GIA ĐÌNH TIẾP CẬN LỜI CHÚA
1.Vì sao gia đình công giáo cần học hỏi và sống Lời Chúa?
Vì Lời Chúa là Lời cứu độ, là nguồn sống của Hội thánh. Cùng với Bàn tiệc Thánh Thể, Bàn tiệc Lời Chúa ban Bánh Sự Sống cho mỗi gia đình1.
2. Cần làm gì để mỗi gia đình có thể học hỏi và sống Lời Chúa?
Cần cổ võ để ‘mỗi gia đình có một Tân Ước”; và tạo cơ hội tôn vinh, suy niệm Lời Chúa trong gia đình2.
*****************************
Chú thích
1/ + Lời Chúa là Lời cứu độ, vì tất cả những gì Thiên Chúa tỏ bày cho chúng ta nơi Thánh kinh, đều chứa đựng những chân lý đem lại ơn cứu độ chúng ta nhờ Chúa Giêsu Kitô, cho chúng ta được hạnh phúc đời đời, nhất là chân lý này: Thiên Chúa là Cha yêu thương chúng ta vô ngần. Đức thánh cha Gioan Phaolô II đã ví: ‘mỗi trang Thánh kinh là mỗi trang tình sử”…vì vậy, chúng ta cần học hỏi Lời Chúa nơi Thánh kinh. Thánh Giêrônimô đã khuyến cáo chúng ta: “Không biết Thánh kinh là không biết Chúa Kitô”, Đấng cứu độ chúng ta.
Muốn cho Lời Chúa thực sự nên Lời cứu độ chúng ta, chúng ta cần đọc Lời Chúa trong bầu khí cầu nguyện, dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, và theo sự hướng dẫn của Giáo hội. Thánh Augutinô xác định: “Tôi sẽ không tin vào Tin Mừng, nếu thẩm quyền Hội thánh không thúc giục tôi”.
+ Lời Chúa là nguồn sống của Hội thánh vì Lời Chúa là “quy luật tối cao hướng dẫn đức tin” của Hội thánh, “là lương thực cho linh hồn, là nguồn sống tinh tuyền và trường tồn cho đời sống thiêng liêng” của người Kitô hữu (x. MK 21). Thánh Têrêsa Hài đồng nói: “Trên hết mọi sự, chính Tin Mừng bồi dưỡng tôi trong các giờ cầu nguyện; nơi Tin Mừng, tôi tìm thấy tất cả những gì cần thiết cho linh hồn đáng thương của tôi”.
Muốn cho Lời Chúa thực sự là nguồn sống cho Hội Thánh, cho gia đình, chúng ta cần:
. Một là tôn kính Lời Chúa như tôn kính chính Thánh Thể Chúa Kitô.
. Hai là dành cho Lời Chúa địa vị quan trọng trong đời sống thiêng liêng, giúp ta ‘khởi đầu lại từ Đức Kitô’. Muốn vậy, chúng ta cần siêng năng tham dự Thánh lễ. Nơi đây Bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể được dọn sẵn, để Thánh Thể và Lời Chúa thực sự nên của ăn, nuôi dưỡng và biến đổi đời sống cá nhân, gia đình và xã hội của chúng ta:
Một nhà buôn người da trắng nọ, đạo gốc, thấy một thổ dân Phi châu đang đọc một cuốn sách, ông ta liền hỏi:
– Anh đọc gì vậy?
– Tôi đọc Thánh kinh.
Nhà buôn da trắng cười ha hả thật to và nói:
– Thứ đó, ở xứ tôi đã lỗi thời lắm rồi!
Người Phi châu đáp lại ngay:
– Nếu ở xứ Phi châu da đen này mà Thánh kinh cũng lỗi thời, thì ông đã bị ăn thịt từ lâu rồi ông ạ!
2/ Cần cổ võ để ‘mỗi gia đình có một Tân Ước’; và tạo cơ hội tôn vinh, suy niệm Lời Chúa trong gia đình:
+ Công đồng Vaticanô II muốn Lời Chúa được trao gửi đến mọi Kitô hữu, thuộc mọi ngôn ngữ (MK 22). Công đồng đặc biệt khuyến khích mỗi Kitô hữu thường xuyên đọc Lời Chúa. Trước hết là trong phụng vụ, vì khi ta nghe đọc Lời Chúa trong phụng vụ, thì Chúa Kitô “hiện diện trong Lời của Người, chính Người nói với ta khi ta đọc Kinh Thánh trong Giáo hội” (PV 7).
Công đồng còn khuyến khích các tín hữu đọc Kinh Thánh cách riêng tư. Ðây là một hướng mới của lòng đạo đức Kitô giáo. Trước đây, việc đọc trực tiếp Kinh thánh chỉ dành cho các người chuyên môn, các nhà thần học…
+ Như vậy, việc đọc và tôn vinh Lời Chúa nơi gia đình càng cần được cổ võ. Mẹ Têrêsa nói: “Các bạn hãy học hiểu Lời Chúa; các bạn hãy yêu mến Lời Chúa; các bạn hãy sống Lời Chúa; các bạn hãy cho đi Lời Chúa; và Lời Chúa sẽ làm cho các bạn nên thánh”, vì “Ánh sáng của những người sống Lời Chúa chiếu tỏa xa hơn người ta tưởng rất nhiều!” (G.Courtois).
Cần đổi mới giờ Kinh gia đình cho thích hợp với giờ giấc, công việc và ý nghĩ, nhất là của giới trẻ hiện nay. Ban Giáo lý Giáo phận đã xuất bản cuốn “Kinh Tin Kính Gia Đình” theo hướng đổi mới này, với phần công bố và suy niệm Lời Chúa. Ước mong sẽ góp phần Tân Phúc Âm hóa các gia đình, giúp mỗi người trong gia đình chúng ta khắc sâu Lời Chúa trong lòng, và đem ra thực thi mỗi ngày:
Có một tân tòng, khi được yêu cầu: phải gỡ bỏ ảnh tượng trên bàn thờ trong nhà; phải đem trả cuốn Thánh kinh, đã được Chúa Thánh Thần soi sáng và đơn sơ nói:
“ Tôi có gỡ bỏ ảnh tượng khỏi bàn thờ, có đem trả cuốn Thánh Kinh, thì Chúa và Lời Chúa vẫn ở trong lòng tôi”.
Ước gì mỗi người trong gia đình chúng ta có thể cảm nhận, và mạnh dạn tuyên xưng được như vậy.