1. Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng
Lúc 6 giờ chiều thứ Tư 6 tháng 3, do sáng kiến của Hồng y đoàn, buổi cầu nguyện cho việc bầu Tân Giáo Hoàng đã được cử hành tại Nhà Nguyện Ngai Tòa ở đầu Đền thờ Thánh Phêrô.
Buổi cầu nguyện đã kéo dài hơn một tiếng đồng hồ, do Đức Hồng Y Niên Trưởng Angelo Sodano chủ sự với việc lần chuỗi Mân Côi bằng tiếng La tinh và Ý. Tiếp theo đó là nghi thức đặt Mình Thánh Chúa, kinh Chiều và sau cùng là Phép Lành Mình Thánh Chúa.
Trước đó vào buổi sáng trong phiên khoáng đại thứ tư tại Hội trường mới của Thượng Hội Đồng Giám Mục ở Nội thành Vatican đã có thêm 3 vị Hồng Y cử tri là Đức Hồng Y Karl Lehmann, Giám Mục giáo phận Mainz, nguyên là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, Đức Hồng Y Thượng Phụ Antonios Naguib người Ai cập, Đức Hồng Y Gioan Thang Hán Giám Mục Hương Cảng.
Trong số 153 Hồng Y hiện diện có 113 Hồng Y cử tri. Như vậy còn thiếu 2 Hồng Y cử tri là Đức Hồng Y Nycz, Tổng Giám Mục Varsava Ba Lan, và Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn của tổng giáo phận Sàigòn. Hôm nay thứ Năm 7 tháng 3, Đức Hồng Y Nycz đã có mặt trong buổi họp khoáng đại ban sáng. Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn cũng đã có mặt trong buổi họp ban chiều lúc 5h.
Đức Hồng Y niên trưởng Sodano đã chúc mừng Đức Hồng Y Walter Kasper tròn 80 tuổi hôm 5 tháng 3, và trở thành người cao niên nhất trong số các Hồng Y cử tri. Tuy 80 tuổi nhưng Đức Hồng Y vẫn có quyền dự mật nghị vì ngài tròn 80 tuổi sau khi Tòa Thánh trống ngôi Giáo Hoàng. Ngoài ra Đức Hồng Y Sodano cũng chúc mừng sinh nhật Đức Hồng Y Sandoval Tổng Giám Mục Santa Cruz, Bolivia, 73 tuổi, và Đức Hồng Y Francesco Coccopalmerio 75 tuổi.
Trong phiên họp thứ Tư, đã có 18 Hồng Y lên tiếng phát biểu ý kiến. Như vậy tổng cộng có 51 Hồng Y năm châu đã phát biểu trong 4 phiên họp.
Trong phiên họp sáng thứ Tư, Đức Hồng Y Francesco Coccopalmerio là Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về các văn bản luật, người vừa mừng sinh nhật thứ 75 như chúng tôi vừa nêu đã bày tỏ sự phản đối của ngài vì ký giả Andrea Tornielli của tờ La Stampa đã có bài tường thuật khá chi tiết bài phát biểu của ngài hôm thứ Ba trong đó ngài phàn nàn là lãnh đạo các cơ quan tại giáo triều Rôma không thường xuyên gặp Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 và các sáng kiến của họ thường bị Phủ Quốc Vụ Khanh bác bỏ.
Chính vì thế, các Hồng Y Hoa Kỳ đã hủy bỏ cuộc họp báo dự định diễn ra tại trường Đại Học Bắc Mỹ. Thực ra, trong các cuộc họp báo của các vị Hồng Y Hoa Kỳ, các ngài không hề đề cập đến những nội dung được các Hồng Y phát biểu trong các phiên họp khoáng đại.
Trong cuộc họp báo trưa Thứ Tư, cha Federico Lombardi cũng tỏ ra rất dè dặt ngài cho biết chung chung là các đề tài phát biểu nhắm đến 3 nội dung: Thứ nhất là sứ mạng của Giáo Hội trong thế giới ngày nay, nhu cầu tái truyền giảng Tin Mừng. Thứ hai là Tòa Thánh và các cơ quan Tòa Thánh trong liên hệ với các hàng Giám Mục trên thế giới. Và cuối cùng là những mong đợi nơi Đức Tân Giáo Hoàng.
Ngoài ra, ngài cho biết thêm là ngày khai mạc Cơ Mật Viện vẫn chưa được xác định; và các Hồng Y cũng quyết định trong ngày thứ Năm 7 Tháng 3, và những ngày sau sẽ có cả phiên họp ban sáng lẫn ban chiều.
2. Vị Hồng Y công bố tin vui “Habemus Papam”
Khi Cơ Mật Viện bầu được vị Giáo Hoàng lần này, vị Hồng Y công bố tin vui cho mọi người “Habemus Papam” (chúng ta đã có Giáo Hoàng) là Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran. Ngài là người Pháp năm nay 69 tuổi.
Năm 2005, người chịu trách nhiệm công bố “Habemus Papam” là Đức Hồng Y Joseph Ratzinger nhưng ngài được bầu làm Giáo Hoàng nên hôm 19 tháng Tư năm 2005, vị Hồng Y công bố tin mừng này là Đức Hồng Y Jorge Media Estévez.
Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran sinh tại Bordeaux và được thụ phong linh mục năm 26 tuổi. Hai mươi năm sau đó, ngài bắt đầu làm việc tại Vatican với tư cách Bộ trưởng Ngoại giao.
Hiện nay ngài đứng đầu Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại liên tôn, với trách nhiệm quan trọng là thúc đẩy mối quan hệ, với các tôn giáo khác, đặc biệt là với thế giới Hồi giáo.
3. Hồng Y Đoàn chia buồn với Venezuela
Tổng thống Hugo Chavez đã qua đời hôm thứ Ba ngày 6 tháng Ba tại Caracas, thọ 58 tuổi, sau những “biến chứng mới” sau khi được phẫu thuật ung thư tại Cuba, phó tổng thống Nicolas Maduro cho biết như trên. Sau mỗi lần phẩu thuật tại Cuba, Hugo Chavez thường bị các biến chứng nhiễm trùng đường hô hấp. Lần này, các biến chứng này quá trầm trọng cộng thêm tình trạng sức khoẻ suy sụp nên Hugo Chavez đã không qua khỏi.
Hôm 10 tháng Giêng là lễ đăng quang nhiệm kỳ tổng thống mới nhưng đã không thể thực hiện được. Hugo Chavez đã không xuất hiện công khai sau khi được phẩu thuật ung thư lần thứ 4 hôm 11 Tháng Mười Hai năm ngoái.
Một số nhà lãnh đạo trên thế giới đã gởi điện phân ưu với nước Venezuela. Trong phiên khoáng đại hôm thứ Năm, Hồng Y đoàn cũng gởi điện văn chia buồn đến phó tổng thống Nicolas Maduro.
Đặc biệt, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc, Vitali Churkin gọi là cái chết của nhà lãnh đạo một “thảm họa”. Hiện đã có không có phản ứng ngay lập tức từ chính phủ Trung Quốc. Trong những năm qua, Bắc Kinh đã hỗ trợ chương trình xã hội của Tổng thống Chavez với hàng chục tỷ đô la, để đổi lấy một cổ phần của dầu chiết xuất từ Venezuela. Nhờ mối quan hệ với nhà lãnh đạo này, ảnh hưởng của Trung Quốc ở Mỹ Latinh đã trở nên ngày càng phổ biến rộng rãi.
Trên Internet, các blogger Trung Quốc đã ca ngợi Chavez là người anh hùng người dám thách thức Mỹ. Các học giả của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung quốc thì cho rằng Tổng thống Chavez đã chứng minh rằng hoàn toàn có thể tiếp tục những ý tưởng của chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ 21, sau sự sụp đổ của Liên Xô và các thay đổi ở Đông Âu.
Tưởng cũng nên nhắc lại là hôm mùng 5 tháng 4 năm 2012, trong một diễn biến bất ngờ và gây sửng sốt cho dân chúng tại Venezuela, đặc biệt là các Giám Mục nước này, đài truyền hình quốc gia Venezuela, cơ quan thông tấn chính thức của nhà nước Venezuela, đã cho phát hình thánh lễ Tiệc Ly ngày thứ Năm Tuần Thánh tại một nhà thờ tại Barinas.
Vấn đề cho phát hình một thánh lễ đã là một chuyện lạ vì như Đức Tổng Giám Mục Roberto Luckert Leon của tổng giáo phận Coro đã nhiều lần tố cáo, đài truyền hình quốc gia Venezuela được dành riêng để đánh bóng tên tuổi Hugo Chavéz, tô hồng cho đường lối cộng sản, và mắng nhiếc các Giám Mục Công Giáo nước này.
Chuyện lạ hơn nữa là Hugo Chavéz đeo một chuỗi tràng hạt như một người Công Giáo mộ đạo, và khóc ngay trước mặt các linh mục đồng tế trong thánh lễ và anh chị em giáo dân. Tờ The Wall Street Journal tường thuật rằng, đứng trên bục giảng quay mặt xuống anh chị em giáo dân, Hugo Chavéz vừa khóc, vừa nói như sau:
“Lạy Chúa xin cho con cuộc sống, thậm chí là một cuộc sống bị thiêu đốt, hoặc đau đớn đi nữa cũng không quan trọng [miễn còn sống là được]”.
“Lạy Chúa Kitô, cứ trao cho con mão gai của Ngài… đưa nó cho con, con sẽ mang lên dù chảy máu… xin cho con thánh giá của Chúa, một trăm thánh giá đi nữa con cũng chịu vác, nhưng xin cho con cuộc sống bởi vì còn có nhiều thứ con chưa làm xong… đừng bắt con đi bây giờ.”
Khi Đức Thánh Cha sang thăm Cuba từ Thứ Hai 26 đến Thứ Tư 28 tháng Ba, Hugo Chavéz đã có mặt tại đó vào hôm thứ Bẩy 24 tháng Ba để xạ trị và được tường trình là cũng bày tỏ ý muốn được gặp Đức Giáo Hoàng. Tuy nhiên, sau đó chuyện không thành.
Khi mới được bầu lên làm tổng thống, Chavez và Hội Ðồng Giám Mục có mối giao hảo tốt. Y luôn tuyên bố y là người Công Giáo, có chủ trương cải cách xã hội và chủ trương không phá thai. Tuy nhiên, mối giao hảo bị suy đồi dần khi các Ðức Giám Mục chống lại bản dự thảo hiến pháp dành quá nhiều quyền cho Chavez và đường lối đưa đất nước vào con đường chủ nghĩa xã hội.
Giáo quyền tại tổng giáo phận Caracas cho biết vào những ngày sau cùng, Hugo Chavez đã làm hòa với Giáo Hội và đã nhận được các bí tích sau cùng.
4. Đức Thượng Phụ Louis Raphaël Sako Đệ Nhất đăng quang tại Baghdad
Trong bối cảnh an ninh nghiêm nhặt, Đức Thượng Phụ Louis Raphaël Sako Đệ Nhất đã long trọng đăng quang tại Baghdad như là người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Canđê. Biến cố này diễn ra hôm thứ Ba 6 tháng Ba, tức là năm tuần sau khi ngài được bầu trong thượng hội đồng Giám Mục Canđê tại Rôma.
Đức Tân Thượng Phụ thành Babylon của người Công Giáo Canđê, đứng đầu một Giáo Hội với 419,000 tín hữu Công giáo Đông phương, nói với La Croix rằng các ưu tiên của ngài là tổ chức lại giáo triều Babylon, bổ nhiệm các Giám Mục trống tòa, và cập nhật các sách phụng vụ.
“Phụng vụ cải cách chưa từng bao giờ xảy ra trong Giáo Hội chúng tôi. Chúng tôi cử hành Thánh Lễ theo sách lễ cổ xưa, và mỗi giáo phận có sách lễ riêng của mình. Chúng ta cần phải cập nhật phụng vụ của chúng ta để đối thoại được với con người ngày nay, vì vậy đây là việc mang lại ý nghĩa và nhiều hy vọng. “
Sinh năm 1948, Đức Tân Thượng Phụ thành Babylon đã được thụ phong linh mục tại Giáo Phận Đông Phương của Mosul vào năm 1974 và là Tổng Giám Mục của Kirkuk vào năm 2003.
5. Cộng sản ban thưởng cho các giám mục tiếm danh tại Trung quốc
Bốn giám mục tiếm danh của Trung quốc, không ai trong số họ được công nhận bởi Vatican-đã được chỉ định các chức vụ rất cao trong quốc hội Trung Quốc, Đại hội nhân dân và Hội nghị Tư vấn Chính trị Nhân dân Trung Quốc.
Những người này gồm có ông Hứa Bỉnh Chương giám mục tiếm danh của giáo phận Sán Đầu, người được thụ phong giám mục mà không có sự cho phép từ Tòa Thánh và bị vạ tuyệt thông vào năm 2011, giờ đây là một thành viên của Đại hội đại biểu nhân dân.
Ông Mã Anh Lâm giám mục tiếm danh của giáo phận Côn Minh, chủ tịch của Hội Đồng Giám mục Trung Quốc là tổ chức được Bắc Kinh công nhận, nhưng Tòa Thánh không công nhận đã được “cơ cấu” vào Hội nghị Tư vấn Chính trị Nhân dân Trung Quốc.
Cũng được bầu vào Hội nghị Tư vấn Chính trị Nhân dân Trung Quốc còn có ông Chiêm Tư Lộc giám mục tiếm danh của giáo phận Mẫn Đông, là phó chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục bất hợp pháp; và ông Lôi Thạch Nhân giám mục tiếm danh của giáo phận Lạc Sơn, phó chủ tịch Hội Công giáo Yêu nước, là người đã chính thức bị rút phép thông công trong năm 2011.