Mọi người đều muốn có một hôn nhân bền vững và một gia đình khỏe mạnh, hạnh phúc. Đó cũng là điều mà Chúa nuốn cho chúng ta. Hôn nhân là cái nghiệp cho hầu hết mọi người. Anh chị muốn có một hôn nhân bền vững vì anh chị không thể có hạnh phúc nếu không có tình yêu, sự tin tưởng, lòng thành khẩn, và trung thành trong hôn nhân. Và nếu cha mẹ yêu thương lẫn nhau, con cái sẽ cảm thấy an toàn bởi vì hôn nhân đã được an toàn.
Để thực hiện một cuộc hôn nhân Chúa định, phải mất cả cuộc đời. Anh chị không thể hoàn thành nó trong 10 hay 15 năm. Trong thực tế, lúc kỷ niệm 25 năm cưới bạc, một cặp vợ chồng phải đang đi vào những năm đằm thắm nhất của quãng đời sống chung của họ. Hôn nhân là sự chia sẻ mật thiết của tình yêu và cuộc sống; nơi mà vợ chồng chia sẻ định mệnh và những khó khăn trong cuộc sống với nhau. Khi hôn nhân vui vẻ, họ thấy yêu nhau hơn và cho nhau nhiều hơn. Đó là lý do tại sao sống goá bụa có thể gặp nhiều khó khăn. Người ở lại sẽ cảm thấy phần lớn cuộc đời mình đã mất theo người ra đi.
Văn hoá của chúng ta đã đi lạc hướng quá xa con đường Chúa định cho hôn nhân và tình yêu vợ chồng. Rất buồn mà nói, tỷ lệ người Công Giáo ly dị trong quốc gia này đã tới 50%, đó là phản ảnh của văn hóa nói chung. Đây không phải là hôn nhân mà Chúa muốn. Chúng ta đều biết, rất nhiều đau khổ và vết thương lòng để lại sau những cuộc ly dị cho cả cha mẹ và con cái. Bởi vì tỷ lệ ly dị cao, nhiều cặp tình nhân trẻ đã hoãn việc cưới hỏi và chỉ đơn giản sống chung. Đây không phải là ý Chúa định cho những cặp trai trẻ này. 85% những cặp vợ chồng Công Giáo trong tuổi mang thai ngày nay dùng các phương pháp ngừa thai hay tuyệt thai. Đây không phải là cái Chúa định cho tình yêu vợ chồng. Khi chúng ta không thi hành ý Chúa trong hôn nhân và tình yêu vợ chồng, chúng ta đã phản ảnh giá trị văn hóa quần chúng, và mọi người phải đau buồn.
Hạnh phúc đến khi chúng ta biết ý Chúa cho những việc quan trọng trong đời sống, và thực hành ý định đó. Tự do có nghĩa là chúng ta được tự do theo đuổi những mục đích tốt, đúng, và sự thật. Chúng ta lạm dụng tự do khi chúng ta từ chối lời cam kết, xa lánh bổn phận, cố tình định nghĩa lại hôn nhân và tình yêu vợ chồng, và đơn giản phản ảnh giá trị văn hóa thế tục.
Nếu chúng ta muốn có hạnh phúc, chúng ta cần biết chương trình của Chúa cho hôn nhân, cho tình yêu vợ chồng và cho gia đình. Và chương trình này có thể được biết! Chúa muốn chúng ta biết! Ngài cho chúng ta biết qua sách Khải Huyền (Genesis 2 và Matthew 19), trong những thông điệp của Giáo Hội qua nhiều thế kỷ. Nếu các anh chị nghĩ một chút, anh chị sẽ nhận ra rằng bản tính con người không thay đổi mấy qua nhiều thế kỷ; những thực tế căn bản khác của loài người như hôn nhân, tình yêu vợ chồng, và gia đình cũng vậy.
Hôn nhân, theo ý Chúa, phải được vĩnh cửu và đòi hỏi tuyệt đối trung thành. Phải ở với nhau cho đến chết. Tình yêu vợ chồng, theo ý Chúa, phải luôn được mở ra để đón nhận những sự tốt lành của tình yêu và cuộc sống. Gia đình là một nhóm người sống quây quần mật thiết với nhau, mỗi người trong đó được chấp nhận hoàn toàn và vô điều kiện. Gia đình là nơi mà một con người khám phá ra mình là ai, và tìm thấy mọi giúp đỡ và khuyến khích cần thiết để phát triển cá tính riêng của mình.
Có nhiều lầm lẫn trong xã hội chúng ta về chuyện chăn gối vợ chồng. Playboy, Planned Parenthood, và nhiều phương tiện giải trí khác vẫn coi chuyện đó như một thú vui tạm thời, không có hậu quả lâu dài. Chỉ có hai điều cần tránh: 1) đừng mang thai, và 2) đừng mang bệnh phong tình. Nhưng cái nhìn này khác xa với dự định của Chúa cho chuyện chăn gối vợ chồng.
Có một điều quan trọng cần được nhấn mạnh đó là “giới tính con người”, không do tôi đặt ra, không phải anh, không phải Hollywood, cũng không phải giáo hội Công Giáo. Chúa đã cấu tạo giới tính con người, và tất cả các bộ phận quan trọng khác của loài người. Chúa có một kế hoạch. Chúng ta có thể biết kế hoạch đó. Và chúng ta có thể đưa kế hoạch đó vào trong đời sống của chúng ta. Chuyện này hoàn toàn có thể làm được.
Các bậc cha mẹ có trách nhiệm cũng là một phần của hôn nhân. Điều này có nghĩa là các cha mẹ có thể có nhiều con cái nếu họ có thể nuôi nấng dạy dỗ chúng. Thông thường là hơn hai người. Chúa muốn cha mẹ điều khiển gia đình một cách thông minh, kể cả việc sinh đẻ có kế hoạch. Nhưng Chúa muốn họ phải luôn dùng những phương pháp có đạo đức, những cách không bao giờ đi ngược lại giá trị thực chất của chuyện gối chăn.
Đây là vai trò của Natural Family Planning. Natural Family Planning (NFP) cho phép một cặp vợ chồng kế hoạch hoá gia đình họ một cách có trách nhiệm không bác bỏ, hay từ chối bất cứ giá trị nào của chuyện gối chăn.
Khi một cặp vợ chồng biết về NFP một cách tường tận, và áp dụng nó một cách đúng đắn, hiệu quả lên đến 99% trong việc sinh đẻ có kế hoạch. Phương pháp này rất có hiệu quả! NFP đòi hỏi vợ chồng phải kiêng chuyện gối chăn trong thời gian thụ thai. Kiêng cữ theo chu kỳ hoàn toàn có thể làm được. Và có nhiều lợi ích khác sẽ đến do sự sử dụng phương pháp NFP. Vì các giá trị và hiệu quả liên hệ, NFP không phải chỉ là một phương pháp kế hoạch hoá gia đình; đó là một cách sống.
Chúng ta bắt đầu bài giảng này nói rằng mọi người muốn có một hôn nhân bền vững và một gia đình khỏe mạnh, hạnh phúc. Nếu chúng ta làm theo ý Chúa trong hôn nhân, tình yêu vợ chồng và gia đình, chúng ta sẽ có hạnh phúc như ý muốn trong thế giới suy đồi này. Lời cuối đến từ cha Dan McCaffrey, sáng lập viên của NFP Outreach: “NFP không phải là thuốc trị bá bịnh. Nó cũng có áp lực và thánh giá riêng của nó, nhưng qua sự kiên trì và yêu thương không ngừng, nó gia tăng mối quan hệ giữa người nam và người nữ. Nó biểu lộ tình yêu cho nhau qua việc họ sẵn sàng hy sinh và đình chỉ nguyện vọng của mình để thực hiện ý định của Chúa. Đó là phần thưởng của chính nó.”
Tại Giáo phận Bà Rịa, Nhà thờ Mồ được chọn làm nơi hành hương cho các tín hữu trong năm thánh. Nhà thờ Mồ nằm cách Nhà thờ Chánh Toà hiện nay khoảng 300m, trên khu đất trước đây là nghĩa trang giáo xứ. Dù chỉ là một ngôi nguyện đường khiêm tốn, nhưng đây chính là nơi cất giữ cả một ký ức hào hùng của cộng đoàn tín hữu Bà Rịa. Nơi đây ghi danh 288 vị anh hùng đức tin, và ghi dấu nhiều tín hữu vô danh khác, đã đổ máu đào làm nên lịch sử hào hùng cho mảnh đất Bà Rịa.
Chúng ta cùng lần giở lại những trang sử hào hùng cách đây gần 150 năm, để nhìn thấy dòng máu đỏ đã tuôn trào, làm nảy sinh và tăng trưởng bao thế hệ tín hữu. Năm 1861 – 1862 được ghi dấu là 2 năm lửa máu của Phước Tuy, tên gọi trước kia của Bà Rịa. Chính quyền thời đó ngờ vực người Công giáo theo Tây, cụ thể là các nhà sừa sai ngoại quốc cùng các binh sĩ Pháp và Tây Ban Nha, nên đã ra sức lùng bắt các tín hữu. Có khoảng 700 tín hữu đã bị bắt và giam vào 4 ngục thất: Ngục Chánh tại làng Phước Lễ, giam 300 nam tín hữu. Ngục thứ Hai cách ngục Phước Lễ khoảng hơn 3000 thước, dọc theo con đường Bà Rịa – Xuân Lộc. Nơi đây giam giữ 135 tín hữu. Ngục thứ Ba cách Phước Lễ độ hơn 5000 thước, trên đường hướng về Đất Đỏ, Long Điền. Có 140 tín hữu đã bị giam giữ tại đây. Ngục thứ Tư trong làng Phước Thọ, trung tâm Họ Đất Đỏ, là nơi giam giữ 125 nữ tín hữu và trẻ con.
Thế rồi ngày hạnh phúc của các tín hữu đã đến. Ngày 7 tháng Giêng dương lịch năm 1862, người Pháp dẫn binh chiếm Phước Tuy, chính quyền địa phương tưởng rằng họ tiến vào giải thoát các tín hữu nên đã phóng hỏa 4 ngục thất. Ngoài một số tín hữu thoát thân, có tất cả 444 vị đã bị chết trong cuộc thiêu sinh đó. Sau vài tháng tạm yên ổn, cuối năm 1862, một cuộc bắt bớ khác lại tái diễn ở vùng Gò Sầm, Đất Đỏ. Một cuộc lùng sục, truy đuổi các tín hữu lại diễn ra, chủ yếu vùng Đất Đỏ và Họ Thôm (Long Tâm). Lần bách hại này tuy ngắn ngủi nhưng cũng gần 200 tín hữu đã bị sát hại.
Tuy vậy, đúng như lời Chúa nói: Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình, nếu chết đi thì nó mới sinh được nhiều bông hạt khác. Các tín hữu đã nằm xuống vì đức tin, giọt máu của các ngài đã thấm vào mảnh đất Bà Rịa, làm đâm chồi nẩy lộc, đơm hoa kết trái là bao thế hệ Kitô hữu. Đạo Công giáo dần dần phục hưng và phát triển trên mảnh đất Bà Rịa. Những năm sau đó, nhiều linh mục, trong đó có các Cha Cố người ngoại quốc, đã lần lượt đến để đồng hành, chăm sóc các tín hữu.
Đặc biệt, Họ Bà Rịa vinh dự được Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (sau này là Giám mục tiên khởi của Giáo hội Việt Nam) coi sóc từ năm 1917 đến 1926. Nhiều họ đạo đã được thiết lập, nhiều nhà thờ và các cơ sở tôn giáo như trường học, đất thánh, lầu chuông, phòng thuốc,…cũng dần xuất hiện. Các cử hành phụng vụ, các sinh hoạt giáo hội tại các họ đạo cũng ngày càng phát triển về quy mô và số lượng. Đặc biệt, ngày càng có nhiều anh chị em lương dân tìm đến với Giáo hội để được học giáo lý và lãnh nhận Bí tích Khai tâm Kitô giáo.