YÊU THƯƠNG KẺ THÙ
Trong một tiết học, giảng sư đề nghị các học viên trả lời câu hỏi: Hai vị trung úy cùng tuổi và học chung một khóa, giữa hai người đang có sự bất hòa, trung úy B chủ động làm hòa. Vậy ai là người có bản lãnh và cao thượng hơn? 90 phần trăm học viên trả lời: Trung úy B là người dũng cảm, 10 phần trăm học viên coi đó là hành động hèn nhát. Chúng ta nhận định thế nào?
Có người coi việc tha thứ cho kẻ thù là thái độ hèn nhát, nhưng sự thật thì những ai dám tha thứ cho kẻ xúc phạm đến mình, đó mới là người mạnh mẽ và có bản lãnh.
Nuôi lòng hận thù và tìm cách báo oán là lẽ thường tình, vì nó thỏa mãn tính tự ái và tự tôn nơi mỗi người. Nhưng chắc chắn sự hận thù sẽ làm tâm hồn của người cưu mang nó bất an. Chẳng những thế, hành động ấy sẽ phá vỡ những tương quan tốt đẹp giữa người với người, làm cho cuộc sống chung trở nên nặng nề, và trong rất nhiều trường hợp dẫn đến xung đột, thương tật và chết chóc. Như lửa đang cháy được đổ thêm dầu, hành động trả thù sẽ làm gia tăng oán hận.
Vì thế, các bậc hiền nhân đã khuyên mọi người tha thứ cho kẻ thù. Đức Phật từng dạy: “Lấy đức báo oán, oán sẽ tan; lấy oán báo oán, oán chồng chất.” Khổng Tử thì nói: “Tứ hải giai huynh đệ.” Đời sống chung không thể tránh được những bất đồng và bất hòa, nhưng muốn cõi lòng được bình an và mọi người sống với nhau như anh em thì điều trước hết phải làm là tha thứ; đồng thời, cần loại khỏi tâm trí sự đố kỵ, ghen ghét và hận thù.
Trước khi có những lời dạy của các bậc thánh hiền, Giavê Thiên Chúa đã truyền cho dân Israen: “Đừng giữ lòng thù ghét anh em, nhưng hãy răn bảo họ công khai, để khỏi mang tội vì họ. Đừng tìm báo oán, đừng nhớ lại lời mắng nhiếc của kẻ đồng hương.” (Lv 19, 17-19) Là dân riêng của Chúa, chẳng những không được nguyền rủa và oán thù mà còn phải giúp nhau sống thuận hòa. Nếu không góp phần hòa giải sẽ mắc lỗi, vì tất cả đều là con cháu Tổ Phụ Abraham và cùng tôn thờ một Thiên Chúa.
Vượt xa các lời dạy tha thứ trước đó, Đức Giêsu mời gọi: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” (Mt 5, 44) Như vậy, không chỉ dừng lại ở việc loại bỏ lòng thù hận mà phải tích cực hơn: yêu thương và cầu nguyện cho những người đang có điều bất hòa với chúng ta, nghĩa là yêu mến và mong cho họ được may lành như chính bản thân mình.
Ngoài những lý do mang tính xã hội thúc đẩy chúng ta tha thứ cho kẻ thù, người tín hữu còn được mời gọi yêu thương và tha thứ vì những lý do siêu nhiên: mọi người đều được Thiên Chúa yêu thương: “Người cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.”(Mt 5, 45) Toàn thể nhân loại được máu của Chúa Giêsu đổ ra để cứu chuộc, tất cả mọi người được mời gọi trở nên hoàn thiện và sẽ chung hưởng hạnh phúc Nước Trời.
Chẳng những thế, trước mặt Thiên Chúa chúng ta đều là tội nhân, nên muốn được hưởng ơn tha thứ, mỗi người phải biết quảng đại bỏ qua lầm lỗi cho những kẻ xúc phạm đến mình: “Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em.” (Mc 11, 25)
Khi dạy tha thứ và làm hòa với kẻ thù, chính Đức Giêsu đã nên gương cho chúng ta, vì Người là Đấng giao hòa nhân loại tội lỗi với Thiên Chúa: “Nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hòa giải với Thiên Chúa.” (2 Cr 5, 18) Kinh Thánh còn cho chúng ta biết, nhờ cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, Vua Hêrôđê và quan Philatô đã trở thành bạn hữu của nhau. (Lc 23, 2-12) Và khi ở trên thập giá, Người đã xin Chúa Cha tha tội cho những kẻ hành hình Người: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23, 34)
Noi gương Đức Kitô, nhiều tín hữu đã quảng đại tha thứ cho kẻ làm nhục và giết hại mình. Thánh Stêphanô vị tử đạo đầu tiên của Hội Thánh, trước khi tắt thở đã cầu xin cho những người ném đá ngài: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này.” (Cv 7, 60) Thánh Maria Goretti (1890-1902), đã tha thứ cho chàng thanh niên toan hãm hiếp và đâm cô đến độ trọng thương.
Ai cũng muốn được yêu thương và mong được người khác sẵn sàng bỏ qua những lầm lỗi đã phạm, nhưng chúng ta lại khó lòng tha thứ cho những người từng làm tổn thương đến bản thân và gia đình mình. Thật vây, những lời xỉ nhục và vu khống chúng ta phải chịu, thương tích hoặc những tháng năm tù tội do kẻ ác tâm gây nên, của cải bị tước đoạt cách bất công… là những nỗi đau không dễ xóa nhòa khỏi tâm trí.
Chẳng những thế, khi chúng ta tha thứ cho kẻ thù, có người sẽ nói đó là thái độ hèn nhát. Tính tự ái cũng là sợi dây trói buộc, khiến những người trong cuộc khó bước tới hòa giải. Nhất là người đang có mối bất hòa với chúng ta lại tỏ ra kiêu căng và cố chấp không muốn làm hòa.
Có người đã từng tuyên bố: “Dù có bị Chúa phạt xuống hỏa ngục, tôi cũng không tha thứ cho nó. Nếu Thiên Đàng mà có hắn, tôi xin xuống hỏa ngục, vì không muốn nhìn thấy mặt nó.” Ôi, lòng thù hận thật kinh khủng và việc hòa giải khó khăn chừng nào!
Thiên đàng là nơi tràn ngập yêu thương nên không thể có bóng dáng sự thù ghét, chỉ những người biết quảng đại tha thứ lỗi lầm cho tha nhân mới có thể bước vào được nơi đó. Nhưng để thật lòng tha thứ và hòa giải, chúng ta phải dám tự hủy, hủy tính kiêu căng, bỏ tính tự ái và loại khỏi tâm trí mọi ganh ghét, oán thù.
Lạy Chúa, chúng con cần đến tình thương và ơn tha thứ của Chúa, nhưng lại không đủ quảng đại để tha thứ cho anh chị em đang có sự bất hòa, xin giúp sức để chúng con: biết đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm.”
Lm. Mt