Lễ Vọng Phục Sinh năm A:
LỊCH SỬ CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA
Lm. Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thiên Chúa chúng ta thờ là Thiên Chúa duy nhất trong vũ trụ này. Sự kiện Ngài cho Con của Ngài, Đức Giêsu Kitô, từ cõi chết sống lại một lần nữa chứng tỏ điều này. Nhìn lại lịch sử cứu độ, chúng ta thấy Ngài là Đấng dựng nên vũ trụ và điều khiển muôn loài. Ngài đã chọn Israel như dân riêng để chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế ra đời. Ngài trung thành trong những gì Ngài đã hứa với con người cho dù con người đã phản bội Ngài. Ngài luôn tìm cách để cứu độ con người qua biến cố Xuất Hành, qua việc giải phóng và cho dân hồi hương từ các nơi lưu đày. Nhưng sự kiện nổi bật nhất trong lịch sử cứu độ là gởi Đấng Thiên Sai tới mang lấy thân xác con người để chuộc tội cho mọi người. Đấng Thiên Sai đã trải qua cuộc khổ nạn và sống lại vinh quang là trọng tâm của Mầu Nhiệm Phục Sinh chúng ta cử hành đêm nay.
Trong phần phụng vụ Lời Chúa hôm nay, Giáo Hội muốn các tín hữu nhìn lại lịch sử Cứu Độ của Thiên Chúa, bắt đầu với việc tạo dựng vũ trụ và con người, và kết thúc bằng biến cố Phục Sinh của Đức Kitô. Nơi nào hòan cảnh cho phép, Giáo Hội khuyến khích đọc cả 7 bài; nơi nào hòan cảnh không cho phép, phải đọc đọc 3 bài: Biến cố Xuất Hành, ý nghĩa của Bí-tích Rửa Tội trong Thư Rôma, và Biến cố Phục Sinh theo Marcô. Thông thường, các giáo xứ đọc 5 bài: trình thuật tạo dựng trong Sáng Thế Ký, trình thuật tái tạo một quả tim mới và thần khí mới của tiên tri Ezekiel, và 3 bài phải đọc. Hai bài từ Sách Isaiah về sự trung thành yêu thương của Thiên Chúa, và những gì sẽ xảy ra khi triều đại của Đấng Thiên Sai tới, cho những nơi có hòan cảnh đọc cả 7 bài.
Phúc Âm: Người đã trỗi dậy rồi, không còn ở đây nữa.
1/ Lối suy nghĩ của con người: Các bà này là những người đã chứng kiến cuộc tử nạn, tháo đanh, và táng xác Chúa Giêsu trong hang đá. Khi táng xác, các bà không kịp ướp xác Chúa, vì là ngày Sabbath; nên các bà nóng lòng chờ đến ngày hôm sau để ra mộ ướp xác Ngài. Truyền thống Do-thái tin: người chết mà không được ướp xác là điều xỉ nhục.
(1) Chuẩn bị ướp xác Chúa: “Vừa hết ngày Sabbath, bà Maria Magdala với bà Maria mẹ ông Giacôbê, và bà Salômê, mua dầu thơm để đi ướp xác Đức Giêsu. Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc, các bà ra mộ.”
(2) Nỗi lo sợ không đủ sức để lăn tảng đá khỏi cửa mộ: Các tông đồ đã bỏ trốn cả vì sợ người Do-thái. Các bà có thể đi lại dễ dàng, nhưng không thể tìm một người đàn ông để giúp mình lăn tảng đá ra khỏi mộ, vì là một tảng đá nặng. Đang khi đi đường, các bà bảo nhau: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây?” Nhưng vừa ngước mắt lên, các bà đã thấy tảng đá lăn ra một bên rồi, mà tảng đá ấy lớn lắm.
2/ Tin Mừng Phục Sinh: Các bà không thể hiểu “từ cõi chết sống lại có nghĩa gì;” vì truyền thống Do-thái tin chết là hết. Các bà không thể tin Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết.
(1) Thiên thần cắt nghĩa cho các bà: “Vào trong mộ, các bà thấy một người thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng; các bà hoảng sợ. Nhưng người thanh niên liền nói: “Đừng hoảng sợ! Các bà tìm Đức Giêsu Nazareth, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa. Chỗ đã đặt Người đây này!” Đã không thấy xác Chúa, lại còn gặp một thanh niên lạ mặt, các bà còn hỏang sợ hơn nữa. Làm sao có thể tin những lời thanh niên này nói? Nhưng vì quá sợ, nên các bà không dám hỏi. Có lẽ các bà nghĩ như Maria trong trình thuật Gioan: chắc ông này đã lấy xác Chúa!
(2) Các tông đồ sẽ được nhìn thấy Chúa tại Galilee: Người thanh niên nói tiếp: “Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phêrô rằng Người sẽ đến Galilee trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông.”
– Phản ứng của các bà: “Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Thiên Chúa chúng ta thờ là Thiên Chúa thật; Ngài có uy quyền dựng nên tất cả, giải thoát dân khỏi mọi nguy hiểm, và trung thành yêu thương chúng ta đến cùng.
– Thiên Chúa dựng nên con người với một mục đích là cho con người được chung hưởng vinh quang với Ngài sau cuộc đời trên dương thế này.
– Vì Đức Kitô đã chịu chết và sống lại vinh hiển, cho nên, nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng được sống lại vinh hiển với Người.
– Chúng ta phải cố gắng để đạt tới đích điểm là chung hưởng cuộc sống vinh quang với Thiên Chúa trên thiên đàng.