Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng Chúng Ta
Hằng năm, khi gần đến ngày lễ Giáng Sinh, tâm hồn mọi người đều dâng trào một cảm xúc nôn nao khó diễn tả. Có nhiều điều đã góp phần làm nên cảm xúc đó : trời se lạnh, những tấm thiệp chúc mừng giáng sinh, những bài thánh ca, những hang đá xinh xinh. Nhất là người ta nghe nhắc nhiều đến những từ ngữ quen thuộc : lễ Giáng Sinh, lễ Noel, người tín hữu thì gọi là lễ Giáng Sinh, những người khác, kể cả những người ngoại giáo thì gọi là ngày Noel. Thật ra, chữ Noel không được phụng vụ mùa vọng và giáng sinh xử dụng, nhưng là từ ngữ gần với tên Chúa nhất. Noel xuất phát từ chữ Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, mà phụng vụ Chúa Nhật thứ 4 mùa vọng hôm nay nhắc đến.
Emmanuel diễn tả một Thiên Chúa thật cao cả, nhưng cũng thật gần gũi với con người. Một Thiên Chúa thật lớn và cũng thật nhỏ.
Ông Collins là một học giả vô thần chống lại đạo Chúa. Một hôm, ông gặp một bác nông dân với dáng vẻ quê mùa đang trên đường đến nhà thờ. Ông hỏi bác nông dân :
– Này bác, bác đi đâu thế ?
Bác nông dân trả lời :
– Tôi đi nhà thờ.
– Đi nhà thờ làm gì ?
Bác nông dân trả lời một cách đơn giản :
– Để thờ phượng Thiên Chúa.
Ông Collins hỏi một cách mỉa mai :
– Vậy, Thiên Chúa của bác lớn hay nhỏ ?
– Thưa ông, Ngài rất lớn, lớn đến nỗi các tầng trời không thể chứa đựng được. Nhưng Ngài cũng rất nhỏ, nhỏ đến nỗi Ngài có thể ở trong trái tim tôi.
Sau này, ông Collins thú nhận : câu trả lời đơn sơ nhưng sâu sắc của bác nông dân đã ảnh hưởng đến tâm trí của ông hơn tất cả các bộ sách thần học cao siêu. Chính câu trả lời ấy cũng diễn tả đầy đủ tên gọi Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ngài là Thiên Chúa cao cả nhưng đã trở thành nhỏ bé để ở cùng chúng ta.
Emmanuel, quà tặng cho con người
Ngày xưa, khi vương quốc Giuđa đang bị đế quốc Assyria đe dọa, tiên tri Isaia khuyên vua Achaz vững tin vào Thiên Chúa. Nhưng vua Achaz hoài nghi và sợ hãi. Để củng cố niềm tin của Achaz, Isaia cho nhà vua một dấu chỉ : “Này đây một “trinh nữ ” sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
Lời tiên tri này trước tiên đã thành hiện thực trong hoàn cảnh vua Achaz : Quả thực, sau đó hoàng hậu vợ vua Achaz đã thụ thai và sinh cho nhà vua một thái tử. Việc sinh hạ thái tử là dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa sẵn sàng phù hộ cho vua Achaz, nếu ông thực tâm trông cậy vào Ngài (Bài đọc I).
Về sau, người ta hiểu rộng hơn và coi đây là lời tiên tri về Đấng Messia sẽ đến. Người ta còn tin rằng Đấng Messia ấy sẽ do một trinh nữ sinh ra. Vì thế, trong bản văn Hy Lạp, người ta mới dùng chữ “trinh nữ ” để dịch chữ “thiếu nữ” trong tiếng Do Thái chỉ hoàng hậu vợ vua Achaz.
Đấng Emmanuel không những là dấu chỉ tình yêu dành cho nhân loại đang sa lầy trong tội lỗi, nhưng còn là quà tặng được trao ban cho loài người giữa lúc tuyệt vọng. Không có quà tặng nào quý giá bằng quà tặng là chính bản thân được trao hiến.
Vì thế, trong mùa vọng, chúng ta mong chờ Chúa Giêsu đến. Ngài mang đến cho chúng ta một điều cao quý không thể ngờ được : Ngài mang đến cho chúng ta chính bản thân Ngài. Ngài trở thành một món quà được “tặng không” cho chúng ta.
Món quà ấy không phải là một vật kỷ niệm vô tri vô giác, nhưng là một thực thể sống động. Món quà ấy thật cao vời, nhưng lại vừa tầm tay con người. Món quà ấy chính là “Thiên Chúa làm người”, là Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
Emmanuel, Tin Mừng cho nhân loại
Tin Mừng luôn đi đôi với hoài bão, ước mong. Chỉ là Tin Mừng khi tin ấy đem lại điều mà người ta ước mơ và trông đợi.
Tin Mừng luôn được mọi người mong đợi. Người tù mong tin mừng được giải thoát. Kẻ nô lệ mong tin mừng được tự do. Người lính chiến mong tin mừng hòa bình.
Thánh Phaolô nói với tín hữu Roma rằng ngài đem đến cho họ một Tin Mừng. Đó là Tin Mừng được Thiên Chúa hứa trước qua lời các tiên tri trong Kinh Thánh. Tin Mừng ấy là Thiên Chúa ban Con của Người cho loài người. Dân thành Roma đã hân hoan đón nhận Tin Mừng ấy vì đó là điều họ đang mong đợi (Bài đọc II).
Bài Tin Mừng theo thánh Matthêu hôm nay trình bày cuộc hành trình đức tin đầy thử thách của thánh Giuse. Khi thấy Mẹ Maria thụ thai trước khi chung sống với nhau, thánh Giuse đã hoang mang định lìa bỏ Mẹ một cách âm thầm. Giữa lúc tuyệt vọng định buông xuôi, thánh Giuse đã được sứ thần Thiên Chúa báo tin trong giấc mơ : Mẹ Maria thụ thai là bởi phép Chúa Thánh Thần và con trẻ sinh ra là Đấng Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Thánh Giuse đã được giải thoát khỏi bóng tối của sự hoài nghi và thất vọng.
Cuộc hành trình đức tin của thánh Giuse gợi lên cuộc hành trình đức tin của dân Do Thái, họ bước đi trong bóng tối của nghi nan và thất vọng. Ánh sáng Tin Mừng đã bừng lên khi Đấng Emmanuel xuất hiện. Ngài luôn luôn ở cùng họ và đồng hành với họ trên mọi nẻo đường.
Cuộc hành trình đức tin của thánh Giuse cũng là cuộc hành trình đức tin của chúng ta hôm nay. Trong bóng tối đầy thử thách của cuộc sống, Chúa là Đấng Emmanuel đã trở thành Tin Mừng cho chúng ta, Ngài đồng hành và ở cùng chúng ta trong mọi trạng huống cuộc đời.
Ngài trở thành tin mừng hòa bình cho một thế giới đang ngập chìm trong chiến tranh, bạo lực và khủng bố.
Ngài trở thành tin mừng giải thoát cho những tâm hồn đang bị giam cầm trong nghi nan và thất vọng.
Ngài là chính Tin Mừng cứu độ cho chúng ta, những kẻ đang lần bước đi trong cuộc lữ hành trần thế.
Chiều ngày 28/10/1958, sau khi lãnh phép lành đầu tiên của Đức Tân Giáo Hoàng Gioan XXIII, nhiều người thất vọng kêu lên : “Đức Giáo Hoàng mới già quá, 78 tuổi rồi còn làm được gì nữa !”. Nhưng, ai có ngờ đâu, trong khoảng thời gian không đầy 5 năm, biết bao cuộc canh tân đã được thực hiện trong lòng cuộc sống Vatican, cũng như trên toàn thể Giáo Hội và thế giới.
Một ngày kia, cả Vatican náo động vì nghe tin : Đức Giáo Hoàng mất tích ! Tin này được thông báo cho chính phủ Ý. Lập tức, cảnh sát được huy động tối đa đi tìm Đức Giáo Hoàng. Nhưng họ cố gắng tìm kiếm suốt ngày cũng không tìm ra bóng dáng vị Giáo Hoàng lạ lùng ấy.
Chiều tối, xe hơi chở Đức Giáo Hoàng về nhà. Ngài tươi cười chống gậy bước lên bậc cấp. Thì ra, ngài âm thầm gọi xe đi thăm một linh mục thân thiết già cả đang lâm bệnh nặng ở xa thủ đô Roma hàng trăm cây số.
Ngài đã làm một việc mà từ trước đến nay chưa có vị Giáo Hoàng nào làm : đi ra khỏi Vatican như một người bình dị để đến với mọi người và hòa mình vào cuộc sống xã hội. Ngài họa lại hình ảnh của Đấng Emmanuel để ở cùng mọi người và đồng hành với mọi người.
Giáo Hội hôm nay cũng phải là một Emmanuel. Mỗi người tín hữu cũng phải là một Emmanuel : ở giữa mọi người, để trở thành Tin Mừng cho mọi người.