VUI MỪNG VÌ ĐƯỢC GẶP ĐẤNG CỨU ĐỘ
Đã nhiều năm, một người luôn vui vẻ chấp nhận cuộc sống với những thiếu thốn về tiền bạc và rắc rối trong gia đình. Có người hỏi ông:
– Làm thế nào mà ông có thể vui như thế?
Ông trả lời:
– Tất cả đều tùy thuộc cách nhìn.
– Thế nghĩa là gì? Ông có thể nói rõ hơn?
– Trước hết tôi nhìn lên trời và nhớ rằng công việc chính yếu của tôi là đạt tới trời, rồi nhìn xuống đất và cố hình dung một nắm đất tôi sẽ nằm xuống sau khi chết, nó thật là bé nhỏ. Sau cùng tôi nhìn đến biết bao người đàn ông, đàn bà và trẻ thơ ở bên cạnh hoặc trên khắp trái đất này, họ còn khổ cực hơn tôi nhiều. Ba cái nhìn đó khiến lòng tôi an vui và tránh được những lời than vãn, trách móc.
Trong cuộc sống, mỗi người chúng ta đã đón nhận nhiều niềm vui và nỗi buồn. Có những cuộc vui đến rồi đi trong thoáng chốc, nhưng cũng có niềm hân hoan định hướng cho tương lai và thay đổi cả cuộc đời.
Những niềm vui bắt nguồn từ thực tại trần thế như: vui xuân, thi đậu tốt nghiệp. mừng sinh nhật… sẽ qua mau cùng với thời gian. Ngược lại, niềm vui đến từ Thiên Chúa thì lâu bền và có sức biến đổi cuộc sống. Tác giả sách Huấn Ca bày tỏ niềm xác tín: “Kính sợ Đức Chúa khiến tâm hồn sung sướng, cho con người được hoan hỷ mừng vui.” (Hc 1, 12) Kinh Thánh đã ghi lại lời reo vui của những người được Thiên Chúa yêu thương và cứu độ. Đặc biệt, đọc các sách Tin Mừng, chúng ta thấy rất nhiều người lòng tràn đầy hân hoan khi gặp được Đức Giêsu Kitô, Đấng là niềm vui và ơn cứu độ của muôn dân.
Đức Maria tràn đầy vui mừng vì được phúc cưu mang Đấng cứu độ. (Lc 1, 45-55) Gioan trong dạ thân mẫu đã nhảy lên vui sướng vì được gặp Đức Giêsu còn là bào thai trong lòng trinh mẫu. (Lc 1, 39-45) Các nhà đạo sĩ theo ánh sao đi tìm vị vua mới sinh, khi gặp được, họ vô cùng mừng rỡ, quì xuống và tiến dâng Người lễ vật. (Mt 2, 1-11)
Với đoạn Tin Mừng vừa nghe, chúng ta dễ hình dung niềm vui chất ngất của cụ Simêon và nữ tiên tri Anna. Vì đang khi nhiều bậc tổ phụ và ngôn sứ của Israen mong thấy Đấng Thiên Sai của Thiên Chúa nhưng chẳng hề gặp, vậy mà hai vị đã được diễm phúc chiêm ngắm Đấng muôn dân trông đợi.
Cụ Simêon ẵm trẻ thơ Giêsu trên đôi tay già nua run rẩy, nhưng chính Hài Nhi ban cho ông niềm vui ơn cứu độ, nâng ông lên tận nguồn sáng và hạnh phúc đích thật, nên tâm hồn ông tràn ngập niềm hân hoan. Với niềm vui chất ngất trong tâm hồn, ông cất lời ca: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi, vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ.” (Lc 2, 29-30).
Gặp Đức Giêsu, không chỉ để thấy một con người, dù là một người có quyền năng trong lời nói và hành động, nhưng là mở lòng đón nhận Đấng đem đến ơn cứu độ và sự đổi mới. Khi mời Đức Giêsu vào nhà, ông Giakêu đã đón nhận niềm vui, ơn hoán cải cuộc đời và hồng ân tha thứ: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này.” (Lc 19, 9)
Đức Giêsu còn là nguồn an ủi và nâng đỡ cho những ai sầu khổ: “Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách.” (Dt 2, 18) Hai môn đệ trên đường từ Giêrusalem về Emmau là một bằng chứng sống động, họ bước đi trong tâm trạng thất vọng, chán nản và buồn phiền, nhưng khi gặp Đức Giêsu phục sinh, nỗi buồn và sự mệt mỏi tan biến, lòng tràn đầy hân hoan, ngay đêm ấy họ trở về Giêrusalem loan báo tin vui cho các anh em. (Lc 24, 13-35)
Hai ngàn năm qua, nhờ gặp được Đấng cứu độ, bao gia đình Công Giáo đã nêu gương đời sống thuận hòa và thủy chung, nhiều người đã can đảm sống đức ái trọn hảo và rất nhiều chứng nhân tử đạo đã lấy máu đào minh chứng niềm tin.
Ai cũng muốn sống trong an vui, người Kitô hữu càng khao khát niềm vui vì được mang danh Đức Kitô là nguồn hạnh phúc vĩnh cửu. Nhưng một đàng, do những thú vui trần thế lôi kéo làm chúng ta xao lãng niềm vui đích thực; đàng khác, những lo âu vất vả thường ngày cũng khiến nhiều người không cảm nghiệm được muôn hồng phúc Chúa ban.
Để có niềm vui đich thực, chúng ta cần tâm niệm lời tác giả sách Gương Phúc: “Đừng mong tìm vui thú chóng qua, đừng bận tâm vì của thế tục, lương tâm bạn sẽ được trong sạch biết mấy!”
Với những khó khăn trong hằng ngày, những trải nghiệm và lời khuyên của Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận sẽ là lời động viên chúng ta: “Vui với người thương con. Vui với người ghét con. Vui lúc con hớn hở. Vui lúc con đau khổ tê tái. Vui lúc mọi người theo con. Vui lúc con cô đơn bị bỏ rơi. Vui tươi và làm cho mọi người đến với con cũng cảm thấy bầu khí vui tươi, mặc dù lòng con tan nát. Đó là thánh thiện hơn mọi sự ăn chay hãm mình.” (ĐHV 539)
Nếu không cảm nhận niềm vui trong cuộc sống, lòng chúng ta sẽ bất an và những mối tương quan với tha nhân sẽ trở nên nặng nề. Ước chi nhờ gặp được Đức Giêsu, chúng ta được tràn đầy niềm vui trong tâm hồn, và trở thành người đem an vui của Chúa đến với tha nhân.
Lm. Mt