Tính đáng tin cậy của Thánh Kinh (tiếp theo và hết)
Khoa Khảo cổ giúp chúng ta nhận định được tính đáng tin cậy của Kinh Thánh.
PHẦN HAI: KHÍA CẠNH KHẢO CỔ HỌC
Điều đầu tiên cần nhấn mạnh là không một khám phá khảo cổ học nào từ trước đến nay đã nói ngược lại một qui chiếu Thánh Kinh (19). Ngược lại, khảo cổ đã xác nhận lịch sử tính chủ yếu của truyền thống Cựu Ước. William F. Albright ghi chú rằng: “Chủ nghĩa hoài nghi thái quá đối với Thánh Kinh của các trường phái lịch sử quan trọng trong các thế kỷ 18 và 19 đã dần dần bị mất uy tín. Hết khám phá này đến khám phá khác đã thiết lập được sự chính xác của không biết bao nhiêu sự kiện, khiến người ta càng ngày càng phải công nhận nhiều hơn giá trị của Thánh Kinh như một nguồn tài liệu lịch sử” (2).
Các học giả ngày nay, nói chung, tỏ ra kính trọng những truyện kể về các tổ phụ hơn các đàn anh của họ trước đây. Điều ấy, theo giáo sư H. H. Rowley, không phải chỉ vì họ có những giả định dè dặt hơn các đàn anh của họ cho bằng vì có nhiều chứng cớ bắt họ phải có thái độ ấy (41). Để minh chứng điều này, ta thấy khoa khảo cổ Cựu Ước đã tìm lại được nhiều quốc gia, làm sống lại nhiều dân tộc quan trọng, và đã lấp đi một cách kỳ diệu nhiều khoảng trống (gap) lịch sử, giúp người ta rất nhiều trong việc hiểu biết các bối cảnh sách thánh (38). Khoa này đã đem lại rất nhiều bằng chứng về sự chính xác của bản Cựu Ước Massoretic. Một trong những bằng chứng ấy là điều khảo cổ đặt tên là Con Dấu Giêrêmia (Jeremiah Seal). Đây là con dấu dùng để đóng lên các thùng rượu nho, được xác nhận có từ thế kỷ thứ nhất hoặc thế kỷ thứ hai công nguyên, trên đó có khắc câu trích trong Giêrêmia 48: 11. Xét tổng quát, câu này phù hợp với bản Massoretic.
Theo William Albright, cho đến gần đây, các nhà nghiên cứu về lịch sử Thánh Kinh vẫn có thói quen coi những chuyện kể về các tổ phụ trong sách Sáng Thế như những sáng tác giả tạo của các thầy ký lục Do-thái thời quân chủ phân hóa hay như những câu chuyện vui kể quanh lửa trại vào thời người Do-thái mới chiếm được mảnh đất Canaan… Tuy nhiên, các khám phá khảo cổ từ năm 1925 đã thay đổi cái nhìn ấy. Vì những khám phá này cho thấy tổ tiên người Do-thái quả có liên hệ mật thiết với các dân tộc bán du mục của miền Trans-Jordan, Syria, vịnh Euphrates và Bắc Arabia trong các thế kỷ sau cùng của thiên niên kỷ thứ hai trước công nguyên và các thế kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ thứ nhất (3).
1. Vương Quốc Ebla
Một trong những khám phá khảo cổ có liên quan đến khoa phê bình Thánh Kinh là việc tìm ra các thanh bản Ebla ( Ebla tablets) tại miền bắc Syria do hai giáo sư của Đại học La-Mã là Tiến sĩ Paolo Matthiae, một nhà khảo cổ học, và Tiến sĩ Giovanni Petinato, một nhà minh văn học (epigrapher). Hai vị giáo sư này khởi sự cuộc khai quật tại Tell Mardikh vào năm 1964. Đến năm 1968, họ khai quật được bức tượng của Vua Ibbit-Lim. Chữ khắc trên bức tượng có nhắc đến Ishtar, vị nữ thần ”sáng láng tại Ebla”. Vương quốc Ebla, lúc cực thịnh vào năm 2300 B.C, có dân số 260,000 người. Năm 2250 B.C., nó bị Naram-Sin, cháu Sargan Đại đế, hủy diệt.
Kể từ năm 1974, 17,000 thanh bản thuộc triều đại vương quốc Ebla đã được khai quật từ mặt đất. Cần nhiều thời gian nữa, mới có được những khảo cứu có ý nghĩa để tìm ra mối liên hệ giữa Eblavà thế giới Thánh Kinh. Tuy nhiên, những thanh bản kia đã đem lại nhiều đóng góp rất giá trị đối với khoa phê bình Thánh Kinh. Thực vậy, ta biết rằng những người chủ trương “Giả Thuyết Tài Liệu” (Documentary Hypothesis) vẫn cho rằng thời kỳ được miêu tả trong các tường thuật của Mô-sê (1400 B.C., gần một ngàn năm sau vương quốc Ebla) là thời kỳ chưa có chữ viết. Nhưng các thanh bản Ebla chứng minh rằng trước Mô-sê cả hàng ngàn năm và trong cùng một miền với Mô-sê và các tổ phụ, các luật lệ, phong tục và biến cố đã được ghi lại bằng chữ viết rồi.
Giả thuyết trên còn cho rằng không những thời Mô-sê chưa có chữ viết, mà Bộ Luật Tư Tế (Priestly Code) và các luật lệ nói chung được ghi lại trong Ngũ Kinh, vì tính cách phát triển cao độ, nên không thể do Mô-sê trước tác được. Lúc ấy dân Do-thái còn rất bán khai không thể nào có những luật lệ như thế. Chúng chỉ có thể được ghi chép bằng văn tự vào khoảng nửa đầu thời kỳ Ba-tư (538-331 B.C.). Ấy thế nhưng, các thanh bản Ebla đã chứa những thủ tục luật lệ còn tỉ mỉ hơn thế nữa. Nhiều điều luật rất giống với Đệ Nhị Luật (như Đnl 22:22-30 chẳng hạn), là Luật mà giả thuyết trên cho là chỉ có mãi sau này.
Một đóng góp giá trị khác có liên quan đến Sáng Thế 14, một đoạn, trong nhiều năm, bị coi là sai lầm về phương diện lịch sử. Chiến thắng của Abraham đối với các vua Chedolaomer và Mesopotamia thường bị coi là huyễn hoặc và năm thành phố của Miền Đồng Bằng là Sodom, Gomorrah, Admah, Zeboiim và Zoar chỉ là tưởng tượng. Thế nhưng, các thanh bản Ebla đã nhắc đến đủ năm thành phố ấy và trên một thanh bản, chúng còn được liệt kê theo hệt thứ tự như Sáng Thế 14. Môi trường của các thanh bản phản ảnh nền văn hóa thời kỳ các tổ phụ và diển tả rõ ràng rằng trước tai họa được ghi trong Sáng Thế 14, vùng này là một vùng rất phồn thịnh, y như đã được Sáng Thế nhắc đến.
2. Cựu Ước và Khảo Cổ Học
Theo Sáng Thế, tổ tông người Do-thái phát xuất từ Lưỡng Hà (Mesopotamia). Điều này tương hợp với các khám phá khảo cổ học. Theo Albright, thật là chính xác khi truyền thống Hy-bá-lai coi các Tổ Phụ là những người phát xuất từ Thung Lũng Balikh, thuộc miền Tây Bắc Lưỡng Hà. Vì cả Thánh Kinh lẫn các khám phá khảo cổ học đều ghi nhận sự chuyển dịch của những nhân vật này khởi đi từ vùng đất Lưỡng Hà (3). Sáng Thế cũng cho rằng trước khi xẩy ra biến cố Babel, “toàn diện mặt đất cùng chung một ngôn ngữ và một tiếng nói” (St 11:1). Sau khi ngọn tháp ấy được xây xong và bị phá hủy, Thiên Chúa mới xáo trộn ngôn ngữ của loài người (St 11:9). Nhiều nhà ngữ văn (philologists) hiện đại làm chứng rằng nguồn gốc ngôn ngữ thế giới có điểm hao hao giống nhau. Alfredo Trombetti cho rằng ông ta có thể tìm ra và chứng minh được nguồn gốc chung của mọi thứ tiếng. Max Mueller cũng chứng thực có một nguồn gốc chung như thế. Nhưng Otto Jespersen còn đi xa hơn bằng cách nói rằng Chúa đã trực tiếp ban tiếng nói cho nguyên tổ (16).
Trong gia phả Esau, có nhắc đến sắc dân Horites (St 36:20). Có thời, người ta cho rằng họ là những người “ở hang” (cave-dwellers) vì có sự tương tự giữa chữ Horite và chữ Hy-bá-lai chỉ về hang. Tuy nhiên, ngày nay các khám phá khảo cổ cho thấy họ là sắc dân dũng sĩ sống tại Cận Đông thời các tổ phụ (16).
Trong các cuộc khai quật tại Jericho (1930-1936), Garstang đã tìm ra được một điều đầy ngạc nhiên đến độ ông đã cùng hai thành viên của nhóm soạn và ký tên một bản tuyên bố, trong đó có đoạn như sau: “Như thế xét theo sự kiện chính, thì không còn hoài nghi chi nữa: các bức tường đã đổ hoàn toàn ra phía ngoài đến độ những người tấn công có thể leo lên trên các đổ nát mà vào thành”. Vậy có chi là ngạc nhiên? Vì cứ sự thường thì các bức tường thành phố không đổ ra phía ngoài, mà đổ vào phía trong. Thế nhưng trong Giôsuê 6:20, ta đọc thấy: ”… tường thành sụp đổ bình địa, làm người ta cứ thẳng trước mặt mà tiến lên đánh thành, và đã chiếm được thành”. Như thế tường quả đã đổ ra phía ngoài (17).
Ngày nay ta đã thấy gia phả Abraham dứt khóat có tính chất lịch sử. Tuy nhiên, xem ra còn có vấn nạn liệu những tên kia là tên người hay tên các thành phố cổ. Điều chắc chắn duy nhất là Abraham quả là một cá nhân và là một nhân vật có thực. Theo Burrows, tuy chưa có bằng chứng khảo cổ về chính cá nhân Abraham, nhưng tên Abraham đã xuất hiện tại Babylon như là tên người vào cùng thời với Abraham của Thánh Kinh (12).
Mặc dù chứng cớ khảo cổ đặc thù chưa tìm ra cho những tường thuật về các Tổ phụ, nhưng các phong tục xã hội trong các tường thuật ấy rất phù hợp với thời đại và vùng các Tổ phụ sinh sống (12/278,279). Phần lớn những điều này là kết quả của những khai quật tại Nuzu và Mari. Thi văn và ngôn ngữ Hy-bá-lai được các khai quật tại Ugarit soi sáng. Các khoản luật của Môsê được nhận dạng trong các bộ luật của người Hittite, Assyri, Sumeri và Esthunna.
Ta biết rằng Julius Wellhausen, một học giả về Thánh Kinh của thế kỷ 19, cho rằng Nhà Tạm (Tabernacle) với những chiếc gương thau (brass mirrors) không thể nào có vào thời Mô-sê được mà chỉ có thể có khoảng thế kỷ thứ 6 hay thứ 5 trước công nguyên. Nhưng ngày nay, ta đã có chứng cớ khảo cổ cho thấy những chiếc gương như thế đã có ngay từ thời Đế Quốc Ai-cập nghĩa là trong khoảng các năm 1500-1400 trước công nguyên, trùng với thời Mô-sê và Xuất Hành (16).
Tóm lại, như Henry M. Morris đã nhận xét, hiện còn khá nhiều công việc phải làm để điều hợp các dữ kiện khảo cổ sao cho khít khao với Thánh Kinh. Tuy nhiên, hiện chưa có một khám phá khảo cổ nào đi ngược lại bất cứ điều khoản căn bản nào của Thánh Kinh (32).
3. Tân Ước và Khảo Cổ
Không ai còn hoài nghi tư cách sử gia của Thánh Luca nữa. Unger cho ta hay khảo cổ học đã nhận thực các tường thuật của Phúc âm, nhất là Phúc âm Lu-ca (37). Có người cho rằng thánh nhân phạm nhiều sai lầm chung quanh biến cố giáng sinh của đức Giêsu (Lc 2:1-3), như làm gì có việc kiểm ta dân số, Quirinus đâu có làm tổng trấn Syria, và đâu có ai bị buộc phải trở về quê hương bản quán. Nhưng thực ra các khám phá khảo cổ học gần đây cho thấy người La-Mã có thói quen cứ 14 năm một lần kiểm kê thường xuyên danh sách những người chịu thuế. Thủ tục này thực sự đã bắt đầu từ thời Augustus, và lần thực hiện đầu tiên đã xẩy ra trong năm 23-22 hay 9-8 trước công nguyên. Chính niên hiệu sau đã được Thánh Lu-ca nhắc đến. Thứ hai, ta đã có chứng cớ cho thấy Quirinus làm tổng trấn Syria khoảng năm 7 trước công nguyên. Giả thuyết này căn cứ vào một bia khắc tìm thấy tại Antiokia gán cho Quirinus danh hiệu trên. Theo giả thuyết này, có thể ông đã làm tổng trấn Syria hai lần, lần đầu năm 7 trước công nguyên và lần sau năm 6 công nguyên (niên hiệu do Josephus ấn định) (15). Sau nữa, về việc kiểm tra, một tài liệu giấy da tìm thấy ở Ai-Cập có đưa ra những chỉ dẫn như sau: “Vì việc kiểm tra đã đến gần, nên những ai vì bất cứ lý do gì phải cư trú xa nhà cần lập tức chuẩn bị để trở về chính quyền sở tại ngõ hầu có thể đăng ký trọn gia đình mình vào sổ kiểm tra, nhờ thế địa bộ đất đai vẫn thuộc về họ” (15 & 16).
Trước đây các nhà khảo cổ cho rằng thánh Lu-ca sai lầm ở chỗ cho Lystra và Derbe thuộc vùng Lycaonia, còn Iconium thì không thuộc vùng đó (Cv 14:6). Họ dựa vào các nhà văn La-Mã, nhưCicero chẳng hạn coi Iconium thuộc vùng Lycaonia. Ấy thế nhưng năm 1910, William Ramsay tìm ra một đền đài cho thấy Iconium là một thị trấn của Phrygia. Các khám phá sau cũng xác nhận như vậy (16).
Thánh Luca có nhắc đến Lysanias, Tiểu vương tại Abilene (Lc 3:1), lúc Gioan Tẩy Giả khởi sự làm phép rửa khoảng năm 27 công nguyên. Điều ấy có vẻ không đúng vì ông Lysanias duy nhất được các sử gia cổ nhắc đến đã bị giết năm 36 trước công nguyên rồi. Tuy nhiên, mới đây, người ta tìm thấy một bản khắc gần Damascus nhắc đến “Người được Tiểu Vương Lysanias giải phóng”, và bản khắc này được định tuổi khoảng các năm 14 và 29 công nguyên (9).
Trong thư gửi tín hữu Rô-ma viết từ Côrintô, thánh Phaolô có nhắc đến viên quản lý kho bạc của thành phố là Erastus (Rm 16:23). Trong một cuộc khai quật tại Côrintô năm 1929, người ta tìm thấy một viên gạch lót đường với hàng chữ như sau: ERASTVS PRO: AED:S:P:STRAVIT có nghĩa là Erastus, người trông coi các công thự, đã lót những viên gạch này bằng tiền riêng của mình. Theo Bruce, việc lát đường trên có lẽ đã xẩy ra ở thế kỷ thứ nhất công nguyên và mạnh thường quân của công trình này cũng chính là viên quản lý kho bạc được Thánh Phaolô nhắc đến (11 & 36).
Tại Côrintô, người ta cũng tìm thấy một bảng khắc ghi hàng chữ “Nguyện đường Do-Thái”, có người cho là đã dựng trên cửa ra vào hội đường nơi Thánh Phaolô tranh biện (Cv 18:4-7). Và một bảng khắc khác nói đến “chợ thịt” của thành phố mà Thánh Phaolô có nhắc đến trong thư I Cor 10:25. Như thế, nhờ các khám phá của khảo cổ học, phần lớn những thành phố được Tông đồ Công vụ nhắc đến đã được nhận dạng. Các cuộc hành trình của thánh Phalô nhờ thế cũng được vẽ lại cách chính xác (11& 5).
Thánh Luca nhắc đến cuộc rối loạn ở Êphêsô và kể lại một cuộc tập họp dân sự (ecclesia) diễn ra trong một rạp hát (Cv 19: 23…). Sự thực đúng như thế vì có một bảng khắc nhắc đến các bức tượng bằng bạc của thần Artemis (bản KJV gọi là Diana) được đặt trong một “rạp hát trong một buổi họp toàn bộ của Ecclesia”. Khi khai quật, người ta thấy rạp hát này có sức chứa đến 25,000 người (9).
Thánh Luca cũng kể lại cuộc rối loạn xẩy ra tại Giêrusalem vì thánh Phaolô đã đem một người ngoại giáo vào Đền Thánh (Cv 21:28). Một bảng khắc mới tìm thấy ghi như sau bằng tiếng Hy-lạp và La-tinh: “Không một ngoại nhân nào được phép bước vào phạm vi ngăn cách chung quanh đền thánh và nơi cấm. Bất cứ ai bị bắt vi phạm điều này đích thân phải chịu trách nhiệm về án tử do đó mà ra”. Như thế thánh Luca quả có lý (9).
Có người tỏ ra hoài nghi vì một số từ ngữ do thánh Luca sử dụng. Thí dụ ngài gọi Philippi là một “quận” (district) của Macedonia, vì ngài dùng chữ Hy-lạp meris (nghĩa là quận huyện). F.J.A. Hort cho là sai, vì meris là một bộ phận chứ không phải là một quận. Tuy nhiên các khai quật khảo cổ lại xác định từ ngữ meris chỉ đơn vị cấp quận. Từ praetors được thánh Luca dùng để chỉ các nhà cai trị thành Philippi. Điều đó bị một số học giả cho là sai, vì thành ấy vốn do hai viên quan gọi làduumuirs cai trị. Nhưng thực ra, Thánh Luca không sai, vì các khám phá gần đây cho thấy tước hiệu praetors được dùng để chỉ các thẩm phán của các thuộc địa La-Mã. Như thế một lần nữa khảo cổ học đã chứng minh sự chính xác của thánh Luca (16). Từ ngữ proconsul (thống đốc) dùng để chỉ tước hiệu của Gallio (Cv 18:12) cũng rất chính xác vì một bảng khắc tìm thấy ở Delphi ghi như sau: “Lucius Junius Gallio, bạn của tôi, và là Thống đốc Achaia…” (36). Thánh nhân gán cho Publius, quan trưởng của Malta, tước hiệu “đệ nhất công dân của đảo” (Cv 28:7). Danh xưng ấy cũng đã được các khai quật mới đây xác nhận. Từ ngữ politarchs ngài dùng để chỉ các chức quyền dân sự của Thessalonica (Cv 17:6) vốn không có trong các trước tác văn chương cổ điển, nên có người cho rằng thánh Luca không đúng. Tuy nhiên, người ta đã tìm được 19 bảng khắc dùng từ ngữ ấy, và lý thú một điều là trong đó hết 5 bảng trực tiếp nhắc đến Thessalonica (9). Chính vì vậy, E.M. Blaiklock, Giáo sư Cổ điển học của Đại học Auckland, đã kết luận như sau: “Thánh Luca quả là một sử gia hoàn hảo, đủ tư cách được xếp ngang hàng với những đại văn hào của Hy-lạp” (8). Hai địa điểm cho đến mãi gần đây vẫn chưa tìm tra chứng tích ngoại trừ trong Tân Ước. Địa điểm thứ nhất là nơi Chúa Giêsu bị Pilatô xử án, Phúc âm Gioan gọi là Gabbatha hay Nền Đá (Pavement) (Ga 19:13). William F. Albright, trong The Archaeology of Palestine, chứng minh rằng chỗ đó thuộc Tháp Antonia, vốn là đại bản doanh quân sự của La-Mã tại Giêrusalem. Nền ấy bị chôn vùi khi thành được xây lại dưới thời Hadrian và chỉ mới được tìm lại gần đây (2). Địa điểm thứ hai là Giếng Bethesda, ngày nay đã được nhận dạng một cách khá chắc chắn tại khu tây bắc của cổ thành (tức khu vực gọi là Bezetha hay “Sân Cỏ Mới”) vào thế kỷ thứ nhất công nguyên, khi vết tích của nó được khám phá giữa khi có những cuộc khai quật gần Nhà thờ Thánh Nữ Anna vào năm 1888 (9). Nói tóm lại, Thánh Kinh, kể cả Cựu lẫn Tân Ước, có đủ các đặc tính của các tài liệu văn học sử cổ điển. Nếu người ta cho rằng tài liệu ấy không đáng tin, thì họ cũng phải kết luận rằng tất cả các tài liệu văn học cổ điển khác cũng đều không đáng tin như thế. Nhiều người thật mâu thuẫn khi áp dụng cho Thánh Kinh một thứ tiêu chuẩn hay một thứ trắc nghiệm (test) trong khi áp dụng cho các tài liệu văn học khác nói chung một thứ tiêu chuẩn hay một thứ trắc nghiệm khác. Điều ấy chẳng phải là kết quả của một thái độ thiên kiến hay sao? Chúng tôi thiển nghĩ cần phải áp dụng cùng một thứ trắc nghiệm cho dù tài liệu được khảo xét ấy là tài liệu thế tục hay tài liệu tôn giáo.
Theo Josh McDowell, Evidence That Demands a Verdict, Revised Edition, Here’s Life Publishers, 1976.
Thư Mục:
1. Albright, William F. Archaeology and the Religions of Israel. Baltimore: John Hopkins UniversityPress, 1956.
2. Albright, William F. The Archaelology of Palestine. Rev. ed. Harmondsworth, Middlesex: Pelican Books, 1960.
3. Albright, William F. The Biblical Period From Abraham to Ezra. New York: Harper & Row, 1960.
4. Albright, William F. From the Stone Age to Christianity. Baltimore: John Hopkins UniversityPress, 1946.
5. Albright, William F. Recent Discoveries in Bible Lands. New York: Funk and Wagnalls, 1955.
6. Anderson, J. The Bible, the Word of God. Brighton: n.p., 1905.
7. Archer, Gleason. A Survey of the Old Testament. Chicago: Moody Press, 1964.
8. Blaiklock, Edward Musgrave. The Acts of the Apostles. Grand Rapids: William B. Eerdmans Publishing Co., 1959.
9. Bruce, F.F. “Archaeological Confirmation of the New Testament” Revelation and the Bible. Edited by Carl Henry. Grand Rapids: Baker Book House, 1969. 10. F.F. Bruce. The Books and the Parchments. Rev. ed. Westwood: Fleming H. Revell Co., 1963.
11. Bruce, F.F. The New Testaments Documents: Are They Reliable? Downers Grove; Il 60515: Inter-Varsity Press, 1964.
12. Burrows, Millar. What Means These Stones? New York: Meridian Books, 1956.
13. Davidson, Samuel. Hebrew Text of the Old Testement. 2nd ed., London: Samuel Bagster & Sons, 1859.
14. Earle, Ralph. How We Got Our Bible. Grand Rapids: Baker Book House, 1971.
15. Elder, John. Prophets, Idols and Diggers. Indianapolis, New York: Bobbs-Merrill, 1960.
16. Free, Joseph. Archaeology and Bible History. Wheaton: Scripture Press Publications, 1969.
17. Garstang, John. The Foundations of Bible History; Joshua, Judges. London: Constable, 1931.
18. Geisler, Norman L. và William E. Nix. A General Introduction to the Bible. Chicago: Moody Press, 1968.
19. Glueck, Nelson. Rivers in the Desert; History of Negev. Philadelphia: Jewish Publications Society of America, 1969.
20. Greenlee, J. Harold. Introduction to New Testament Textual Criticism. Grand Rapids: William B. Eerdmans Publishing Co., 1964.
21. Horn, Robert M. The Book That Speaks for Itself. Downers Grove, Il 60515: Inter-Varsity Press, 1970.
22. Jaganay, Leo. An Introduction to the Textual Criticism of the New Testament. Trans. by B.V. Miller. London: Sands and Co., 1937.
23. Josephus, Flavius. “Flavius Josephus Against Apion” Josephus, Complete Works. Trans. by William Whiston, Grand Rapids: Kregel Publications, 1960. 24. Kenyon, Frederick G. The Bible and Archaeology. New York: Harper & Row, 1940.
25. Kenyon, Frederic G. The Bible and Modern Scholarship. London: John Murray, 1948.
26. Kenyon, Frederick G. Handbook to the Textual Criticism of the New Testament. London: Macmillan and Company, 1901.
27. Kenyon, Frederic G. Our Bible and the Ancient Manuscripts. New York: Harper and Brothers, 1941.
28. Leach, Charles. Our Bible. How We Got It? Chicago: Moody Press, 1898.
29. Metzger, Bruce. Chapters in the History of New Testamnet Textual Criticism. Grand Rapids: William B. Eerdmans Publishing Co., 1963.
30. Metzger, Bruce M. The Text of the New Testament. New York and Oxford; Oxford UniversityPress, 1968.
31. Montgomery, John W. History and Christianity. Downers Grove, Il 60515: Inter-Varsity Press, 1971.
32. Morris, Henry. The Bible and the Modern Science. Rev. ed. Chicago, Moody Press, 1956.
33. Peters, S.E.The Harvest of Hellenism. New York: Simon and Schuster, 1971.
34. Sanders, C. Introduction in Research in English Literary History. New York: Macmillan Co,. 1952.
35. Schaff, Philip. Companion to the Greek Testament and the Enfglish Version. Rev. ed. New York: Harper Brothers, 1883.
36. Vos, Howard. Can I Trust My Bible? Chicago, Moody Press, 1963.
37. Unger, MerrillF. Archaeology and the New Testament. (Dùng kèm với Archaeology and the Old Testament.) Grand Rapids: Zondervaln Publishing House, 1962.
38. Unger, Merrill F. Archaeology and the Old Testament. Chicago: Moody Press, 1954.
39. Benjamin Warfield, Introduction to Textual Criticism of the New Testtament. Ấn bản 7, London: Hodder & Stoughton, 1907.
40. Wilson, Robert Dick. A scientific Investigation of the Old Testament.Chicago: Moody Press, 1959.
41. Wiseman, Donald F. “Archaeological Confirmation of the New Testament” Revelation and the Bible. Edited by Carl Henry. Grand Rapids: Baker Book House, 1969.
Vũ Văn An
Nguồn: UBKT/HĐGMVN