Thủ tướng nước Anh, ông Winston Churchill là một nhà chính trị nổi tiếng thế giới. Ngày kia, sau khi đọc bài diễn văn trước một cử tọa khoảng 10.000 người, ông được mọi người hoan hô nhiệt liệt. Một người bạn đã hỏi ông : “Thưa thủ tướng, ngài có cảm động khi dân chúng hoan hô ngài không ?”. Thủ tướng Churchill trả lời : “Không, tôi không cảm động, vì không hẳn thực sự là như thế. Tôi biết rằng sẽ có một trăm ngàn người đến nhìn xem tôi khi tôi bị treo lên!”.
Thủ tướng Churchill nhận ra được những lời tung hô của dân chúng chỉ là những tình cảm nhất thời. Họ hoan hô ông một cách cuồng nhiệt, nhưng một lúc nào đó, họ cũng có thể treo cổ ông lên !
Trong ngày Lễ Lá hôm nay, chúng ta có thể nhìn thấy sự thật phũ phàng đó ở nơi bản thân Chúa Giêsu. Khi Ngài tiến vào thành Giêrusalem, dân chúng tung hô Ngài một cách tưng bừng : “Hoan hô Con Vua Đavit, chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến”. Cả thành phố náo động. Dân chúng trải áo xuống đường, chặt cành cây trải lối đi để đón rước Chúa. Người ta còn ca tụng Ngài là một vị tiên tri.
Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau, lòng người đổi thay, cũng đám đông dân chúng ấy đã hô to lời kết án : “Đóng đinh nó vào thập giá, đóng đinh nó vào thập giá !”. Thay vì trải áo xuống đường cho Chúa đi, quân lính đã lột áo Chúa. Thay vì trải cành cây xuống đường, họ đặt cây thập giá lên vai Chúa và đóng đinh Ngài như một tội phạm nguy hiểm. Thay vì ca tụng Chúa như một vị tiên tri, họ lên án Chúa như tên phản loạn.
Qua sự thật trần trụi đó, ta mới nghiệm thấy trên đời có nhiều đỉnh cao khác nhau :
Dân chúng muốn đưa Chúa lên đỉnh cao vinh quang trần thế, một thứ vinh quang giả tạo, nhất thời. Sau đó, cũng chính họ hạ bệ Ngài xuống một cách thảm hại. Danh vọng là đỉnh cao hư ảo mà con người thường mong mỏi đạt tới và tìm cách đưa nhau lên. Để lên tới đỉnh cao này, họ thường tìm đến những con đường trải bằng hoa thơm cỏ lạ, giữa tiếng tung hô tưng bừng.
Chúa Giêsu đã chọn cho mình đỉnh cao thập giá. Muốn lên đến đỉnh cao đó, Ngài đã trải qua con đường tự hạ. Ngay cả khi tiến vào thành Giêrusalem một cách long trọng, Ngài cũng khiêm tốn ngồi trên lưng con lừa chở đồ. Ngài không đến với mọi người trên lưng ngựa đầy dũng mãnh, trong tiếng vó ngựa dập dồn. Ngài không chứng tỏ quyền lực bằng đoàn hộ tống uy nghi. Nhưng Ngài đến như một người tôi tớ khiêm hạ “sẵn sàng đưa lưng cho kẻ đánh đòn, đưa má cho kẻ giật râu” (Bài đọc I, trích sách Isaia).
Chúa đã đến bằng con đường khổ giá, con đường tự hạ đến tột cùng : “Ngài đã huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi …, đã tự hạ mà vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá” (Bài đọc II, trích thư Philipphê). Chúa đã đến bằng con đường thương khó, con đường mà người đời chê bỏ, con đường tưởng chừng đi xuống đến tận cùng của sự bi thảm và tuyệt vọng. Tuy nhiên, con đường đó lại đưa Ngài lên cao trong sự tôn vinh của Thiên Chúa Cha.
Qua đau khổ và cái chết, Chúa Giêsu được nâng lên đỉnh cao phục sinh đầy vinh hiển. Đây mới chính là đỉnh cao đích thật mà chúng ta cần vươn tới. Nhưng ta chỉ có thể đạt được đỉnh cao này, nếu chúng ta cũng biết đi vào con đường tự hạ của Chúa. Chúng ta chỉ có thể đạt tới đỉnh cao vinh quang phục sinh, nếu chúng ta cũng đi theo con đường thập giá. Chúng ta chỉ có thể vươn lên cao tới vinh quang bất diệt, khi chúng ta “bị treo lên” cùng với Chúa.
Cha thánh Piô Năm Dấu là vị linh mục được diễm phúc Chúa cho in năm dấu thánh trên thân thể : 2 dấu đinh nơi đôi tay, 2 dấu đinh nơi đôi chân và vết thương nơi cạnh sườn. Những vết thương ấy luôn rỉ máu và làm ngài đau đớn.
Một ngày nọ, có người hỏi ngài : “Mỗi khi cha dâng lễ, có lẽ cha rất đau đớn vì phải đứng trên đôi chân bị đóng đinh ?”. Ngài trả lời : “Khi tôi dâng lễ, không phải tôi đứng trên đôi chân mình, mà tôi đang bị treo lên”.
Trong Tuần Thánh, nhất là trong Tam Nhật Vượt Qua, chúng ta có cơ hội đi lại con đường thương khó của Chúa, được hiệp thông với sự đau khổ của Ngài, được nhận ra Ngài thương chúng ta biết bao khi chịu chết vì chúng ta. Chúng ta hãy sẵn sàng “bị treo lên” thập giá cùng với Ngài, giữa đớn đau khổ cực đời thường. Chỉ khi nào ta “bị treo lên”, ta mới vươn lên tới đỉnh vinh quang đời đời.
Một con dơi bình thường không thể bay lên từ những nơi bằng phẳng. Nếu ở trên một mặt bằng, tất cả những gì nó có thể làm là lê chân một cách bơ vơ, đau đớn cho đến khi tìm được một chỗ cao, cho nó tự ném mình vào không trung. Sau đó, ngay lập tức, con dơi sẽ bay vút đi như một tia chớp. Vì thế, để sống và tồn tại, nó luôn tìm cách tự treo mình ở những nơi cao.
Để bay vút lên đỉnh cao vinh hiển của sự phục sinh, chúng ta cũng phải luôn “tự treo mình” trên đỉnh cao thập giá hằng ngày.