Hôn nhân:
Quà tặng của tình yêu và sự sống
***
C.S Lewis có lần đã nhận xét một cách khôn ngoan: “Khi mọi người đang vội vã lao về phía vách núi, bất cứ ai đi theo hướng ngược lại sẽ bị xem là điên rồ”.
Vào tháng Bảy năm 1968, phần lớn thế giới nghĩ rằng Đức Giáo hoàng Phaolô VI bị mất trí vì ngài đã ban hành thông điệp đã được chờ đợi từ lâu, Thông điệp Sự sống Con người (Humanae Vitae), trong đó nhắc lại lệnh cấm lâu đời của Giáo Hội về mọi hình thức ngừa thai. Một làn sóng chống đối giận dữ bùng lên đối với quyết định của Đức Giáo Hoàng. Công giáo cũng như không Công giáo đều mắng nhiếc “ông già độc thân tại Vatican” vì đã cản trở sự hội nhập hoàn toàn của Giáo Hội để đi vào kỷ nguyên hiện đại.
Khi chúng ta kỷ niệm lần thứ bốn mươi thông điệp lịch sử này, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của thông điệp đối với thời đại chúng ta. Để làm nền tảng cho những nhận xét của tôi, tôi muốn đặt Thông điệp vào bối cảnh thời gian của nó. Vào năm mà Đức Giáo Hoàng Phaolô ban hành Thông điệp Sự sống Con người, Paul Ehrlich đã xuất bản một cuốn sách nhan đề “Quả bom Dân số” (The Population Bomb). Trong quyển sách bán chạy nhất (bestseller) năm 1968 này, Ehrlich đã đưa ra một số dự đoán ảm đạm. Chẳng hạn như:
– “Cuộc chiến nuôi ăn toàn thể nhân loại đã chấm dứt. Vào thập niên 1970 thế giới sẽ trải qua nạn đói… hàng trăm triệu người (bao gồm người Mỹ) sẽ chết đói…”
Thực tế: Sản xuất lương thực trên toàn thế giới tiến xa hơn sự tăng trưởng dân số, nạn béo phì hiện nay giết chết 300.000 người Mỹ mỗi năm.
– “Ấn Độ không thể nuôi ăn hơn hai trăm triệu người năm 1980.”
Thực tế: Từ năm 1968, Ấn Độ đã tăng gấp đôi dân số lên đến nửa tỷ, và vẫn tự túc về lương thực.
– So sánh sự bùng nổ dân số với một khối u ung thư, Ehrlich bắt phải “cắt căn bệnh ung thư [quá nhiều người]” như là phương thuốc duy nhất để cứu nhân loại.
Thực tế: Ngày nay châu Âu đang hấp hối, với hầu hết các nước dao động quanh 60% mức sinh thay thế.
Trong bối cảnh đi ngược lại lời tiên đoán này, phản ứng với Thông điệp Sự sống Con người của Đức Giáo hoàng Phaolô VI hẳn nhiên không không có gì bất ngờ, mặc dù Thông điệp chỉ diễn tả lại những gì Giáo Hội đã dạy 2.000 năm qua. Cụ thể là:
“Có một mối liên kết không thể tách rời giữa hai ý nghĩa của hôn nhân: kết hợp và truyền sinh. Thiên Chúa đã thiết lập mối liên kết này và con người không có quyền tự ý hủy bỏ” (HV số 12)
Trong Sách Đệ Nhị Luật 18,21 chúng ta học cách phân biệt một vị tiên tri thật với tiên tri giả: Lời tiên tri có trở thành hiện thực hay không? Đánh giá bằng tiêu chuẩn này, Paul Ehrlich là một tiên tri giả. Còn Đức Phaolô VI thì sao?
Đức Giáo Hoàng Phaolô VI dự đoán bốn hậu quả tàn khốc nếu sử dụng các biện pháp tránh thai leo thang:
1) Sự không chung thủy trong hôn nhân gia tăng;
2) Nhìn chung đạo đức suy đồi, nhất là trong giới trẻ;
3) Chồng xem vợ đơn thuần chỉ là đối tượng tình dục;
4) Các chính phủ cưỡng bách các chương trình kiểm soát sinh sản quy mô trên người dân của họ.
Bốn mươi năm sau, bức tranh đạo đức bị vương vãi với thực tế ảm đạm:
1) Tỷ lệ ly hôn đã tăng gấp ba.
2) Các căn bệnh lây truyền qua đường tình dục đã gia tăng từ 6 lên đến 50.
3) Tài liệu khiêu dâm, nhất là trên Internet, là một bệnh dịch lây nhiễm hàng triệu người mỗi năm.
4) Triệt sản bắt buộc đối với phụ nữ ở các nước thế giới thứ ba, với chính sách một con của Trung Quốc là tiên phong.
Trong những năm tuổi già sức yếu, Thánh Augustinô đã viết tác phẩm đồ sộ ngài, Kinh thành của Thiên Chúa (The City of God). Theo Thánh Augustinô, toàn thể thế giới bao gồm hai cộng đồng: Kinh thành của Thiên Chúa và Kinh thành của Con Người. Công dân của mỗi kinh thành được xác định không phải do nơi sinh hoặc nơi cư trú, mà là do đối tượng tình yêu của một công dân: đặt tình yêu của Thiên Chúa lên trên bản thân, hay tình yêu của bản thân trên Thiên Chúa.
Hai kinh thành vẫn ở với chúng ta. Paul Ehrlich và Đức Giáo hoàn Phaolô VI cũng có thể phù hợp như là biểu tượng của mỗi kinh thành. Kinh thành này, sự chết và bóng tối thắng thế, còn kinh thành kia là sự sống và ánh sáng. Sự chết hay sự sống? Lựa chọn là của chúng ta!
Đức Cha Victor Galeone, Giám mục Danh dự của Giáo phận St. Augustine, Florida, Hoa Kỳ.
Tạ Ân Phúc dịch
Nguồn: UBMVGĐ