có bề ngoài tàn phá nhất.
Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được. Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.
Trông cậy. Nhẫn nại. Niềm tin bất chấp mọi hoàn cảnh !
Những lời của Thiên Chúa, những lời này người ta không thể xác minh nhưng phải tin !
Những lời này không nên hiểu theo nghĩa cụ thể : bởi vì rất hiển nhiên, máu người Kitô hữu đã đổ, đầu họ đã rơi ! Đức tin không giữ họ khỏi chết, khỏi chịu đau khổ. Nhưng đức tin hiến dâng mạng sống ! Xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng con.