Suy niệm Lời Chúa Chúa nhật 27 Thường Niên C
Đức tin và việc làm
Trích Logos năm C
Ozaman, vị sáng lập Hội Bác Ái thánh Vinhsơn, lúc 18 tuổi, từ quê lên theo học đại học Sorbonne ở Paris. Được gia đình giáo dục cẩn thận, ông rất đạo đức và chăm chỉ học hành. Nhưng tới Paris, do ảnh hưởng của bạn bè xấu, Ozaman bị khủng hoảng về đức tin. Ông thắc mắc hoài về việc có Thiên Chúa hay không ? Có đời sống bên kia cái chết hay không ? Chết rồi thì còn gì nữa? Bị dằn vặt về những tư tưởng hoài nghi đó, một buổi tối Ozaman vào nhà thờ cầu xin Chúa và Đức Mẹ cho mình được tâm hồn bình an, được lòng tin mạnh mẽ. Tối đó, ông thấy một cụ già đang qùi gần cung thánh. Ozaman tò mò lên tận nơi xem cụ già đó là ai. Thì ra cụ già đó chính là giáo sư Ampe đang lần hạt. Ampe chính là nhà toán học và vật lý nổi tiếng, nhưng ngày nào ông cũng lần hạt. Sau này Ozaman đã tự thú : “Vừa thấy như vậy, tự nhiên các hoài nghi trong tôi tan biến, tôi tin tưởng mạnh mẽ có Chúa, có linh hồn, có cõi đời bên kia. Vì một nhà bác học uyên thâm, một giáo sư lừng danh như Ampe mà còn tin có Chúa, thì tôi, con người tầm thường, sao tôi lại dám hoài nghi”.
Xin ban cho con đức tin
Sau một thời gian theo Chúa, chắc hẳn các Tông đồ còn nhiều băn khoăn, thắc mắc, không sao hiểu được, trước những lời Chúa dạy và những việc Chúa làm. Để giải tỏa tâm lý hụt hẫng, các Tông đồ đã lên tiếng : “Lạy Thầy, xin thêm đức tin cho chúng con“.
Trong cuộc sống, chúng ta dễ bị cám dỗ là Thiên Chúa luôn lắng nghe và ban cho những gì chúng ta cầu xin. Trong những lúc mà mọi sự bình an, làm ăn xuôi chảy, thì phấn khởi “tạ ơn Chúa” bằng cách này hay cách khác. Ngược lại, nếu Chúa không thực hiện những gì chúng ta đòi hỏi, nhất là những lúc “làm ơn mắc oán”, “hoạ vô đơn chí ”, thì lại thất vọng, chán nản, niềm tin chao đảo, trách Chúa không công bằng, tại sao người hiền lành lại gặp rủi ro, còn người “ác nhân ác đức“ lại được may mắn. Câu chuyện người con cả trong dụ ngôn “người Cha nhân hậu” phản ánh tâm trạng của mỗi người chúng ta. Cũng như anh con cả, ta bực tức, hờn dỗi, khi thấy Cha đối xử nhân hậu với người con hư hỏng đi hoang trở về, mà người con đó không ai khác là chính em ruột của mình, chứ có phải người xa lạ đâu. Rồi có người, thay vì cần một niềm tin vào Chúa trong những lúc này, thì lại đi tin một ông thầy bói toán, ma thuật nào đó, để rồi phải cúng quảy, phải đổi hướng nhà, phải rước thầy trừ tà … Thái độ sống đạo để tìm lợi ích kiểu trần gian vẫn còn phổ biến nhiều nơi người Kitô hữu.
Đức tin là một ân huệ Chúa ban nhưng không, để giúp ta được sống dồi dào trong tình nghĩa cha con mật thiết, đâu phải là một “dụng cụ“ để ta lập công trước mặt Chúa. Cuộc sống luôn thay đổi với những hoàn cảnh của thế gian, đức tin cũng cần được triển nở theo thời gian. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh hạt cải để minh họa sự trưởng thành đức tin. Từ một hạt giống nhỏ bé được gieo vào lòng đất, nhưng khi lớn lên, thì lớn hơn nhiều thứ cỏ cây khác và trở thành cây lớn, đến nỗi chim trời có thể đến và làm tổ trên cành nó (Mt 13, 32 ).
Đức tin và việc làm
Đức tin mỗi ngày cần được lớn mạnh, ta phải để đức tin bao trùm cả cuộc sống, không trừ một khía cạnh nào. Tin không là chấp nhận Chúa Giêsu mà thôi, tin là phải dấn thân bước theo Người, tin cậy và phó thác hoàn toàn vào Người, đặt tất cả mọi ước vọng, mọi hành động, mọi sinh hoạt đều được qui hướng về Người, như cách nói đầy thuyết phục của Thánh Phaolô : “Không ai trong chúng ta được sống cho mình và cũng không ai được chết cho mình … Dù sống, dù chết ta vẫn thuộc về Chúa, bởi lẽ Đức Kitô đã chết và đã sống, ấy là để làm Chúa kẻ sống và người chết” (Rm 14, 7-8).
Trong một thế giới mà sự giả dối là chuyện bình thường, thì sống ngay thẳng là điều cần thiết đề làm chứng cho niềm tin “Đức Kitô là Đường, là Sự thật và là Sự sống“. Trong một xã hội mà những chuẩn mực đạo đức đang bị bào mòn và suy thoái, để cho những bất công, những tệ nạn do trào lưu của nền văn minh hưởng thụ gây nên, thì thái độ quyết liệt không chiều theo đám đông, không thoả hiệp với điều xấu để tìm lợi ích cá nhân, mà phải dám đứng về phía Tin Mừng, đi ngược dòng đời để cho niềm tin vào một giá trị vĩnh cửu của nước Trời được toả sáng. “Này đây, ai không có tâm hồn ngay thẳng sẽ ngã gục, còn người công chính thì sẽ được sống, nhờ lòng thành tín của mình“ (Kb 1, 1-4). Đừng nghĩ những điều xấu đang xảy ra trước mắt, chúng ta chỉ là nạn nhân. Thực ra, trong một chừng mực nào đó, chúng ta còn là thủ phạm.
Có người thợ vẽ, vẽ cho Vua nước Tề mấy bức tranh. Vua hỏi: – Vẽ cái gì khó ? Người thợ vẽ đáp : – Vẽ chó, vẽ mèo khó. Vua hỏi : – Vẽ cái gì dễ ? Người thợ vẽ trả lời : – Vẽ ma, vẽ quỉ dễ. Vua hỏi : – Sao lại thế ? Người thợ vẽ trả lời: – Chó, mèo ai cũng trông thấy, vẽ mà không giống thì ngưới ta chê cười, cho nên khó vẽ. Ma quỉ là giống vô hình, không ai trông thấy, tuỳ ý, muốn vẽ thế nào cũng được, chẳng ai bắt bẻ“.
Chúng ta có bổn phận vẽ khuôn mặt Chúa Giêsu trong cuộc đời, Thánh Phaolô đã nhắc bảo Timôthê “Đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa“ (2Tm 8). Trước hết, làm sao chúng ta sống với Chúa trong tương quan Thiên Chúa là Cha, chúng ta được tạo dựng và được nâng lên bậc làm con, thật là hạnh phúc và là một vinh dự lớn lao. Sau nữa, trong tất cả tư tưởng, hành động, cách cư xử, làm sao để người ngoài thấy được khuôn mặt Đức Giêsu nơi con người mình, dẫu có những khó khăn thử thách. Thử nghĩ xem, nếu chúng ta không làm chứng, thì không lẽ phải đợi những người ngoài Kitô giáo, những người chưa có niềm tin, họ chưa gặp được Chúa Giêsu trong Tin Mừng, họ làm chứng như thế nào.
Ở đất Ut có gia đình ông Giop, người giàu nhất trong số những con cái ở Phương Đông. Gia tài gồm : 7 ngàn chiên dê, 3 ngàn lạc đà, 5 trăm đôi bò, 5 trăm con lừa cái và rất nhiều tôi tớ. Một hôm Satan được phép của Chúa để thử thách ông, bằng cách làm cho con cái chết, tài sản mất sạch, ông vẫn kiên vững trong niềm tin, ông nói : “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa lại ban cho, Đức Chúa lại lấy đi, xin chúc tụng danh Đức Chúa.” (G 1, 21).
Thiên Chúa lại cho phép Satan tiếp tục thử thách ông, bằng cách hành hạ thân xác ông, ông bị ung nhọt ác tính từ bàn chân cho tới đỉnh đầu, ông ngồi giữa đống tro, lấy mảnh sành mà gãi. Bấy giờ vợ ông bảo : “Ông còn đứng vững trong đường lối vẹn toàn nữa hay thôi ? Hãy nguyền rủa Thiên Chúa và chết đi cho rồi. Nhưng ông Giop đáp lại: “Cả bà cũng nói như một mụ điên. Chúng ta đón nhận điều lành từ tay Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao ? “.
Tất cả mọi sự đều do Chúa, và tất cả bổn phận chúng ta phải thi hành như người đầy tớ phải làm bằng một thái độ khiêm tốn, quảng đại, bởi xét cho cùng, chúng ta cũng chỉ là những đầy tớ vô dụng mà thôi. Noi gương Mẹ Maria, chúng ta hãy cố gắng sống tâm tình “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38 ).