Nhà văn Pháp Charles Perrault đã viết cuốn “Truyện Thần Tiên” (Contes de Fées) rất nổi tiếng. Trong cuốn sách ấy có câu chuyện sau đây :
Ngày xưa, có nàng công chúa xinh đẹp mắc phải lời nguyền của một bà tiên độc ác : ngày nào nàng bị mũi kim quay sợi đâm vào tay, ngày ấy nàng sẽ chết. Nhưng một bà tiên nhân hậu kia vì thương nàng công chúa, đã hóa giải lời nguyền ấy, để nàng không phải chết mà chỉ ngủ một giấc ngủ trăm năm, cho đến khi có một hoàng tử đến đánh thức nàng dậy.
Vua cha liền ra lệnh cấm dân trong nước không được quay sợi, để tránh cho công chúa khỏi chết. Nhưng trớ trêu thay, một hôm công chúa đi thăm một tòa lâu đài cổ. Tại đây có một bà cụ già đang ngồi quay sợi. Vì già nua, lại không đi đến đâu, nên không biết lệnh cấm của nhà vua. Vì tò mò, công chúa thử quay sợi, không may mũi kim đâm vào tay, nàng liền ngã xuống đất và chìm vào giấc ngủ mê man. Công chúa được đặt vào một căn phòng lộng lẫy trong tòa lâu đài. Rồi mọi sự chìm trong quên lãng…
Một trăm năm sau, có vị hoàng tử đi săn ngang qua tòa lâu đài. Nghe biết câu chuyện về nàng công chúa đang ngủ, chàng đã vào lâu đài, cầm tay công chúa để đánh thức nàng dậy. Sau đó, hai người đã kết duyên và sống bên nhau thật hạnh phúc.
Hôm nay, trong bài Tin Mừng theo thánh Gioan, khi nghe tin Lazarô, em của cô Matta và Maria, đang đau nặng, Chúa Giêsu nói với các môn đệ : “Lazarô đang ngủ, chúng ta đi đánh thức anh dậy”. Thật ra, Lazarô đã chết và Chúa muốn ám chỉ cái chết giống như một “giấc ngủ” mà chính Ngài là người đi “đánh thức” kẻ chết sống lại.
Qua phép lạ Chúa Giêsu làm cho Lazarô sống lại, có nhiều điều đáng cho chúng ta suy nghĩ :
Thức dậy từ giấc ngủ của sự chết.
– Chúa Giêsu đã ám chỉ cái chết của Lazarô giống như “giấc ngủ” và Chúa sẽ đánh thức anh dậy. Như thế, Chúa muốn khẳng định với các môn đệ Chúa có thể chiến thắng thần chết một cách dễ dàng. Chúa phục sinh kẻ chết giống như Chúa đánh thức một người đang say ngủ.
– Hơn nữa, tại sao Chúa cho Lazarô sống lại khi biết rằng sau đó, anh cũng phải chết ? Phải chăng việc làm của Chúa là vô ích ?
Thực sự, Chúa muốn chứng tỏ quyền năng của Ngài trên sự chết và muốn tiên báo mầu nhiệm vượt qua sẽ được thực hiện nơi bản thân Ngài : từ cõi chết, Ngài bước vào cõi sống trong ánh sáng Phục Sinh vinh hiển. Vì thế, khi gọi Lazarô chỗi dậy để trở về với cuộc sống, Ngài muốn xác định Ngài chính là “sự sống lại và là sự sống”.
– Khi Chúa Giêsu “đánh thức” Lazarô dậy từ giấc ngủ của sự chết, Ngài cũng còn muốn xác định “xác loài người ngày sau sẽ sống lại” như lời tiên tri Đaniel : “Trong thời kỳ ấy,… nhiều kẻ an giấc trong bụi đất, sẽ chỗi dậy : có người sẽ được hưởng phúc trường sinh, có kẻ phải tủi nhục muôn đời…” (Đn 12, 2).
Như thế, chết luôn là định mệnh tất yếu của con người chúng ta. Tuy nhiên, trong bóng tối sự chết, Chúa Kitô là ánh sáng bừng lên xua tan đêm dài u tối. Ngài là ánh sáng của niềm tin, niềm vui và hy vọng.
– Bài đọc I, trích sách tiên tri Êzêkiel, thuật lại việc dân Israel sống trong tâm trạng chán chường tuyệt vọng giữa cuộc lưu đày bên Babilon. Thiên Chúa đã an ủi họ, đã đem họ lên khỏi “nấm mồ” của sự tuyệt vọng và cho họ được hồi hương về Israel.
Cũng vậy, Chúa cho Lazarô bước ra khỏi ngôi mộ của sự chết, để đưa anh trở về với sự sống. Hôm nay, Chúa cũng mở cửa “nấm mồ” đang chôn vùi chúng ta trong tội lỗi và thất vọng, để đưa chúng ta trở về với sự sống và tình thương của Ngài.
Thức dậy từ giấc ngủ của tội lỗi.
Qua phép lạ Chúa cho Lazarô sống lại từ cõi chết, chúng ta còn nghiệm thấy rằng :
– Chúa đã đánh thức niềm tin nơi cô Matta và Maria. Vì Chúa đến chậm, nên Lazarô đã chết. Cô Matta và Maria vì yếu lòng tin, đã trách móc Chúa : “Nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết”. Chúa Giêsu đã vực dậy niềm tin yếu kém trong lòng hai chị em : “Thầy là sự sống lại và là sự sống, ai tin Thầy, dù có chết cũng sẽ được sống và ai sống mà tin Thầy, sẽ không chết bao giờ”. Và Chúa đã hỏi : “Con có tin điều đó không ?”. Matta đã biểu lộ lòng tin một cách mạnh mẽ : “Vâng, con tin Thầy là Đấng Kitô”. Chúa đã đem lại niềm tin cho những tâm hồn đang hoài nghi và bất tín.
– Chúa đánh thức niềm vui giữa cảnh u buồn tang tóc. Khi Chúa đến, Lazarô đã được mai táng trong mồ bốn ngày. Trước nấm mồ người chết là những giọt nước mắt đau thương, những lời than van nức nở. Nhưng khi Chúa đánh thức kẻ chết sống lại, Ngài cũng đánh thức niềm vui trong những tâm hồn đang buồn sầu khổ đau. Chúa là ánh sáng của niềm vui chiếu soi vào những tâm hồn đang tràn ngập âu lo sầu khổ.
– Chúa đánh thức niềm hy vọng nơi những con người đang buông xuôi trước những nghịch cảnh. Khi Chúa đánh thức Lazarô chỗi dậy bước ra khỏi mồ, Ngài cũng đánh thức niềm hy vọng nơi những tâm hồn đang tuyệt vọng. Chúa cởi mở sợi dây tử thần đang trói chặt tay chân kẻ chết, Ngài cũng muốn giải thoát những tâm hồn đang bị nỗi thất vọng bủa vây. Ngài đem lại tia sáng hy vọng cho những người đang đi vào ngõ cụt cuộc đời. Đến nỗi, khi chứng kiến những việc Chúa làm, người Do Thái đã tin vào Ngài.
Nếu ngày xưa, đứng trước ngôi mộ của Lazarô, Chúa đã kêu gọi : “Lazarô, hãy bước ra !”, thì ngày nay, Chúa vẫn tiếp tục lên tiếng gọi chúng ta bước ra khỏi nấm mồ của cuộc sống trần gian. Ngài vẫn tiếp tục đánh thức chúng ta chỗi dậy từ những cơn mê ngủ của tội lỗi, những giấc ngủ say sưa trong đam mê dục vọng, trong những ham muốn tiền tài vật chất. Chúa vẫn gọi chúng ta bằng những lời thì thầm yêu thương. Nhưng đáng tiếc thay, có thể chúng ta không nghe được lời mời gọi của Chúa, vì đôi tai chúng ta đã để cho những xao động của cuộc sống lấn át đi.
Ngày kia, có bác nông dân từ thôn quê lên thăm người bạn ở thành phố. Người bạn dẫn bác nông dân đi dạo phố. Đang đi, bỗng bác nông dân dừng lại, lắng tai nghe rồi nói với bạn : “Anh có nghe gì không ? Có tiếng chim hót đâu đây !”. Người bạn phì cười nói với bác nông dân : “Giữa phố phường ồn ào như vậy, làm sao anh nghe được tiếng chim hót ?”. Nhưng bác nông dân vẫn quyết tâm tìm cho ra tiếng chim hót từ đâu. Cuối cùng, bác đã dẫn người bạn đến ngôi nhà có bụi kiểng trước cửa và chỉ cho bạn thấy một chú chim nhỏ đang hót trong bụi cây. Người bạn rất phục bác nông dân thính tai. Nhưng bác ta nói : “Không phải tôi thính tai, nhưng vì tôi quen nghe và thích nghe tiếng chim hót nơi đồng quê. Còn các anh thì quen nghe và thích nghe những tiếng động khác”.
Để chứng tỏ điều ấy, bác nông dân lấy ra một đồng xu và ném xuống mặt đường. Tiếng leng keng của đồng xu đã khiến cho nhiều người đi đường quay lại nhìn.
Cúi xuống lượm đồng tiền lên, bác nông dân nói : “Giữa tiếng ồn ào của đường phố, các anh vẫn nghe thấy tiếng đồng xu, vì các anh quen nghe và thích nghe tiếng động của đồng tiền”.
Có thể chúng ta cũng quen nghe và thích nghe tiếng động của đồng tiền và những âm thanh của cuộc sống bon chen, nên không nghe được tiếng gọi của Chúa như tiếng chim hót dịu dàng, đang đánh thức chúng ta tỉnh dậy từ cơn mê ngủ của đời sống tội lỗi.
Vậy, trong mùa chay này, chúng ta hãy thức tỉnh đón nhận lời Chúa và đứng dậy để trở về với Ngài là sự sống và tình yêu của chúng ta.