CHUẨN BỊ ĐỜI SỐNG TRƯỚC HỒNG ÂN THÁNH THẦN
1. Chúa Giêsu hứa xin Chúa Cha ban Chúa Thánh Thần.
Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời (x. Ga 3,16). Tình yêu Thiên Chúa quá cao vời. Người không chỉ ban cho con người những ơn cần thiết để họ sống hạnh phúc, mà Người còn trao ban chính Con Một yêu dấu của Người hầu mở ra cơ hội cho con người được sống hạnh phúc đời đời và nên một với Ba Ngôi Thiên Chúa. Sự hiện diện của Chúa Giêsu nơi trần gian là sự hiện diện của tình yêu Thiên Chúa. Người đi đến đâu thi thố ơn lành và tình yêu đến đấy. Và trước khi hoàn tất sứ vụ tình yêu của Người bằng hiến tế thánh giá, Chúa Giêsu đã hứa ban cho các môn đệ một hồng ân kỳ diệu cho các tông đồ.
Hồng ân mà Chúa Giêsu hứa xin Chúa Cha ban cho các môn đệ là chính Chúa Thánh Thần (x. Ga 14, 16). Hồng ấy thật đáng giá bởi Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa thật được trao ban cho các môn đệ. Chúa Thánh Thần giữ vai trò cầu nối hữu hiệu và là căn nguyên để các môn đệ gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu. Có Chúa Thánh Thần hiện diện, các môn đệ sẽ vững tâm bước theo chân Chúa Giêsu.
Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần với các môn đệ có tính chất bền vững và gần gũi. Chúa Thánh Thần không ở một khoảng thời gian nhất định nhưng ở luôn mãi. Chúa Thánh Thần cũng không chỉ ở gần các môn đệ nhưng là ở cùng các môn đệ luôn mãi (x. Ga 14,16), ở giữa và ở trong các môn đệ (x, Ga 14,18). Nhờ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, các môn đệ không còn mồ côi (x. Ga 14,18). Thêm vào đó, các môn đệ được hướng dẫn sống trong sự thật và hướng về sự thật vì Chúa Thánh Thần chính là Thần Khí sự thật (x. Ga 14,17).
2. Chúa Thánh Thần, hồng ân nhưng không của Thiên Chúa.
Tuy nhiên, Chúa Giêsu xin Chúa Cha ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ không phải vì các môn đệ xứng đáng lãnh nhận nhưng vì tình yêu nhưng không của Chúa Cha và Chúa Giêsu. Bởi lẽ, là phận thụ tạo thấp hèn làm sao có thể đón nhận tặng phẩm thần linh là Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa. Dẫu vậy, tình yêu luôn có lý lẽ riêng của nó. Chúa Giêsu nhận tình yêu từ nơi Chúa Cha thế nào thì Người cũng yêu các môn đệ như vậy (x. Ga 15,9). Biểu lộ của tình yêu luôn là hiến trao những gì mình có để lo cho đối tượng được yêu đạt hạnh phúc đích thực.
Chúa Giêsu biết Người sẽ về với Chúa Cha hưởng vinh quang mà Người vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian (x. Ga 17,5). Tuy vậy, khi yêu ai người ta thường muốn ở chung với người ấy. Chúa Giêsu đã yêu các môn đệ và yêu họ đến cùng (x. Ga 13,1) nên Người cũng muốn các môn đệ ở chung với Người. Vì thế, Chúa Giêsu đã xin Chúa Cha một điều rất quan trọng: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành” (Ga 17, 24).
Xin với Chúa Cha điều ấy, Chúa Giêsu đã xin cho các môn đệ được hạnh phúc sau khi họ đã hoàn tất cuộc lữ hành trần thế. Và Chúa Giêsu cũng muốn cho các môn đệ được hạnh phúc và bình an vững bước ngay trên đường lữ hành trần thế. Vì thế, Chúa Giêsu xin Chúa Cha ban Chúa Thánh Thần. Khi mang thân phận con người, Chúa Thánh Thần nối kết Chúa Giêsu nên một Chúa Cha thế nào thì Chúa Thánh Thần cũng nối kết các môn đệ với Chúa Giêsu nên một như vậy. Và như thế, các môn đệ sẽ được hạnh phúc và nên một với Ba Ngôi Thiên Chúa.
3. Chuẩn bị đời sống trước hồng ân Thánh Thần.
Hồng ân Chúa Thánh Thần thật lớn lao dường ấy. Tuy thế, để đón nhận hồng ân Chúa Thánh Thần, các môn đệ năm xưa và các kitô hữu hôm nay cũng phải có những chuẩn bị phù hợp. Thật vậy, trước khi hứa xin Chúa Cha trao ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ, Chúa Giêsu đã mời gọi các ông yêu mến Người. Tình yêu mến Chúa Giêsu nơi các môn đệ phải được biểu lộ ngang hành vi tuân giữ giới răn của Chúa. Điều răn chính yếu mà Chúa Giêsu đã trao ban cho các môn đệ là giới răn yêu thương: “Anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”( Ga 13,34).
Chúa Giêsu đã biểu lộ tình yêu ấy cách tuyệt vời. Người đã chịu chết một lần vì tội lỗi, Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương, hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa (x. 1Pr 3,18). Mỗi người cũng được mời gọi sống yêu thương mọi người ngay cả những kẻ làm hại mình. Tình yêu đó cao vời đến mức sẵn sàng làm chứng nhân cho Chúa trong mọi hoàn cảnh nhưng vẫn giữ thái độ ôn hòa với những người vu khống và những phỉ báng mình (x. 1Pr 3,15).
Trong cuộc sống gia đình hôm nay, tình yêu là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần và là căn nguyên dẫn đến sự hài hòa và hợp nhất. Ước mong, mỗi gia đình hôm kitô giáo hôm nay, luôn thực tập đời sống yêu thương, để Chúa Thánh Thần luôn ngự trị trong từng thành viên trong gia đình và Ngài sẽ đưa dẫn mọi người đến chân lý vẹn toàn, cùng giúp mọi người sống tình hiệp nhất, yêu thương và nên một với nhau theo ý của Thiên Chúa tình yêu.
Linh mục Vinhsơn Trần Minh Hòa