GIA ĐÌNH:
CỘNG ĐOÀN HIỆP THÔNG (3)
(Hiệp thông mở rộng. x. GĐ 21)
***
1. Trong gia đình sự hiệp thông mở rộng đến những ai?
Trong gia đình, hiệp thông vợ chồng là nền tảng xây dựng nên sự hiệp thông mở rộng giữa cha mẹ, con cái, anh chị em, bà con1.
2. Những ai có trách nhiệm xây dựng hiệp thông gia đình?
Mọi thành phần trong gia đình đều có trách nhiệm xây dựng hiệp thông2.
***
Chú thích
1/ Sự hiệp thông mở rộng của gia đình.
– Sự hiệp thông tự nhiên và tinh thần của các thành phần trong gia đình:
Sự hiệp thông vợ chồng tạo nên nền tảng, trên đó xây dựng được sự hiệp thông tự nhiên rộng lớn hơn trong gia đình, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em trong nhà với nhau, giữa những người bà con gần, và những thành phần khác của gia đình.
Sự hiệp thông tự nhiên phát sinh từ mối liên hệ ruột thịt này, sẽ được phát triển nên sự hiệp thông tinh thần, nhờ biết thực hiện và làm cho trưởng thành những mối liên hệ tinh thần còn sâu xa và phong phú hơn, đó là tình yêu…tình yêu là linh hồn của những mối tương quan giữa những thành phần khác nhau trong gia đình, và là sức mạnh bên trong, làm cho sự hiệp thông, cho cộng đoàn gia đình được hình thành và được sống động.
– Sự hiệp thông siêu nhiên với Thiên Chúa và Hội thánh:
Gia đình Kitô hữu còn được mời gọi cảm nghiệm một sự hiệp thông mới mẻ và độc đáo, củng cố cho sự hiệp thông tự nhiên và tinh thần. Đó là sự hiệp thông siêu nhiên: nghĩa là, nhờ việc cử hành các Bí tích, các tín hữu được nối kết với Chúa Kitô, và được qui tụ lại với nhau trong Hội thánh duy nhất của Thiên Chúa. Chính nhờ mối hiệp thông siêu nhiên này, gia đình Kitô hữu làm nên một Hội thánh, được gọi là Hội thánh tại gia.
– Tấm gương hiệp thông gia đình:
Gia đình Thánh Lý Mỹ đã để lại cho các gia đình Kitô hữu tấm gương sáng ngời về sự hiệp thông: từ hiệp thông tự nhiên đến hiệp thông tinh thần và hiệp thông siêu nhiên:
+ Thánh Micae Mỹ thấy cha vợ, là thánh Antôn Nguyễn Đích đã tuổi già sức yếu, nên hai lần tự nguyện chịu đòn thay cha, và còn khích lệ: “Cha đừng lo về những hình khổ phải chịu, con sẽ chịu đòn thay cho cha hết thảy, cha hãy can đảm làm chứng và sẵn lòng chết vì yêu mến Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết vì chúng ta…”.
+ Cậu con cả, mới 12 tuổi, vào thăm cha và còn nói: “Xin cha can đảm chịu chết vì Chúa”. Cậu Tường, 9 tuổi, không đến thăm cha được, cũng nhắn lời với cha: “Cha đừng lo cho chúng con, cha hãy an tâm vững lòng xưng đạo và chịu chết vì đạo…”.
+ Bà vợ của Ngài thì khích lệ: “Vợ con ai mà chẳng thương, nhưng ông hãy hy sinh vác Thánh giá vì Chúa. Hãy trung thành đến cùng, đừng lo nghĩ đến mẹ con tôi, Chúa sẽ quan phòng tất cả”.
2/ Mọi thành phần trong gia đình đều có trách nhiệm xây dựng hiệp thông:
Tất cả mọi thành phần trong gia đình: ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu…mỗi người tùy vai trò của mình, sẽ được Chúa ban ơn và trách nhiệm, để ngày này sang ngày khác, tiếp tục xây dựng sự hiệp thông:
1. Qua việc phục vụ lẫn nhau hằng ngày.
2. Qua việc ân cần chăm sóc các con nhỏ, những người đau yếu, già cả.
3. Qua việc chia sẻ những của cải, những niềm vui và cả những nỗi khổ sầu.
4. Qua việc cha mẹ ân cần giáo dục con cái. Cha mẹ cần biết thực thi quyền bính như một việc phục vụ, nhắm tới lợi ích nhân bản và Kitô hữu của con cái, làm cho con cái đạt tới cuộc sống tự do đích thực. Chính cha mẹ cần luôn ý thức sâu sắc về những ân phúc, mà cha mẹ không ngừng nhận được từ con cái.
5. Qua việc con cái yêu thương, kính trọng, vâng lời cha mẹ. Con cái mang lại phần đóng góp đặc biệt, và không thể thay thế được, cho việc xây dựng một gia đình thật sự nhân bản và Kitô giáo.
6. Qua tinh thần hy sinh cao cả: mọi thành viên gia đình cần biết quảng đại, mau mắn mở lòng ra để thông cảm, bao dung, tha thứ cho nhau, hoà giải với nhau. Không gia đình nào mà không biết rằng: sự ích kỷ, những bất hoà, căng thẳng, xung đột đã làm hại cho sự hiệp thông gia đình biết chừng nào, và đôi khi còn có thể làm tiêu tan hiệp thông!
7. Qua việc gia đình lắng nghe lời mời gọi của Thiên Chúa, Chủ Tể bình an, để sống kinh nghiệm tươi sáng phấn khởi của việc nỗ lực tái lập hiệp thông, tìm lại hiệp nhất.
8. Qua việc tham dự bí tích Hòa giải và Thánh Thể: sẽ đem lại cho gia đình Kitô hữu những ơn cần thiết, và tinh thần trách nhiệm tương xứng, để thắng vượt mọi chia rẽ, bước tới hiệp thông đích thực và trọn vẹn, như chính Chúa Kitô đã tha thiết cầu nguyện “Xin cho họ nên một”.
Nguồn: gpcantho.com