Thập Giá và Vinh Quang
Một trong những bức họa nổi tiếng của danh họa Rafaello, người Ý là bức họa Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor. Hiện nay bức tranh này đang được cất giữ tại bảo tàng viện Vatican.
Bức tranh có 2 phần. Phần trên diễn tả cảnh Chúa Giêsu biến hình trong ánh sáng rực rỡ. Ở bên phải là ông Môisen, đại diện cho luật cũ, bên trái là ông Êlia, đại diện cho các tiên tri trong Cựu Ước. Ở dưới chân Chúa là ba tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan đang sấp mặt xuống đất trong sự sợ hãi.
Phần dưới, người ta thấy có 9 môn đệ và một gia đình vây quanh một cậu bé đang bị bệnh. Tất cả đều chìm ngập trong khung cảnh mờ ảo, tối tăm. Trong số 9 môn đệ, có 2 môn đệ đang làm một cử chỉ đặc biệt : một người chỉ tay về phía cậu bé, một người chỉ tay lên Chúa Giêsu.
Trong cùng một bức họa, người ta nhìn thấy 2 hình ảnh trái ngược nhau : một hình ảnh đầy vẻ tươi sáng huy hoàng, một hình ảnh u buồn ảm đạm.
Bức họa ấy đã lột tả được 2 thực tại của cuộc sống con người, cũng là 2 khía cạnh của cuộc đời người tín hữu : thập giá và vinh quang.
Cuộc biến hình vinh quang
Hôm nay, trong bài Tin Mừng, thánh Matthêu đã mô tả cảnh tượng Chúa Giêsu biến hình trên núi cao. Mỗi chi tiết trong cuộc biến hình của Chúa đều mang một ý nghĩa riêng biệt.
– Chúa Giêsu đã tuyển chọn 3 tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan như là những nhân chứng cho cuộc biến hình có lẽ vì 3 tông đồ này luôn đi theo sát bên Chúa. Chính 3 nhân chứng này cũng có mặt trong “cuộc hấp hối” của Chúa trên Núi Cây Dầu. Thế nhưng, dù tuyển chọn 3 tông đồ làm chứng nhân trong biến cố này, Chúa vẫn căn dặn họ : “Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại”. Chúa muốn các ông là những chứng nhân trọn vẹn của cuộc hành trình từ thập giá tới vinh quang, là những chứng nhân không phải bằng lời nói mà bằng việc làm.
– Khi biến hình mặt Chúa chiếu sáng và áo Ngài trắng như tuyết. Qua đó, Chúa Giêsu hé mở cho các tông đồ thấy bản tính Thiên Chúa ngời sáng qua nhân tính của Ngài. Chúa Giêsu muốn tỏ bày một phần thiên tính cao cả, để nâng đỡ đức tin non yếu của các tông đồ.
– Chúa Giêsu biến hình trước sự hiện diện của ông Môisen và Êlia, là 2 nhân chứng trong Cựu Ước. Ngày xưa, 2 ông đã từng được Thiên Chúa tỏ hiện trên núi qua đám mây và ngọn lửa (Xh 19, 9; 1V 19, 8 -18). Hôm nay, 2 ông lại được Chúa tỏ hiện trong vinh quang của một Thiên Chúa cao cả. Điều đó cho thấy Cựu Ước trong sắc màu u tối đã được “biến hình” nơi Tân Ước với ánh sáng rạng ngời.
– Với sự phấn khởi, 3 tông đồ xin được dựng 3 lều cho Chúa, cho ông Môisen và cho ông Êlia. Các tông đồ muốn ở lại mãi trong ánh vinh quang huy hoàng. Nhưng Chúa không trả lời về điều này, vì Chúa biết trước rằng : sẽ đến một ngày, khi dung mạo Chúa bị người ta làm “biến dạng” thành kẻ tội phạm trên Núi Sọ, thì các tông đồ bỏ trốn thay vì xin cắm lều ở lại với Chúa.
– Giữa lúc biến hình, có tiếng Chúa Cha phán từ trong đám mây : “Đây là Con Ta yêu dấu, rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Ngài”. Ngoài sự chứng kiến của loài người, Thiên Chúa Cha cũng làm chứng về Chúa Giêsu là Người Con Yêu Dấu. Chúa Giêsu là Người Con Chí Ái vì Ngài đã đi trọn con đường tuân phục thánh ý Chúa Cha. Con đường đó khởi đi từ thập giá để đến vinh quang.
Qua cuộc biến hình trên núi, Chúa muốn biểu lộ dung mạo vinh quang của ngài để chuẩn bị cho các ông bước vào hành trình thập giá, nhất là Ngài muốn dạy các ông : để được hưởng vinh quang ấy, các ông phải trải qua con đường đau khổ.
Hành trình từ thập giá đến vinh quang
Nếu Rafaello có bức họa “Chúa Biến Hình” nổi tiếng, thì nhà danh họa Alonso Cano, người Tây Ban Nha, cũng có bức họa khắc trên gỗ nổi tiếng không kém. Tác phẩm mang tên “Ecce Homo” : Này là Người. Bức họa diễn tả khuôn mặt Chúa Giêsu bị bầm dập loang máu vì đòn vọt. Với mão gai trên đầu, 2 tay bị trói lại, sợi dây thừng quấn quanh cổ, Chúa bị dẫn ra trước đám đông dân Do Thái. Philatô chỉ vào Ngài và nói : “Này là Người”.
Bức họa ấy đã diễn tả toàn cảnh bức tranh đau khổ của cuộc đời Chúa Giêsu. Từ Núi Cây Dầu đến Núi Sọ là cuộc hành trình khổ nạn đớn đau mà Chúa đã trải qua. Nếu trong cuộc biến hình, dung mạo của Thiên Chúa vinh hiển được biểu lộ nơi khuôn mặt của một con người, thì trong cuộc khổ nạn, dung mạo ấy đã bị biến đổi thành chân dung của người tử tội.
Các sự kiện trong cuộc biến hình đã lặp lại trong cuộc khổ nạn, nhưng được phủ lên một màu sắc đầy bi thương.
– Nơi Vườn Cây Dầu, cũng có sự hiện diện của 3 tông đồ có mặt trong cuộc biến hình. Nhưng thay cho tâm trạng phấn khởi vui mừng, các ông đã ngủ mê mệt, để mặc Chúa lo buồn sầu não.
– Trong cuộc thương khó, thay cho khuôn mặt sáng chói và áo trắng như tuyết, là gương mặt đầy thương tích với tấm áo nhuộm đỏ máu hồng.
– Thay cho sự hiện diện của 2 nhân chứng trong Cựu Ước là Môisen và Êlia, có sự hiện diện của những kẻ qua đường là những “chứng nhân đương thời” với những lời nhạo báng diễu cợt dưới chân thập giá.
– Thay vì xin được cắm lều ở lại với Chúa như trong cuộc “hiển dung”, các môn đệ đã bỏ Thầy chạy trốn trong cuộc khổ nạn của Ngài.
– Thay cho lời âu yếm của Chúa Cha : “Này là Con Ta yêu dấu”, chỉ có lời thống thiết của Chúa Giêsu trên thập giá : “Lạy Cha, sao Cha đành bỏ Con ?” (Mt 27, 46).
Từ thập giá đến vinh quang luôn luôn là một cuộc hành trình dài đầy khổ đau. Tuy nhiên, sau cuộc khổ nạn và cái chết, Chúa Giêsu đã sống lại vinh hiển. Ánh sáng Phục Sinh đã chiếu soi vào bức tranh bi thảm ấy, xua tan những “mảng tối” đau thương để biến thành một khung cảnh tươi sáng rực rỡ.
Đó chính là cuộc hành trình mà tổ phụ Abraham đã đi qua : trong niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, Abraham đã từ bỏ quê cha đất tổ để đi đến một nơi mà ông không hề hay biết. Trải qua những thử thách cam go, Abraham đã được Thiên Chúa cho trở thành tổ phụ một dân tộc lớn lao và chiếm hữu được Đất Hứa “chảy sữa và mật ong” (Bài đọc I, St 12, 1 – 4a).
Đó cũng là cuộc hành trình của mỗi người tín hữu hôm nay. Trên cuộc hành trình đó, chúng ta được mời gọi từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày đi theo Chúa (Mt 17, 1 – 9). Nếu chúng ta trung thành đi theo Chúa trên con đường đau khổ, chúng ta sẽ được hưởng vinh quang phục sinh với Ngài.
Ngoài ra, cuộc hành trình đức tin của người tín hữu cũng còn là cuộc hành trình loan báo Tin Mừng cho mọi người. Chúng ta được mời gọi để đi ra khỏi con người ích kỷ biếng lười, lên đường đem Tin Mừng đến cho người khác bằng đời sống luôn tỏa sáng niềm tin. Hành trình loan báo Tin Mừng cũng có nhiều gian khổ, đắng cay, đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ và hy sinh. Như lời thánh Phaolô kêu gọi hôm nay : “Anh em hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng” (Bài đọc II, 2Tm 1, 8b – 10).
“Hãy cho tôi 3 ngày, tôi sẽ cho các anh cả một thế giới”. Đó là lời ông Kha Luân Bố hứa với các thuỷ thủ trên đường vượt biển khám phá ra Châu Mỹ.
Ngày hôm ấy, Kha Luân Bố ra khơi cùng với đoàn thuyền gồm 3 chiếc và 120 thuỷ thủ.
Sau gần 3 tháng lênh đênh trên mặt biển, các thuỷ thủ bắt đầu chán nản và thất vọng vì không nhìn thấy đích đến. Họ đòi quay về với gia đình. Kha Luân Bố đã năn nỉ họ : “Hãy cho tôi thêm 3 ngày nữa, tôi sẽ cho các anh cả một thế giới”. Các thuỷ thủ đồng ý chờ thêm 3 ngày nữa.
Ngày thứ nhất, rồi ngày thứ 2, và ngày thứ 3 trôi qua … Các thuỷ thủ hoàn toàn tuyệt vọng ! Khi chuẩn bị quay về đất liền, thì họ đã reo hò mừng rỡ khi nhìn thấy một dải đất xuất hiện từ đàng xa. Đó chính là Châu Mỹ giàu có ngày hôm nay.
Cuộc vượt biển trần gian của mỗi người chúng ta cũng giống như vậy : phải trải qua sóng gió và thử thách mới đến được bến bờ vinh quang.