Ông Giacomo Puccini là nhà soạn nhạc nổi tiếng nước Ý. Năm 1922, lúc 64 tuổi, ông sáng tác vở ca kịch nổi tiếng mang tên Turandot.
Nhưng vở ca kịch đang viết dở dang thì ông phát hiện ra mình bị ung thư ác tính. Biết không thể hoàn tất đươc tác phẩm, ông gọi các học trò đến và nói : “Nếu thầy không hoàn tất được vở ca kịch này, thầy muốn các con tiếp tục công việc ấy”.
Sau khi ông chết, các học trò đã họp nhau lại, tiếp tục công việc dở dang và đã hoàn tất vở ca kịch này.
Năm 1926, vở ca kịch Turandot được trình diễn tại Milan, do người học trò ưu tú là Arturo Toscanni điều khiển. Khi vở ca kịch diễn đến nửa chừng, Toscanni dừng lại và nói với khán giả qua giòng nước mắt : “Thầy chúng tôi viết đến đây thì qua đời”. Cả nhà hát im lặng thổn thức.
Một lúc sau, người nhạc trưởng lại giơ đũa điều khiển lên và nói lớn : “Nhưng các học trò của thầy đã hoàn tất tác phẩm này”. Vở nhạc kịch lại được tiếp tục với phần tiếp theo thật xuất sắc, làm rung động lòng người.
Vở ca kịch Turandot là tác phẩm hay nhất của nhạc sỹ Puccini. Hay nhất, vì đó là tác phẩm được kết tinh từ tài năng của một người thầy vĩ đại và của các học trò ưu tú.
Trong ngày lễ Thăng Thiên hôm nay, chúng ta cũng nhìn thấy một công trình lớn lao được khởi đầu từ Chúa Giêsu và được tiếp nối với các Tông Đồ : Đó là sứ vụ loan báo Tin Mừng.
Thăng Thiên, khởi đầu một chặng đường mới
Biến cố Chúa Giêsu lên trời không phải là một kết thúc, nhưng là khởi đầu cho giai đoạn mới của sứ vụ loan báo Tin Mừng. Sứ vụ ấy phát xuất từ lệnh truyền của Chúa : “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
Thăng Thiên không phải là một kết thúc, vì Chúa thăng thiên không phải là Ngài đi vào một không gian vật lý ở trên cao. Chúa lên trời không có nghĩa là Ngài đi lên cõi trời trên chín tầng mây. Chúa lên trời cũng không phải là Ngài từ bỏ thế giới này để bước vào một thế giới khác, xét như là một nơi chốn.
Chúa lên trời có nghĩa là Ngài đi từ sự sống hữu hạn của con người sang sự sống vô hạn của Thiên Chúa. Lên trời có nghĩa là Chúa được vinh thăng lên cuộc sống mãnh liệt và tràn đầy hơn (Bài đọc II, trích thư Êphêsô).
Vì thế, khi Chúa Giêsu lên trời, những công việc của Chúa tại trần gian vẫn được tiếp tục với một sức sống tràn trề và mạnh mẽ hơn. Cuộc hành trình loan báo Tin Mừng đã khởi đầu từ Chúa, sẽ được các Tông Đồ và Giáo Hội tiếp nối với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, để làm cho sứ vụ loan báo Tin Mừng được phát triển đến muôn nơi.
Vì vậy, sống mầu nhiệm Thăng Thiên, Giáo Hội không phải cứ mãi “ngước mắt nhìn lên trời” mà quay lưng lại với trần thế, nhưng Giáo Hội được mời gọi trở về với sứ vụ loan báo Tin Mừng mà Chúa đã trao phó. Sống mầu nhiệm Thăng Thiên, Giáo Hội tiếp tục công việc rao giảng lời Chúa cho mọi người : “Hãy giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con”.
Sống mầu nhiệm Thăng Thiên, Giáo Hội cũng được mời gọi để thực hiện “cuộc nhập thể mới”, nghĩa là làm cho Đức Kitô được “giáng sinh” nơi tâm hồn mọi người. Vì loan báo Tin Mừng chính là đem Chúa đến cho muôn người.
Vì thế, khi Chúa lên trời, không phải thế giới này sẽ vắng bóng Chúa, nhưng qua Giáo Hội và ơn Chúa Thánh Thần, Chúa sẽ hiện diện với nhân loại cách mãnh liệt, tràn đầy và dài lâu hơn.
Thăng Thiên, khởi đầu cuộc hiện diện mới.
Chúa lên trời không có nghĩa là Ngài từ bỏ các Tông Đồ và Giáo Hội. Qua mầu nhiệm Thăng Thiên, Chúa không còn ở với các Tông Đồ theo cách thể lý, nhưng Ngài vẫn ở lại với các ông bằng sự hiện diện mới qua Chúa Thánh Thần (Bài đọc I, trích sách Tông Đồ Công Vụ). Đó là sự hiện diện sống động, sâu xa và mãi mãi, như lời Chúa phán khi chia tay với các Tông Đồ : “Này đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế ”.
Chúa ở lại qua lời của Ngài.
Khi Thầy trò còn chung sống với nhau, nhiều khi các môn đệ không hiểu hết những lời Chúa giảng dạy, thậm chí còn thấy những lời đó thật “chướng tai” (Ga 6, 60). Nhưng khi Chúa đã về trời, dưới ánh sáng phục sinh, lời Chúa đã trở nên nguồn sống, niềm an ủi, khích lệ và là sức mạnh cho các môn đệ. Chúa vẫn tiếp tục hiện diện bằng lời của Ngài, soi dẫn bước đường các môn đệ đi.
Hôm nay, lời Chúa vẫn là dấu chỉ sự hiện diện sống động của Ngài trong cuộc đời ta. Khi ta mở lòng ra đón nhận lời Chúa, là ta đang tiếp nhận Chúa đến và ở lại với ta.
Chúa ở lại qua bí tích Thánh Thể.
Mầu nhiệm Thánh Thể là sự quan phòng tuyệt diệu của Chúa. Qua đó, Ngài ở lại với con người mãi mãi. Đó là sự hiện diện vừa âm thầm lặng lẽ, lại vừa mãnh liệt và sâu thẳm. Âm thầm nhỏ bé như một tấm bánh tầm thường, nhưng lại hòa tan trong mọi tâm hồn, để mang đến cho con người sức sống tràn đầy. Tấm bánh nhỏ bé ấy là sự hiện diện đích thực của Chúa trong cuộc sống mỗi ngày. Chúa Thánh Thể vẫn chờ đợi để đến với ta và ở lại mãi trong ta.
Chúa ở lại qua tha nhân.
Chúa về trời, nhưng Ngài vẫn tiếp tục ở lại qua những anh chị em sống chung quanh ta. Nơi tha nhân, Ngài không mang dung mạo của Thiên Chúa, nhưng mang khuôn mặt của con người. Ngài hiện diện bằng khuôn mặt đau khổ của những người bệnh hoạn tật nguyền. Ngài hiện diện với khuôn mặt âu lo của những ai đang buồn đau khắc khoải, với khuôn mặt hốc hác bơ phờ của những kẻ đói rách khốn cùng. Ngài mong muốn ta đến với Ngài và đón nhận Ngài. Thật đáng tiếc, nhiều lúc ta đã không nhận ra Ngài, đã ngoảnh mặt làm ngơ và bỏ rơi Ngài trong cô đơn buồn tủi.
Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, lúc đăng quang, có người anh linh mục 81 tuổi là Đức Ông Georg Ratzinger, đang là giáo sư Thánh Nhạc của giáo phận Regensbung, nước Đức. Cả hai anh em đều mơ ước một điều : được nghỉ hưu, về quê sống với nhau trong cảnh bình yên thanh thản : anh thì sống với âm nhạc , em thì suy tư và viết sách.
Nhưng ngày 19/4/2005, người em Joseph Ratzinger được chọn làm giáo hoàng. Giấc mơ của “hai người môn đệ làng Emmaus” ấy đã bị tiêu tan. Đức Tân Giáo Hoàng đành hy sinh ước mơ đẹp đẽ để dấn thân vào con đường sứ vụ : “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân …” (Theo tin tức Vietcatholic ngày 05/5/2005).
Cũng vậy, sống mầu nhiệm Thăng Thiên không phải chúng ta cứ ngước mắt về trời theo đuổi những giấc mơ, nhưng là quay về với thực tại trần thế để dấn thân vào sứ mạng loan báo Tin Mừng. Đó là con đường ngắn nhất dẫn đưa mọi người về quê trời, giấc mơ cao cả của mỗi người chúng ta.