Hôm nay, ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, sách Tông Đồ Công Vụ thuật lại một quang cảnh thật phi thường trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Các môn đệ đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra những tiếng động và làn gió mạnh thổi đến. Chúa Thánh Thần hiện xuống với hình “lưỡi lửa” đậu trên từng người. Sau khi nhận được Thánh Thần, các môn đệ bắt đầu nói “tiếng lạ”, khiến nhiều người thuộc các dân tộc khác nhau đều nghe và hiểu nhau.
Ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống đầu tiên của kỷ nguyên Kitô giáo ấy chính là phép lạ về sự hiệp nhất, tình yêu và sự sống.
Lễ Hiện Xuống, phép lạ của sự hiệp nhất.
Biến cố xảy ra trong ngày Lễ Ngũ Tuần nhắc ta nhớ đến biến cố “tháp Babel” thời Cựu Ước.
Sau trận đại hồng thuỷ, con cháu ông Nôe đã dự định cùng nhau xây một ngọn tháp cao ngất trời để chứng tỏ vinh quang lẫy lừng của họ. Trước ý định kiêu hãnh đó, Thiên Chúa đã làm cho ngôn ngữ của họ trở nên xáo trộn, khiến họ không thể hiểu nhau. Vì bất đồng ngôn ngữ, ngọn tháp không thể hoàn thành, và họ bị phân tán khắp nơi (St 11, 1-9).
Nếu biến cố “tháp Babel” đã làm cho con người bị chia rẽ và phân tán, thì biến cố xảy ra trong ngày Lễ Ngũ Tuần đã liên kết mọi người lại với nhau. Chúa Thánh Thần chính là nguyên lý của sự hiệp nhất đó.
Nhờ “lưỡi lửa” Chúa Thánh Thần, phép lạ về ngôn ngữ đã xảy ra. Những người có mặt trong ngày Lễ Ngũ Tuần tuy nói nhiều ngôn ngữ khác nhau, nhưng đều hiểu nhau nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Nhờ “lưỡi lửa” Thánh Thần được ban xuống, mọi người đã nghe và hiểu nhau. Vì thế, họ đã xích gần lại với nhau trong sự hiệp nhất sâu xa.
Hôm nay, chúng ta hãy xin cho “lưỡi lửa” Chúa Thánh Thần cũng được ban xuống tràn đầy trong mỗi người, trong cộng đoàn và liên kết chúng ta trong sự hiệp nhất. Chúng ta hãy xin cho mọi người biết nói với nhau bằng “lưỡi lửa” Thánh Thần, để lời nói chúng ta luôn là ngôn ngữ chân thật, yêu thương phát xuất từ trái tim của mỗi người.
Lễ Hiện Xuống, phép lạ của tình yêu.
Qua biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta liên tưởng đến biến cố Ngôi Hai Nhập Thể. Cả hai biến cố đều có thể gọi là “phép lạ của tình yêu”. Vì tình yêu, Ngôi Hai đã xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại. Vì tình yêu, Ngôi Ba đã hiện xuống để thánh hóa nhân loại.
Tuy nhiên, Ngôi Hai nhập thể có một thân xác, một khuôn mặt để mọi người có thể nhận ra. Trái lại, Thánh Thần Ngôi Ba chỉ tỏ hiện và được nhận biết qua các hành động vô hình. Biến cố Nhập Thể diễn ra trong thầm lặng giữa đêm khuya, nơi cánh đồng hoang vắng, với một nhóm người nghèo hèn bé mọn. Ngược lại, biến cố Hiện Xuống xảy ra giữa ban ngày, với sự hiện diện đông đảo của nhiều người thuộc nhiều dân tộc, từ khắp nơi đổ về. Tình yêu trong mầu nhiệm Nhập Thể chói sáng như vầng thái dương, tình yêu trong mầu nhiệm Hiện Xuống như ngọn lửa nhỏ bé, bị lãng quên.
Tuy vậy, ngọn lửa Thánh Thần dù âm thầm lặng lẽ cháy trong lòng Giáo Hội, nhưng đó là ngọn lửa tình yêu đêm ngày nung đốt tâm can mọi người, thôi thúc và biến đổi mọi tâm hồn. Ngọn lửa ấy bùng lên thiêu đốt tất cả để canh tân tất cả.
Lễ Hiện Xuống, phép lạ của sự sống.
Sách Sáng Thế ký kể lại việc Thiên Chúa tạo dựng loài người. Sau khi Thiên Chúa lấy bùn đất tạo nên con người, Người đã thổi hơi sự sống vào đó và con người đầu tiên xuất hiện (St 2, 7). “Hơi thở” của Thiên Chúa chính là Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là nguyên lý tạo dựng. Chúa Thánh Thần là “hồn sống”.
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu đã “thổi hơi” trên các môn đệ và phán : “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần …” Như thế, biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống trở thành một cuộc tái tạo. Thiên Chúa tái tạo con người cũng bằng “hơi thở” là Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần cũng là nguyên lý của sự tái tạo để ban sự sống mới.
“Lưỡi lửa” được ban xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần vẫn tiếp tục được ban xuống cho Giáo Hội hôm nay. “Lưỡi lửa” ấy không chỉ là dấu hiệu của ngôn ngữ Thánh Thần, tình yêu Thánh Thần, mà còn là sự sống Thánh Thần đã được ban tràn đầy xuống trên Giáo Hội.
Chúa Thánh Thần khai sinh Giáo Hội qua việc tạo nên sự hiệp nhất, trao ban tình yêu, nhất là đã trở thành “hồn sống” cho Giáo Hội : “Giáo Hội được xây dựng vững chắc nhờ Thánh Thần nâng đỡ ” (Cv 9, 31).
Chiều ngày 28/10/1958, sau khi lãnh phép lành đầu tiên của Đức Tân Giáo Hoàng Gioan XXIII, nhiều người đã tỏ vẻ thất vọng và kêu lên : “Giáo Hoàng mới già quá ! 78 tuổi rồi còn làm gì được nữa !”.
Nhưng ai có ngờ, chỉ trong vòng không đầy 5 năm, “ông cụ già” 78 tuổi ấy đã thực hiện nhiều cuộc canh tân trong lòng cuộc sống Vatican, cũng như trong toàn Giáo Hội và thế giới.
Một trong những việc làm lớn lao của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII là khai mở Công Đồng Vatican II vào ngày 11/10/1962. Đó là cuộc “hiện xuống mới” đã ảnh hưởng sâu xa đến các thế hệ sau đó và cho đến tận bây giờ.
Điều gì đã làm nên sự kỳ diệu đó ? – Chúa Thánh Thần ! Điều gì đã khơi lên cuộc canh tân sâu rộng như vậy ? – Chúa Thánh Thần !
Vào ngày 19/4/2005, một ông cụ già 78 tuổi cũng đã xuất hiện trên bao lơn đền thờ thánh Phêrô. Đó chính là Đức Tân Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. Một số người cũng mang ý nghĩ : “Đức Giáo Hoàng này già quá, có lẽ là vị giáo hoàng chuyển tiếp !”.
Nhưng ai có thể ngờ được sức mạnh Chúa Thánh Thần đang tác động và không ngừng đổi mới Giáo Hội. Có thể những cuộc “hiện xuống mới” đang bắt đầu hình thành trong Giáo Hội qua Chúa Thánh Thần.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần luôn ngự xuống trên Giáo Hội và trên mỗi người chúng ta như một cuộc “hiện xuống mới”. Chúa Thánh Thần sẽ đốt lên trong lòng ta, trong lòng Giáo Hội ngọn lửa của sự hiệp nhất, tình yêu và sự sống.